1. Chuyện gì đang xảy ra trên Facebook?
Giữa tháng 9, hashtag #first_impression_challenge gây bão trên Facebook. Ngay sau đó, #drop_your_long_vs_short_hair_challenge và #countries_you_visited_challenge chiếm sóng newsfeed người dùng. Đây là các thử thách do Facebook khởi xướng. Để tham gia challenge trên điện thoại, bạn chỉ cần nhấn vào nút “Try it” được đặt cạnh các hashtag.
Các thử thách này đang được hàng triệu người tham gia.
2. Vì sao chúng ta thích tham gia những thử thách này?
Các thử thách được ưa chuộng vì dễ thực hiện và đều tạo cơ hội để người dùng nói về mình. Khi nói chuyện ngoài đời, chúng ta chỉ có 30-40% cơ hội kể về bản thân. Còn trên mạng, con số này lên tới 80%.
Việc nói về chính mình khiến não bộ con người cảm thấy thích thú, tựa được ăn món ngon hoặc như đang được sử dụng chất kích thích. Nói chuyện về bản thân có thể gây nghiện.
Với những người ngại chia sẻ về bản thân, các thử thách này là cơ hội để họ cởi mở hơn.
3. Mục đích của chuỗi challenge này là gì?
Rất có thể Facebook đang thúc đẩy người dùng sử dụng hashtag - một tính năng vốn bị “ngó lơ” từ lâu.
Hashtag của Instagram có thể dùng để theo dõi và cập nhật thông tin trên một từ khóa. Hashtag của Twitter có thể giúp khám phá những tin tức nổi bật.
Trong khi đó, hashtag của Facebook hạn chế hơn, chỉ có thể giúp người dùng tìm thông tin về một nội dung cụ thể. Tìm kiếm một hashtag trên Facebook, các nội dung hiện ra khá lung tung, cũng không dễ kiểm tra số lượng người đang nói về nó.
4. Vì sao ta thích dùng hashtag?
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1988, hashtag dùng để nhóm các nội dung liên quan trên Internet. Năm 2007, Twitter giới thiệu nút “#”. Với khả năng cập nhật thông tin dễ dàng, hashtag được người nổi tiếng các kênh như Twitter và Instagram liên tục sử dụng để tăng độ nhận diện. Người dùng thông thường ngoài việc “đu” theo đăng hashtag do hiệu ứng người nổi tiếng, còn sử dụng nó để bộc lộ cảm xúc, bày tỏ sự thú vị và chứng tỏ sự thời thượng của bản thân.
5. Hashtag giúp mạng xã hội kiếm tiền như thế nào?
Khi một chiến dịch diễn ra, hashtag không chỉ giúp nhãn hàng tăng độ phủ sóng của thương hiệu, mà còn dễ kiểm tra số liệu về độ hot của mình.
TikTok là nơi đi đầu trong việc kiếm lợi nhuận bằng việc bán hashtag. Khi thương hiệu có một hashtag cần được biết đến, TikTok sẽ yêu cầu các influencers (người có ảnh hưởng) dùng hashtag đó trong các video. Sau đó, thuật toán của nền tảng này sẽ giúp nội dung có hashtag đó luôn hiện trên newsfeed người dùng.
Có thể việc phát triển hashtag của Facebook thời điểm này là để tiến đến việc rao bán các hashtag, như TikTok, trong tương lai.
6. Cuộc chiến giành thị phần của mạng xã hội sẽ thế nào?
Gói truyền thông đi kèm việc thúc đẩy hashtag cho các nhãn hàng đang được TikTok rao bán với giá 54,000USD. Những thương hiệu lớn đều đang trong danh sách chờ vì có quá nhiều đơn đặt hàng. TikTok mới chỉ có gần 900 triệu người dùng, trong khi Facebook có hơn 2 tỷ người sử dụng. Lợi nhuận từ việc bán hashtag của Facebook sẽ vô cùng lớn.
“Nếu bạn không phải trả tiền cho sản phẩm, bạn là sản phẩm”. Số tiền phải trả cho một hashtag không phải là thứ người dùng thông thường cần quan tâm. Nhưng mọi tính năng “có vẻ thú vị” trên các nền tảng đều chỉ có một mục đích: liên tục “quyến rũ” chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội, để bấm, và mua.
7. Facebook đang làm gì để cải thiện hashtag?
Nút “Try it” đặt kế hashtag khiến người dùng khi tham gia không cần phải viết lại những hashtag dài, khó nhớ. Việc này kích thích họ sử dụng chúng hơn. Thêm vào đó, không còn hiện tượng hashtag bị viết sai cách. “Try it” chỉ mới được thử nghiệm trên các challenge ở điện thoại, vì hơn 79% lượng người sử dụng Facebook trên điện thoại.
Sắp tới, các challenge sẽ đổ bộ Facebook Group, nơi luôn đảm bảo lượt tương tác cao, nhằm tăng độ sử dụng và lượt bấm vào hashtag.