50/40/10: Công thức đảm bảo vị trí chính thức cho mình sau kỳ thử việc

Kinh nghiệm thử việc thực tế từ một người đã được nhận vào chính thức sớm hơn thời gian quy định 1 tháng.

Hà Nguyễn
Nguồn: Shutterstock.

Nguồn: Shutterstock.

Sau khi vượt qua kỳ thử việc và được nhận vào chính thức chỉ sau 1 tháng (ít hơn so với dự kiến), mình đã ngẫm lại lý do giúp bản thân nhanh chóng ghi điểm và nhận được sự tin tưởng từ quản lý. Và đây là công thức được rút ra sau đó:

50% Cho thái độ, 40% cho năng lực và 10% cho khả năng hòa nhập.

Mình đã ngồi cùng sếp để đánh giá lại công thức này và nhận được sự đồng tình từ cấp trên. Vì thế mình xin chia sẻ lại kinh nghiệm này để bạn cũng có thể thử việc hiệu quả và nhận được công việc mình mong muốn, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này.

1. Thái độ tốt quyết định đến 50% kết quả thử việc

Mình tin rằng biểu hiện, hành vi tốt trước hết bắt đầu từ một thái độ tốt. Vì vậy, mình đã luôn không ngừng tự nhắc nhở bản thân phải duy trì và thể hiện một thái độ tích cực. 

Thế thì thái độ tích cực bao gồm những gì? Theo mình thì nó là 4 yếu tố: tôn trọng, trách nhiệm, trung thực và chủ động. Cụ thể đây là những nguyên tắc mình đặt ra để luôn tuân thủ các yếu tố này:

  • Sẵn sàng tiếp thu những hướng dẫn, góp ý và luôn dành sự công nhận (một cách khách quan) với ý kiến hay sản phẩm của mọi người.
  • Không dừng lại ở mức “hoàn thành công việc" mà là hoàn thành theo cách tốt nhất. Nếu cần thiết, mình sẽ làm thêm giờ để có thời gian nghiên cứu kỹ hơn dự án, nhằm tìm ra cách thực hiện tối ưu hơn.
  • Không cố gắng thể hiện nhiều hơn năng lực thực tế, cũng không phóng đại về kết quả công việc hay quá “thảo mai" trong giao tiếp thường ngày với mọi người, vì về lâu dài sẽ luôn lãnh kết quả tiêu cực. 
  • Dành thời gian quan sát khối lượng công việc của nhóm và mạnh dạn đề nghị hỗ trợ với những phần việc đang quá tải hay còn thiếu, nếu năng lực cho phép.

2. 40% Sự thành công của kỳ thử việc nằm ở năng lực

Trước khi bắt đầu thử việc, mình đã xin lời khuyên của một người chị làm Nhân sự có kinh nghiệm để xác định 2 tiêu chí đánh giá chính cho năng lực:

  • Khả năng nâng cao năng lực - học hỏi và rèn luyện
  • Năng lực thực tế - thể hiện qua kết quả làm việc

Thông thường, trong 1 tháng thử việc, thường 2 tuần đầu sẽ dành cho việc huấn luyện chuyên sâu và thời gian tiếp theo sẽ để bạn bắt tay vào công việc thực tế.

Vì thế trong 2 tuần đầu, mình tập trung cho việc học hỏi và rèn luyện. Mình ưu tiên thành thục những kỹ năng và công cụ làm việc trước. Song song đó, sẽ tìm hiểu về văn hóa đặc thù của phòng ban và công ty trong những thời gian trống.

Mình chọn xin lời khuyên của anh chị trong phòng về lộ trình học tập cho các vấn đề liên quan đến chuyên môn và luôn ghi nhớ chủ động tìm hiểu trước rồi mới đặt câu hỏi, để hạn chế tối đa gây phiền nhiễu cho họ.

Còn về văn hoá hay môi trường làm việc thì mình tế nhị hơn trong việc chọn người trao đổi. Do không có Mentor (người hướng dẫn), nên mình tìm đến những người cởi mở và thân thiện nhất phòng để hỏi. Và sẽ ưu tiên những người tầm tuổi mình do họ dễ dàng đồng cảm hơn vì cũng trải qua giai đoạn làm quen chưa lâu. 

Trong trường hợp có Mentor, bạn hoàn toàn có thể thoải mái hỏi họ về mọi vấn đề, cả về chuyên môn lẫn văn hóa.

2 Tuần sau dùng để chứng minh năng lực, mình đã tập trung vào những điều này để cấp trên cùng đồng nghiệp có thể lập tức thấy được sự tiến bộ: 

  • Áp dụng ngay những kiến thức đã được đào tạo vào thực tế công việc.
  • Ưu tiên những công việc deadline (hạn hoàn thành) ngắn để sếp có thể nhìn thấy hiệu quả làm việc của mình sớm hơn.
  • Cố gắng nhìn ra những trách nhiệm chính mà lãnh đạo đặt ra cho vị trí này và đảm bảo hoàn thành chúng thật tốt.

3. 10% Cuối cùng dành cho sự hòa nhập với môi trường công ty

Ngoài thái độ và kỹ năng làm việc, khả năng hoà nhập với văn hoá công ty cũng là một trong những yếu tố quan trọng để công ty quyết định có nên gắn bó với bạn trong dài hạn không. 

Để trở thành một phần của tập thể, “thần chú” của mình là 2C - Cởi mở và Chân thành. Cụ thể là:

  • Chủ động làm quen và giới thiệu về bản thân, sau đó dành thời gian tìm hiểu về những người đồng nghiệp của mình để tìm ra điểm chung. 
  • Lắng nghe những chủ đề mà họ thường thảo luận và quan sát tần suất cùng hình thức họ kết nối (như cách họ dùng bữa trưa thế nào - gọi đồ ngoài hay mang cơm hộp...) để giúp mình làm quen với họ tự nhiên hơn. 
  • Không cố gắng thể hiện những gì trái với suy nghĩ và con người mình vì mình tin rằng khi xây dựng mối quan hệ dựa trên sự chân thành, bạn sẽ nhận được điều tương tự. 

Kết

Cuối tháng đầu tiên thử việc, dù không được yêu cầu, mình đã tự làm 1 bản “Reflect & Review” (tự đánh giá và nhận xét) với trưởng nhóm (leader) trực tiếp để nhìn lại quá trình làm quen công việc vừa qua. Từ đó, tìm ra những điểm tốt, vấn đề gặp phải và rút ra bài học cho mình. 

Qua đây mình và leader đều có thể đánh giá được bản thân mình còn cách vị trí chính thức bao xa, hay mình đã sẵn sàng với vị trí đó chưa. Và cũng chính bởi hoạt động này, mình nhận được sự công nhận từ sếp ở sự nghiêm túc với công việc cùng với nỗ lực để tiến bộ. 

Đây có thể coi là một “cú chốt hạ" giúp mình hoàn thành kỳ thử việc trước 1 tháng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục