Bí quyết hẹn hò dựa trên thuyết trao đổi xã hội
Thuyết trao đổi xã hội (Social exchange theory) là thuyết tâm lý học được áp dụng trong bối cảnh về các mối quan hệ. Cùng áp dụng chúng vào chuyện hẹn hò nhé.
Từ xưa đến nay, tình yêu vẫn luôn là một phạm trù nhiều tranh cãi. Liệu bạn nên biến mình trở nên hấp dẫn theo cách mà người khác mong muốn, hay tìm kiếm mối quan hệ theo mong muốn của mình? Tình yêu đôi lứa vô điều kiện thật ra là điều lành mạnh hay độc hại? Nó có thực tế không, hay là điều chỉ tồn tại trong phim ảnh?
Tuy vẫn chưa thể đưa ra một câu trả lời khẳng định, nhưng các chuyên gia vẫn luôn cố gắng giải đáp từng phần trong những nan đề về tình yêu. Những thông tin này không phải để chúng ta rập khuôn nghe theo, mà để tham khảo và chọn lọc phù hợp cho tình huống của mình. Và một trong số những lời giải đó là "Thuyết trao đổi xã hội" (Social exchange theory), cho rằng chúng ta yêu thương cũng dựa trên cơ sở được mất.
Thuyết trao đổi xã hội là gì?
Thuyết trao đổi xã hội (Social exchange theory) là một trong những mô hình tâm lý học xã hội giải thích cách con người hình thành, duy trì và chấm dứt các mối quan hệ xã hội. (Theo Sciencedirect)
Chi tiết hơn, thuyết này nghiên cứu dựa trên những rủi ro và quyền lợi trong việc trao đổi một số lợi ích và giá trị nhất định. Kết quả của những hành vi này được chia ra hai loại: lợi ích kinh tế và xã hội.
Là một lợi ích xã hội, tình yêu biểu tượng cho những ý nghĩa vượt lên giá trị vật chất. Nghiên cứu của Cropanzano và Mitchell cho rằng, khác với sự trao đổi thuần về tiền bạc, sự trao đổi trong các mối quan hệ thân thiết giữa người với người có thể tạo ra những cảm xúc, sự biết ơn và lòng tin. Việc cho đi hay nhận lại không thể mặc cả và cũng không có một con số cụ thể nào.
Cropanzano và Mitchell có nhắc tới 6 nguồn trao đổi bao gồm: tình yêu, địa vị, tiền bạc, thông tin, hàng hóa và dịch vụ. Những nguồn này được phân thành hai nhóm là tính cụ thể (particularism) và tính hiện hữu (concreteness). Với tình yêu, đó là một nguồn trao đổi cực kì cụ thể, đặc biệt là mang tính cá nhân và thay đổi tùy theo góc nhìn mỗi người.
Hẹn hò theo thuyết trao đổi xã hội?
Tình cảm vốn dĩ phức tạp nhưng là điều mà con người tìm kiếm để lấp đầy khoảng trống. Sự tương tác, trao đổi, quan tâm, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm trong một mối quan hệ giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn.
Theo thuyết trao đổi xã hội, sự ổn định trong mối quan hệ tình cảm được quyết định dựa trên các khía cạnh:
- Tỉ lệ đánh đổi so với lợi ích: Sự cân bằng giữa những gì phải đánh đổi với những gì đạt được.
- Mức độ hài lòng: Kết quả so với mong đợi ra sao?
- Mức độ độc lập: Khả năng có một mối quan hệ tốt hơn với người khác.
Dựa trên những điểm trên, sau đây là những điều cần cân nhắc để giúp bạn duy trì một mối quan hệ ý nghĩa với nửa kia.
1. Cùng cho đi và nhận lại
Thuyết trao đổi xã hội dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Lợi ích cả đôi bên là khi hai người đều cảm thấy an toàn, vui vẻ và được tôn trọng khi bên nhau. Bạn thấy vui khi khiến người đó vui, và điều đó cũng có nghĩa bạn đang sống cho chính mình. Vì thế, một tình yêu bền vững là khi cả hai tạo không gian để lắng nghe và được lắng nghe, giúp đỡ và được giúp đỡ trên cơ sở tự nguyện.
2. Hiểu rõ chính mình
Đôi khi tình yêu đứng ngoài phạm trù của logic và có thể đến bất kì lúc nào. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn mặc nó tự đến tự đi và không cần chuẩn bị gì cả. Trái với việc đặt ra chuẩn mực và nghiêm khắc tuân theo, hoặc nhất mực tìm kiếm một "hình mẫu hoàn hảo", việc chuẩn bị cho tình yêu nên bắt đầu từ thế giới nội tâm của mỗi người.
Theo một thống kê của AI dựa trên mối quan hệ của hơn 11.000 cặp đôi trên khắp thế giới, có 10 yếu tố hình thành một mối quan hệ bền vững. Trong số đó, đa phần đều bắt nguồn từ thế giới nội tâm của mỗi người.
Trước tiên hãy tự hỏi mình như thế nào và mong muốn điều gì. Bạn muốn được yêu theo kiểu nào? Niềm tin và giá trị bạn theo đuổi là gì? Bạn đã biết cách tự chăm lo cho mình chưa? Thế giới nội tâm là một vùng đất rộng lớn đến mức có thể cả đời này bạn cũng không thể khám phá hết, thế nhưng cũng là nơi dạy bạn rất nhiều điều, kể cả việc yêu.
3. Yêu thương một người cũng là yêu thương chính mình
Trong một mối quan hệ tình cảm, khó có thể cắt nghĩa cụ thể lý do chúng ta thích một người giữa rất nhiều người khác. Còn dưới góc độ thuyết xã hội học, con người tương tác với nhau khi thấy những giá trị có thể “trao đổi”. Mỗi chúng ta đều là một phiên bản riêng biệt (authentic version), và chính điều đó tạo nên giá trị “trao đổi” của riêng mỗi người.
Vì vậy, hãy trân trọng, yêu thương tất thảy con người mình và tìm kiếm một người yêu thương mình vì những điều đó. Đừng cố gắng thay đổi giá trị của mình và cũng không nên duy trì mối quan hệ chỉ để làm hài lòng người khác.
4. Lắng nghe lí trí
Xây dựng tình cảm lâu dài đồng nghĩa với việc bạn cùng đi qua những khó khăn, cãi vã, xung đột. Thuyết trao đổi xã hội cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh lợi ích, rủi ro cũng là phương diện bạn cần cân nhắc. Trong vô vàn rủi ro của một mối quan hệ, rủi ro lớn nhất là khi bạn hy sinh bản thân mình và mắc kẹt trong một mối quan hệ thiếu lành mạnh.
Khi bạn cho đi quá nhiều nhưng nhận lại quá ít, cảm thấy gánh nặng, mệt mỏi vì người đó quá phụ thuộc vào bạn, cảm thấy không còn thời gian dành riêng cho bản thân, đó là khi lí trí cần thiết. Bạn cần nhìn nhận lại thật khách quan rằng liệu đó có phải là mối quan hệ bạn thực sự cảm thấy an toàn, được tôn trọng, yêu thương và hạnh phúc hay không.
Kết
Tình yêu là một trường hợp rất cá nhân, phức tạp và khó nắm bắt của thuyết trao đổi xã hội. Con người đến với nhau trước hết là để yêu thương bản thân và nhân rộng tình yêu đó với người mang lại giá trị mà cả hai cùng tìm kiếm. Bạn cứ tự nhiên bước vào một mối quan hệ và nếu nó không cân bằng cho cả hai, hãy vững vàng bước ra nhé.