6 Cuốn sách mỏng đọc trong những chiều giãn cách

Thế giới trong những cuốn sách này rộng lớn, đến mức, có thể choán hết những buồn bã và cô đơn trong lòng bạn.
Phan Chung
Nguồn: Hà Trâm cho Vietcetera.

Nguồn: Hà Trâm cho Vietcetera.

Sài Gòn lại bước vào đợt giãn cách mới. Tôi may mắn sinh sống trong vùng xanh, nhưng mỗi khi nhìn qua cửa sổ không một âm thanh phố phường, cảm giác cô đơn và bí bách lại dâng lên. Đó có thể là hậu quả của hội chứng long covid hoặc cabin fever suốt hơn 2 tháng làm việc ở nhà.

Sách vở luôn là thứ “cứu rỗi" những lúc tôi cảm thấy nhàm chán. Với tay lên giá sách, tôi chọn ra những quyển mỏng nhất (từ 100 - 150 trang khổ nhỏ) để đọc, như một cách để thoát khỏi thực tại. Trong 2-3 giờ đồng hồ, tôi có thể chìm đắm hoàn toàn trong thế giới khác biệt trong những cuốn sách mình đọc.

Dù ra đời từ thế kỷ đầu XX hay độ 10 năm trước, những cuốn sách có vẻ ngoài mỏng và nhẹ này vẫn lay động độc giả. Taliban lên nắm quyền Afghanistan; những đứa trẻ cùng cha mẹ vất vả về quê lánh dịch, sự xa lạ và biến mất, tình yêu và sự phi lý, sự yên tĩnh của nỗi cô đơn… đều phản chiếu qua những tác phẩm này.

Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra - Oriana Fallaci

"Đêm qua ta biết là con tồn tại: một giọt sống thoát thai từ hư vô.”, Oriana Fallaci bắt đầu Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra bằng dự cảm như thế. Nhưng câu văn này cũng ngầm báo về sự hư không của kiếp sống, của một con người chưa thành hình.

Dõi theo hành trình, tác giả Oriana Fallaci đưa ra lời độc thoại đối chất về sinh mạng, về một thế giới phụ quyền và về quyền làm mẹ. Những trang viết tràn ứ hiện thực, khi lấp lánh niềm vui khi thì ngập tràn nỗi sợ và sự cô đơn.

Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra ngoài tính văn chương còn là một tác phẩm báo xuất sắc. Bản thân, Oriana Fallaci là một người làm báo và bà đã vận dụng ngôn ngữ báo chí một cách chuẩn xác và hài hòa; tạo nên văn phong đầy khác biệt.

Nếu bạn thích những cuốn sách ấm lòng, Hoàng Tử Bé, Oscar và bà áo hồng hoặc Những lá thư không gửi sẽ là lựa chọn không tồi. Nhưng nếu bạn muốn khám phá nhiều hơn thế, để tri ân tình mẫu tử và cảm ơn sự sống, cuốn sách này là thứ bạn cần.

Hóa thân - Franz Kafka

Hóa Thân của Franz Kafka có thể tóm tắt trong vòng vài ba câu ngắn gọn như thế này: Gregor Samsa làm nghề bán hàng rất chăm chỉ, sống cùng gia đình. Vào một sáng thức dậy, anh thấy mình biến thành một con bọ khổng lồ.

Câu chuyện ngỡ chẳng có gì, dù hơi phi lý đấy: Làm sao một con người có thể biến thành một con bọ? Nhưng mẫu chốt của vấn đề cũng chính ở đó: Samsa hết giá trị với gia đình và xã hội; và vì thế, anh ta chẳng còn được làm người.

Hóa Thân rất mỏng, không hề khó đọc nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề hiện sinh về con người, kiếp sống, xã hội, quy chuẩn đạo đức. Cuốn sách còn là một dẫn mở tuyệt vời để bạn bước vào thế giới văn chương của Kafka với các tác phẩm vĩ đại khác như Lâu Đài, Vụ Án...

Hóa Thân đặc trưng cho phong cách của Kafka. Bước vào Hóa Thân là bước vào thế giới Kafkaesque, một thế giới văn chương được Franz Kafka sáng tạo ra. Nó trở thành một thuật ngữ nói về cảm giác tuyệt vọng, suy sụp được gây ra bởi những thế lực không thể nắm bắt khiến chúng ta lạc lối, bế tắc. Kafkaesque còn là một kỹ thuật viết văn ảnh hưởng đến nhiều nhà văn thế kỷ XXI, mà Haruki Murakami là một ví dụ điển hình.

Người xa lạ - Albert Camus

Trong tiếng pháp, L'Étranger có thể dược dịch là người xa lạ, kẻ xa lạ hoặc người dưng. L'Étranger (bản dịch tiếng Việt: Người xa lạ) cũng là tên một cuốn sách nổi tiếng của nhà văn, nhà triết học hiện sinh từng đoạt Nobel Văn chương, Albert Camus.

Người xa lạ kể về quãng đời trong tù chờ ngày hành hình của một người đàn ông bình thường bị tống giam vì tội giết người. Trong thời gian này, nhân vật chính suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, những ước ao có được một cuộc sống bình thường.

Người xa lạ là tác phẩm đầu tay của Camus nhưng lại xuất sắc vô cùng. Nó kiến tạo những học thuyết cơ bản của ông về sự vô lý và phi lý. "Nghe người khác nói về mình luôn thú vị, ngay cả khi ngồi ghế bị cáo", Camus viết trong cuốn sách.

Cuốn sách đậm chất phi lý, đầy ảo giác nhưng cũng cực kỳ hiện thực. Người đọc trải nghiệm sự bất ngờ với những tình tiết không được báo trước. Khi gấp cuốn sách lại, bạn có thể tượng tượng ra một viễn cảnh cuộc sống đầy xa lạ. Và bạn ước, được sống bình thường đã là một niềm hạnh phúc.

Người không quê hương - Kurt Vonnegut

Hài hước, điên rồ, đen tối, ám ảnh... là những tính từ có thể mô tả cuốn hồi ký chưa đầy 150 trang (kèm hình hoạt họa) Người không quê hương của nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut. Cuốn sách tập hợp những bài viết dưới thời tổng thống George Bush, khiến chúng ta vừa cười vừa ngẫm về con người, xã hội, chính trị, nghệ thuật, tình dục.

Lấy tiếng cười trào phúng để phản biện, Kurt Vonnegut chỉ ra những góc khuất nhỏ mà nhiều người nghĩ tới nhưng khó nói ra trong cuốn sách này. Chuyện được kể từ bàn ăn đến chính trường, từ trái đất lên đến mặt trăng; và tất cả đều ngân nga trong tiếng cười chua chát của Vonnegut.

Nếu bạn cần những trích dẫn sắc sảo nhưng cũng giễu nhại bông đùa, Người không quê hương của Kurt Vonnegut sẽ đáp ứng được yêu cầu này. Và nếu bạn muốn cười thỏa thuê vì cuộc sống những ngày giãn cách diễn ra nhàm tẻ, cuốn sách này cũng cực kỳ phù hợp với bạn.

Nhẫn thạch - Atiq Rahimi

Nhẫn Thạch (Syngué Sabour) được nhà văn Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi lấy ý tưởng từ một huyền thoại Ba Tư về hòn đá kiên nhẫn. Sự tích kể lại, ai đau khổ chỉ cần đặt một hòn đá trước mặt rồi kể hết nỗi khổ của mình ra. Nhẫn thạch sẽ hút lấy tâm tư và không kể lại với bất cứ một người nào khác.

Nhưng Nhẫn thạch của Atiq Rahimi lại là một người người đàn ông, một người chồng, một chiến binh sống đời thực vật bởi đạn găm vào gáy. Người phụ nữ, người vợ vẫn luôn bên cạnh chăm sóc và trò chuyện, xem anh như nhẫn thạch của đời mình.

Nhẫn Thạch khơi dậy câu chuyện không bao giờ cũ, đạo vợ chồng, bổn phận của con người, về nỗi đau chiến tranh, về khát vọng yêu và sống. Bằng giọng văn đầy chất hiện thực, Nhẫn Thạch ngân mãi nỗi đau như vết thương hở miệng không bao giờ lành lại.

Mới đây, Khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, Nhẫn Thạch của Atiq Rahimi lại một lần nữa được nhắc lại. Câu chuyện được viết ra từ hơn 1 thập kỷ trước, là một dự báo đau khổ cho những người sống dưới chiến tranh sau này.

Con cú mù - Sadegh Hedayat

Con cú mù là một tác phẩm tâm lý viễn tưởng tuyệt đẹp và tuyệt vọng, giúp nhà văn người Iran Sadeq Hedayat đoạt Nobel Văn Chương. Cuốn sách kể câu chuyện về một người đàn ông tự nhốt mình trong căn phòng mang hình hài giống như quan tài; chìm trong những cơn hoang tưởng, cô độc và chết chóc.

Cuốn sách là một cuộc gặp gỡ giữa mơ và thực, với những hình ảnh, biểu tượng, sự liên tưởng. Tuy nhiên, cuốn sách cũng mở ra một câu chuyện về đam mê, sự cần mẫn với một giấc mơ tuyệt đẹp.

Con cú mù còn là một sự chiêm nghiệm về bản thân lẫn cuộc đời. Hedaya đã không ít lần viết trong sách: “Giờ đây, nếu tôi có quyết định viết ra chỉ là để tiết lộ bản thân với cái bóng của mình," hay “Nỗi sợ của tôi là ngày mai tôi chết mà vẫn chưa biết được chính mình.”

Cuốn sách không giấu đi sự tuyệt vọng nhưng thông qua đó, người đọc lại càng biết ơn về cuộc đời và sự sống. Trong sự chiêm nghiệm sâu sắc, lối sống khắc kỷ sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn khó nói thành lời. Con cú mù, dù đơn độc (theo văn hóa Ả Rập - Ba Tư) nhưng vẫn thắp sáng niềm tin là vì như vậy.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục