7 Đại tội của não bộ: Vì sao trí nhớ không đáng tin?
Bạn đang hào hứng muốn kể một câu chuyện. Nhưng khi đến lượt, bạn lại quên mất định nói điều gì. Trong một diễn biến khác thường xảy ra hơn, bạn đang đeo cặp kính ở trên đầu, nhưng cứ loay hoay tìm nó khắp nơi.
Chắc hẳn ai cũng từng trải qua trường hợp như thế, khi chúng ta bị lừa bởi chính bộ nhớ của mình. Trí nhớ có thể khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng đôi khi không khác nào một kẻ gây rối. Nguyên nhân là vì chúng không phục vụ cho sự thật, mà phục vụ cho kiến thức, niềm tin và cảm xúc của chúng ta ở hiện tại.
Trong cuốn sách "The seven sins of memory", Daniel Schacter, nhà nghiên cứu về trí nhớ và nguyên trưởng khoa Tâm lý học tại Đại học Harvard, đã chỉ ra 7 đại tội của trí nhớ.
Trong đó, 3 tội danh đầu tiên liên quan đến sự lãng quên và 4 cái tên còn lại khiến hồi ức bị bóp méo hoặc không mong muốn. Cụ thể là:
1. Transience: Ngắn hạn
Là hiện tượng bạn bị suy giảm trí nhớ theo thời gian và thường xảy ra khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, chấn thương ở vùng hồi hải mã (hippo campus) thuộc não trước và thuỳ thái dương (temporal lobe) có thể khiến hiện tượng này trầm trọng hơn.
Trong vòng vài giờ đến vài ngày sau một sự kiện, chúng ta có thể ghi nhớ tương đối chi tiết và với độ chính xác gần như hoàn hảo. Như khi đi học, chúng ta có thể nhớ làu làu bài giảng hôm nay hoặc vài ngày trước đó. Nhưng sau một thời gian không ôn lại, chúng ta chỉ nhớ mang máng hoặc thậm chí là "chữ thầy trả hết cho thầy".
2. Absent-mindedness: Lơ đãng
Hiệu ứng này xảy ra khi chúng ta bị mất tập trung và phân tán sự chú ý, dẫn đến tình trạng bạn quên đi việc cần làm. Nó tác động đến trí nhớ trong quá trình hình thành và tái hiện thông tin từ bộ lưu trữ.
Bạn lấy cuốn sổ ra với ý định ghi xuống vài điều cần nhớ. Bỗng nhiên một email công việc được gửi đến và cần xử lí ngay. Thế là bạn tập trung trả lời email và quên mất dự định ban đầu – ghi chú vào sổ.
Đây là một 'tội lỗi' không thể tránh, vì não chúng ta luôn phải nhìn ngó xung quanh để phòng ngừa nguy hiểm. Nghiên cứu cho biết trung bình con người dành 47% thời gian khi tỉnh táo chỉ để cho tâm trí dạo chơi.
3. Blocking: Bế quan
Bạn đã dự định chia sẻ một quán ăn vừa khám phá được với bạn bè, nhưng tuyệt nhiên không thể nhớ ra được tên của nó. Vài ngày sau khi đang làm việc, tự dưng bạn nhớ lại rất rõ tên của quán ăn đó.
Đây là hiện tượng blocking, xảy ra ngay cả khi chúng ta đang tập trung cao độ vào việc đang làm. Chúng ta tạm thời quên đi những thông tin cần thiết, nhưng có thể tái hiện chúng rõ nét một vài giờ hoặc vài ngày sau đó.
4. Suggestibility: Thích gợi ý
Khi đang cố gắng nhớ lại một sự kiện trong quá khứ, chúng ta có thể đưa ra thông tin sai lệch dưới tác dụng của những câu hỏi dẫn dắt, lời nhận xét, hay gợi ý của người khác.
Đây là một điều rất thường thấy trong quá trình thẩm vấn, phỏng vấn hoặc khảo sát, đặc biệt là khảo sát nhóm (focus group). Người dẫn dắt cần được đào tạo để tránh vô tình định hướng câu trả lời của những người tham gia theo suy nghĩ của mình.
5. Misattribution: Phân phối sai lệch
Trong não bộ có một cơ chế sắp xếp và hồi tưởng thông tin. Khi có một thông tin đi vào, nó sẽ được sắp xếp vào các bộ nhớ lưu trữ khác nhau. Khi cần, não bộ sẽ trích xuất thông tin từ các bộ nhớ lưu trữ và gợi lại cho chúng ta.
Vấn đề là bản thân thông tin và nguồn của nó lại được não bộ xem như hai thông tin khác nhau, nên chúng được lưu trữ trong các bộ nhớ riêng biệt. Quá trình phân phối sai khiến một thông tin có thể không được liên kết đúng với nguồn gốc của nó khi cần tái hiện.
Chẳng hạn bạn đọc một tin giả truyền miệng chưa xác thực, nhưng lại nhớ rằng nguồn tin của nó nằm ở một phương tiện truyền thông chính thống.
Các quảng cáo cũng thường tận dụng triệt để hiệu ứng này để liên kết niềm tin hoặc cảm giác giả định có lợi với hình ảnh của thương hiệu mình.
6. Bias: Thiên vị
Điều này xảy ra khi niềm tin và quan điểm hiện tại của chúng ta vô thức bóp méo kí ức của mình.
Có thể tưởng tượng trí nhớ đóng vai trò như một người kể chuyện hơn là một người lưu trữ thông tin. Mục tiêu của nó là duy trì một câu chuyện thống nhất hơn là một bản ghi chép chính xác. Vì thế, nó sẽ góp nhặt những chi tiết để thêu dệt một câu chuyện đúng với niềm tin của chúng ta.
Nhưng thường thì chúng ta sẽ không nhận ra điều này, mà cứ đinh ninh rằng trí nhớ của mình hoàn toàn đúng với sự thật.
7. Persistence: Dai dẳng
Hiệu ứng này xảy ra khi những thông tin chúng ta muốn xoá bỏ cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí. Nó là lời giải cho những lần bạn chợt tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng và cảm thấy xấu hổ đến xoắn cả người, chỉ vì nhớ lại một lỗi lầm nào đó trong quá khứ.
Trong những trường hợp nặng nề hơn, chẳng hạn có sự ảnh hưởng của trầm cảm hay sang chấn, sự dai dẳng này có thể trở nên nguy hiểm với sức khoẻ tâm lý của bạn.