8 Xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý tại Đông Nam Á - Phần 2
Original reporting by Nichakorn Prateepsawangwong, of .
Tiếp nối phần 1, cùng tìm hiểu 4 xu hướng về thương mại điện tử được dự đoán sẽ lên ngôi trong năm 2019.
5. Tiếp thị trực tiếp (direct-to-consumer) để tiếp cận dữ liệu khách hàng một cách trực tiếp
Phương thức tiếp thị trực tiếp đang ngày càng trở nên quan trọng vì nó cho phép doanh nghiệp tiếp cận và thu thập thông tin, dữ liệu khách hàng một cách sát sao nhất.
Một xu hướng được nhiều nhãn hàng sử dụng để triển khai chiến lược tiếp thị trực tiếp là qua những gói đăng ký mua sắm trực tuyến. Dưới góc độ của người tiêu dùng, những gói đăng ký này mang đến cho họ sự thuận tiện và mức giá rẻ hơn cho những món đồ mà họ muốn mua. Và quan trọng nhất là trải nghiệm của họ được cá nhân hóa. Còn đối với các nhãn hàng, đây là một phương pháp để xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu trong thời đại số.
Mandy Arbilo, Giám đốc quản lý dự án khu vực của aCommerce, cho biết e-sampling (mẫu thử trực tuyến) là một chiến lược phổ biến được các thương hiệu sử dụng để đánh giá nhu cầu khách hàng, đặc biệt là trong mảng thương mại điện tử.
Trong khi việc dùng thử tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống tốn kém rất nhiều, e-sampling lại giúp các thương hiệu tiết kiệm đến 40% chi phí kèm theo những dữ liệu khách hàng quan trọng.
Bởi chiến lược tiếp thị trực tiếp đang được áp dụng rộng rãi nên người tiêu dùng sẽ thấy các thương hiệu xuất hiện với nhiều chiêu trò quảng cáo hấp dẫn để lấy insights và lôi kéo người tiêu dùng chi nhiều hơn cho sản phẩm của họ.
6. Thiết lập các quy định về thương mại điện tử rộng khắp Đông Nam Á
Đến thời điểm hiện tại, thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp này, vấn đề còn lại chỉ là thời gian trước khi chính phủ của các quốc gia bắt đầu đánh thuế thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt này, nhằm tạo một môi trường công bằng cho các công ty nước ngoài cung cấp những dịch vụ kỹ thuật số và hàng hóa trong khu vực.
Các cuộc họp về việc áp dụng quy định đánh thuế đối với thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã diễn ra từ đầu năm ngoái nhưng vẫn chưa có bất kỳ quyết định cụ thể nào. Đến cuối năm ngoái, bộ trưởng kinh tế của các nước ASEAN đã ký thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia đối với các nước trong khu vực.
Mặc dù vẫn chưa đi đến ký kết chính thức, nhưng hiện tại, đã có rất nhiều dự đoán về tác động của việc đánh thuế thương mại điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu vào khu vực. Tại Indonesia và Thái Lan, thuế thương mại điện tử được dự đoán sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại xã hội.
Sự sụt giảm trong sức mua hàng xuyên quốc gia tại Singapore là một viễn cảnh có thể xảy ra khi giá thành sản phẩm và dịch vụ tăng cao do bị áp thêm thuế giá trị gia tăng. Hiện tại, 89% giao dịch xuyên quốc gia ở Châu Á Thái Bình Dương được thực hiện bởi người Singapore.
Ấn Độ, một thị trường thương mại điện tử tiềm năng khác, sắp sửa đưa ra bộ luật nghiêm cấm việc những người “chủ” thị trường đăng bán sản phẩm của họ trên chính nền tảng thương mại của họ thông qua những đơn vị bán hàng mà họ có lãi suất cổ phần. Nó cũng ngăn chặn người bán thỏa thuận việc độc quyền sản phẩm của họ trên các thị trường thương mại. Liệu bộ luật tương tự có được áp dụng tại Đông Nam Á?
Mặc dù vậy, các thương hiệu sẽ chỉ gây tác động rất nhỏ khi áp dụng các chính sách thuế mới. Họ sẽ được thông báo trước để điều chỉnh chiến lược bán hàng trực tuyến cho phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động của sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Thỏa thuận Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á này sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp địa phương sản xuất sản phẩm mới và đặt chân vào mảng mua bán trực tuyến để tiếp cận thị trường lớn và đa dạng hơn. Các nhãn hàng giờ đây sẽ cần phải năng động và sáng tạo hơn để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dân địa phương.
7. Grab và Go-Jek thách thức nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển trong mảng thương mại trực tuyến và giao nhận thức ăn
Kể từ khi Uber rút khỏi khu vực Đông Nam Á vào tháng 3 năm ngoái, Grab chiếm vị trí độc tài tại các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, và Việt Nam. Điều này dẫn đến người dùng than phiền về việc chất lượng dịch vụ đi xuống nhưng giá cả lại tăng.
Với việc mở rộng thị trường của Go-Jek (Indonesia), cuộc tranh đấu giữa hai nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển đang dần nóng lên. Chỉ trong năm ngoái, Go-Jek đã thành công trong việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Singapore, và Thái Lan. Thêm vào đó, Dacsee, đối thủ của Grab tại thị trường Malaysia, cũng có động thái mở rộng khu vực hoạt động tại Thái Lan.
Tuy nhiên, những công ty vận chuyển này không cạnh tranh vì mục đích giành lấy ngôi vị “dịch vụ vận chuyển tốt nhất”; mà họ đang nhắm tới một mục tiêu tầm cỡ hơn rất nhiều, đó là siêu ứng dụng (superapp). GoJek đã gọi vốn thành công số tiền 1 tỷ USD từ Google, Tencent, và JD, đồng nghĩa với việc công ty này đã hoàn thành một nửa chặng đường đề ra. Trong khi đó, Grab nhận được số tiền đầu tư là 200 triệu USD từ Central Group (Thái Lan), nâng giá trị công ty lên mức 11 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.
Trong năm nay, Go-Jek và Grab cùng hướng đến một mục tiêu là vận chuyển thức ăn và hàng hóa thương mại điện tử. Đây cũng là loại hình dịch vụ mà Google và Tamasek dự đoán rằng sẽ tăng 73% trong năm nay. Đến năm 2025, họ dự đoán rằng dịch vụ giao thức ăn sẽ tăng 36% trong khi dịch vụ vận chuyển chỉ tăng 23%.
“Chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ GrabFood và dịch vụ vận chuyển song song với việc tạo dựng mối quan hệ với chủ nhà hàng và các đối tác quan trọng tại một số khu vực,” ông Russell Cohen, trưởng phòng hoạt động khu vực của Grab, chia sẻ.
Những nhà cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày sẽ gặp nhiều cạnh tranh hơn trong năm tới. Sự góp mặt của Grab và Go-Jek chắc chắn sẽ gây ra những thay đổi nhất định về tiêu chuẩn trong mảng dịch vụ vận chuyển và giao hàng.
8. Hình thức mua bán đa kênh của các nhãn hàng và nhà bán lẻ đẩy mạnh do người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng ưa chuộng các công ty bán lẻ trực tuyến
Trải nghiệm mua hàng đa kênh không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, khái niệm này lại mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi công ty khác nhau. Nhiều tờ báo đã tiết lộ rằng những “ông lớn” trong mảng bán hàng trực tuyến như Amazon hoặc Alibaba đều đang tìm cách mở thêm cửa hàng với mô hình truyền thống.
Kế hoạch mở thêm cửa hàng truyền thống của Alibaba cho thấy họ đang quyết tâm giải quyết những vấn đề cốt lõi trong trải nghiệm mua sắm, ví dụ như sự minh bạch trong quá trình giao dịch.
Những cửa hàng e-commerce thuần túy cũng bắt đầu nhận thấy hạn chế của việc mua bán trực tuyến, như việc cơ sở hạ tầng bị phân mảnh và tệp khách hàng không được đa dạng. Đó là lý do họ tìm cách khuyến khích người tiêu dùng mua sắm tại những cửa hàng truyền thống nhằm tăng doanh thu.
Tại những nước khác ở Đông Nam Á, nhiều công ty đang dần dần áp dụng chiến lược này vào trong các mảng kinh doanh khác. Những công ty e-commerce về ngành thời trang như Pomelo (Thái Lan) hoặc Love, Bonito (Singapore) đã mở thêm cửa hàng truyền thống tại đất nước họ đang hoạt động.
Năm ngoái, Pomelo đã mở thêm năm cửa hàng truyền thống; trong khi Love, Bonito sở hữu 17 cửa hàng tại Singapore, Malaysia, Indonesia, và Campuchia.
Rachel Lim, đồng sáng lập Love, Bonito, đã chia sẻ với Peak Magazine: “Dữ liệu có thể cho bạn biết mặt hàng nào đang bán chạy, nhưng thông qua cửa hàng truyền thống, bạn sẽ biết thêm vì sao mặt hàng khác lại bán chậm và thói quen mua sắm của khách hàng.”
Việc mua sắm tại các trung tâm thương mại là hoạt động rất phổ biến tại thị trường Đông Nam Á, và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm sắp tới. Vì thế, các thương hiệu nên biết cách tận dụng những lợi thế mà cửa hàng truyền thống và cửa hàng trực tuyến đang mang lại.
Bài viết được dịch bởi Khang Truong.
Xem thêm:
[Bài viết] How I Manage: Max Bergman – CEO công ty phát triển phần mềm Thụy Điển Fram^
[Bài viết] ELSA Speak: CEO Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ lối tư duy để khởi nghiệp thành công