Mai Vũ - Giám đốc thị trường GoBear Việt Nam
Theo một báo cáo của World Bank, tại Việt Nam hiện có khoảng 40 triệu người chưa có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, có đến 72% dân số Việt Nam đang dùng điện thoại thông minh (báo cáo của WeAreSocial 2018). Đây là những tín hiệu tốt để các công ty Fintech (công nghệ tài chính) phát triển tại thị trường Việt Nam, trong đó có GoBear.
Khác với những công cụ tìm kiếm và so sánh khác, GoBear là một siêu thị tài chính hàng đầu châu Á với nhiệm vụ nâng cao sức khoẻ tài chính cho mọi người. GoBear kết nối các tổ chức tài chính với người dùng, đặc biệt là những ai chưa có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính truyền thống. Với niềm tin nâng cao sức khoẻ tài chính sẽ đảm bảo sự an toàn, ổn định và bền vững của cộng đồng trên khắp châu Á, GoBear đang từng bước đem các sản phẩm tài chính đến gần hơn với mọi người bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, gia tăng hiểu biết về tài chính cũng như tiếp cận tài chính của người dân.
Để hiểu thêm về chiến lược phát triển của GoBear cũng như thị trường công nghệ tài chính tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trực tiếp với chị Mai Vũ, Giám đốc thị trường của GoBear Việt Nam.
Chị có thể chia sẻ quá trình học tập và làm việc của mình trước khi gia nhập GoBear được không? Tại sao chị chọn đầu quân cho GoBear?
Năm học lớp 11 tại Trường THPT Lê Hồng Phong, mình giành được học bổng tài trợ bởi chính phủ Mỹ để theo học tại Patrick Henry High School theo chương trình trao đổi văn hoá. Khi ấy, bố mẹ rất lo lắng vì trước đó mình chưa từng ra nước ngoài nhưng mình vẫn cương quyết phải đi để không bỏ mất cơ hội du học này. Sau một thời gian học tập và sinh sống ở Mỹ, mình đã tốt nghiệp loại ưu ngành Hoá học tại Đại học Virginia Commonwealth.
Sau khi hoàn thành đại học ở Mỹ và trở về Việt Nam, vì chưa có nhiều công ty đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nên mình đánh liều rẽ hướng sang một lĩnh vực khác, đó là làm marketing cho một công ty địa ốc mặc cho những biến động lớn đang diễn ra trong ngành này tại thời điểm năm 2009. Sau khi làm việc tại công ty này một thời gian thì mình nhận ra mình thích công việc phát triển kinh doanh hơn. Do đó, mình tình nguyện chuyển về bộ phận phát triển kinh doanh và dẫn dắt đội ngũ ký kết được những thương vụ lớn với các tập đoàn lớn tại Việt Nam và quốc tế.
Sau đó, mình đảm nhận vai trò quản lý Bộ phận phát triển kinh doanh tại một số tập đoàn như VinaCapital, Indochina Capital, và gần đây nhất là Galaxy Group trước khi chính thức làm việc tại GoBear Việt Nam.
Gần đây, mình nhận được học bổng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học San Francisco và có cơ hội học tập, sinh sống tại trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Một điều làm mình ngạc nhiên đó là ngay cả ở một đất nước phát triển như Hoa Kỳ thì tỷ lệ phụ nữ trong các ngành nghề về công nghệ cũng chỉ có 20% mà thôi. Dù vậy, mình vẫn nghĩ rằng nếu bạn thực sự bỏ qua những định kiến về giới tính trong việc chọn lựa nghề nghiệp thì phụ nữ vẫn có thể làm rất tốt trong những ngành được cho là sân chơi của nam giới. Mình được truyền cảm hứng rất nhiều bởi khoảng thời gian tại Mỹ và nhận ra công nghệ chính là chìa khoá mở ra cánh cửa của thời đại mới. Mình cũng muốn trở thành một phần của làn sóng này.
Trở về nước, trong quá trình tìm kiếm một startup phù hợp để làm việc, mình được tuyển dụng bởi anh Bảo Nguyễn, Giám đốc quốc gia của GoBear Việt Nam và Thái Lan. Sứ mệnh cải thiện sức khỏe tài chính cho tất cả mọi người của GoBear là điều khiến mình muốn trở thành một phần của đội ngũ này và đồng hành cùng họ trong hành trình xây dựng các cộng đồng ổn định và bền vững ở khắp mọi quốc gia châu Á.
Cảm ơn chia sẻ của chị. Chị có thể mô tả tính chất công việc của mình được không? Chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Công việc của mình là phụ trách chiến lược tăng trưởng doanh thu cũng như quản lý các mối quan hệ đối tác hiện tại và tiềm năng trong mảng bảo hiểm và ngân hàng.
Việc đầu tiên mình làm mỗi ngày luôn là xem lại các số liệu diễn biến từ ngày hôm trước, từ đó cập nhật tiến độ và cân nhắc thứ tự công việc ưu tiên cho cả đội. Còn lại, rất khó để nói chính xác khối lượng công việc cụ thể mỗi ngày của một người làm phát triển thị trường. Đó có thể là phản hồi về các tính năng mới của sản phẩm với các bên liên quan trong công ty, cho đến những buổi họp lên ý tưởng cho các chiến dịch với Trưởng phòng Marketing hoặc những buổi họp với các đối tác doanh nghiệp.
Chị có thể giới thiệu một vài sản phẩm nổi bật từ các đối tác của GoBear được không?
GoBear đang hào hứng với việc mang hình thức cho vay điện tử đến với các đối tượng chưa [hoặc chưa thể] có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Hiện có hàng triệu khách hàng tại Việt Nam vẫn còn bỡ ngỡ với tín dụng và ngân hàng tại Việt Nam, đó là một cơ hội tiềm năng đối với GoBear. Sản phẩm này được phát triển dành riêng cho những nhu cầu tín dụng ngắn hạn.
Bất kỳ ai tìm kiếm một giải pháp vay khẩn cấp để giải quyết công việc, chữa bệnh, hay mua xe, mua nhà… đều là khách hàng tiềm năng của chúng tôi. Giải pháp này tập trung vào tính linh động, tốc độ và tiện lợi, trong khi việc hoàn tất thủ tục cho vay tại ngân hàng có thể mất vài ngày. Vì thế, tầm nhìn của chúng tôi là nâng cao tài chính toàn diện (financial inclusion) bằng cách phục vụ những đối tượng khách hàng không được hỗ trợ bởi các hình thức truyền thống.
Những thách thức mà các công ty tài chính công nghệ như GoBear gặp phải tại Việt Nam là gì?
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho các startup trong lĩnh vực tài chính công nghệ vận hành và phát triển. Ví dụ điển hình là quy định khung–tập hợp các quy định pháp lý tự do được tạo ra để giúp các công ty mới thành lập có cơ sở thử nghiệm cũng như học hỏi mà không vướng phải nghĩa vụ pháp lý truyền thống/ngành–là đòn bẩy quan trọng cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, các ngân hàng Việt vẫn chưa thật sự cởi mở hợp tác với các công ty công nghệ tài chính do lo ngại các khác biệt văn hóa hoặc rủi ro, mặc dù ý thức được tầm quan trọng của công nghệ trong việc giúp đỡ đội ngũ mở rộng dịch vụ đến những khách hàng tiềm năng.
Hiểu biết của người tiêu dùng về các giải pháp tài chính là một thử thách khác. Thực hiện giao dịch trực tuyến đòi hỏi người dùng phải liên tục nâng cao hiểu biết tài chính của mình để không lặp lại những sai lầm về quyết định tài chính. Các dữ liệu và phân tích cho phép chúng tôi xây dựng sản phẩm ưu việt hơn, dễ tiếp cập và loại trừ các rủi ro chi phí. Việc hợp tác với các đối tác cho phép chúng tôi cải thiện các sản phẩm tài chính và nhận diện các khoảng trống kiến thức cần khắc phục của người tiêu dùng.
Là một senior trong lĩnh vực fintech, chị có thể đưa ra dự đoán của mình về xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực này tại Việt Nam?
Theo Solidiance, một công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị chuyên về thị trường châu Á, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam đạt 4,4 tỷ Đô năm 2017, và dự đoán sẽ tăng trưởng 77% trong vòng 3 năm sắp tới. Có nhiều tác nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ tài chính, bao gồm các chính sách nâng cao tài chính toàn diện; thu nhập cá nhân và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng dẫn đến sự phát triển của thương mại điện tử, cũng như dân số trẻ, am hiểu công nghệ và có tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao của Việt Nam.
Millennials Việt sẽ là nhân tố chủ chốt thúc đẩy xu hướng này, bởi thu nhập khả dụng của họ ngày càng tăng. Khi có nhu cầu mua sắm các sản phẩm tài chính, họ cũng thường tìm kiếm các thông tin trên mạng trước khi quyết định xem sản phẩm nào là hợp lý nhất.
Cảm ơn về những chia sẻ bổ ích của chị. Ngoài công việc tại GoBear, chị còn tham gia vào các tổ chức, chương trình nào khác không?
Hiện mình là một cố vấn tại Quỹ Hỗ trợ Tài năng Lương Văn Can (LVCF), một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận với mục tiêu tạo điều kiện và hỗ trợ quá trình phát triển bản thân một cách toàn diện ở bậc Đại học và sau Đại học cho các thanh niên Việt Nam. Đây là nỗ lực nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ và kỹ năng cao, có cam kết đóng góp cho cộng đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội.
Quỹ cung cấp học bổng cho các bạn học sinh và sinh viên khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn và ở vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện để các bạn có cơ hội được tiếp cận các chương trình giáo dục trình độ cao. Đồng thời, quỹ cũng tạo cơ hội để các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi được tham gia các chương trình sau đại học tại những quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu.
Là một người cố vấn, hiện tại mình đang tư vấn cho 3 bạn trẻ về rèn luyện kỹ năng mềm, thay đổi tư duy, và phát triển định hướng nghề nghiệp.
Tháng 10/2019, mình đã hợp tác với quỹ để tổ chức một buổi tập huấn về lễ nghi, nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức để các bạn xuất hiện trong phong thái lịch thiệp, tự tin và thoải mái nhất. Chương trình huấn luyện kéo một ngày này bao gồm hoạt động nhập vai, thuyết trình, thảo luận và trò chơi.