Bạn có cần cảm thấy "chắc chắn" khi đưa ra quyết định?

Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ bạn hiểu bản thân mình, cách vận hành của thế giới xung quanh, và cả sự bất định của nó.
Chi Nguyễn (The Present Writer)
Nguồn: cottonbro/Pexels

Nguồn: cottonbro/Pexels

Tại sao nhiều người thường rơi vào trạng thái phân vân khi đứng trước các lựa chọn, từ đơn giản như hôm nay ăn gì đến phức tạp hơn như phải chọn ngành nghề gì? Việc đưa ra quyết định có nhất thiết lúc nào cũng là hành trình khó khăn? Và bạn phải luôn chắc chắn về lựa chọn của mình?

Bài viết này được truyền cảm hứng bởi một cuộc thảo luận về mối quan hệ giữa quyết địnhkhám phá mà mình đã tham gia trên mạng xã hội âm thanh ClubHouse vài ngày trước.

Khám phá để quyết định

Mọi người thường băn khoăn không biết phải làm sao để mình đưa ra quyết định chính xác vào ngay thời điểm cần thiết. Ví dụ như làm sao để có thể chọn được đúng ngành nghề, đúng trường, có nên quyết định bỏ việc hay không, hay là mình có nên hẹn hò với người này không?

Trước đây, khi gặp email hay tin nhắn từ các bạn hỏi mình về những chủ đề như thế, vì không có đủ kinh nghiệm hay kiến thức cho từng trường hợp, nên mình thường chỉ có thể đưa ra một số gợi ý để các bạn tự đưa ra quyết định. Nhưng sau này mình nhận ra rằng, chúng ta đôi khi quá ám ảnh với việc phải đưa ra quyết định. Thứ thường bị lãng quên là hành trình tự khám phá bản thân của mỗi người.

Khi mình biết có điểm mạnh, điểm yếu nào, biết phía sau mỗi quyết định đang chờ đón mình có những gì, thì có lẽ mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu bạn còn trẻ, chưa có đủ trải nghiệm để nhìn lại điểm mạnh, điểm yếu hay sở thích của mình, thì có thể tham khảo các bài kiểm tra tính cách, hoặc hỏi góc nhìn của những người xung quanh tiếp xúc nhiều với bạn về những điều đó.

Đôi khi không cần nhiều dũng cảm để quyết định như bạn nghĩ

Khi có đủ dữ liệu, việc đưa ra quyết định không còn đáng sợ như bạn phải nhảy một cú qua hai vách núi xa nữa. Việc từ từ khám phá phần nào đó giúp bạn đặt các bậc thang chắc chắn tiến đến quyết định phù hợp tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đến lúc cần đưa ra quyết định, bạn cũng luôn có cảm giác biết chắc chắn mình muốn gì. Bạn vẫn có thể sẽ phải dũng cảm “nhảy” khỏi vòng an toàn vào phút chót, nhưng cú nhảy đó đã ít nhiều bớt mạo hiểm hơn. Và xét cho cùng, vì không có gì chắc chắn, nên chúng ta mới có từ “quyết định”.

Khi mình còn trẻ hơn, mình cũng từng rất chật vật khi phải đưa ra lựa chọn, như là khi nào thì nghỉ việc, khi nào nộp hồ sơ học bổng du học. Mình sợ chọn sai sẽ dẫn đến mất thời gian sửa sai hay thậm chí không kiểm soát được cuộc sống của mình sau này.

Nhưng có lẽ cũng vì sợ, mà mình vô tình đã “khám phá” rất nhiều trước khi có quyết định cuối cùng. Nhờ từng đi học trao đổi ở vài quốc gia khác hay tham gia nhiều chương trình cho học sinh quốc tế, mà mình được chuẩn bị nhiều kỹ năng, kiến thức, và động lực để cuối cùng bước ra khỏi an toàn – nộp học bổng du học tại Mỹ. Từ đó, cuộc sống có rất nhiều thứ thay đổi.

Hay lúc này đây, dù ước mơ là có một cuộc sống tự do, mình vẫn làm song song nhiều việc khác nhau. Mình không bỏ công việc nghiên cứu và giảng dạy để chạy theo công việc sáng tạo nội dung, và ngược lại. Đó là vì mình muốn khám phá tất cả các nguồn lực của bản thân. Mình muốn biết cảm nhận của mình với từng công việc và đánh giá tiềm năng của chúng.

Nếu bạn hỏi mình làm sao để hết sợ, thì câu trả lời của mình là hãy làm quen dần với nó. Với tất cả những quyết định có vẻ mạo hiểm, mình đều có sự thử nghiệm trước. Mình phải thử nộp hồ sơ, mình phải thử đến nơi mà mình muốn đến, thử làm cái gì mình muốn làm, thử có mối quan hệ với những người trong lĩnh vực mình quan tâm. Từ đó mình mới có đủ thông tin, đủ dữ liệu để mình đưa ra quyết định phù hợp.

Quyết định để khám phá

Như hầu hết các mối quan hệ, khám phá và quyết định luôn “đi trên đường hai chiều” (hoặc nhiều hơn). Nghĩa là, không phải lúc nào khám phá xong cũng dẫn đến quyết định (đúng đắn). Đôi khi thứ mình từng quyết định, và tin chắc là đúng đắn, hoá ra chỉ là một hành trình khám phá, giúp mình nhận ra mình không thích nó đến thế.

Ví dụ, bạn quyết định học ngành ngôn ngữ Anh vì bạn cảm thấy thích học tiếng Anh. Thế nhưng khi đã vào học, bạn lại thấy, mình không thích hợp học ngành ngoại ngữ. Bạn chỉ thích tiếng Anh kiểu để ứng dụng vào cuộc sống, hay để hỗ trợ công việc nào đó khác, chứ không có nhu cầu trở thành biên - phiên dịch viên, hay đạt đến trình chơi với ngôn ngữ, sáng tác bằng tiếng Anh. Nói cách khác, bạn nhận ra quyết định ngày xưa là sai lầm.

Nhưng ở góc độ nào đó, mình nghĩ rằng quyết định sai cũng là dữ liệu quan trọng, là sự khám phá để mình hiểu hơn bản thân mà đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai về việc học vấn hay sự nghiệp của mình.

Quay lại ví dụ về việc bạn không thích học ngôn ngữ Anh. Chẳng hạn nếu bạn phát hiện ra điều này sau một, hai năm đầu học, lúc đó bạn thay đổi cũng không quá muộn. Nếu cuộc sống hiện tại có những ràng buộc hay sự chưa chắc chắn khiến bạn chưa muốn thay đổi ngay, mình nghĩ cũng không sao cả.

Bạn có thể tận dụng quyết định sai này như một khám phá. Bạn học thêm chuyên ngành phụ, hoặc tranh thủ đi làm thêm, đi thực tập trong lĩnh vực bạn đang quan tâm hơn. Trong thời gian ấy, hãy thử nghĩ về cách những kiến thức tiếng Anh của bạn có thể vận dụng vào công việc đó. Và có lẽ bạn cũng sẽ từ từ nhận ra mình cần “nhảy” lúc nào.

Kết

Nếu bạn đang đứng trước một quyết định quan trọng trong đời nhưng vẫn còn phân vân, hãy thử nghĩ đến việc mình có thể khám phá thêm thông tin liên quan ở đâu trước khi đặt chân dấn bước.

Một quyết định đúng đắn ở thời điểm này không có nghĩa nó sẽ mãi mãi đúng đắn về sau. Quyết định “sai” đó sẽ trở thành dữ liệu khám phá – loại thông tin quan trọng trong các quyết định sau này của bạn.

Và đến cùng, dù phải đưa ra vô số quyết định thế nào thì cuộc đời của mỗi người có chăng đều là một hành trình khám phá không ngừng nghỉ!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục