Beautiful mess effect - Sự xấu hổ của bạn, vẻ đẹp trong mắt người khác
Trong cuộc sống không thiếu những lúc chúng ta cảm thấy bản thân chìm vào ti tỉ cảm xúc tiêu cực vì điều gì đó. Nhưng trái lại, từ góc nhìn của người ngoài, họ có thể sẽ thấy bạn thật thu hút, thật giỏi giang. Hiện tượng quen thuộc này đã được giới Tâm lý đã đặt một cái tên riêng: "Beautiful mess effect" (Hiệu ứng Mớ hỗn độn xinh đẹp)
1. "Beautiful mess effect" là gì?
"Beautiful mess effect" từng được nhắc đến trong nhiều bài viết về tâm lý học nước ngoài nhưng lại chưa có thuật ngữ chính xác tại Việt Nam. Theo tiếng Việt, cụm từ "beautiful mess" nghĩa là "mớ hỗn độn xinh đẹp". Có thể hiểu đây là hiện tượng mâu thuẫn giữa cái nhìn tiêu cực của người trong cuộc và tích cực của người ngoài cuộc trong cùng một vấn đề.
Khi hành động đúng đắn nhưng đụng chạm đến "cái tôi" hoặc chẳng may thất bại, người ta sẽ dễ rơi vào "chiếc hố" mặc cảm. Đó chính là "mớ hỗn độn" của mỗi người. Nhưng ngược lại, đối với người ngoài cuộc (không bị tác động bởi "cái tôi”), họ có thể thấy được điều tích cực, sức hấp dẫn của một nhân cách tốt. Đây chính là yếu tố "đẹp" trong “beautiful mess effect”.
Ví dụ, bạn vừa tỏ tình với crush và bị từ chối. Bạn cảm thấy xấu hổ vì mình thật bồng bột, nhưng trong mắt cô bạn thân thì điều đó rất can đảm và đáng ngưỡng mộ.
Hay trong cuộc tranh cãi giữa hai người, ai cũng sai nhưng nếu bạn là người mở lời xin lỗi trước, thì dù "cái tôi" to lớn liên tục lên tiếng vì bị tổn thương, người ngoài vẫn ngưỡng mộ vì sự bao dung và dũng cảm của bạn.
2. Xu hướng tiêu cực trước những vấn đề cá nhân
Cội nguồn của "mớ hỗn độn" thường xuất phát từ xu hướng tiêu cực trước vấn đề cá nhân. Là người trong cuộc, mang cái nhìn vừa chi tiết, vừa chủ quan hơn, người ta luôn đánh giá vấn đề gay gắt hơn người ngoài.
Chẳng hạn như mấy cô bạn thân rối tinh rối mù lên vì quần áo, dáng ngồi hay mái tóc kỳ cục của mình trong hình, trong khi bạn lại chẳng thấy kỳ ở điểm nào. Hoặc sự xấu hổ của bản thân khi lỡ lời với một người đặc biệt, nhưng cuối cùng người ta lại chẳng nhớ gì đến chuyện đó.
Đây là vấn đề tâm lý bình thường mà tất cả mọi người đều trải qua, có thể giải thích bằng Lý thuyết về Mức độ tri nhận (Construal Level Theory). Theo lý thuyết này, những người càng có mối quan hệ gần gũi (qua 4 yếu tố thời gian, không gian, quan hệ và khoảng cách giả định) với sự việc được đánh giá, họ càng có cái nhìn chi tiết hơn. Từ đó, họ cũng đánh giá khắt khe hơn.
3. Góc nhìn từ những người ngoài cuộc
Để có cơ sở vững chắc hơn về sự khác biệt trong cách đánh giá vấn đề của người trong cuộc và người ngoài cuộc, một nghiên cứu đã được thực hiện bởi Đại học Mannheim trên hàng trăm người tham gia. Kết quả cho thấy, đa phần họ có góc nhìn tiêu cực với vấn đề của bản thân, trong khi lại nhìn nhận lạc quan hơn về vấn đề của người khác.
Từ những rắc rối về ngoại hình như mái tóc, trang phục, làn da,... đến những lo lắng nội tâm như "cái tôi", người ngoài sẽ chẳng mấy ai thấu hiểu được sự rối bời trong bạn.
Một số hành động bạn cho là xấu hổ lại thể hiện đức tính đáng trân trọng. Như tính khiêm tốn khi bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ lúc gặp khó khăn trong công việc, hoặc sự cao thượng khi bạn lên tiếng hoà giải trước căng thẳng. Sự chân thành trong việc thú nhận tình cảm hay lỗi sai lại là cơ hội thúc đẩy những mối quan hệ phát triển theo hướng tích cực.
Đôi khi bạn có thể cho rằng người ngoài cuộc chẳng bao giờ hiểu được mức độ tồi tệ của sự việc. Nhưng thực chất, họ lại có cách nhìn khách quan của “bên thứ 3”. Theo cách nhìn của bản thân, bạn thấy mình như kẻ thua cuộc khi thừa nhận một sự thật đáng xấu hổ, nhưng trong mắt người khác, có thể bạn lại là một người mạnh mẽ.
4. Cách đối diện với những cặp mắt thành kiến
Bên cạnh cái nhìn tích cực và bao dung của người ngoài, những cặp mắt thành kiến cũng không ít. Nhưng nếu bạn đang cảm thấy hỗn loạn vì sự phán xét ấy, hãy tự trấn an mình bằng những hướng suy nghĩ sau đây:
Thứ nhất, cuộc sống không bao giờ diễn ra theo ý muốn, luôn có rất nhiều biến số xuất hiện khiến các dự định không thể hoàn thành. Vấn đề là bạn đã cố gắng vì một mục đích tốt, điều đó đáng trân trọng hơn nhiều so với những người chỉ biết nhìn và phán xét.
Thứ hai, hãy tin rằng những người ủng hộ bạn sẽ thấy nét đẹp trong những lộn xộn của bạn.
Thứ ba, những cặp mắt thành kiến, bới móc lỗi lầm thường đến từ người vốn không thích bạn hoặc người dưng. Trước khi chùn bước vì xấu hổ, bạn hãy tự đặt câu hỏi: những người ấy có thật sự quan trọng đối với mình?
Hãy chấp nhận những rắc rối, tổn thương của bản thân và dùng nó làm động lực vươn lên. Bởi lẽ, sau những tư tưởng trấn an, cách phục hồi danh dự hiệu quả nhất trước những cặp mắt thích "vạch lá tìm sâu" chính là chứng tỏ bản thân không yếu đuối, dùng chính kinh nghiệm của những "hỗn độn" mà mình đã rơi vào để vượt qua thất bại và xây dựng lại thành công cho chính mình.
Kết
Bạn đã từng tỏ tình thất bại, đã từng bị ai đó "phũ" dù bạn đã cố gắng mở lời hoà giải trước? Hoặc bạn đang luống cuống vì muốn làm điều gì đó nhưng lo ngại sự phán xét? Khi đang lọt thỏm trong "mớ hỗn độn" của chính mình, hãy bình tâm để nhìn vấn đề một cách khái quát và bao dung hơn.
Cứ mạnh mẽ thực hiện điều mà cả lý trí và trái tim bạn đều biết đó là đúng đắn, dù "cái tôi" lớn tiếng phản đối thế nào. Bởi lẽ, khi bạn biết đến sự tồn tại của "beautiful mess effect", hãy nhớ rằng sẽ có người nhìn ra được nét đẹp và sức hấp dẫn từ "mớ hỗn độn" của bạn.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.