7 Chiêu cứu “mood” khẩn cấp từ nhà Vietcetera khi bạn ngán việc
Làm sao để lúc nào cũng có hứng làm việc? Đó là làm những công việc mình đam mê, theo như cách các bậc vĩ nhân hay nói.
Tuy nhiên, trước khi chạm đến cái đích xa xôi kia, bạn sẽ phải vật lộn qua rất nhiều gian nan cùng thử thách và chúng ít nhiều sẽ khiến bạn mất động lực. Cùng lướt qua những bí quyết sau của nhà Vietcetera để sơ cứu khẩn cấp cho những ngày bạn đột nhiên mất “mood” làm việc nhé.
1. Sáng tạo một câu chuyện từ to-do list
Gợi ý bởi Nga Hoàng - Editor mục Sự nghiệp
Làm công việc liên quan đến sáng tạo nhưng lại luôn kiểm soát bản thân bằng một to-do list (danh sách công việc) khô cứng khiến mình cảm thấy rất áp lực. Vì vậy, mình quyết định đặt mỗi mục trong danh sách này thành một sự kiện, rồi viết nên câu chuyện ngắn đầy cảm hứng xoay quanh chúng để kể về những dự định của mình.
Tinh thần của mình đã nhanh chóng thăng cấp và từ đó, mình nhìn mỗi sự kiện là cơ hội để khám phá ngày mới theo một cách hoàn toàn khác.
2. Dùng sổ tay không đường kẻ và trà làm vị cứu tinh
Gợi ý bởi Vy Lâm - Editor mục Cuộc Sống
Mình thường cảm thấy bế tắc khi bị lạc lối trong một biển công việc, hoặc do giấc ngủ tối hôm trước chưa chất lượng. Vì thế mình đã tìm ra 2 cách để giải quyết:
Sắp xếp lại công việc: Mình lập ra timeline (kế hoạch) cho cả tuần dựa trên quy trình làm việc và lịch đăng bài. Cách này giúp mình nhìn tổng quát được từng bước cần thực hiện và phát hiện những chỗ cần phải chỉnh sửa hay sắp xếp lại. Mình thường viết kế hoạch này trên sổ giấy trắng, không đường kẻ để được ghi chú vẽ vời tuỳ thích. Phần việc nào đã làm xong thì mình tick (đánh dấu) ngay để tạo cảm giác thành tựu và động lực tiếp tục tick cho hết.
Uống một ly trà thật đậm: Mình không uống cà phê nên trà là vị cứu tinh cho những buổi sáng uể oải. Trà nóng thường là lựa chọn được mình ưu tiên vì văn phòng của Vietcetera rất lạnh. Các vị trà ưa thích của mình là: hai loại trà chứa nhiều caffein như trà xanh (có thể tăng khả năng ghi nhớ) và oolong, hoặc earl grey (vì nó thơm) kèm theo một lát chanh và một chút mật ong.
3. Xả cảm xúc và viết nhật ký trên thanh tìm kiếm Google
Tài Thy - Editor mục Thời Trang
Đối với mình, âm nhạc là cách giải toả cảm xúc tốt nhất. Nếu đang ở văn phòng, mình sẽ nghe những bản nhạc phản ánh đúng nhất tâm trạng — dù là đang vui hay rất buồn. Nếu đang làm việc ở nhà, mình sẽ thuận miệng hát theo luôn. Không cần phải là âm nhạc, bạn có thể chọn bất kỳ hình thức “xả” nào mình thích như vẽ vời, tìm người nói chuyện, nhảy nhót...
Một cách khác là mình sẽ trải lòng bằng thanh tìm kiếm của Google. Mình sẽ gõ xuống thật cụ thể những gì bản thân nghĩ lúc đó, ví dụ như “Sao viết hoài không ra vậy trời ơiiiii?“, nhấn search và chờ câu trả lời. Đôi lúc, Google sẽ cho mình một bài viết hay hoặc một video thú vị. Hoặc đôi lúc, những kết quả khiến mình phải tắt tab ngay.
Hãy thử Google suy nghĩ của mình, bạn không biết mình sẽ nhận được kết quả gì đâu!
4. Bắt đầu bằng các chiến thắng nhỏ để tạo “đà” cho ngày mới
Nghĩa Lê - Editor mục Sáng tạo
Mình sẽ bắt đầu ngày mới bằng việc chinh phục một điều gì đó. Nó có thể là hoàn thành đường chạy trong 30 phút, vượt qua số tạ thường nâng hay hoàn thành một nghĩa vụ đã trì hoãn từ lâu. Chiến thắng nho nhỏ này sẽ tạo cho mình bước “đà” để duy trì cảm hứng trong suốt ngày làm việc.
Còn trong trường hợp tụt hứng giữa chừng chốn văn phòng, thì mình sẽ tiếp sức bằng những podcast chứa các chủ đề bùng nổ, ngay lập tức làm mình nổi da gà và bừng tỉnh như Revisionist History hay The Joe Rogan Experience.
5. Đứng lên đi lòng vòng để "cách ly" khỏi bế tắc
Trân Lê - Editor mục Cuộc Sống
Điều đầu tiên mình làm sẽ là tách bản thân khỏi công việc. Nhìn thì hơi ngồ ngộ nhưng mình sẽ đi lòng vòng trong văn phòng rồi lân la bắt chuyện với người này hay người kia. Sau đó, thì chia sẻ với họ về vấn đề của mình. Chỉ cần như vậy là mình đã cảm thấy rất thỏa mãn rồi.
Nếu người kia có thể cho mình những hướng giải quyết hay lời khuyên thú vị, áp dụng được ngay trong trường hợp bản thân thì mình sẽ lập tức quay lại công việc và hào hứng thực hiện.
6. Bật công tắc chuyển chủ đề trong 5 phút
Chi Nguyễn - Marketing Intern
Cách hữu hiệu và cũng là duy nhất mình luôn dùng trước giờ là chuyển chủ đề. Khi phải làm việc với những công việc phức tạp hay liên quan đến con số, mình dễ rơi vào trạng thái bế tắc. Và những lúc đó, mình tập cho bản thân thói quen nghỉ 5 phút.
Trong 5 phút này mình sẽ bước ra ngoài dạo vài vòng để có một góc nhìn mới. Ngoài ra mình cũng thường lượn qua các góc để bàn luận về nhiều chủ đề khác nhau với đồng nghiệp, xem video yêu thích, lướt tin tức hay đi ngủ (như cách vài đồng nghiệp đang làm).
7. Đọc để biết là mình đang may mắn lắm rồi!
Ngọc Mai - Editor mục Tin Tức
Nghe thì có vẻ lạ lùng vì đã làm báo là phải đọc nhiều lắm rồi, vậy mà lúc xả stress còn phải đọc nữa sao? Một điều khác biệt giữa đọc để phục vụ cho mục đích công việc và đọc để tăng “mood” làm việc là khi đọc vì vui, mình có nhiều lựa chọn hơn.
Không cần phải chạm vào những bài nghiên cứu khoa học dài 20 trang, lúc mệt mỏi, mình sẽ lượn Facebook của mấy đứa bạn thân để xem tụi nó kể mấy câu chuyện không đầu không đuôi. Buồn nữa thì vào group meme của công ty để xem hôm nay các anh chị đăng gì rồi ngồi cười đau ruột.
Đôi khi mình sẽ tìm những câu chuyện buồn thảm về các cặp đôi chia ly, đau khổ các kiểu để thấy thế gian này nhiều chuyện không như ý thật đấy. Mình vẫn còn giữ được công việc và được trò chuyện với các đồng nghiệp đáng yêu là may lắm rồi. Suy nghĩ thế xong tự xắn tay áo lên làm việc ngay và luôn!