Vietcetera search icon

Billy Phạm: Từ Thung lũng Silicon đến sân khấu Người Ấy Là Ai

Billy Phạm, hành trình từ Thung lũng Silicon đến sân khấu Người Ấy Là Ai.
Uyên Đỗ
Nguồn: Cơ Nguyễn

Nguồn: Cơ Nguyễn

Tham gia với tư cách khách mời của Người Ấy Là Ai - chương trình hẹn hò 'quốc dân' của Việt Nam, Billy Phạm đã phủ sóng mạng xã hội cùng với phong thái lôi cuốn và ngoại hình điển trai của mình. Ít ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoài quyến rũ, Billy còn có một câu chuyện đời không kém phần thú vị.

Ngoài việc là một anh chàng độc thân lịch lãm, Billy còn là một người đam mê công nghệ. Lớn lên trong một gia đình người Mỹ gốc Á điển hình, những thành tích của anh vượt xa các kỳ vọng được đặt ra. Không dừng lại ở việc lấy bằng cử nhân Tư pháp Hình sự từ San Francisco State University, Billy có một sự nghiệp thành công ở Lyft - một trong những kỳ lân công nghệ của Thung lũng Silicon - nơi anh đã gắn bó trong 7 năm qua.

Hạ cánh ngay trước khi biên giới đóng cửa vì COVID-19, hành trình của Billy tại Việt Nam đã vượt xa dự kiến ban đầu, nhưng anh không hề cảm thấy ‘chùn chân’. Billy xem kỳ nghỉ phép dài hạn này là một cơ may. Anh chọn tận dụng cơ hội này để theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số (digital nomad) và kết nối với những giá trị Việt Nam trong mình.

Tuy bỏ lỡ cuộc hẹn với nữ chính của Người Ấy Là Ai, Billy có một cuộc hẹn khác cùng Vietcetera. Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, Billy có những chia sẻ về sự thay đổi trong quan điểm của anh về Việt Nam, những kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, và những suy nghĩ về của anh về các hoạt động khởi nghiệp trong nước.

Tham gia với tư caacutech khaacutech mời của Người Ấy Lagrave Ai chương trigravenh hẹn hograve lsquoquốc dacircn của Việt Nam Billy Phạm đatilde phủ soacuteng mạng xatilde hội cugraveng với phong thaacutei locirci cuốn vagrave ngoại higravenh điển trai Nguồn Cơ Nguyễn cho Vietcetera

Anh đã đến Việt Nam ngay trước khi biên giới đóng cửa. Anh có những cảm nghĩ gì khi đến Việt Nam để du lịch, cũng như khi sống và làm việc tại đây?

Cảm xúc của tôi khá lẫn lộn. Việt Nam là một trong những điểm đến trong chuyến du lịch vòng quanh Đông Nam Á của tôi để tìm hiểu thêm về cội nguồn của mình, cũng như đi leo núi và lặn biển. Vì COVID-19, tôi đã phải thay đổi kế hoạch ban đầu và ở lại Việt Nam khi lệnh đóng cửa lâu hơn nhiều so với dự kiến. Tôi chứng kiến dân tộc Việt Nam đoàn kết và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đánh bại virus Corona và có thể mở cửa lại tất cả hoạt động kinh tế một cách an toàn, một điều cực kỳ ấn tượng đối với một quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế.

Là người thích chu du đó đây, khi xã hội mở cửa trở lại, tôi đã mua vé bay tiếp đến Cát Bà để thỏa mãn giấc mơ leo núi trên biển. Kể từ đó, tôi đã đến thăm rất nhiều thành phố, bãi biển, vùng nông thôn và có niềm vui thích được giao lưu với những con người Việt Nam xinh đẹp.

Con người ở đây rất hòa đồng. Tôi yêu cách mà mọi người ùa ra đường phố hằng đêm, ngồi với người thân và bạn bè trên những bộ bàn ghế nhỏ, cùng ăn uống, hàn thuyên và tận hưởng. Tôi nhận ra rằng ngay từ khi ở Mỹ, tôi đã được gia đình nuôi dạy bằng những giá trị Việt Nam như thế này. Chúng tôi luôn luôn dành những ngày cuối tuần và ngày lễ để ở bên nhau.

Hãy kể cho chúng tôi về công việc và những gì anh làm?

Tôi đã làm việc gần 7 năm cho Lyft - có trụ sở tại Hoa Kỳ. Chúng tôi chuyên về dịch vụ vận tải, giống như Grab, và nhiệm vụ của chúng tôi là cải thiện cuộc sống của mọi người thông thông qua cung cấp dịch vụ vận tải tốt nhất thế giới.

Vai trò của tôi là Technical Program Manager — tôi giám sát các dự án cần tập họp nhiều đội ngũ để hoàn thành đề xuất của công ty. Công việc này liên quan nhiều đến giao tiếp, kiến ​​thức kỹ thuật và làm việc với mọi bộ phận từ kỹ thuật, vận hành, tiếp thị, pháp lý và điều hành nhằm đảm bảo mọi thứ được liên kết và tập trung hướng đến một mục tiêu. Những việc tôi đã thực hiện bao gồm ra mắt công ty tại các thị trường mới, xây dựng nhóm hỗ trợ khách hàng, phân tích dữ liệu, quản lý ứng dụng iOS và Android, quản lý tuân thủ (compliance), phòng chống gian lận và quản lý định danh.

Xuất phát điểm là một người không có nền tảng về công nghệ, tôi đã học được rất nhiều kỹ năng trong công việc và thông qua các cố vấn của mình. Miễn là bạn có sự tò mò, kiên trì và một tư duy cởi mở, bạn có thể học bất cứ điều gì.

Đến từ California, nơi hệ sinh thái khởi nghiệp vô cùng sôi nổi, anh nghĩ thế nào về môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam?

Tôi cảm thấy may mắn khi có cơ hội làm việc tại Thung lũng Silicon, thủ phủ công nghệ của thế giới và học hỏi từ những nhân tài đến từ Google, Facebook, Twitter, Apple và Amazon.

Tôi đang tìm hiểu rất nhiều về lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, và hy vọng sẽ có cơ hội để kết nối với nhiều người hơn trong ngành. Theo quan sát của tôi, các thiết bị di động đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Wifi được lắp đặt ở mọi nơi, và các công nghệ Fintech và blockchain ngày càng được ứng dụng. Tôi nghĩ trong 5-10 năm tới, Việt Nam có thể xây dựng trung tâm công nghệ riêng của mình - một Thung lũng Sài Gòn chẳng hạn!

Những người tôi đã gặp ở đây có tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Chi phí sinh hoạt ở đây thấp nên không cần mất quá nhiều chi phí để thử sức với kinh doanh. Những người bạn tôi gặp được đã khởi nghiệp và thành công với các hiệu thời trang riêng, những cửa hàng quần áo, quán bar, quán cà phê và quán trà kombucha.

Là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, tôi tin rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành Singapore tiếp theo. Cả hai nước có sự tương đồng về các yếu tố kinh tế xã hội và thể chế chính trị, cũng như sự linh hoạt để chuyển dịch nhanh chóng - điều cần thiết để bắt kịp với phần còn lại của thế giới.

Để làm việc trong thế giới khởi nghiệp, bạn cần phải xông xáo. Đó là điều mà tôi đã học được từ các công việc khác nhau của mình, và tôi thấy đức tính đó ở rất nhiều người Việt. Bạn làm bất cứ điều gì cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, ngay cả khi bạn không có kinh nghiệm về nó trước đây. Với nguồn lực có hạn của Việt Nam, không có lựa chọn nào khác ngoài việc xắn tay áo lên và lao vào công việc.

Điều gì đã đưa anh đến Người Ấy Là Ai? Anh đã học được gì qua trải nghiệm của mình? Anh nghĩ gì về các mối quan hệ và tình yêu hiện đại?

Tôi không biết gì về Người ấy là Ai cho đến khi người bạn tốt của tôi, Stephen Turban (tham gia mùa 3, tập 8), mời tôi tham gia. Mục tiêu của tôi khi đến Việt Nam là có những trải nghiệm mới và thú vị, nên tôi đã khá hào hứng khi có cơ hội tham gia chương trình hẹn hò.

Tôi đã rất vui khi quay hình cho Người Ấy Là Ai và được làm quen với nhiều người tuyệt vời. Đội ngũ của Người Ấy Là Ai đã làm việc chăm chỉ để chương trình thành công. Mọi người đều có một câu chuyện hay để kể - cho dù đó là chuyện đau lòng, vượt qua khó khăn, hay tìm thấy tình yêu. Tôi tin rằng những thử thách trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, tôi ấn tượng với cách Người Ấy Là Ai dùng thời gian trên màn ảnh của mình để nâng cao nhận thức về LGBT cho công chúng.

Qua những trải nghiệm của bản thân với tình yêu và các mối quan hệ, tôi đã đúc kết được triết lý sau đây. Nếu bạn yêu ai đó, hãy để họ được tự do. Mục đích của tất cả các mối quan hệ là sự cho đi, giúp nhau phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn. Nếu bạn tìm cách chiếm hữu, kiểm soát hoặc thao túng người mình yêu, họ sẽ không còn là chính mình nữa.

Để 'giữ lửa' cho một mối quan hệ, đừng quá nghiêm trọng hóa mọi chuyện. Một chút bông đùa và sự ngẫu hứng sẽ giúp cho tâm lý đôi bên thoải mái hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục