“Cấn” gì về ngành công nghiệp tự vệ nữ?
Sau vụ việc phát hiện camera quay lén của Châu Bùi gần đây, nhiều chị em trên mạng xã hội truyền tai nhau những kiến thức, kinh nghiệm về cách tránh bị quay lén và các ứng dụng giúp phát hiện camera ẩn. Điều này khiến chúng ta chú ý hơn đến một hiện trạng: phụ nữ đang loay hoay tìm cách tự vệ cho mình.
Rất nhiều sản phẩm và dịch vụ với mục đích giúp nữ giới tự vệ đã ra đời, đặc biệt bán chạy hơn sau những sự việc không hay tương tự.
Ở nhiều nơi trên khắp thế giới, thị trường này phát triển và có đóng góp kinh tế đáng kể. Từ bình xịt hơi cay, súng điện, móc khóa tự vệ, đến các dịch vụ tư vấn an ninh cá nhân, khóa học tự vệ…, “ngành công nghiệp tự vệ” đang trở thành một phần quan trọng của đời sống hiện đại, giúp con người đối phó với những mối đe dọa hằng ngày, đặc biệt là nữ giới.
Năm 2024, trung bình 46% phụ nữ trên toàn cầu cảm thấy thiếu an toàn khi đi bộ một mình vào ban đêm ở nơi họ sinh sống. Nghiên cứu thị trường sản phẩm tự vệ trên toàn cầu được định giá ở mức khoảng 3 tỷ đô-la (năm 2024), dự kiến tăng trưởng ổn định và sẽ đạt 4,55 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.
Đằng sau sự phát triển và phổ biến của ngành công nghiệp tự vệ cho nữ giới là những câu hỏi về mối liên hệ giữa các sản phẩm, dịch vụ này với việc giải quyết vấn đề bạo lực và bất bình đẳng giới. Liệu phụ nữ biết cách tự vệ có khiến bạo lực giới biến mất? Liệu phụ nữ thực sự có thể tự bảo vệ mình khỏi bất bình đẳng giới hay không?
Sự trao quyền nửa vời
“Trang bị, Trao quyền, Giáo dục” (Equipping, Empowering, Educating) là slogan của thương hiệu sản phẩm tự vệ nữ nổi tiếng ở Mỹ, Damsel in Defense. Các chiến dịch, sản phẩm truyền thông của các doanh nghiệp trong ngành này thường áp dụng mô-típ trao quyền cho nữ giới, nhấn mạnh vào tác dụng củng cố sự tự tin và bảo vệ an toàn của người dùng.
Không thể phủ nhận tác động tích cực này ở một mức độ nhất định; song, phụ nữ có thực sự được trao quyền kiểm soát trước những rủi ro mà họ đối mặt?
Những thông điệp này thậm chí vô tình tạo ra một áp lực xã hội khác cho phụ nữ: phải biết cách bảo vệ mình. Chính phụ nữ là người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của họ. Với sự trợ giúp của tất cả những công cụ TỰ vệ này, nếu tình huống không mong muốn vẫn xảy ra thì lỗi đầu tiên sẽ nằm ở sự yếu ớt và bị động của nạn nhân.
Thêm vào đó, các quảng cáo cũng nhấn mạnh vào những mối nguy rình rập trong môi trường xung quanh. Trên trang web chính thức của mình, các thương hiệu (Mace, Go Guarded, Defense Divas…) thường chia sẻ các câu chuyện có thật về việc phụ nữ bị quấy rối và bạo lực ở nơi công cộng. Những thông điệp này lặp lại xuyên suốt có thể khiến phụ nữ có cảm giác chịu sự đe dọa liên tục, dẫn đến áp lực luôn phải cảnh giác cao độ.
Xét về khía cạnh truyền thông, điều này tạo nên thực hành kinh doanh không lành mạnh, khi mà nỗi sợ hãi được thúc đẩy và lợi dụng nhằm tăng doanh thu. Quá chú trọng vào việc môi trường xung quanh nguy hiểm như thế nào có thể làm tăng tình trạng lo âu không đáng có ở phụ nữ và cả các bậc phụ huynh có con gái.
Hơn thế, suy nghĩ phụ nữ luôn cần đề phòng, nhất là đối với những người nam, còn có thể củng cố định kiến cho rằng nam giới là “kẻ săn mồi”, làm sâu sắc hơn sự chia cắt giữa nam và nữ.
"Cung" được đáp ứng, "cầu" được duy trì?
Những sản phẩm và dịch vụ tự vệ là giải pháp trấn an tạm thời cho nỗi sợ của phụ nữ trước nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực và quấy rối. Song, khi “cung” đã được đáp ứng - với sự trang bị 7749 loại công cụ, “cầu” vẫn luôn được duy trì - nỗi sợ của phụ nữ liệu có biến mất?
Thực trạng bạo lực và quấy rối là hệ quả của tư tưởng phân biệt giới và thù ghét phụ nữ tồn tại đã lâu trong xã hội. Quan niệm truyền thống cho rằng nam giới mạnh mẽ và thống trị trong khi phụ nữ luôn yếu đuối và phải phục tùng.
Phụ nữ cũng nội tâm hóa quan điểm này, mang trong mình nỗi sợ hãi trước ánh nhìn đánh giá và thiếu cảm thông của xã hội khiến cho nạn nhân thường không dám lên tiếng. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, một môi trường nơi bạo lực giới và quấy rối tình dục dễ dàng được chấp nhận hoặc bỏ qua.
Hệ thống bất cân bằng về quyền lợi và quyền lực - xuất phát từ định kiến về vai trò, năng lực của nữ giới - khiến họ có ít quyền lực kinh tế, xã hội hơn, dẫn đến dễ bị phụ thuộc vào nam giới.
Xu hướng này dẫn đến sự bất lực của phụ nữ trong việc tự bảo vệ mình hoặc rời bỏ những mối quan hệ bạo lực. Việc ít được nắm giữ các vị trí lãnh đạo/đưa ra quyết định quan trọng ở chỗ làm và trong xã hội cũng khiến họ gần như không có tiếng nói trong việc định hình các chính sách và biện pháp bảo vệ. Những điều này, cùng với sự chênh lệch tự nhiên về sức mạnh thể chất, dễ dàng khiến nữ giới trở thành nạn nhân.
Ngành công nghiệp tự vệ có mang lại hiệu quả về an toàn nhưng chắc chắn không phải là giải pháp lâu dài. Đặt trọng tâm và ỷ lại vào những sản phẩm này khiến ta bỏ quên trách nhiệm của cộng đồng và xã hội trong việc tạo ra một môi trường an toàn cho phụ nữ.
Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bị mờ đi, làm giảm đi sự quan tâm và đầu tư một cách bài bản vào các biện pháp phòng ngừa thực sự quan trọng, như: giáo dục về bình đẳng giới và hành vi bạo lực, hỗ trợ tâm lý và tài chính cho nạn nhân, và vận động thay đổi luật và chính sách,...
Những kẻ săn mồi luôn có những phương thức ngày càng tinh vi hơn để thỏa mãn nhu cầu của mình. Những thiết bị tự vệ hiện đại hơn cũng sẽ xuất hiện để đối phó, nhưng nếu không giải quyết vấn đề từ gốc rễ, xã hội sẽ mãi đuổi bắt bạo lực và quấy rối trong một vòng lặp không hồi kết.
Bối cảnh Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đứng đầu cuộc khảo sát toàn cầu khi có tới 91% phụ nữ ở các thành phố lớn cảm thấy an toàn khi đi ra ngoài một mình vào ban đêm. Song, số liệu công khai mới nhất được lấy từ một nghiên cứu năm 2015 cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái tại Hà Nội và TP. HCM bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Như vậy, liệu không gian công cộng ở Việt Nam đã thật sự an toàn hay do người dân chưa đủ cảnh giác?
So với các quốc gia khác, các “món hàng" tự vệ cá nhân ở Việt Nam chưa nhận được nhiều sự quan tâm, các mặt hàng và thương hiệu bán các sản phẩm tự vệ dành cho nữ vẫn còn hạn chế. Các dụng cụ được cho là khá tối ưu trong việc giúp phụ nữ tự vệ như bình xịt hơi cay và súng điện không nằm trong danh sách các sản phẩm hợp pháp mà pháp luật nước ta quy định dân thường có thể sử dụng. Song những lựa chọn còn lại như thì hạn chế về chất lượng, độ đa dạng, chưa phổ biến, và khó tiếp cận. Một khóa học kỹ năng tự vệ có vẻ là phương án hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay.
Những thảo luận phổ biến về chủ đề an toàn cho phụ nữ thường xoay quanh cách xử lý tình huống để giảm thiểu mức độ rủi ro và thiệt hại (chia sẻ định vị với người thân, giả vờ gọi người thân khi đi về muộn một mình, tránh các tuyến đường vắng, tránh kích động kẻ xấu khi không có khả năng phản kháng,...)
Tóm lại, ngành công nghiệp tự vệ không chỉ là một hiện tượng thương mại mà còn là một phần biểu hiện quan trọng của cuộc đấu tranh lâu dài về bình đẳng giới. Nó phản ánh những bất bình đẳng và nguy hiểm mà phụ nữ phải đối mặt, đồng thời cũng thể hiện nỗ lực yếu ớt của phụ nữ nhằm bảo vệ chính mình.
Những nhà sản xuất, hệ thống đứng sau một ngành công nghiệp này có quan tâm thực sự đến việc giải quyết bạo lực giới? Liệu có giống như cách đồ gia dụng không ngừng cải tiến với thông điệp giúp đỡ phụ nữ làm việc nhà tốt hơn, sản phẩm tự vệ có khắc sâu hơn định kiến "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu"?
Chúng ta còn nhiều việc cần làm hơn là dạy cách phụ nữ phản kháng khi sự đã rồi.