Chơi game blockchain để kiếm tiền: Làm sao để hạn chế rủi ro?
Khi trào lưu play-to-earn trong thế giới crypto vào giai đoạn thoái trào, một trào lưu khác lại nổi lên là move-to-earn. Mặc dù tiềm năng của các dự án theo mô-típ này hấp dẫn vì có thể thu hút một cộng đồng lớn, đến bây giờ vẫn chưa có dự án nào vượt qua được “góc chết” lạm phát.
Nổi bật nhất gần đây là vụ lao dốc của StepN - dự án cho phép những người sở hữu giày NFT có thể tham gia đi bộ kiếm phần thưởng, đồng thời mua bán, nâng cấp các vật phẩm giày NFT.
Tuy vậy với nhiều người, các dự án game-fi (các trò chơi blockchain - kết hợp việc chơi game với yếu tố tài chính) vẫn có một sức hút đáng kể, trở thành một lựa chọn khác cho việc kiếm tiền từ crypto. Vậy làm thế nào để có thể kiếm lợi và hạn chế rủi ro ở những dự án tương tự như thế này?
Trào lưu game-fi "mê hoặc" chúng ta như thế nào?
Các dự án play-to-earn, move-to-earn hay gọi chung là xyz-to-earn đều phải thiết kế các cơ chế khuyến khích (incentives) đủ mạnh để thu hút người tham gia.
Cơ chế đầu tiên đó là số ngày hoàn vốn đầu tư, hay còn được gọi vui là số ngày “về bờ”. Người chơi phải mua một nhân vật hay thiết bị của game để có thể tạo ra token, rồi từ đó quy đổi ra tiền.
Số ngày hoàn vốn được tính bằng cách lấy chi phí bỏ ra ban đầu, chia cho số tiền kiếm được ròng (sau khi đã trừ chi phí) hàng ngày. Ví dụ, số tiền ban đầu bỏ ra là 1000 usdc/usdt, và mỗi ngày có thể kiếm được ròng là 25 usdc/usdt, thì số ngày hoàn vốn là 40 ngày.
Cơ chế thứ hai để khuyến khích thêm, là cho tạo ra nhân vật hay thiết bị mới, còn gọi là “đẻ” (mint). Khi đủ một điều kiện nhất định thì người chơi có thực hiện việc mint và kiếm lời. Lấy ví dụ như trong game StepN, khi có 2 đôi giày từ level 5 trở lên thì có thể dùng để mint tạo ra một đôi giày mới.
Cơ chế thứ ba là yếu tố may mắn trong quá trình chơi game. Người chơi có thể ngẫu nhiên nhận được một hộp quà nào đó, và tùy theo cấp độ hay những tài sản trong game người chơi có mà món quà sẽ có giá trị khác nhau. Quay lại game StepN thì đó là các mystery box ở 5 cấp độ khác nhau.
Nhưng lòng tham của con người là một điều hiển nhiên, và người chơi nào cũng muốn tối ưu lợi ích của mình, thậm chí tìm cách khai thác các lỗ hổng của game hoặc thậm chí cố tình gian lận.
“Bóc trần” game-fi: Khi người chơi lợi dụng “góc chết” lạm phát
Trong game play-to-earn, người chơi chỉ có thể chơi trong một khoảng thời gian nhất định trong một ngày. Tuy vậy, cũng có những người phối hợp tổ chức để chơi liên tục 24/24, hay được gọi là cày game. Có những nhóm chuyên nghiệp lên đến hàng chục người, người chơi được thuê để cày game cho chủ trại.
Với game move-to-earn, thì mặc dù game đã khống chế số lượng token tối đa có thể kiếm được trong vòng 24h thì người chơi vẫn có những cách để lách, như cùng một lúc chạy với nhiều tài khoản khác nhau.
Biên lợi nhuận hấp dẫn từ việc mint giày trong game StepN đã tạo ra những trang trại giày chỉ để mint, không còn mục tiêu ban đầu là người chơi phải có vận động ngoài trời.
Với việc token game được tạo ra nhanh chóng, lượng giày mint vượt xa ước tính của những người tạo lập game thì các cơ chế hủy (burn) token cũng không giải quyết được vấn đề. Khi cung lớn hơn cầu thì giá dĩ nhiên sẽ phải giảm.
Kiểm soát lạm phát là chuyện đau đầu nhất của các dự án game-fi. Chính vì vậy, một dự án chỉ có thể tồn tại và phát triển khi kiểm soát được gian lận và bịt được các lỗ hổng.
Dự án cũng phải có cơ chế khuyến khích cân bằng, để vừa thu hút được người mới nhưng vừa giữ được giá token của game.
Vậy làm sao để chơi game-fi tỉnh táo?
Trong game-fi, lợi thế luôn thuộc về những người tham gia sớm, vì giá token hay nhân vật/thiết bị của game lúc ban đầu thường rất rẻ. Một khi game đã được phổ biến thì giá đã tăng vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần.
Tuy vậy, cám dỗ lớn nhất là lòng tham của người chơi, và đó cũng là một cái bẫy. Cảm thấy việc kiếm tiền dễ nên người chơi đa phần muốn kiếm thêm, mà quên việc cần phải tính toán số ngày hoàn vốn ban đầu của mình.
Lấy ví dụ như trước khi vào game, người chơi tính toán được số ngày hoàn vốn trung bình là 30 ngày. Nhưng sau khi chơi được 10, 20 ngày thì lại tái đầu tư, hoặc thậm chí bỏ thêm vốn đầu tư, khiến số ngày hoàn vốn vì vậy cứ kéo dài.
Cho đến nay, vòng đời của các game-fi vẫn dừng ở mức vài tháng, vì chưa giải quyết được triệt để thách thức lạm phát trong game. Chính vì vậy mà những người chơi tái đầu tư hoặc tham gia trễ thì rủi ro bị thua lỗ là rất lớn.
Chàng-Ngốc-Già biết có những người vào đúng thời điểm game bắt đầu gặp khó khăn, thì sau 1 tháng đã bị thua lỗ đến 70-80%.
Như vậy, việc tham gia vào các dự án game-fi có rất nhiều rủi ro, ngay cả những dự án có nhiều triển vọng nhờ giá trị của game mang lại cũng như tiềm năng số người tham gia.
Để có thể “chơi tàu lượn” được với game-fi thì phải tuân thủ kỷ luật, ưu tiên bảo vệ vốn đầu tư. Điều này có nghĩa nếu xác định số ngày hoàn vốn là x ngày, thì bạn phải rút vốn đều đặn trong x ngày và không được tái đầu tư hay đầu tư thêm.
Nếu bạn có khả năng phát hiện và tham gia dự án ngay từ khi mới bắt đầu đó là một lợi thế rất lớn, nhưng bạn cũng cần lưu ý trong việc bảo toàn vốn, chốt lời 1 phần và chỉ để lại phần lời trong game để tiếp tục.
Điều này giúp bạn đề phòng, để dù game có “về zero” thì cũng không ảnh hưởng đến vốn gốc và phần lợi nhuận đã lấy ra từ trước.
Kết
Xu hướng game-fi đặc biệt có liên quan đến sức khỏe, kiến thức, trải nghiệm sẽ còn phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Trào lưu này dù mới, nhưng ngày càng thu hút đông đảo hơn người chơi tham gia.
Vậy nên, việc sàng lọc dự án để tránh bị lừa đảo là điều đầu tiên bạn cần phải làm, và sau đó dưới góc độ đầu tư thì cần tuân thủ kỷ luật trong việc quản trị rủi ro cũng như quản lý vốn. Chúc các bạn chơi game tỉnh táo để vừa khỏe người, vừa “khỏe” ví tiền.