Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên: Tổn thương giúp ta trân trọng chính mình nhiều hơn
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, hay “Bà giáo già” như cái tên cô đặt trên trang Facebook, là người đã có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục với nhiều vai trò khác nhau, từ giáo viên, chuyên viên đào tạo đến chủ doanh nghiệp InnEdu. Với các phương pháp dạy học, hướng dẫn tư duy đổi mới, cô trở thành người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cũng lọt top 20 người phụ nữ Việt truyền cảm hứng của tạp chí Forbes năm 2021. Cùng lắng nghe cô chia sẻ về hành trình ấy - điều đã giúp cô “chạm đến trái tim của hàng ngàn học sinh thay vì chỉ vài trăm em” mỗi năm.
Động lực sáng tạo đến từ việc đồng hành cùng con
Khi phát hiện con trai lớn bị tự kỷ, chuyên gia Diễm Quyên đã có cách rất riêng để đồng hành cùng con trên hành trình học hỏi. Cô không bắt con phải học chữ trước khi vào lớp 1, dù tất cả các bạn khác trong lớp đều đã biết chữ.
Khi thấy con khó hòa nhập trong trường học bình thường, cô chuyển con ngay sang môi trường phù hợp hơn. Cô hiểu rằng trẻ tự kỷ có cách học, cách hiểu và tư duy khác biệt, nếu ép nó phải học theo cách như các bạn khác sẽ không bao giờ hiệu quả. Đến bây giờ, “quả ngọt” cô hái được chính là việc con trai lớn thành đạt, có cuộc sống hạnh phúc.
Đây cũng là động lực giúp cô Diễm Quyên thực hiện nhiều dự án sáng tạo trong giáo dục, cũng như hỗ trợ giáo viên ở các vùng khó khăn. Bởi cô tin rằng, chỉ cần có cách hỗ trợ đúng đắn, đứa trẻ nào cũng sẽ tìm thấy niềm vui trong việc học để đi vững trên đôi chân của chính mình.
Học để làm gì, và vai trò của người thầy đã thay đổi ra sao?
Sau nhiều năm trong ngành giáo dục, cô Diễm Quyên đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở này. Chúng ta học là để có được sự tự do, bởi một khi đã có kiến thức thì ta sẽ lựa chọn được điều tốt nhất, phù hợp nhất với mình, giúp mình hạnh phúc trong cuộc sống.
Chuyên gia Diễm Quyên cũng gợi ý 3 câu hỏi mỗi người nên đặt ra khi học: What (học cái gì), Why (vì sao phải học cái này) và How (học nó như thế nào). Trả lời được 3 câu hỏi ấy, tự khắc ta sẽ tìm ra cách học tốt nhất cho bản thân.
Cô Diễm Quyên tâm đắc câu nói của danh họa Picasso: “Nghệ sĩ bình thường thì vay mượn, còn thiên tài thì đánh cắp”. “Đánh cắp” ở đây là tiếp thu ý tưởng của người khác, nhưng biến được nó thành của mình. Việc học cũng có thể được hiểu như vậy - chúng ta tiếp nhận kiến thức do người khác truyền dạy, nhưng phải tìm cách biến nó thành kiến thức của mình.
Chính vì vậy mà trong thời buổi hậu COVID khi mô hình lớp học truyền thống thay đổi, vai trò của người thầy không chỉ đơn thuần là người chuyển giao kiến thức.
Người thầy phải là người hiểu rõ từng học sinh, biết tạo động lực, đánh giá và có cách tiếp cận phù hợp nhất, sao cho các em hiểu rằng mình không cần phải giỏi hơn bạn khác, mà chỉ cần tiến bộ hơn mình của ngày hôm qua. Cốt lõi của giáo dục hiện nay cũng nên thay đổi như vậy - dạy học giúp học sinh phát triển năng lực của chính mình.
Tiếp cận với hư tổn ra sao để học hỏi từ nó?
“Hư tổn” ở đây có thể hiểu là những biến cố cả về thể chất lẫn tinh thần. Chuyên gia Diễm Quyên nhớ về thời còn trẻ, khi vừa chăm 3 con nhỏ, vừa đi làm, vừa học thêm kiến thức để phát triển sự nghiệp. Có những khi cả 3 đứa con cùng ốm, tóc cô cũng theo áp lực mà hư tổn, rồi có giai đoạn phải cắt tóc ngắn để trông mình đỡ “thảm hại” hơn.
Nhưng khi vượt qua được, cô đều thấy mạnh mẽ thêm một chút. Để rồi giờ đây khi có thể chăm sóc tóc tốt hơn, cô vẫn biết ơn khi nhìn lại hình ảnh mình với mái tóc “xấu” khi ấy.
Những hư tổn lớn hơn về tinh thần cũng vậy. Có những lúc cô Diễm Quyên rơi vào vô vọng, nhưng khi được một người bạn khen nấu canh cá rô ngon, cô lại nhận ra rằng luôn có thứ gì đó mình có thể làm tốt hơn người khác.
Từ đó cô hiểu ra rằng, mọi việc xảy ra đều có lý do của nó, kể cả những người làm ta tổn thương - họ đến để dạy ta một bài học nào đó. Một khi vượt qua được, chúng ta sẽ ổn thôi. Mỗi vết thương đều mang vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của sự mạnh mẽ, cố gắng hết mình để vượt qua khi sóng gió ập đến. Chúng ta đều nên tự hào về điều đó.
Quan trọng hơn cả, cô Diễm Quyên nhận định, phụ nữ không nên bị đánh giá qua những hư tổn về tóc hay sự “bệ rạc” về vẻ ngoài. Bởi đằng sau hình ảnh đó, mấy ai biết được họ đã phải nỗ lực thế nào để cùng lúc cân bằng cả sự nghiệp lẫn gia đình. Vì vậy mà cô rất ngưỡng mộ những phụ nữ có thể vượt qua những thử thách ấy, để đạt tới thành công trong cuộc sống.
Đây có lẽ cũng là động lực để chuyên gia Diễm Quyên mở các khóa tập huấn về tư duy phản biện. Đối với cô, bản chất việc dạy cách tư duy này không phải để giúp người ta thắng thế trong các cuộc cãi nhau, mà để giúp họ (và cả chính mình) hiểu và nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Từ đây chúng ta sẽ hợp tác tốt hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống.
Cảm ơn nhãn hàng Dove đã đồng hành cùng Vietcetera trong chuỗi podcast tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam. Hư tổn là một phần trong hành trình của mỗi người, chúng ta trải nghiệm, để hoàn thiện và tạo nên bản thân ngày hôm nay. Mỗi hư tổn đều có một câu chuyện riêng, và vẻ đẹp riêng.
Phụ nữ - đừng sợ tổn thương. Cứ dấn thân, cứ hư tổn, còn phục hồi để Dove lo.
Tìm hiểu thêm về Dove Việt Nam thông qua Facebook và TikTok ngay hôm nay!