Có gì trong hành trang của một Brand Manager lĩnh vực Game & Giải trí?
Chị Mai Đặng, Brand Manager và Manager, Virtual Business tại Creatory, chia sẻ những bài học kinh nghiệm dày dặn mà chị có, và quyết định theo học MBA để khai phóng nấc thang tiếp theo trong sự nghiệp.
Mai Đặng là một trong những người gia nhập Creatory thời kỳ đầu, và đứng sau thành công của hàng loạt các creator lớn như PewPew, Misthy, Linh Ngọc Đàm, Di Di, Kenjumboy… Với 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải trí, game và quản lý talent; hiện tại, chị đang kiêm nhiệm vai trò Brand Manager và Manager, Virtual Business tại Creatory.
Là nhân vật đầu tiên của series mới toanh mang tên “Học & Hành", được hợp tác sản xuất giữa Vietcetera và Đại học RMIT Việt Nam, chị Mai Đặng sẽ chia sẻ đến độc giả những bài học kinh nghiệm dày dặn mà chị có, và quyết định theo học MBA để khai phóng nấc thang tiếp theo trong sự nghiệp.
1. Luôn bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao mình làm điều mình đang làm?”
Mai chia sẻ, có hai điều chị luôn tìm kiếm trong công việc của mình, đó là niềm hạnh phúc khi chị được làm việc và giá trị mà công việc của chị mang lại cho người khác.
Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực game, dù luôn biết giá trị công việc của mình là giải toả căng thẳng và mang lại hạnh phúc cho những người yêu game, Mai không cảm thấy như vậy là đủ nữa. Niềm vui trong công việc giảm sút khiến Mai không ngừng tự hỏi: “Tại sao mình làm việc mình đang làm?”
Đúng lúc đó, Mai gặp Jay, nhà sáng lập Creatory. Bản thân Jay cũng là người từ bỏ công việc tại các tập đoàn lớn để đi tìm niềm vui và hạnh phúc trong việc mình làm. Anh thành lập Creatory cũng để mang niềm vui và hứng khởi đến cho mọi người. Mai gia nhập công ty, dùng kinh nghiệm về giải trí và game của mình để giúp các bạn creator hiện thực hóa mục tiêu đó.
4 năm tại Creatory, Mai trải qua nhiều vai trò khác nhau. Tuy nhiên, giá trị bất biến trong công việc của chị vẫn là “mang lại niềm vui cho mọi người”.
2. Phát hiện talent là trực giác, phát triển talent là nỗ lực của cả một tập thể
Qua nhiều năm làm việc với hàng trăm talent, Mai nhận ra một sự thật rằng: việc giúp một ngôi sao được tất cả mọi người đón nhận gần như là không thể.
Thay vì tìm kiếm những talent lớn như MisThy và PewPew, công ty bắt đầu tập trung vào những bạn talent với tệp nhỏ hơn, nhưng tài năng của các bạn giúp mọi người tự phát huy khả năng của chính mình để nhân rộng niềm vui.
Khi được hỏi liệu có một quy trình chuẩn để phát hiện talent, Mai chỉ cười: “Kể cả tại những nơi có nền công nghiệp giải trí khổng lồ như Hàn Quốc, phát hiện talent vẫn là câu chuyện trực giác. Và bạn phải làm việc với talent trong một thời gian dài để chắc chắn về tiềm năng phát triển của họ.”
Đó là lý do mà quyết định hợp tác giữa talent và đơn vị quản lý không còn diễn ra trong một buổi phỏng vấn như trước. Cần khoảng 3 tháng probation (thử việc) để xác định một talent có phù hợp với công ty không? Và liệu talent có khả năng cộng tác với nhiều người hay không?
Mai cũng nhấn mạnh, những talent biết rõ điểm mạnh của mình trong một lĩnh vực nhất định thì thường có khả năng tiến xa hơn những talent nghĩ rằng mình có thể làm tất cả mọi thứ.
3. Influencer marketing luôn thay đổi, bạn đã sẵn sàng chuyển đổi?
Mai chia sẻ, đến thời điểm này, influencer marketing không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giao dịch một-lần giữa thương hiệu và các nhà sáng tạo nội dung nữa (thế hệ 1.0). Khái niệm “cá nhân hoá thông điệp truyền tải" cũng không còn xa lạ (thế hệ 2.0).
Với sự lên ngôi của thương mại điện tử và affiliate marketing, influencer marketing cũng đã “tiến hoá" thêm một bậc - nơi người sáng tạo tư vấn ngược lại cho thương hiệu để chọn lọc ra thông điệp phù hợp nhất với giá trị xã hội của họ - nhằm cam kết tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate).
Thậm chí, một số các creator hàng đầu hiện nay còn chủ động tiếp cận thương hiệu, xây dựng toàn bộ chiến dịch (từ ý tưởng, sản xuất đến phân phối) để trực tiếp bán hàng trên nền tảng của họ.
Qua từng giai đoạn phát triển của influencer marketing, khối lượng công việc tại một đơn vị quản lý talent cũng tăng lên rất nhiều. Trong giai đoạn 1.0, công việc của Mai là thuần về nội dung, định hướng chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn cho talent.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, trong vai trò Brand Manager, Mai phải hoạch định chiến lược để công ty có thể chuyển đổi nhanh nhất có thể. Không còn là sản xuất nội dung đơn thuần, công ty phải chủ động trong khâu ý tưởng, sản xuất, logistics để phát huy tối đa tiềm năng của creator và cam kết tỷ lệ chuyển đổi.
4. Khi nấc thang tiếp theo đòi hỏi nhiều hơn những gì bạn có, “học tiếp" chính là câu trả lời
Năm 2018 là thời điểm game livestream bùng nổ tại Việt Nam, với sự tham gia của rất nhiều mạng livestream lớn như Nonolive, Bigo Live, Nimo TV.
Là người tiên phong trong mảng livestream tại Việt Nam, công ty của Mai đón đầu những hợp đồng lớn nhất thị trường, số lượng thành viên team game lúc bấy giờ tăng trưởng rất nhanh. Đỉnh điểm là khi Mai phải quản lý trực tiếp hơn 12 creator và 30 nhân viên.
Đối diện hàng chục con người với những điểm mạnh - điểm yếu khác nhau, cùng với nhiều hợp đồng giá trị lớn, Mai nhận ra những thiếu sót của mình trong việc quản lý nhân sự và quản lý ngân sách. Để có thể hoàn thành tốt công việc và khám phá những tiềm năng tiếp theo trong sự nghiệp, Mai bắt đầu cân nhắc đến việc học lên MBA để được đào tạo bài bản về kỹ năng quản trị.
Mai từng dự định sẽ đi du học, nhưng cứ nghĩ đến việc phải bỏ sự nghiệp mình yêu thích lại phía sau, rồi trở lại sau 2 năm học, Mai cảm giác rất buồn. Cách duy nhất để vừa lĩnh hội kiến thức, vừa không phải bỏ ngang sự nghiệp là theo học một chương trình tương đương ở Việt Nam.
Sau khi sàng lọc các lựa chọn học bổng mà mình có, cân nhắc thứ hạng trường, và lắng nghe nhận xét từ giới chuyên môn, Mai quyết định theo học chương trình MBA tại RMIT.
Trải nghiệm MBA tại RMIT của Mai là sự kết hợp giữa những kiến thức nền tảng về quản trị, nhân sự, và phân tích số liệu, cộng với những xu hướng được cập nhật tức thì và chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Kiến thức MBA giúp Mai hệ thống hoá lại cách hạch toán chi tiêu trong phòng ban của mình, làm sao để đảm bảo tỷ lệ ROI như ban lãnh đạo mong muốn. Ngoài ra, chương trình học còn giúp Mai có thêm “ngôn ngữ" để giải trình báo cáo kết quả tài chính kinh doanh với CFO và kế toán, thuyết phục nhân sự vì sao mình cần thêm tài nguyên…
Trong tất cả những môn học tại RMIT, Mai đặc biệt yêu thích Authentic Leadership - môn học đã giúp cho Mai hiểu hơn về bản thân, những việc mình đang làm, và có cái nhìn xa hơn về sự nghiệp của mình. Không chỉ áp dụng cho bản thân, chị còn thường xuyên chia sẻ kiến thức này tại các buổi trò chuyện, trao đổi với học sinh, sinh viên.
5. Làn sóng livestream đã qua, video đang ở giai đoạn cực thịnh, tiếp theo sẽ là gì?
Vừa học xong MBA, công ty của Mai cũng bắt đầu bước vào giai đoạn tái cấu trúc. Phòng ban của Mai có thêm nhiều manager để hỗ trợ Mai quản lý hiệu quả hơn, số lượng creator Mai quản lý cũng ít lại. Cùng lúc này, Creatory lại đón đầu một làn sóng mới, sau làn sóng livestream và video, đó chính là metaverse.
Vì thế, song song với việc quản lý team Brand, Mai bắt đầu đảm nhiệm thêm một phòng ban mới toanh, chuyên phát triển nền tảng, công nghệ và các định dạng nội dung trong metaverse. Cũng trong khuôn khổ dự án này, một studio thực tế ảo sẽ ra đời để hỗ trợ các creator nâng cao chất lượng nội dung, rút ngắn thời gian sản xuất và hậu kỳ.
Dự án này không chỉ giúp Mai được tiếp cận với những cải tiến mới nhất của ngành, mà còn giúp Mai được dịp vận dụng những kiến thức quản trị mình đã học.
Từ việc quản lý một đội ngũ lập trình viên thực tế ảo (với ngôn ngữ khác hẳn so với các đội ngũ lập trình viên game hoặc app mà trước đây Mai từng làm việc chung) cho đến việc quản lý ngân sách trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, tối ưu hoá chi phí và hiệu suất công việc.
Về phía creator, các bạn cũng cần trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể bắt đầu tiến vào các nền tảng metaverse, xây dựng nội dung và tương tác với khán giả tại đó. Mai cũng dự đoán, metaverse sẽ thúc đẩy sự ra đời của một thế hệ creator hoàn toàn mới - những cá nhân có tài năng, nhưng ngại “ra mặt", sẽ sáng tạo nội dung thông qua nhân vật ảo (avatar).
Thế hệ creator này có thử thách các creator truyền thống? Mai tin rằng, miễn là creator thật sự có thực lực và cá tính khác biệt, bạn vẫn sẽ tiếp tục toả sáng trong thế giới metaverse!
Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, chương trình MBA của RMIT giúp học viên trau dồi chuyên môn trong kinh doanh và quản lý, mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, tăng cường trải nghiệm quốc tế và trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng. Ngày 7/8 tới đây, ĐH RMIT sẽ tổ chức hội thảo thông tin và workshop học thử trực tuyến trong chương trình MBA, vui lòng đăng ký tại đây để được trải nghiệm thực tế và tìm hiểu thêm về thông tin và học bổng của chương trình.