Curator Đỗ Tường Linh - Một tác phẩm chất lượng phải có tư tưởng rõ ràng

Nghệ thuật phải có sự khác biệt và thách thức cả khán giả lẫn những giá trị sẵn có.
Thư Vũ
Giám tuyển nghệ thuật Đỗ Tường Linh | Nguồn: Tường Linh cho Vietcetera

Giám tuyển nghệ thuật Đỗ Tường Linh | Nguồn: Tường Linh cho Vietcetera

Đỗ Tường Linh là một giám tuyển độc lập hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Cô làm việc và cộng tác với nhiều không gian nghệ thuật, viện văn hoá trong và ngoài nước như VCCA, Mơ Art Space, Six Space,... Nghiên cứu của cô tập trung vào chủ đề nghệ thuật, chính trị, nghệ thuật ý niệm và nghiên cứu hậu thực dân.

Tốt nghiệp Thạc sĩ về Nghệ thuật đương đại và Lý thuyết nghệ thuật của Châu Á và Châu Phi tại SOAS (Đại học London) và trở về nước, Tường Linh đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành nghệ thuật. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những chia sẻ của chị về thị trường nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Giám tuyển nghệ thuật là cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả

Tường Linh cho rằng một người giám tuyển phải cân bằng được giữa nhiệm vụ. Một là giúp xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ được ý tưởng mà nghệ sĩ mong muốn.

Để tác phẩm có thể được hiện thức hoá một cách lý tưởng nhất. Hai là tạo ra được đường dẫn cho khán giả có thể tiếp cận được với các tác phẩm nghệ thuật.

Để có được sự cân bằng và cầu nối đó, theo Tường Linh - đầu tiên phải tạo ra những buổi trao đổi, nói chuyện nghệ thuật như là workshop, art tour,..

Ở Việt Nam hiện nay, điều này còn chưa phổ biến. Internet cho chúng ta một nền tảng để học hỏi và khám phá nhưng nếu không có kiến thức lịch sử, văn hoá xã hội hay tiếp xúc nghệ thuật sẽ rất khó để hiểu sâu.

Đối với nghệ sĩ, một người giám tuyển phải biết đứng đủ xa khỏi tác phẩm để nhìn thấy toàn cảnh, giúp cho nghệ sĩ không để cái tôi ảnh hưởng quá nhiều.

Cùng với đó là việc mở rộng cách đọc và hiểu một tác phẩm nghệ thuật. Hơn nữa, Tường Linh cho rằng, đối với bất kì triển lãm nào tham gia, điều đầu tiên phải hiểu kĩ đó là bối cảnh.

Ví dụ ở một triển lãm, không gian đặt nặng tính chuyên môn và thử nghiệm nghệ thuật, người nghệ sĩ có thể hoàn toàn đề cao cái tôi cá nhân. Nhưng khi bước ra những không gian công cộng, một người giám tuyển sẽ là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng.

Trong nghệ thuật phải có sự khác biệt

Không có tác phẩm cao thấp, hay dở, sang hèn, mà nó sẽ có những giá trị riêng nhìn từ góc độ của người sáng tác. Đó là điều Tường Linh luôn tâm niệm trong công việc của mình.

Có những tác phẩm rất hay và giá trị nhưng không nhiều người biết, đồng thời cũng sẽ có những tác phẩm chất lượng nghệ thuật trung bình, nhưng nhờ đúng thời điểm và có ảnh hưởng truyền thông mà mọi người biết đến.

Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, giá trị kinh tế của một tác phẩm đôi khi không phải là chuẩn mực duy nhất để nghệ sĩ đánh giá công việc của mình. Tuy nhiên, thị trường cũng là một sân chơi để kích thích sức sáng tạo đối với cả công chúng lẫn sưu tập nghệ thuật.

Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, nghệ thuật không nằm ngoài tiến trình đấy. Nhưng đồng thời, đó cũng là một lợi thế, vì nghệ thuật khi đó không bị đưa vào một khuôn khổ nào.

Tuy nguyên tắc và cách vận hành tuân theo cái định sẵn của phương Tây nhưng vẫn giữ được nét khác biệt. Xét cho cùng, trong nghệ thuật luôn phải có sự khác biệt.

Một tác phẩm có giá trị và sức sống bền bỉ phải mang tầm tư tưởng và là sự thách thức chính hệ thống niêm luật, quy tắc, ý nghĩa đã tồn tại từ lâu.

Phân biệt giữa nghệ thuật thương mại và phi thương mại

Thời gian gần đây, công chúng Việt Nam dành nhiều sự quan tâm cho hội họa Đông Dương. Tiêu biểu là những bức tranh của Lê Phổ hay Mai Trung Thứ đã và đang được đấu giá rất cao trên thị trường quốc tế, với những tiếng gõ búa lên đến mấy triệu đô.

Nhìn vào sự phát triển những điều đang dần được công nhận của hội hoạ Việt Nam, Tường Linh cho rằng chúng ta cần có nhiều hơn một góc nhìn. Việc một tác phẩm nghệ thuật nổi hay không, có giá trị lâu dài sau này thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đầu tiên là về chất lượng nghệ thuật. Sau đó còn cả những câu chuyện về tính huyền thoại hay truyền thông đằng sau đó. Nếu theo dõi lịch sử nghệ thuật thế giới, bạn sẽ thấy có rất nhiều tác phẩm trải thăng trầm.

Khi thì được mọi người săn đón, có lúc cũng bị rơi vào lãng quên. Dưới đánh giá của Tường Linh, giai đoạn phải có lúc thịnh lúc suy, nhưng điều đó không nói nên giá trị nghệ thuật của nó.

Nghệ thuật luôn phân chia song song hai làn sóng: nghệ thuật thương mại và phi thương mại. Khi bạn định danh cho mình là một giám tuyển phi lợi nhuận, hãy biết tách biệt và nhìn nó dưới một lăng kính khác.

Đó là giá trị của một triển lãm hay tác phẩm, sẽ được đo đếm bằng sự đón nhận của công chúng, cộng đồng nghệ thuật và những người trong giới chuyên môn.

Nghệ thuật Việt Nam là sân chơi mở cho các nghệ sĩ trẻ

Cùng với sự phát triển của nghệ thuật đương đại và nền tảng trực tuyến, những người nghệ sĩ hiện nay có nhiều cách tiếp cận đến công chúng và giới chuyên môn thông qua các tác phẩm của mình.

Nếu như ngày xưa, giám tuyển nghệ thuật hay định danh nghệ sĩ sẽ làm triển lãm ở bảo tàng hay một không gian nào đó, thì ngày nay khán giả xem nghệ thuật trẻ hơn và có nhiều không gian hơn. Ví dụ như mạng xã hội hay Instagram, Behance,..

Đó là điều ở kinh nghiệm làm việc của mình, Tường Linh đã thấy các bạn giám tuyển trẻ không chỉ ở Việt Nam và cả thế giới đang sử dụng rất nhiều, đặc biệt trong thời Đại dịch Covid. Đấy cũng là một cách tiếp cận rất khác so với ngày trước.

Dịch bệnh có thể hạn chế cho những không gian sáng tạo hay triển lãm trực tiếp thu hút nhiều người tham dự. Nhưng đó không phải là rào cản cho những thực hành nghệ thuật và ý tưởng được bước ra công chúng.

Ngày nay, nghệ thuật thị giác có nhiều những giám tuyển chuyên nghiệp và thử sức ở các lĩnh vực mới. Không chỉ dừng lại ở hội hoạ, thị trường bắt đầu có chỗ đứng riêng cho những phân khúc chuyên sâu hơn như nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc,...điều mà từ trước đến nay chưa có ai làm.

Ý tưởng rõ ràng là tiêu chí để giám tuyển định giá và lựa chọn tác phẩm

Muốn đưa ra được một sản phẩm nghệ thuật đến với công chúng, bạn phải có ý tưởng mạnh hoặc tuyên ngôn, tư tưởng rõ ràng.

Một tác phẩm ra đời trong bối cảnh như thế này thì có ý nghĩa gì với thời đại chúng ta đang sống? - Đó là câu hỏi đầu tiên mà Tường Linh cho rằng một giám tuyển phải đặt ra.

Tiêu chí thứ hai mà Tường Linh quan tâm đó là việc người nghệ sĩ định hình bản thân như thế nào. Thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn định hình chính mình.

Bước qua thời kỳ đổi mới cũng là lúc nghệ thuật bắt đầu mở cửa, khi các sản phẩm được đưa lên sàn nước ngoài thì người nghệ sĩ phải biết và hiểu mình đang ở đâu.

Nếu những người hoạt động nghệ thuật mong muốn một thị trường lành mạnh, thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải tìm được cho mình cái giá hợp lý. Ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào cũng vậy, phát triển phải có từng bước.

Cuối cùng, theo Tường Linh, một người nghệ sĩ hãy luôn quan tâm đến khán giả của mình là ai. Khi bạn biết điều đó thì tùy hoàn cảnh sẽ ứng biến và chọn ra các tác phẩm phù hợp.

Hiểu được điều này cũng chính là cách những người thực hành nghệ thuật có thể sáng tác và tạo ra những giá trị lâu bền.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục