CZ và Binance nhận tội: Sóng gió có cuốn trôi gã khổng lồ tiền số cuối cùng?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
CEO của Binance, Changpeng Zhao (CZ), đã từ chức sau khi thừa nhận các cáo buộc rửa tiền tại tòa án Seattle, Mỹ. Binance cũng đã chấp thuận ba cáo buộc hình sự là rửa tiền, kinh doanh dịch vụ chuyển tiền mà không được cấp phép, và vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra kết luận điều tra rằng, từ tháng 8/2017 tới tháng 10/2022, Zhao và Binance đã kiếm lời từ thị trường Mỹ mà không tuân thủ những quy định luật pháp tại đây. Vị cựu CEO cho rằng những quy định đó “sẽ hạn chế khả năng thu hút và giữ chân người dùng Mỹ.”
Đây là điểm kết của cuộc điều tra Binance, kéo dài từ tháng 6 năm nay. Sau khi FTX phá sản và CEO Sam Bankman-Fried ngồi tù, Binance là mục tiêu tiếp theo của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
2. Điều gì đang chờ đón CZ và Binance?
Điều đầu tiên mà CZ và Binance phải làm, trước cả khi chính thức nghe cáo buộc tại tòa, là nộp phạt. Số tiền mà Binance và CZ phải trả lần lượt là 4.3 tỷ USD và 50 triệu USD. Sàn giao dịch này phải cho phép các cơ quan điều tra truy cập vào sổ sách, hồ sơ và chịu giám sát từ chính phủ Mỹ trong vòng 3 năm kể từ thời điểm tuyên án.
Binance đã chấp thuận yêu cầu từ chức của CZ. Tòa dự kiến sẽ tuyên án với CZ vào ngày 23/2/2024. Anh hiện đang đối mặt với án phạt 18 tháng tù giam, nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào quá trình xử án và điều tra bổ sung.
3. Con số 4.3 tỷ USD có liên hệ thế nào với các tội danh của Binance?
Theo đại diện Bộ Tư pháp Mỹ, 4.3 tỷ USD là một trong những khoản tiền phạt lớn nhất mà chính phủ nước này từng đưa ra với một doanh nghiệp. Số tiền này bao gồm hơn 1.8 tỷ USD tiền phạt (criminal fine) và hơn 2.5 tỷ USD lợi nhuận mà Binance đã kiếm được từ thị trường Mỹ thông qua những hoạt động phạm pháp.
Những phân tích chi tiết hơn về con số 2.5 tỷ USD cho ta thấy quy mô từng tội danh của Binance. Trước tiên, có 1.6 tỷ trong số 2.5 tỷ đó là tiền mà Binance thừa nhận rằng đã kiếm được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển tiền mà không được cấp phép tại Mỹ.
Số tiền này chính là khoản lợi nhuận có được từ việc lách luật và khai thác lỗ hổng của thị trường. Cần nói thêm rằng tòa đã giảm 20% tiền phạt cho Binance sau khi ghi nhận thái độ thành khẩn và sự hợp tác của doanh nghiệp này trong quá trình điều tra.
Ngoài 1.6 tỷ USD đó, gần 900 triệu còn lại là tổng số tiền giao dịch mà sàn thanh toán này đã thực hiện. Đây là những giao dịch từ những người ở Mỹ tới các cá nhân và tổ chức tại Iran - quốc gia bị Mỹ trừng phạt kinh tế.
Theo đạo luật IEEPA của Mỹ, các tổ chức, doanh nghiệp, và công dân nước này không được phép thực hiện hoạt động kinh doanh với những tổ chức và doanh nghiệp của quốc gia bị Mỹ cấm vận. Bằng việc tiếp tay cho người khác thực hiện giao dịch tới Iran, Binance không chỉ vi phạm IEEPA mà còn trở thành trung gian rửa tiền cho những tổ chức tội phạm.
4. Thị trường tiền mã hóa phản ứng sao?
Còn nhớ khi đế chế FTX sụp đổ, thị trường tiền mã hóa đã có những biến động vô cùng tiêu cực với đà giảm không phanh, biến mùa đông tiền số thành… “kỷ băng hà” tiền số. Thứ khiến cho thị trường khi ấy giảm mạnh về giá trị không chỉ có tác động xấu từ tin tức, mà còn bởi đồng FTT của FTX khi ấy giảm mạnh do CZ và Binance bán tháo.
Điều tương tự đã không xảy ra trong vụ việc lần này. Trước thông tin CZ và Binance nhận tội, thị trường có giảm điểm, nhưng không đáng kể. Bitcoin giảm nhẹ hơn 2%, còn mức giảm của đồng BNB - đơn vị tiền mã hóa của Binance trên sàn - dao động từ 8% tới hơn 9% tùy từng thời điểm. Các đồng quan trọng khác như ETH hay Tether dao động không đáng kể.
Ngoài việc không có đồng nào giảm sâu, lý do tại sao thị trường tiền mã hóa vẫn khá bình tĩnh dù sàn giao dịch lớn nhất vừa “gặp phốt” là bởi mọi người đã ít nhiều chờ đợi nó. Nếu như sự việc FTX diễn ra chóng vánh trong khoảng hai ngày, thì vụ điều tra Binance đã kéo dài theo tháng, và tính cả những lần kiểm tra hay nhắc nhở trước đó của chính phủ Mỹ, thì là theo năm.
5. Binance có liên quan tới… Hamas?
Nếu bạn chưa biết, thì Hamas là một tổ chức chính trị, một lực lượng vũ trang của người Palestine. Tổ chức này đang là tâm điểm chú ý của thế giới vì tình hình chiến sự ở dải Gaza.
Kết quả điều tra của những bên liên quan cho thấy Binance là trung gian chuyển tiền cho lực lượng Hamas vào năm 2019. Đây cũng là năm mà những cuộc biểu tình tại dải Gaza đã leo thang thành những đụng độ vũ trang thực sự, với những trận mưa tên lửa và những đợt tiến công của quân đội Israel.
Việc này thực ra không bất ngờ tới vậy, nếu ta đã biết rằng Binance cũng là trung gian chuyển tiền tới Iran. Quốc gia này từ lâu đã ủng hộ các tổ chức vũ trang chống Israel như Hamas của Palestine hay Hezbollah của Lebanon.