Nỗi sợ vô thức từ một tuổi thơ bất hạnh
Không chỉ là một thứ đặc trưng cho tuổi trẻ vốn thất thường về cảm xúc như nhiều người nhầm tưởng, trầm cảm có thể xuất hiện từ rất sớm và đeo bám cả đời, như trong trường hợp của Hoa*, một nữ Việt kiều ngoài năm mươi tuổi. Đây cũng là một trong những câu chuyện mà từ bên ngoài, người ta thường sẽ ngạc nhiên, “Có ai làm gì đâu mà phải trầm cảm?” cho tới khi nhìn sâu vào quá khứ, tuổi thơ của chị. Mời các bạn đi cùng các vật lộn thầm lặng bất tận của Hoa để có một cuộc sống bình thường cho mình và gia đình.
“Đại dương đen,” dự án mới của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, dự án hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thậm chí thầm lặng sát hại ra sao, những cố gắng hỗ trợ nào nhiều thiện chí nhưng lại gây hại, và có những định kiến nào đang tồn tại.
Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.
Bạn đọc lưu ý, series này chia sẻ những câu chuyện thật của người trầm cảm nên có thể gây kích động tâm lý.
Bỏ lại ga tầu điện ngầm sau lưng, Hoa băng qua bãi cỏ rộng. Xa xa, những vạt rừng của ngoại ô Stockholm sáng lên trong ánh nắng hè muộn. Tâm trí Hoa trở về với những vần thơ của Anna Akhmatova, nhà thơ yêu dấu của chị từ hồi đại học.
Đàng nào cũng chết, sao không bây giờ?
Ta chờ mi đó, ta đang nát lòng
Ta tắt đèn đi, cửa ta toang mở.
Những lời trò chuyện cùng thần chết mà Akhmatova viết trong giai đoạn tăm tối nhất của đời bà đã đi theo Hoa qua gần bốn thập kỷ, quãng thời gian chị học cách sống với căn bệnh trầm cảm của mình.
Chờ mi đến cùng, giản đơn ngọt mộng
Vóc dáng thế nào cũng không quan trọng
Ào đến mau đi như viên đạn độc…
(Gửi Thần chết”, Anna Akhmatova, bản dịch của Hồng Thanh Quang)
Đến lúc này, dù giai đoạn thê thảm nhất đã qua, trầm cảm vẫn đeo bám chị như một con chó lẽo đẽo ở bên, lúc xa lúc gần. Nó sẽ gửi những tín hiệu trước khi lặng lẽ áp tới, như vào sáng nay. Đầu tiên, chị có cảm giác lạnh ở lưỡi. Rồi sẽ hơi đau bụng. Tâm trạng vui vẻ, hào hứng của chị đột ngột biến mất, một nỗi buồn vô cớ xuất hiện. Tự nhiên nước mắt chị chảy ra. Rồi Hoa thấy như có con rắn lạnh ngắt trườn trong bụng, khiến chị phải rùng mình. Cái đau đớn bên trong lớn dần lên, một thứ đau đớn khó tả được bằng lời.
Từ bìa rừng, con đường mòn cong nhẹ và bắt đầu hơi lên dốc. Hoa bước đều trên sỏi và chỉnh lại chiếc áo khoác mầu cam. Những lúc như thế này, chị sẽ tránh xa tin tức thời sự, chọn mặc đồ nhiều màu dù thực ra chị chỉ thích trắng và đen, và cố gắng hoạt động chân tay thay vì tiếp tục ngồi bên bàn giấy.
Lớn lên với cảm giác căm ghét bản thân
Gần cả cuộc đời, Hoa không rõ mình bị sao. Giỏi nhạc và vẽ, biết đọc từ sớm, được nhiều người tấm tắc là thần đồng, nhưng Hoa lớn lên với một cảm giác căm ghét bản thân. Càng được khen, con bé Hoa lại càng thấy mình xấu xí, kém cỏi, và tin rằng thực ra nó đang bị chế giễu. Những lúc sắp lên sân khấu, là tâm điểm của hàng trăm ánh mắt, là những lúc nó muốn chết nhất. Đó không phải là cảm giác muốn biến mất vì xấu hổ, mà là mong muốn tự tiêu diệt bản thân, nhưng không theo một cách nhẹ nhàng mà phải thật đau đớn.
Sự căm ghét chính mình lớn lên theo thời gian và trở nên tự nhiên với Hoa như người khác thấy đói, thấy khát. Càng giấu nó đi, nó lại càng trở thành một thứ ung nhọt bên trong chị.
Hoa vẫn cho rằng chuyện của chị là kết quả của một tuổi thơ cô đơn. Chị đã ở một mình nhiều quá. Nếu như hồi nhỏ chị được lắng nghe, được vuốt ve, được tặng quà, thì liệu nỗi cô đơn có tích tụ lại thành bệnh như thế này không?
Bố chị là quan chức lớn, cả bố lẫn mẹ đều đi công tác biền biệt. Hồi tưởng lại, chị vẫn thấy mình là con bé con lang thang trong khuôn viên rộng lớn của gia đình ở Hà Nội, ngoài cổng lính gác đứng ngày đêm khiến bạn bè không tới chơi. Bên ngoài nhìn vào, gia đình Hoa nền nếp và trí thức, nhưng bên trong là sự lạnh lẽo.
Từ nhỏ Hoa đã hiểu được là bố mẹ luôn tìm mọi cơ hội để không phải gần nhau. Cô bé Hoa luôn mơ ước được sống trong một gia đình đông con, tối chen chúc nhau ngủ trên một giường. Hay ít nhất là trong nhà có những buổi nói chuyện bình thường, cãi vã to tiếng cũng được, vẫn còn tốt hơn là sự im lặng băng giá của bố mẹ nhân danh sự “có học” và nỗ lực “không làm tổn thương con cái.”
Lớn lên, Hoa cao hơn các bạn gần một cái đầu, lêu đêu lạc lõng giữa đám đông thường xuyên xì xào, chỉ chỏ, chế giễu. Vụng về trong giao tiếp, Hoa cảm thấy rõ rệt rằng mình kỳ cục, bất bình thường và không có cửa nào để sống. Cảm giác lẻ loi trong đám đông ám ảnh Hoa tới mức chỉ cần một điều gì đó của chồng khiến chị liên tưởng tới cái đám đông kia đã có thể làm chị hoảng hốt. Hoa sợ người cuối cùng mà chị có thể bấu víu vào chuẩn bị rời bỏ mình để nhập vào bọn họ.
Những dấu hiệu không thể gọi tên
Tuổi thanh niên của Hoa trôi qua ở Ba Lan, nơi chị học thiết kế sân khấu. Giờ đây, nhắm mắt lại, chị vẫn thấy những ngày đông tuyết tan, bùn lép nhép dưới đôi ủng ướt sũng. Bầu trời xám và nặng trĩu, tiếng quạ kêu khàn khàn lẻ loi, những đàn chim tan tác trên trời như tàn tro đen.
Sang năm thứ hai, Hoa bắt đầu mất ngủ trắng đêm và cứ vài tháng lại vào viện cấp cứu vì đau bụng khủng khiếp mà không ai biết là đó là do trầm cảm. Mỗi khi cơn của chị trỗi dậy, Hoa lại mặc phong phanh, đi ra đường để tuyết cào vào mặt cho tới khi ngọn lửa bên trong chị dịu đi.
Gần ba mươi tuổi, Hoa cùng chồng và con nhỏ chuyển về Sài Gòn. Đêm nào, cho con ngủ xong, Hoa cũng chạy xe máy như điên ở ngoài đường. Đó là lúc chị được hiện nguyên hình là một phụ nữ đau khổ và bế tắc, trước khi phải trở lại vai trò người mẹ, người vợ vào sáng hôm sau. Chị lang thang ở bến Bạch đằng, cố tình dừng xe cạnh đám bụi đời mà chẳng ai làm gì chị cả. “Đi đi…,” họ đuổi.
Bạn bè, họ hàng, không ai biết chị bị sao, cả chị cũng vậy. Mọi người cho là chị “giống Tây,” “lãng mạn,” thích hành xử khác thường. Chồng chị cho là chị “thích quậy chút cho vui.” Hoa cho là mình bị điên.
Quá trình hiểu và chấp nhận bản thân
Mãi tới ngoài bốn mươi Hoa mới gọi tên được căn bệnh của mình, và hiểu rằng những thứ bất thường kia là biểu hiện của bệnh lý, chứ không thuộc về bản chất của chị. Hoa bắt đầu con đường hiểu và chấp nhận bản thân, thấy mình đáng thương thay vì đáng trách. Thiền Vipassana giúp chị học được cách quan sát tâm trí, cư trú trong hiện tại. Giấc ngủ của chị được cải thiện.
May mắn thay, việc định cư ở Thuỵ Điển, lúc này Hoa đã gần năm mươi, giúp bệnh của chị thuyên giảm thêm một nấc. Hoa cho rằng đó là vì bên này chị được sống trong một môi trường mà chị được chấp nhận. Không còn những ánh mắt, những cái nhíu mày đầy dấu hỏi, những thái độ e dè vì sự “lập dị” của chị nữa. Ở đây, không ai thấy ai là kỳ quặc, hoặc đúng hơn, mọi sự kỳ quặc đều được để yên. Mùa đông ở đây dài, nhưng bù lại, Hoa tránh được cái ngột ngạt trước cơn mưa và cái nền âm thanh âm ỉ ngày đêm của Sài Gòn.
Giờ đây, thật kỳ diệu, cuộc sống trôi qua một cách bình thường, giờ này thì ăn, giờ kia thì ngủ, giờ khác thì gặp bạn bè, chả có gì đáng nói cả. Trước kia, chị hay thầm ghen tị, ơ, sao người ta có thể sống bình thản vậy nhỉ, sao họ chỉ phải lo mỗi cơm áo gạo tiền mà không có những thứ vật vã ngớ ngẩn như chị? Trước kia, hàng sáng chị sẽ tỉnh dậy với một nỗi lo lắng, bất an mơ hồ. Không có tin gì xấu, rà soát hết rồi? Nhưng sự đe doạ vẫn lơ lửng trong không trung. Không, chắc hẳn vẫn có điều gì tệ hại đang chờ trước mắt!
Và nỗi căm ghét lẫn oán trách nhạt dần
Năm ngoái, Hoa làm tình nguyện viên cho một tổ chức xã hội, công việc của chị chỉ là ngồi nghe người khác nói, hoặc ôm họ một cái. Phần lớn đó là những người già, người goá bụa, người độc thân, người cô đơn. Họ tới để được chia sẻ, hoặc nhiều khi chỉ để được có người ngồi cạnh một lúc, cả hai cùng im lặng.
Hoa học được cách mở lòng. Đã trưởng thành và có hiểu biết, con trai Hoa kiên nhẫn với những cơn lên xuống của chị, gợi chuyện để mẹ kể và chăm chú lắng nghe mà không khuyên răn hay bình phẩm.
Được nâng đỡ trong những cơn đau, những lúc bế tắc, dần dần, nỗi căm ghét bản thân trong chị nhạt đi. Chồng Hoa thở ra nhẹ nhõm, anh không phải thận trọng dò xét tâm trạng của chị như dò mìn mỗi khi nói chuyện nữa, dù anh vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng dao chặt trên thớt. Trước kia, những lúc bức bối, Hoa hay băm thớt như vậy, nếu không chị sẽ phải cắt tay mình. Về lại Việt Nam sau mấy năm, bạn bè nhìn Hoa rất lâu, có gì đó ở chị đã thay đổi. Ồ, hoá ra giờ đây trên mặt chị đã có sự tươi tỉnh.
Đằng sau Hoa, thành phố đã lùi ra xa, tiếng xe cộ rầm rì vọng lại. Khung cảnh xung quanh gợi chị nhớ tới một điều gì đó mà chị không diễn tả được. Sau hai mươi mấy năm dùng thuốc ngủ, cả trí nhớ và khả năng biểu đạt của chị bị suy giảm nhiều. Hoa lo lắng là mình bắt đầu quên nhiều thơ và lời bài hát. Vẫn có những giai đoạn mà mỗi đêm chị chỉ ngủ được một hai tiếng, nhưng mất ngủ không còn đáng sợ như một con ngáo ộp nữa. Chị quan sát và chấp nhận nó, thay vì giận dữ với nó hay quay ra xỉ vả bản thân vì cảm thấy mình vô dụng, bất lực và lãng phí thời gian.
Khu rừng hoàn toàn yên tĩnh, Hoa có thể nghe thấy tiếng thở của mình. Liệu có một lời nguyền đặt lên trên gia đình chị? Số lần bố và chị nói chuyện với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng chị trân quý mỗi dịp hiếm hoi đó. Giờ đây nhìn lại, chị linh cảm thấy bố cũng cô đơn như mình. Hồi trẻ, ông hay vác súng vào thiên nhiên để đi săn và được ở một mình, tránh xa đám đông. Ông đã phải mang gánh nặng u uất tới mức nào mà không thể chia sẻ?
Em trai chị thì hẳn là cũng bị trầm cảm rồi. Chứng kiến những xung đột kinh khủng giữa bố mẹ khiến cậu bị tổn thương sâu sắc. Hận bố vì những quan hệ ngoài luồng của ông, cậu trở nên phá phách và nghiện ngập. Khi vào Sài Gòn, Hoa đưa em vào theo, thương và lo cho cậu ấy như con. Cậu chết năm bốn mươi tuổi. Đến lượt mình, con gái cậu cũng phát trầm cảm nặng khi ngoài hai mươi, tháng trước nó vừa rạch một vết dài dọc cổ tay, người nhà ở Hà Nội báo sang cho chị vậy.
Con gái của bố Hoa với người vợ sau, năm nay đã gần ba mươi, cũng hay rạch tay và đòi tự vẫn như vậy. Bi kịch chồng chất bi kịch. Liệu những thế hệ sau đang chịu nghiệp từ thế hệ trước, Hoa vẫn hay tự hỏi.
Dưới thung lũng phía xa, mặt hồ nước lấp lánh. Hoa nằm xuống thảm cỏ, mắt nhắm, miệng hé mở, tận hưởng những tia nắng cuối cùng của ngày trước khi phải trở về. Sẽ chẳng bao giờ chị hồi phục hoàn toàn, chị biết vậy, dù giờ đây chị đã có thể kể về quá khứ mà không còn cảm giác ngực bị bóp nghẹt nữa.
Hoa luôn nhắc mình phải cảnh giác, chỉ lơ đãng chút thôi là chị lại thấy mình trôi vào sự sợ hãi vô cớ. Chỉ cần một hôm trời ảm đạm, một chuyện buồn nghe từ người quen, thì dù trước mặt chị là chồng hay là con, tay trong tay, mắt nhìn mắt, nhìn mãi nhìn mãi, chị sẽ chỉ thấy một khoảng trống dẫn tới một không gian xanh tím, đặc quánh. Trong không gian đó, chị từ từ rơi qua nhiều tầng mà không thể bấu víu vào đâu. Bên trên, vầng sáng của mặt trời nhỏ dần và mờ dần. Không có gì níu kéo sự tồn tại vật lý của Hoa nữa, xung quanh chị là lạnh lẽo, ẩm ướt và sợ hãi.
Trong cái hồ xanh tím đó, Hoa thấy cô đơn vô cùng tận, tới mức chị không rõ mình có đang còn tồn tại hay không. Hoa vẫn cho rằng đó là những lúc nỗi sợ vô thức và ám ảnh của một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bất hạnh lên tiếng.
*Tên và một số chi tiết cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư của nhân vật.