Đáng Tiền: 500 Triệu mua động lực kiếm tiền

Một hôm, mẹ gọi điện cho tôi và nói rằng mẹ đã “hết tiền”.
Phủ Phê
Nguồn: Unsplash/Anthony Tran

Nguồn: Unsplash/Anthony Tran

Tôi không giàu nhưng hội tụ nhiều yếu tố của một người không (phải) nghĩ về tiền: còn trẻ, độc thân, làm đủ ăn, thích tiết kiệm, và ít nhiều cũng “có mẹ lo”.

Tôi đi làm từ năm 15 tuổi khi vẫn còn đặc quyền bao nuôi từ mẹ. Vào đại học, tôi vẫn làm freelance như một sở thích, lâu lâu lại thắng một giải thưởng nhỏ. Kiếm được đồng nào là tôi “đút heo” đồng đó.

Năm 22 tuổi, tôi có 400 triệu đồng trong ngân hàng.

Tiền tiết kiệm cho tôi thêm một lý do để... không nghĩ về tiền. Ngày tốt nghiệp đại học, tôi từ chối công việc lương 1,6 tỷ/năm để về nước làm cho một startup lương không bằng 1/10.

Tôi tự nhủ, nếu có lúc nào mình đủ trẻ và tự do để theo đuổi đam mê thì đó là lúc này. Tiền có thể đến sau.

Tuy lương không cao, tôi không thấy thiếu. Nghĩ lại thì cũng vì nhu cầu của tôi chưa cần đến những đồng tiền lớn. Tiền nhỏ là ăn uống, tiện nghi cơ bản, thêm chút xa hoa như đi ăn nhà hàng hoặc mua một chiếc túi tốt. Tiền lớn là mua nhà, mua xe, nuôi con, chữa bệnh hiểm nghèo.

Tôi thật sự không biết cách kiếm những đồng tiền lớn, và tôi đinh ninh là mẹ sẽ giúp tôi ở khoản nào đó. Suy cho cùng, mẹ đã có mấy chục năm tích lũy tài sản, tôi thì không.

Vậy mà đầu năm nay, mẹ gọi điện cho tôi và nói rằng mẹ đã “hết tiền”. Mẹ đang dồn tiền để mua một căn nhà mẹ rất thích. Mẹ muốn chuyển vào đó năm sau.

“Nhưng vẫn thiếu 500 triệu con à,” giọng mẹ đầy tiếc nuối.

Tôi biết mẹ chỉ muốn cập nhật tình hình chứ cũng không mong gì từ tôi. Nhưng trong lòng tôi có một cảm giác khó chịu, đúng hơn là bất lực. Đây là lần đầu tiên tôi cần một số tiền lớn mà mình không có.

Trên điện thoại, mẹ tính nhẩm các con số. Tôi nhận ra mẹ đã bắt đầu nhớ nhớ quên quên.

Tôi bỗng nhớ về hồi tiểu học. Khi làm văn tả mẹ, tôi viết, “Mẹ em năm nay 34 tuổi, mẹ là một kế toán viên.” Trong đầu tôi, đến tận bây giờ mẹ vẫn mãi 34. Và bà còn cả một cuộc đời phía trước cho tôi dựa vào.

Cúp máy xong, tôi ngồi thừ ra như vừa trở về từ một chuyến du hành thời gian. Năm nay tôi 25 tuổi và mẹ đã 52 tuổi rồi. Bạn bè tôi đang vào giai đoạn xoay sở tiền lớn để lập gia đình. Và bố mẹ họ đã già. Còn tôi thì vẫn đủng đỉnh “không cần nghĩ đến tiền” vì có vài đồng tiết kiệm và “có mẹ lo”.

Tôi mở điện thoại nhìn vào tài khoản ngân hàng. Sổ tiết kiệm và lãi hằng năm của tôi cộng lại xấp xỉ bằng số tiền mẹ thiếu.

Tiền tôi có thể kiếm lại, còn thời gian của mẹ thì không. Tôi không muốn mẹ phải đợi nữa.

Không lâu sau đó, kỳ hạn tiết kiệm kết thúc. Tôi chuyển toàn bộ số tiền đó cho mẹ.

10 năm qua, tôi chưa bao giờ không có tiền tiết kiệm. Như một bản năng sinh tồn, hết tiền một phát là tôi tự nhiên có động lực lao đi kiếm tiền luôn.

Tôi bắt đầu freelance trở lại bên cạnh công việc chính. Tôi đọc tất cả các bài viết về tài chính cá nhân trên Vietcetera. Tôi xóa giỏ hàng trên Shopee và không uống trà sữa nữa.

Tôi bắt đầu nghĩ nhiều về tiền, và điều đó khiến tôi trở nên khiêm tốn đi hẳn. Tôi thầm cảm ơn các cụ rằng mình còn kế sinh nhai trong năm dịch hoành hành. Tôi hào phóng hơn khi làm từ thiện vì tôi thấu cảm sâu sắc với những người lao động gánh cả gia đình trên vai.

Tuần trước mẹ con tôi video call, mẹ cho tôi xem căn nhà đang thi công, giọng bà mừng húm. Tôi nhận ra thành quả lớn nhất của lao động là được nhìn những người mình yêu có một cuộc sống thật tốt.

Tôi cho đi 500 triệu nhưng tôi cũng nhận về rất nhiều. Yêu là một hành trình cần học, và kiếm được tiền để lo cho cha mẹ là một cột mốc quan trọng trên hành trình đó.

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục