Dịch bệnh trong văn chương: Ta biết gì về nỗi đau?
Văn học chưa bao giờ nằm ngoài đường ray của đời sống. Những nhà văn khi viết về tiếng chim hót, những ánh nắng, tình yêu và hy vọng thì họ cũng viết về tiếng khóc, bóng tối, hoặc những điều tồi tệ mà con người phải đối mặt.
Như phần lớn những chủ đề khác trong văn học, dịch bệnh cũng xoay quanh vị trí trung tâm là con người. Bên cạnh câu hỏi “đối mặt với dịch bệnh thế nào?”, văn học đã đi sâu vào tâm hồn con người để tìm câu trả lời.
Dịch Hạch - Albert Camus
Dịch Hạch là một trong số ít những tiểu thuyết trong sự nghiệp sáng tác của Albert Camus. Cuốn sách kể về sự xuất hiện và tàn phá của căn bệnh dịch hạch tại thành phố biển Oran, buộc tất cả mọi người phải đối mặt với những chết chóc kinh hoàng. Sự việc bắt đầu từ hiện tượng chuột trong thành phố chết hàng loạt.
Chuột chết rồi đến người chết. Chính quyền quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố để tránh bệnh dịch lây lan ra bên ngoài. Ngoài Oran, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, nhưng bên trong Oran, cuộc sống của người dân đã gắn liền với cái chết.
Là tác phẩm được viết bởi một nhà triết học hiện sinh, Dịch Hạch chứa đựng một sự bi quan thầm kín của người kể. Đồng thời, nó cũng mang trong mình trách nhiệm và sự cố gắng phi thường của con người, khi cố gắng chấp nhận, định nghĩa, đối đầu với thảm họa đang diễn ra.
Đọc Dịch Hạch trong giai đoạn này, người đọc rất dễ đồng cảm và dấy lên cảm giác quen thuộc bởi hình ảnh thành phố cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, còn có cả những cố gắng nỗ lực của người còn sống, bởi sự xót xa cho người đã chết.
Dù cả cuốn sách mang không khí tăm tối bởi dịch bệnh, Albert Camus vẫn khắc họa thành công những điểm sáng về tình yêu thương giữa con người và con người. Đó là lòng dũng cảm và sức lực phi thường không ngừng nỗ lực nghiên cứu vaccine trị bệnh.
Đinh Trang Mộng - Diêm Liên Khoa
Đinh Trang Mộng được viết dựa trên sự kiện có thật tại Trung Quốc: Cả một thôn trang nghèo đói bỗng chốc trở nên giàu có nhờ những cuộc bán máu phi pháp. Nhưng điều họ phải đánh đổi không chỉ là máu, là sức khỏe, mà còn là tính mạng của chính họ.
Bắt đầu từ phong trào vận động người dân bán máu của nhà nước, những đầu nậu máu tư nhân cũng mọc lên như nấm sau mưa. Đó là một cục bông lau máu cho ba người, một kim tiêm lấy máu cho bao người, có lẽ chính họ cũng không nhớ nổi.
Diêm Liên Khoa đã khắc họa một bức tranh hiện thực đắt giá và cũng không kém phần xót xa: Những giá trị vật chất đã khiến đạo đức và tinh thần con người trở nên méo mó và bất cần. Và chính sự méo mó ấy đã dẫn đến thảm họa không thể ngăn chặn: Trong vòng mười năm trở lại, những ai từng bán máu đều sẽ mắc AIDS rồi chết.
Nhưng dịch bệnh ấy mới chỉ là bước đầu của bi kịch. AIDS là khởi đầu cho sự băng hoại đạo đức: Chồng mong vợ cũng mắc bệnh để không thể bỏ mình mà đi, người lớn đầu độc trẻ nhỏ vì tư thù riêng. Con người bỏ qua luân thường đạo lý để bất chấp yêu nhau.
Thậm chí họ còn phải tranh nhau quan tài cho người chết. Sự giàu sang đột ngột nhờ bán máu nhanh chóng rút đi như cách mà nó tới. Chỉ để lại thôn trang đang dần tàn lụi vì bệnh tật.
Được mệnh danh là nhà văn của “chủ nghĩa hiện thực hoang đường”, ngòi bút của Diêm Liên Khoa đan xen giữa mộng và thực, giữa quá khứ và tương lai. Nó như một sợi dây soi suốt quá trình bệnh dịch AIDS đã ập đến thôn làng ra sao. Và cả đạo đức con người đã suy đồi như thế nào trước thảm họa ấy.
Giọng văn lạnh lùng, rành mạch nhưng không kém phần nhân từ, Diêm Liên Khoa đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ tuyệt vọng đến hy vọng với. Đó cũng là niềm tin về khởi đầu mới sẽ đến với con người. Tư tưởng này đã được ông đúc kết thành câu kết của cuốn tiểu thuyết: “Một thế giới mới đang nhảy nhót.”
Nguồn Gốc Dịch Bệnh - David Quammen
Một cuốn tiểu thuyết trinh thám khác thường với hung thủ là những con virus, vi khuẩn và sinh vật đơn bào. David Quammen không ngừng đào sâu, bóc tách những cái chết trên động vật và con người để tìm ra thủ phạm.
Những cái chết bí ẩn về bệnh dịch tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau. Nhưng qua quá trình điều tra của các nhóm thám tử, độc giả sẽ thấy được những liên kết tưởng chừng chẳng thể giao nhau, trong mạng lưới đầy những cái chết bí ẩn vẫn đang chờ được giải đáp.
David Quammen không chỉ “điều tra” về nguyên do dịch bệnh trên động vật và các sinh vật khác, ông cũng đặc biệt quan tâm đến dân số khổng lồ của con người. Ông khẳng định đây là một trong những nguyên do hệ sinh thái đang bị phá vỡ. Nhưng như thế không có nghĩa con người là nguyên do cần bị loại bỏ, bởi con người cũng chính là một phần của tự nhiên.
Tình Yêu Thời Thổ Tả - Gabriel Garcia Marquez
Sẽ ra sao nếu tình yêu chỉ thực sự được tự do tại nơi vốn dành cho người bị bệnh? Nhân loại luôn chạy trốn dịch bệnh. Nhưng Florentino Ariza và Fermina Daza trong câu chuyện lại chọn con tàu có treo lá cờ dịch tả làm điểm cuối cho tình yêu của họ.
Ariza và Daza yêu nhau sâu đậm, song vì chênh lệch lớn về hoàn cảnh gia đình nên không thể đến được với nhau. Daza kết hôn với một bác sĩ trong giới thượng lưu, còn Ariza thì quyết tâm sống và làm giàu bằng mọi thủ đoạn.
Trong suốt mấy chục năm xa cách, họ không ngừng nghĩ về người còn lại và chỉ tới khi cả hai đã già, Ariza và Daza mới có thể viết tiếp câu chuyện tình hãy còn dang dở thời trẻ.
Đắng cay thay, khi tuổi còn xanh cũng như khi đã về già, họ vẫn không đủ sức mạnh để chống lại định kiến xã hội. Hai người quyết định sống cuộc sống hai người đến hết đời trên chiếc tàu thủy treo lá cờ vàng của người bị dịch tả.
Một cuốn sách kì lạ, hài hước và không kém phần sâu sắc. Marquez viết về thứ tình yêu vượt qua mọi định kiến xã hội, nhục dục tầm thường. Một tình yêu vượt lên cả sự xói mòn của thời gian. Không hề có dấu chấm hết nào cho tình yêu nếu nó đã là tình yêu.
Bởi nó sẽ luôn sống, kể cả khi được gắn liền với dịch bệnh mà con người vốn ghê sợ.