Dịch giả Trịnh Lữ: “Triết lý hay nhận định, nhiều khi chỉ để lừa nhau"
Dịch giả, nhà văn, hoạ sĩ Trịnh Lữ có lẽ là cái tên không còn xa lạ gì trên văn đàn dịch thuật cũng như văn hoá nghệ thuật đương đại Việt Nam. Khi giới thiệu về bác, dịch giả Dương Tường đã nói ngắn gọn “đấy là một người tài hoa trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ Hà Nội có nhiều người tài hoa”.
Một thế hệ người đọc yêu văn học dịch Việt Nam, hẳn đã từng đọc những bản dịch kinh điển như Cuộc đời của Pi, Con nhân mã ở trong vườn, Rừng Nauy, Utopia, Biển,... Bên cạnh đó, bác còn được giới nghệ thuật nhắc tới với tay nghề hội họa bậc thầy trong phong cách vẽ hiện thực.
Gặp bác Trịnh Lữ trong tập Have a sip mới nhất, Vietcetera đã có cơ hội ngồi lại và trò chuyện cùng bác về chặng đường hơn 70 năm cuộc đời và 50 năm hoạt động nghệ thuật.
Thân thiết với tiếng mẹ đẻ trước khi bước vào dịch thuật
Luôn có rất nhiều phẩm chất cần có trong mỗi công việc khác nhau, dịch thuật cũng thế. Đối với dịch giả Trịnh Lữ, bác quan niệm hãy luôn hiểu vì sao mình thích dịch. Cũng như phải thân thiết với tiếng mẹ đẻ của mình, để có thể nghĩ và diễn đạt bằng nó từ một ngôn ngữ khác.
Nếu chỉ thích những thứ tiếng khác, nằm mơ bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng sẽ rất khó để dịch thuật tốt. Phải nằm mơ bằng tiếng Việt, thấy cái gì hay thì nói lại bằng tiếng Việt, yêu tiếng nước mình và thực hành với nó, mới có thể là một dịch giả tốt.
Nhà văn Italo Calvino trong tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” đã từng nói đại ý là, một tác phẩm mà khi bước ra khỏi tác giả, thì nên được sống cuộc đời của riêng nó. Khi đó, dịch giả là người cho tác phẩm đời sống thứ hai của mình. Đồng tình với quan điểm này, dịch giả Trịnh Lữ cũng chia sẻ, cái vỏ của chữ nghĩa không quan trọng, quan trọng nhất là tố chất, nội dung của một tác phẩm.
Bác thường không bao giờ đọc hết cả tác phẩm trước khi dịch. Vì như thế sẽ đánh mất sự hồi hộp của câu chuyện. Để chọn lựa cho mình một cuốn sách phù hợp khi bắt đầu dịch, bác thường xem qua rất nhanh, sau đó đọc đến đâu thì dịch đến đấy. Đó cũng là cách để giữ lại sự hồi hộp trọn vẹn cho một dịch giả, cùng với đó, bởi vì cảm xúc tươi mới nên ngôn ngữ sử dụng cũng sẽ khác đi và không bị sáo mòn.
Sách mà cứ đọc đi đọc lại thì sẽ nhanh chán. Đọc rồi lại tra cứu quá nhiều thì sẽ giống văn kiện. Nếu như dịch văn kiện hay luật pháp, tư liệu, bác Trịnh Lữ cho rằng có thể làm như thế được, còn dịch văn chương không nên như vậy. Văn chương hấp dẫn ở chỗ bất ngờ, tò mò và mới mẻ, sáng tạo đối với mỗi người.
Cuối cùng, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, một người dịch thuật còn cần ý thức được cái nào mình có thể dịch tốt, đồng thời phải trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng về lĩnh vực mình muốn chuyển ngữ.
Giống như một người dịch văn học sẽ rất khó dịch tốt thơ ca hay triết học. Đó là những thứ cần tiếp cận ở một góc nhìn khác, hiểu biết khác. Hay cũng có những thứ, nó chỉ đẹp ở một ngôn ngữ nhất định, không nên cố gắng ôm đồm tất cả lĩnh vực, như thế sẽ rất nhanh bị đuối sức và xuống sức.
Văn hoá đọc không đo bằng số lượng sách, mà bằng thái độ đọc
Khi đã bước qua tuổi 70, bác Trịnh Lữ nhận ra rằng, những triết lý hay nhận định, khái niệm “tranh khôn tranh dại” nhiều khi chỉ là lừa nhau. Khi đọc, chúng ta phải biết cách lọc đi những khái niệm đấy. Tranh cãi về nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh, công dụng hay sự vô dụng của nghệ thuật thường rất sai lầm và vô nghĩa.
Bằng kinh nghiệm sống của mình, bác Trịnh Lữ quan niệm, thế hệ nào cũng phải biết cách đặt câu hỏi, tự phản biện và cố gắng sống tự nhiên, giản dị. Khi đó, sẽ dễ thấy những tranh cãi không có nghĩa lý gì cả, phân tích và tìm hiểu mới là đích đến.
Nhìn rộng ra, đó còn là câu chuyện của phê bình và quan điểm cá nhân. Khi nhận xét nên hiểu cách đặt vấn đề như nào, ta nhìn nghệ thuật bằng con mắt ra sao, cái gì là của riêng mình, cái gì tốt cái gì hay.
Lấy ví dụ cho trường hợp này, bác Trịnh Lữ cho rằng, nếu cào bằng tất cả các giá trị, không phân biệt được đúng sai, đẹp xấu, không dám phê bình hay chỉ biết dùng những mỹ từ để nói về nhau theo cách thù tạc, sợ phải lên tiếng thì dịch sách và làm nghệ thuật rất khó. Môi trường này dễ giết chết những tư duy sáng tạo tươi mới và ngủ quên trong sự o bế lẫn nhau.
Ngoài ra, bác Trịnh Lữ nói, thời đại nào, chúng ta cũng có thể kiếm được tiền từ sách, giống như thời nào cũng cần đọc sách. Nhưng nếu đọc chỉ là đọc thôi, thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Một người khi đọc sách phải hiểu đọc để làm gì. Không quan trọng bạn đọc nhiều hơn người khác bao nhiêu, quan trọng là sau khi đọc xong bạn trở thành người như thế nào, đóng góp gì với cuộc đời, đồng thời bản thân có trở nên tốt đẹp hơn so với trước không.
Nhìn lại quãng đường đã qua, bác Trịnh Lữ đúc kết, đọc phải có sự trau dồi và mục đích rõ ràng, như thế mới có nhận xét của riêng mình. Văn hoá đọc không đo được bằng số lượng sách đã đọc, mà đo bằng thái độ đọc. Bây giờ là thời đại của nghe nhìn lướt quẹt, chúng ta dường như đang sống trong cơn lũ thông tin, nên có rất ít thời gian tỉnh táo xem thông tin đó như thế nào, xử lý nó ra sao.
“Cũng bởi vì vậy, thời đại bây giờ đọc rất nhanh, nhưng nghĩ rất khó. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, nên nhiều khi mình dừng lại nghĩ lại thành lạc hậu. Mà sự lạc hậu thì thường, lại chẳng ai muốn nhận.”
Muốn hoà bình với bản thân, đừng đánh mất chính mình
Bên cạnh là một dịch giả, nhà văn, nhà thơ, bác Trịnh Lữ còn nổi tiếng và được biết đến với vai trò là một hoạ sĩ với rất nhiều tác phẩm sơn dầu, tranh lụa, màu nước đẹp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, ngay từ khi học vẽ, bố mẹ dịch giả Trịnh Lữ đã dạy bác rằng, không nên có khái niệm sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng.
Vẽ là một nghề làm đẹp, khi học vẽ thì phải có khả năng vẽ được. Sau này, nếu muốn sống bằng nghề, người ta đặt làm gì, thì mình phải có khả năng vẽ và thiết kế gọn gàng, chuẩn mực sao cho những vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống còn lại và ở lại mãi trong những bức tranh mình vẽ. Đấy là khi nghệ thuật và cuộc sống được hiện diện trong bức tranh của mình.
Thuần tuý như vậy, khiến cho quan niệm về hội hoạ hay họa sĩ trong bác chưa từng bị những giá trị khác xen vào, để khiến mình tự nhận bản thân có một tài năng vượt bậc hay đang làm một nghề cao quý. Nền tảng giáo dục của gia đình xây dựng trong hoạ sĩ Trịnh Lữ một tâm niệm rằng, làm cái gì cũng phải làm cho nó thật nhất và đến nơi đến chốn.
Đó cũng là cách bác luôn dạy ở con mình sau này. Nếu học về kiến trúc, thì khi con thiết kế một cái chuồng lợn, thì phải có thái độ như là thiết kế một cái lâu đài. Nó giống như cách bác Trịnh Lữ dịch một đoạn văn hay cả một cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang, vẽ một cái bình hoa hay chân dung người nổi tiếng. Tất cả đều bằng hết tâm huyết và tình yêu của mình.
“Làm cái gì cũng phải bằng tình cảm thật sự, dịch cũng thế. Nếu không yêu cuốn sách sẽ khó mà dịch được. Không yêu những lời văn, tư tưởng thì làm sao nói lại được cho người khác bằng sự trau chuốt và mạch lạc, sẽ xấu hổ lắm. Tôi nghĩ mọi chuyện đơn giản như thế thôi.”
Ngoài ra, dù là dưới bất cứ một danh xưng nào trong công việc, yếu tố đề cao nhất của bác Trịnh Lữ luôn là phải làm theo ý nguyện của mình. Không nên vì yếu tố nào khác mà làm sai những gì mình muốn làm.
Cuộc đời luôn cho chúng ta rất nhiều lựa chọn và cùng với đó là cơ hội để được lựa chọn. Muốn có được lựa chọn tốt và đúng với mình, thì sống phải để ý đến bản thân, luôn luôn tự vấn, tự khẳng định và tự phủ nhận. Còn nếu hay quên đi bản thân, chạy theo những giá trị của người khác, lấy đó làm mô hình cho mình, thì sẽ dễ đi lạc.
“Đừng đánh mất bản thân, tôi nghĩ đó là điều khiến cho bản thân lúc nào cũng hoà bình với chính mình. Mình hông bị những cái khổ sở khi không đúng là mình, đấy là cái khó nhất.” - Bác nói.