"Gen XYZ" – Khoảng cách thế hệ, nói hay kệ?

Việc ta không thể nói chuyện với bố mẹ, hay anh chị em của mình có thực sự là vì chúng ta "khác thế hệ" nhau?
Bích Hồ
Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Nguồn: Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Nếu bố của bạn không phải là kiểu người giống Elon Musk thì trong hầu hết trường hợp, trước khi bạn có mặt trên trái đất, tên của bạn đã tồn tại trên đời. Và trước khi bạn hiểu mình là người thế nào thì thế giới đã giúp bạn định nghĩa.

Em sinh năm bao nhiêu? À, thế là gen Z à. Gen Z bây giờ táo bạo lắm. Hôm qua chị vừa gặp một bạn cãi tay đôi với sếp rồi đòi nghỉ luôn tại chỗ. Anh millennial à? Thế chắc hay đau đầu với mấy bạn gen Z lắm nhỉ?

Nhiều khi không cố ý nhưng chúng ta cứ ngẫu nhiên gắn hàng loạt những chiếc nhãn dán giống nhau lên các “thế hệ” như thế. Tôi tự hỏi thật sự các thế hệ khác biệt nhau đến thế, hay chính việc dán nhãn gen X, gen Y, gen Z mới là thứ đang nới rộng ra khoảng cách giữa con người với nhau.

Từ khi nào các thế hệ được đặt tên?

Đã có thời khi nói đến từ “thiên niên kỷ”, người ta liên tưởng ngay đến thảm họa tận thế. Người người nhà nhà đã từng phải nín thở vào thời khắc thế giới chuyển giao từ năm 1999 sang năm 2000.

Còn bây giờ khi nói đến “thiên niên kỷ”, hay nói quen thuộc hơn là millennial, hầu hết sẽ tự khắc hiểu đó là tên gọi của một thế hệ “không trẻ nhưng vẫn chưa già” – thế hệ 8x, nửa đầu 9x. Công lớn là nhờ cuốn sách Millennial Rising của 2 tác giả Neil Howe và William Strauss phổ biến vào năm 2000.

Trước đó, đã có thời gian millennial được gọi với cái tên baby buster (nghĩa đối nghịch với tên thế hệ trước họ – baby boomer, bùng nổ trẻ em), digital native (dân bản xứ công nghệ) hay cái tên thay thế đôi khi vẫn còn được dùng tới ngày nay là gen Y.

Tương tự như millennial, trước khi có sự thống nhất như hiện tại, các thế hệ đều có ít nhất 3 cái tên khác. Chẳng hạn như gen Z còn có tên khác là iGeneration, rainbow generation, homelanders. Nhưng khác với millennial, sự phổ biến của tên gọi các thế hệ khác hầu hết không thể truy về nguồn gốc rõ ràng.

Dù không có một người cụ thể để khiến họ “chịu trách nhiệm” cho việc đặt tên cho các thế hệ, nhưng theo một số giả thuyết, nguồn gốc của các tên gọi này có thể xuất phát từ ngành truyền thông.

Tác giả Susan Adcox của tờ Very Well Mind cho rằng: Về cơ bản cha mẹ và con cái khó khi nào hoà thuận với nhau hoàn toàn, nhưng chỉ đến khoảng giữa thế kỷ thứ 20 thì mọi người mới bắt đầu nói nhiều về sự khác biệt thế hệ. Đặc biệt là sau khi Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Những quan điểm về xã hội, kinh tế, chính trị có sự phân luồng rõ. Xung đột trở nên khắc nghiệt hơn khi người ta tiếp nhận tin tức nhiều hơn bao giờ hết, nhờ sự phổ biến của tivi và sự xuất hiện nhiều hơn của các bình luận viên xã hội.

Song song với đó là sự nổi lên của ngành marketing. Một trong những công việc chính của các marketer là lập hồ sơ khách hàng tiềm năng. Trong quá trình lập hồ sơ, tên gọi cho các thế hệ đi kèm với đặc tính của họ đã ra đời.

Dù không chỉ đích danh mối liên kết giữa ngành marketing và nguồn gốc các tên gọi gen X-Y-Z, nhưng Malcolm Harris, tác giả của cuốn sách Kids These Days: Human Capital and the Making of Millennials cũng lập luận tương tự: Chỉ những ai được lợi kinh tế từ việc định nghĩa các thế hệ thì họ mới sốt sắng như vậy.

Nếu động cơ thực sự trong sáng, họ đã chờ đợi một thời gian đủ dài trôi qua để thấu hiểu về bản chất của thế hệ đó, như cách người ta đôi khi chỉ có thể hiểu rõ hiện tại bằng cách nhìn lại quá khứ.

Cho đến hiện tại, thế hệ baby boomer được cho là nhóm duy nhất được đặt tên dựa trên một sự kiện nhân khẩu học thực tế – trong trường hợp này là sự bùng nổ trẻ em sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng vẫn không có cơ quan chính thức nào chứng nhận sự chuẩn xác và lý do chính đáng trong cách chia giới hạn độ tuổi giữa các thế hệ. (Theo The Atlantic)

Theo một cuộc khảo sát gần đây của YouGov trên nhóm những người trưởng thành ở Mỹ, 74 phần trăm những người thuộc thế hệ baby boomer cảm thấy họ sở hữu những đặc tính đúng như những gì được mô tả. Tỷ lệ này giảm dần theo từng thế hệ kế tiếp: 53% đối với gen X, 45% đối với gen Y và 39% với gen Z.

Đó là chưa kể các định nghĩa về thế hệ khi du nhập từ phương Tây vào Việt Nam dường như không có nhiều điều chỉnh dù lịch sử và bối cảnh xã hội có nhiều khác biệt. Tôi tin không khó để bạn bắt gặp một ai đó “là gen Z nhưng không muốn nhận mình là gen Z”, hay bất cứ gen gì khác.

Nói cách khác, những cái tên như gen Z, millennial, gen X được phổ biến là vì, bằng một cách nào đó, chúng được nhắc đi nhắc lại liên tục trên mạng xã hội. “Cách nào đó” ở đây có thể là vì các marketer muốn định hình thị trường, nhưng có thể là vì những người bình thường khác cần một định nghĩa để sắp xếp lại thế giới hỗn loạn xung quanh mình.

Nếu vậy “khoảng cách thế hệ” có thật không?

Đầu năm 2021, Philip Cohen, một nhà xã hội học tại Đại học Maryland, đã yêu cầu Pew Research Center – một cơ quan nghiên cứu trung lập của Mỹ: Hãy “làm điều đúng đắn” và ngừng sử dụng các nhãn thế hệ như gen Z, millennial, gen X, baby boomer, silent trong các báo cáo của mình. Hơn 300 nhà nghiên cứu khác đã ký vào thư kêu gọi của Cohen, đồng ý rằng những nhãn dán này là tùy tiện và phản tác dụng.

Sự kiện này là một lời nhắc nhở về việc cẩn thận tránh sử dụng tràn lan các nhãn dán thế hệ. Bài viết “Generational Differences at Work Are Small” của tờ Harvard Business Review cũng đặt ra vấn đề tương tự: Việc chúng ta nghĩ rằng “có các thế hệ khác nhau” là một trong những nguyên nhân khiến cho khoảng cách giữa các thành viên trong xã hội ngày càng nới rộng.

Hay nói cách khác, có tồn tại khoảng cách thế hệ nhưng nó không lớn như chúng ta nghĩ. Việc nghĩ nó lớn chỉ khiến tình người thêm rạn nứt.

Vậy điều gì khiến khoảng cách giữa con người ở các thời đại khác nhau không quá lớn?

Theo lý thuyết nổi tiếng của Erikson về các giai đoạn phát triển tâm lý của con người, thì dù bạn sinh ra vào năm 1900 hồi ấy hay năm 2000 thì thông thường cũng đều trải qua giai đoạn hình thành:

  • lòng tin (lý tưởng là ở tuổi sơ sinh),
  • tính tự chủ (tuổi chập chững biết đi),
  • sự nghi ngờ và tính sáng tạo (ở những năm đầu đi học),
  • khủng hoảng bản sắc (ở tuổi vị thành niên),
  • khủng hoảng gắn kết xã hội (ở tuổi thành niên).

Thế nên, sẽ có thời điểm chúng ta nhận ra những lời cổ hủ mà bố mẹ từng dặn dò từ rất xưa giờ bỗng trở nên “cũng đúng đúng” (nhưng hiếm khi ta muốn thừa nhận, hay ba mẹ cũng hiếm khi muốn thừa nhận họ sai).

Ngoài ra, theo tác giả Bobby Duffy, dù là ở thời đại nào thì so với thế hệ ông bà, thế hệ thanh niên sẽ luôn cởi mở hơn gấp 2 lần.

Chính những điểm giống nhau về mặt sinh học này lại tạo ra những điều khác biệt trong văn hoá thời đại. Hay nói cách khác, về bản chất khoảng cách thế hệ chính là sự khác biệt về thời điểm phát triển của một đời người.

Tổ chức National Youth Councils (on International Relations) đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 700 người để hiểu hơn về góc nhìn của các thế hệ dành cho nhau, mà cụ thể hơn là giữa ba mẹ và con cái. Kết quả được đăng trên tờ CNA của Singapore vào tháng 5, 2022 cho thấy rằng: Có sự khác biệt rõ ràng giữa các thế hệ về quan điểm, đặc biệt trong các vấn đề LGBT, bảo vệ môi trường, chủ nghĩa cá nhân, hôn nhân, làm cha mẹ.

Tuy nhiên, các tác giả cho rằng những khác biệt này chỉ nằm ở phần bề mặt, tức là chúng nằm ở ảnh hưởng của môi trường sống (tình hình kinh tế, sự phát triển của xã hội, công nghệ) lên lựa chọn của mỗi người.

Phần lớn những người tham gia khảo sát đồng ý rằng giữa họ có nhiều điều để học hỏi lẫn nhau. Nói cách khác, các thế hệ có thể mang những giá trị nền tảng giống nhau nhưng biểu hiện thì khác nhau.

Chẳng hạn, một người 50 tuổi thích nhạc trữ tình và một người 20 tuổi thích nhạc rap, về cơ bản đều đang đi tìm sự tự do và kết nối trong âm nhạc.

Vậy nếu chọn nhìn các thế hệ khác nhau chỉ ở bề mặt thì liệu chúng ta có đo lường được chính xác khoảng cách giữa các thế hệ?

Có khoảng cách thế hệ, nhưng đôi khi không dễ đo đếm

Cho đến hiện tại, cơ sở để định nghĩa các thế hệ được lấy dựa trên các mốc sự kiện lịch sử làm thay đổi thế giới. Chẳng hạn như thế hệ sinh sau Thế chiến II là baby boomer, thế hệ lớn lên cùng sự phổ biến của internet là gen Z.

Điều này có lý của nó khi các sự kiện lịch sử tạo ảnh hưởng trên diện rộng đến việc một người có những lựa chọn nào và chất lượng của các lựa chọn đó.

Tuy nhiên, cùng một sự kiện xã hội, sự tác động của nó đối với từng cá nhân sẽ khác nhau, tuỳ thuộc người đó thuộc chủng tộc, tầng lớp xã hội, giới tính và những định kiến đi kèm nào. Hay nói cách khác, khoảng cách giữa người với người bên trong mỗi thế hệ có thể lớn hơn khoảng cách giữa các thế hệ với nhau.

Chẳng hạn, gen Z thường được cho là thế hệ “vượt sướng”. Nhưng tính đến năm 2022 thì tầng lớp trung lưu tại Việt Nam mới chỉ chiếm 13% dân số. Nhiều bạn trẻ sinh ra trong gia đình không có điều kiện kinh tế. Họ có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, nhưng để sở hữu một chiếc laptop hơn 20 triệu thì đôi khi là một đặc quyền, chứ không phải là điều hiển nhiên nữa.

Ngoài ra, một sự kiện lịch sử có thể không chỉ ảnh hưởng lớn tới một lớp thanh niên nhất định, mà thực tế là nhiều thế hệ khác nhau. Do đó, khó khẳng định chắc chắn rằng một sự kiện lịch sử có thể định nghĩa được một thế hệ.

Chẳng hạn, âm nhạc của The Beatles đã qua thời thịnh hành hơn nửa thế kỷ, nhưng đến bây giờ vẫn còn được nhắc đến như nguồn cảm hứng của nhiều bạn trẻ.

Kết quả nghiên cứu về gu âm nhạc của Dolby vào cuối năm 2021 cũng cho thấy hơn một nửa thanh niên gen Z cảm thấy mình sinh nhầm thời, vì bài hát họ yêu thích nằm rải rác ở các thời đại khác nhau.

Một bài viết phân tích về 20 nghiên cứu khác nhau thực hiện trên gần 20.000 người (đăng trên tờ Journal of Business and Psychology) cũng nhấn mạnh: khó đo lường khác biệt giữa thế hệ (về thái độ làm việc), vì sự khác biệt chỉ diễn ra cục bộ, không thể khái quát thành nhóm đặc trưng của từng thế hệ.

Khi đó có thể nói rằng “khoảng cách thế hệ” giữa hai cá nhân sẽ khác nhau. Hoặc nếu xét đến phạm vi gia đình thì khoảng cách thế hệ trong mỗi gia đình là khác nhau.

Kết

Trẻ em được sinh ra mỗi ngày. Mẹ Âu Cơ không đẻ ra bọc trăm (triệu) trứng mỗi 20 năm một lần tại một địa điểm, để chúng ta có thể tiện bề đong đo sự khác biệt giữa các “thế hệ”.

Thế nhưng, bản năng của con người là đi giải thích thế giới, phải tìm lấy một câu trả lời cho thắc mắc của mình dù câu trả lời đó có không đúng đi nữa. Con người không ngừng giả định, đánh giá và có nhu cầu phân loại, gọi tên sự vật, hiện tượng trên thế giới.

Cũng giống như mỗi lần có điều gì xui xẻo, ta lại có công thức “sao Thuỷ nghịch hành”, mỗi khi không hiểu lý do cho một hành động của một người của thế hệ khác (ông bà, bố mẹ, anh chị, bạn dì), ta lại có những nhãn dán gen X-Y-Z, và sắp tới là alpha, để tiện bề giải thích.

Nếu không định nghĩa con người bằng thế hệ thì chúng ta vẫn có vô số cách định nghĩa khác, như định nghĩa bằng phẩm chất, tính cách. Và tất nhiên thế giới đã có vô số những bài kiểm tra và xếp loại tính cách.

Khi cuốn tiểu thuyết Kiêu Hãnh và Định Kiến vẫn còn trường tồn thì con người có lẽ cũng không thể chống lại bản năng “luôn có định kiến” của mình. (Ngay cả tác giả bài viết này cũng đưa ra nhiều giả thuyết có thể là định kiến, và trong quá trình viết bài này cũng nhận ra rằng bản thân đã dùng nhiều nhãn dán.)

Khi đó có chăng, chúng ta chỉ có thể kiêu hãnh rằng mình đã cố gắng cải thiện cách nhìn đời bằng việc không ngừng khám phá vô số các lăng kính và lớp màng lọc đang có trên cuộc đời này.

Nếu không làm trong ngành marketing, nhân khẩu học hoặc bất kỳ lý do nào khác để gọi tên, thì ta có thể chỉ đơn giản nói về trải nghiệm cá nhân, thay vì gặp vài ba trường hợp giống nhau mà khái quát hoá thành cả một thế hệ.

Hoặc nếu không thể tránh được việc gọi tên, thì có lẽ chúng ta có thể đến thăm thế giới của cu Mùi trong cuốn Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ, nơi mà con chó là cái bàn ủi, cái đầu là cặp mông, để lâu lâu đổi tên cho các thế hệ cho đời bớt nhàm chán.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục