Grab lên kế hoạch cắt giảm hơn 1000 người, giá cổ phiếu lao dốc

"Chúng tôi không làm điều này như một lối tắt để có lợi nhuận" - Anthony Tan, CEO của Grab tuyên bố.
Long Vũ
Nguồn: Duy Hiệu - Vietnamnet

Nguồn: Duy Hiệu - Vietnamnet

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 20/6, tập đoàn công nghệ Grab tuyên bố kế hoạch sa thải 1000 nhân sự. Vậy là sau khoảng thời gian đi ngược cơn sóng đại sa thải, tập đoàn này cuối cùng đã chuẩn bị cho đợt cắt giảm 11% tổng số nhân sự. Đây là đợt cắt giảm lớn nhất của Grab từ sau đại dịch.

Ở thời điểm cuối năm 2022, tập đoàn cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại thông qua ứng dụng trực tuyến có 9.942 nhân viên, chưa bao gồm 2.000 lao động tại chuỗi cửa hàng tạp hoá Jaya Grocer ở Malaysia mà công ty thâu tóm vào đầu năm ngoái.

CEO Anthony Tan nhận định về mục tiêu của nước đi này là “tổ chức lại công ty một cách chiến lược, để có thể linh hoạt hơn, làm việc thông minh hơn và cân đối hợp lý nguồn lực trong danh mục đầu tư cho phù hợp với chiến lược dài hạn.” Đây là một quyết định "đau đớn nhưng cần thiết để đưa Grab đi đúng quỹ đạo tương lai lâu dài" - ông Tan khẳng định.

Từ khi công bố quyết định cắt giảm lớn cho đến nay, giá cổ phiếu của Grab đã tụt giảm 1%.

2. Đại sa thải giúp Grab tái cơ cấu như thế nào?

Dù CEO của tập đoàn này đã tuyên bố hành động cắt giảm của Grab không phải lối tắt để giúp doanh nghiệp sớm có lợi nhuận hơn, song theo nhận định của giới chuyên gia, thực tế Grab đang chịu áp lực của các nhà đầu tư để có lãi nhanh hơn.

Hành động cắt giảm cho thấy áp lực này đang ngày một lớn.

Theo ông Anthony Tan, công ty này vẫn đang “đi đúng hướng” với mục tiêu hoà vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình và vô hình). Song, dựa trên cơ sở thu nhập ròng thì tập đoàn công nghệ từng gây tranh cãi còn cách xa mục tiêu có lợi nhuận.

Trong ba tháng đầu năm, Grab báo lỗ ròng 250 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 31/12/2022, ở Việt Nam, công ty này vẫn đang gánh khản lỗ luỹ kế lên tới 4.037 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu là âm 4.017 tỷ đồng.

3. Grab từng có những cuộc sa thải lớn nào trước đây?

Không giống các đối thủ khác trong khi vực Đông Nam Á như Sea (Singapore) và GoTo (Indonesia), vốn đã sa thải hàng ngàn nhân sự từ năm ngoái, Grab duy trì chính sách hạn chế sa thải và chỉ giảm tốc độ tuyển người, cũng như hợp lý hoá một vài chức năng.

Tập đoàn này từng cắt giảm 360 lao động, tức là 5% tổng lực lượng lao động của doanh nghiệp này vào năm 2020 để duy trì mục tiêu có lãi.

Trước đợt cắt giảm tiếp theo, vào tháng 9 năm ngoái, Grab từng chia sẻ với hãng tin Reuters rằng họ sẽ không tiến hành sa thải nhân sự và vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân tài. Sau đó không lâu, qua một email, CEO Grab đã thông báo sẽ đóng băng tuyển dụng, ngừng tăng lương cho cấp quản lý, cắt giảm 20% ngân sách đi lại cùng các chi phí khác.

4. Vì sao giá trị cổ phiếu của Grab lao dốc?

Grab vẫn dẫn đầu thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại 5 nước Đông Nam Á về tổng khối lượng giao dịch, theo báo cáo của Momentum Asia. Nhưng tổng khối lượng này bị đình trệ vào năm ngoái và hiện nay chỉ tăng trưởng 3%.

Hãng này cũng chưa đạt được lợi nhuận dù đạt được các kỷ lục về doanh thu, do chi tiêu đè nặng lên doanh thu. Tập đoàn này niêm yết trên sàn Nasdaq vào 2/12/2021. Nhưng chỉ 5 tháng sau IPO, giá trị cổ phiếu đã giảm 70%, khiến giá trị của công ty tụt từ 40 tỷ đô la xuống chỉ còn dưới 13 tỷ đô la, tức là thấp hơn cả số tiền gọi được từ các vòng gọi vốn.

Công ty đang gặp áp lực bán tháo trên diện rộng khi nhà đầu tư quay lưng với những thương hiệu tăng trưởng cao nhưng thua lỗ do lãi suất tăng và suy thoái kinh tế.

5. Tình hình kinh doanh của Grab ở Việt Nam ra sao?

Kể từ năm 2014, Uber và Grab chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Với những lợi thế công nghệ và chính sách "đốt tiền" như khuyến mãi cho khách hàng và chiết khấu, tiền thưởng cho tài xế ở mức tối đa, loại hình kinh doanh mới này dần chiếm được thị phần đang được thống lĩnh bởi các ông lớn vận tải như Vinasun và Mai Linh.

Qua Đề án 24, kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, Grab bắt đầu có quá trình bành trướng chưa từng có ở Việt Nam, cũng như vướng vào cuộc chiến pháp lý với Vinasun khiến công ty công nghệ phải đền 4.8 tỷ đồng cho Vinasun. Công ty này cũng nhiều lần bị rà soát nghĩa vụ nộp thuế.

Tại họp báo thường kỳ quý II tổ chức ngày 16/6, một số câu hỏi được gửi tới Bộ tài chính về việc chấp hành nghĩa vụ đóng thuế của công ty này ở Việt Nam. Sau 9 năm hoạt động, Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản của Grab Việt Nam đạt 2.751 tỷ đồng, tăng thêm 90% sau 12 tháng. Con số này bao gồm tài sản ngắn hạn hơn 2.354 tỷ đồng và tài sản dài hạn 217 tỷ đồng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục