Hellbound đạt top 1 Netflix nhưng vẫn bị chê?
Gần đây, các series Hàn Quốc thiên về yếu tố hành động, giả tưởng đã có những thành công rực rỡ tại thị trường phim trực tuyến quốc tế. Những ý tưởng kịch bản độc đáo kết hợp các yếu tố mới và cũ chính là điều đã khiến những series này được chú ý giữa hàng vạn tựa phim khác.
Kingdom gây ấn tượng vì series này đã đưa một yếu tố rất phương Tây như zombie đặt vào bối cảnh cổ trang Hàn Quốc. Squid Game thì biến tấu lại thể loại đấu trường sinh tồn (Hunger Game, Alice In Borderland) và đặt chúng trong những trò chơi trẻ con truyền thống.
Vào ngày 11/9 vừa qua, series Hellbound mới của Hàn Quốc chỉ trong 24 giờ ra mắt đã nhanh chóng trở thành series được xem nhiều nhất tại 80 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phổ biến là thế nhưng những đánh giá về bộ phim này lại chia thành hai chiều. Kẻ thì nói phim thú vị, sâu sắc, người thì chê phim nhạt nhẽo, khó hiểu.
Liệu series này đã đạt được những gì mà khán giả kỳ vọng?
Các sản phẩm truyền thông đặt ra những kỳ vọng lệch hướng
Trailer của Hellbound đặt trọng tâm rất lớn vào những sinh vật màu đen và những bí ẩn xoay quanh những sinh vật này.
Qua trailer, Hellbound đã đưa sự chú ý của khán giả đến với yếu tố hành động và cháy nổ của bộ phim khá nhiều. Cách dựng nhấn mạnh vào những yếu tố này đã đưa tâm trí khán giả chờ đợi một bộ phim hành động sinh tồn trong một thế giới phản địa đàng.
Poster của Hellbound cũng khá ưu tiên những sinh vật màu đen này khi đặt chúng ở giữa khung hình như một nhân vật phản diện. Thậm chí, poster này cũng có những nét tương đồng với poster của Squid Game, một bộ phim về những con người phải sinh tồn trong một thế giới phản địa đàng.
Nếu độ phổ biến trên Netflix của Hellbound đang khiến mọi người bàn tán, số điểm của bộ phim trên các trang đánh giá lại không mấy ấn tượng.
Tại IMDb, series này nhận được số điểm 6.9/10. Ở các nền tảng như Rotten Tomatoes (78%) và Google (3.9/5).
Một review đến từ khán giả được viết như sau:
“Sau khi xem xong trailer cho bộ phim và biết được nó được thực hiện bởi đạo diễn của Train to Busan, tôi đã quyết định xem bộ phim này. Tôi chuẩn bị cho một thứ gì đó thật sự bùng nổ vì trailer thật sự quá thú vị."
"Hiện tại, tôi biết là những ý tưởng của vị đạo diễn này nghe có vẻ rất cuốn hút khi ở trên giấy. Thế nhưng, quá trình đưa ý tưởng này lên màn ảnh lại cực kỳ nhàm chán và cụt hứng.”
Và đây không phải là một trường hợp cá biệt nằm trong các review. Những cụm từ “khó hiểu”, “nhàm chán” hay “thất vọng” liên tục xuất hiện trên các trang đánh giá phim. Có thể thấy, Hellbound đang có một sự nhập nhằng giữa những kỳ vọng mà sản phẩm truyền thông đang đặt ra và những gì Hellbound thật sự đang hướng tới.
Hellbound có bắt nguồn từ một webtoon cùng tên khá phổ biến tại Hàn Quốc. Vị đạo diễn Yeon Sang-ho của Hellbound cũng chính là tác giả của bộ webtoon này.
Đọc qua phiên bản webtoon và so sánh với phiên bản phim ảnh của Hellbound, có thể thấy nội dung và cả lời thoại của nhân vật đều gần như được giữ nguyên hoàn toàn. Và câu chuyện đó vốn dĩ chưa bao giờ đặt nặng vào yếu tố sinh tồn của con người hay yếu tố bí ẩn của những sinh vật màu đen kia.
Ngay từ phân cảnh đầu tiên của Hellbound, chúng ta đã được tận mắt chứng kiến sự xuất hiện của những sinh vật màu đen này, xem chúng phá hoại và “trừng phạt” một kẻ “tội đồ”. Vì thế, có thể hoàn toàn nói rằng Hellbound sẽ không dành cả series để đi tìm một “sự thật” về những con quái vật màu đen kia.
Vấn đề cốt yếu nằm ở việc những sản phẩm truyền thông như trailer, poster và đoạn giới thiệu của Hellbound đã hứa với người xem về một series sẽ thiên về hành động, sinh tồn, đồng thời giải quyết bí ẩn về những sinh vật siêu nhiên màu đen kia.
Hellbound không phải là một bộ phim thiên về sinh tồn, và vốn dĩ những sinh vật kia chỉ là một công cụ để đạo diễn đặt những câu hỏi lớn hơn về bản chất của tôn giáo, tội lỗi, con người và xã hội.
Vậy Hellbound muốn truyền tải những gì?
Để có thể hiểu được Hellbound muốn nói gì, có lẽ cách “cảm phim” dễ nhất là hãy xem những sinh vật này là những tai nạn bất chợt có thể đến với bất kỳ ai, ở bất kì hoàn cảnh nào. Chúng là hiện thân cho những căn bệnh, những tai nạn, những thảm họa thiên nhiên,...
Như vậy, việc Yeon Sang-ho không bao giờ đưa ra lời giải thích thật sự về những sinh vật này lại trở thành một lựa chọn đúng đắn. Ông để cho những nhân vật, giáo phái tự đưa ra cho họ những lời giải thích, cũng giống như cách tôn giáo đã giải thích cho các căn bệnh hay tai nạn vẫn luôn xảy ra trong đời thật.
Bằng việc mượn những sinh vật rất cụ thể để ẩn dụ cho những cái chết đột ngột, đạo diễn Yeon Sang-ho đã khéo léo đặt ra những câu hỏi sắc bén đánh thẳng vào những niềm tin tôn giáo và những tổ chức sử dụng tôn giáo như một công cụ để trục lợi.
Hellbound không thật sự có một nhân vật chính cụ thể cũng chính vì lý do này. Việc giới hạn câu chuyện trong một góc nhìn sẽ vô tình làm hẹp đi những luận điểm mà Yeon Sang-ho đưa ra, biến chúng trở thành một ý kiến đến từ chính bản thân nhân vật.
Series này là câu chuyện về một xã hội, và từng nhân vật nên được xem là một thành phần trong xã hội hơn là một cá nhân. Cách họ phản ứng với những sự kiện là đại diện cho một phần nhỏ của bức tranh xã hội mà Yeon Sang-ho muốn vẽ ra.
Kết
Hellbound được truyền thông và khoác lên một vẻ ngoài cực kì gây cấn và giật gân với những con quái vật khổng lồ và cảnh hành động nghẹt thở.
Thế nhưng, vẻ ngoài này đã không thật sự phản ánh đúng với cái lõi phản ánh xã hội sâu cay của Hellbound. Yeon Sang-ho đã rất khéo léo sử dụng những sinh vật hữu hình để tạo ra những cuộc tranh luận về những khái niệm siêu hình của tôn giáo, con người và xã hội.
“Cơn thịnh nộ của những con quái vật có thể sẽ rất khó tin, thế nhưng sự điên loạn trong Hellbound là một thứ hoàn toàn có thể tin được.” Nhà phê bình Nick Allen nói về bộ phim.