“Hình phạt” cho người độc thân: Thực hư ra sao, hiệu quả liệu đến mức nào?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Trước khi Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra, vào cuối tuần qua, các cử tri TP. Hồ Chí Minh đã gửi một bản kiến nghị với nội dung yêu cầu có những biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở vùng đô thị, trong bối cảnh Việt Nam đang có mức sinh giảm thấp kéo dài.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã gợi ý thí điểm một số biện pháp “tăng trách nhiệm đóng góp cho xã hội và cộng đồng đối với những cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”.
Biện pháp được đề xuất sau đó được nhiều người dùng mạng xã hội “gọi vui” là hình phạt cho người độc thân.
2. Lý do của hai bên là gì?
Việt Nam hiện tại vẫn ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bắt đầu từ năm 2007. Điều này có nghĩa rằng tỷ số người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi) có giá trị dưới 50%, so với người lao động. Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ sinh hiện tại của cả nước, các chuyên gia nhận định thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2037 đến 2039.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo bà Đào Hồng Lan, mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như thiếu hụt lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội trong tương lai.
Song thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn những ảnh hưởng tiềm tàng về kinh tế.
Mức sinh thay thế là khi tổng tỷ suất sinh (Total Fertility Rate) của một quốc gia đạt mức đủ để duy trì nòi giống con người. Con số 2.1 con/phụ nữ được dùng làm tiêu chuẩn cho việc đạt mức sinh thay thế. Tuy nhiên vào năm 2023, tỷ lệ sinh của Việt Nam là 1.96 con/phụ nữ.
Về phía những cá nhân được liệt vào bộ phận “không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn”, các lý do cho quyết định này trải dài từ sự thay đổi về quan niệm sống tới sự ưu tiên phát triển sự nghiệp. Nhưng lý do lớn nhất vẫn luôn là gánh nặng về tài chính.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, vào năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của cả nước ở mức khoảng 32 triệu VNĐ/năm. Tua nhanh tới năm 2024, con số này đã đạt 80 đến 85 triệu VNĐ/năm, cho thấy mức tăng khoảng 3 lần.
Tuy nhiên song song với mức tăng về thu nhập bình quân đầu người, các chi phí về cuộc sống như giá nhà đất, điện nước, xăng dầu, học phí, viện phí… cũng tăng mạnh, nhiều trường hợp cao hơn con số gấp 3 lần.
3. Hình thức “phạt” người độc thân và khen thưởng người có con là gì?
Dù phát biểu của Bộ trưởng Y tế gây nhiều thảo luận và tranh cãi, thực chất chưa có hình thức cụ thể nào được đề xuất ra về việc thi hành “tăng trách nhiệm đóng góp xã hội”. Việc Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế đối với người độc thân, ở thời điểm hiện tại, mới chỉ đơn thuần là phỏng đoán và suy diễn của một số người.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế cho biết Việt Nam đã có một số biện pháp để “khích lệ” việc có con, với ví dụ được đưa ra là Quyết định số 588 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020.
Theo đó, các biện pháp được đề xuất bao gồm bãi bỏ quy định về sinh con thứ 3; hỗ trợ thanh niên kết bạn và tư vấn hôn nhân; tạo điều kiện khám sức khỏe cho mẹ và trẻ em; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mua và thuê nhà, hỗ trợ chi phí giáo dục; thực hiện khen thưởng, tặng tiền và hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi;...
4. Các quốc gia khác đã thực hiện những biện pháp này chưa?
Việc Việt Nam đề xuất những chính sách nhằm tăng mức sinh có tương đồng với một xu hướng toàn cầu được gọi tên là natalism hay chủ nghĩa khuyến sinh, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên Thế giới cũng đối diện với già hóa dân số và lo sợ một cuộc sụp đổ kinh tế và nhân chủng học toàn cầu.
Một trong những ví dụ đầu tiên của chính sách khuyến sinh đã xuất hiện từ năm 18 TCN, khi Hoàng đế Augustus của La Mã cổ đại ban hành luật Lex Papia Poppaea nhằm hạn chế quyền thừa kế của các cá nhân lựa chọn không có con. Vào năm 1941, Joseph Stalin cũng ban hành Nalog na bezdetnost cho Liên bang Xô-Viết, áp đặt mức gia tăng 6% thuế thu nhập cá nhân đối với những người không có con trong độ tuổi từ 20 đến 50.
Hay một ví dụ gần gũi hơn đối với Việt Nam là Thái Lan. Giống Việt Nam, Thái Lan cũng đối diện với sự già hóa dân số, và quốc gia này đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy mức sinh, bao gồm: mở Quỹ trợ cấp nuôi con dành cho các gia đình thu nhập thấp, hỗ trợ chi phí hàng tháng cho trẻ con dưới 6 tuổi; miễn học phí cho học sinh tới hết cấp 2; thiết lập Chương trình sữa Quốc gia để cho trẻ con uống sữa miễn phí mỗi ngày tới năm 18 tuổi;...
5. Những biện pháp đó có thành công không?
Bất chấp mục đích ít nhiều có thiện ý, những chính sách khuyến sinh trên Thế giới đa phần đều gặp phải phê bình, và không thực sự chứng minh được sự hiệu quả. Một trong những phê bình lớn nhất, như đã xuất hiện với các chính sách khuyến sinh tại Liên bang Xô-Viết, Trung Quốc, Hungary hay Singapore, là việc những chính sách này chỉ chủ yếu giúp ích cho những gia đình trung lưu và thượng trung lưu.
Do sự tập trung vào việc khích lệ sinh đẻ nhưng không giải quyết các khó khăn tồn đọng như chi phí sống tăng cao hay cơ hội nghề nghiệp sau sinh, các chính sách khuyến sinh không mang về nhiều lợi ích cho những cá nhân có thu nhập dưới trung bình.
Tính hiệu quả của những chính sách này cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng vì dân số già, và dù đã thực hiện nhiều chính sách khuyến sinh (trong đó bao gồm chiến dịch Premium Friday khích lệ các nhân viên văn phòng nghỉ một ngày thứ sáu cuối tháng để hẹn hò, tương đối giống với đề xuất giảm giờ làm của Việt Nam), mức sinh của Nhật Bản vẫn thuộc diện thấp nhất Thế giới.