Aaron Ferguson, Giám đốc Pháp chế tại Standard Chartered Việt Nam và những đầu tư cho cộng đồng

Để hiểu hơn về mô hình kinh doanh hướng về cộng đồng, cùng Vietcetera gặp gỡ Aaron Ferguson, Giám đốc Pháp chế tại ngân hàng Standard Chartered.

Valeria Mertsalova
Aaron Ferguson Featured Image. Co Nguyen for Vietcetera

Hình ảnh được thực hiện bởi Cơ Nguyễn cho Vietcetera

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1904, ngân hàng Standard Chartered là một trong những tập đoàn Anh đa quốc gia dẫn đầu về dịch vụ ngân hàng cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), và mang trong mình tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Để thực hiện các chương trình mang tác động lớn, doanh nghiệp cần đạt được sự chính xác tuyệt đối, trình độ chuyên môn cao cũng như mối quan hệ tốt với cộng đồng — điều chỉ có thể thấy ở các doanh nghiệp lấy CSR làm hướng vận hành ưu tiên. Standard Chartered đã nuôi dưỡng văn hoá này ngay từ bên trong: cho phép nhân viên của mình tình nguyện dành ra 3 ngày trong năm chỉ để làm công tác xã hội.

Để hiểu hơn về mô hình kinh doanh hướng về cộng đồng, Vietcetera đã có cơ hội gặp gỡ Aaron Ferguson, Giám đốc Pháp chế tại ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Đa dạng và Gắn kết (Diversity and Inclusion Committee) tại Việt Nam.

Là một luật sư quốc tế với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại châu Á, Mỹ và Úc, Aaron đã tìm ra được tiếng nói của mình nhằm xây dựng các quy tắc doanh nghiệp trong công tác CSR. Vietcetera đã ngồi xuống và nghe ông chia sẻ về công việc tại một doanh nghiệp có trách nhiệm, cách ông định nghĩa một nhà lãnh đạo cũng như những dự đoán của ông về tương lai ngành ngân hàng.

Với sự giao thoa nữa pháp lý, ngân hàng và CSR, làm sao ông có thể làm việc kết hợp cả ba lĩnh vực này với tư cách là Giám đốc Pháp chế?

Với tư cách là Giám đốc Pháp chế, trách nhiệm cốt lõi của tôi nằm ở việc tư vấn cho đội ngũ về các vấn đề pháp lý. Đây là những điều mà tôi vốn đã làm suốt 20 năm qua, vì vậy hai khía cạnh pháp lý và ngân hàng gần như đi đôi với nhau. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng môi trường Việt Nam mang nhiều thử thách hơn những đất nước khác mà tôi đã từng làm qua. Việt Nam ban hành luật pháp bằng ngôn ngữ riêng của họ, và chỉ có quyền tài phán trong nước.

Nhưng đó cũng là cách mà đội ngũ của tôi hình thành. Với chuyên môn pháp lý của họ cùng kinh nghiệm quốc tế của tôi, chúng tôi đã làm rất tốt trong việc tư vấn pháp lý cho Standard Chartered.

Nhưng điều khiến tôi hứng thú nhất là cơ hội được lồng ghép các hoạt động CSR vào vị trí của mình. Sự linh hoạt này phần lớn là nhờ vào việc Standard Chartered luôn ủng hộ các dịch vụ hướng đến cộng đồng.

Ví dụ, từ năm 2004 đến 2008, chiến dịch “Ánh sáng là Niềm tin” của chúng tôi đã góp phần phòng chống mù loà và tật khiếm thị, cung cấp dịch vụ đo mắt cho hơn 3 triệu cá nhân, thực hiện 47,000 ca phẫu thuật mắt, và trao tặng hơn 34,600 cặp kính thuốc cho những ai có nhu cầu tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, tôi đã 2 lần tham gia hành trình “Đạp xe vì ánh sáng ngày mai” — một chương trình thuộc dự án “Ánh sáng là Niềm tin". Các thành viên đến từ Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei và Indonesia đã cùng nhau đạp xe quá các cung đường miền quê Việt Nam với chung một chí hướng — cùng ngân hàng gây quỹ cho cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi còn cộng tác với các trung tâm ngôn ngữ tại địa phương và triển khai chương trình dạy tiếng Anh cho các bé gái tại một trung tâm mồ côi ở Sài Gòn. Đội ngũ nhân viên tại ngân hàng cũng sẽ đến đây vào cuối tuần để cùng các em làm bài và luyện tập giao tiếp.

Chúng tôi đã thành lập Futuremakers vào 2019 — một dự án góp phần vào nỗ lực toàn cầu giải quyết sự bất bình đẳng và thúc đẩy hoà nhập kinh tế cho thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng đang thực hiện dự án Employability (Việc làm) tại Lào Cai, giúp tăng cơ hội mưu sinh cho thanh niên thông qua các phát kiến nghề nghiệp và khởi nghiệp. Chúng tôi cũng thực hiện dự án Goal (Mục tiêu), kết hợp thể thao với đào tạo kỹ năng sống giúp tiếp sức cho các bé gái sự tự tin, kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành những trụ cột kinh tế không thể thiếu trong gia đình và cộng đồng. Dự án Goal đã giúp đỡ hơn 30,000 người dân địa phương kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào năm 2014.

Standard Chartered tự hào là một ngân hàng có trách nhiệm. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với cá nhân ông?

Nói ngắn gọn thì đây là một việc làm đúng đắn. Việc tăng lợi nhuận cho các cổ đông là mục tiêu quan trọng đối một doanh nghiệp tài chính như chúng tôi. Nhưng nó không phải là mục tiêu duy nhất. Cách chúng tôi hoạt động và những yếu tố mà chúng tôi cân nhắc trong đều quan trọng như nhau.

Standard Chartered đã tuyển dụng hơn 1,500 nhân viên tại Việt Nam và có các tệp khách hàng đa dạng: từ các đơn vị kinh doanh lớn nhất đất nước cho đến các cá nhân đang sở hữu tài khoản ngân hàng bán lẻ. Là công ty đa quốc gia hơn 115 năm tuổi tại Việt Nam, những gì chúng tôi làm đều gắn liền với nhân viên, khách hàng, người điều hành và cả cộng đồng.

Tuy những nhu cầu của cổ đông là điều đáng lưu tâm, tầm ảnh hưởng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc kết nối với họ. Vị trí của chúng tôi là dùng giá trị của doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng; và đi kèm với cơ hội đó là trách nhiệm phải tạo ra thay đổi một cách phù hợp.

Ví dụ, chúng tôi có thể quan sát những gì doanh nghiệp đã làm được với nhân viên trên phương diện “đa dạng và gắn kết”. Chúng tôi đang nỗ lực lồng ghép sự đa dạng vào văn hoá công ty, cũng như đảm bảo rằng không có nhân viên nào bị bỏ quên, bất kể sự khác biệt của từng cá nhân.

Với Hội đồng Đa dạng và Gắn kết, tôi đang dẫn dắt mọi người trong các khía cạnh như giới tính, xu hướng tính dục, sự khác biệt về thế hệ, quốc tịch/dân tộc và bệnh khuyết tật. Cá nhân tôi rất mong chờ việc doanh nghiệp có thêm những nhân viên thuộc nhóm yếu thế. Chúng tôi đang dần xây dựng một mô hình lực lượng dành cho người khiếm thị — có thể sẽ bắt đầu với trung tâm liên lạc và hỗ trợ. Dự án này đã được thực hiện tại văn phòng đại diện ở Đài Loan và là một thành công lớn.

 Chúng tôi nỗ lực rất nhiều để phát triển đội ngũ nhân viên trong bối cảnh thị trường đang biến chuyển liên tục. Kết quả là, doanh nghiệp đã được bầu chọn là một trong “Những nơi làm việc tốt nhất châu Á” bởi HR Asia trong 3 năm liên tiếp.

Nhưng với COVID-19 quay trở lại, những hoàn cảnh khó khăn lại một lần nữa khẩu cầu sự giúp đỡ. Tôi xin vinh dự thông báo rằng Standard Chartered đã thành lập một quỹ toàn cầu trị giá 1 tỷ USD nhằm gây quỹ không lợi nhuận cho các doanh nghiệp có khả năng chống lại đại dịch. Các doanh nghiệp này bao gồm xưởng sản xuất, nhà phân phối trong lĩnh vực y tế, cũng như các đơn vị sản xuất ống dẫn khí, khẩu trang, các thiết bị bảo hộ, chất sát khuẩn, và các dụng cụ liên quan. Đến nay, chúng tôi đã mở rộng tín dụng ưu đãi đến hai công ty tại Việt Nam và đang nỗ lực hỗ trợ nhiều doanh nghiệp địa phương khác hưởng lợi từ chương trình.

Ngoài cho vay trợ cấp, chúng tôi cũng đã quyên tặng 200,000 USD và 70,000 chiếc khẩu trang y tế cho các đơn vị cứu trợ của Việt Nam, và đã hợp tác với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam để khởi động chương trình hỗ trợ tài chính 25 triệu USD cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang gặp khó khăn do Covid-19.

Tại Standard Chartered, những thành tựu mà ông và đội ngũ tự hào nhất là gì?

Trước khi gia nhập Standard Chartered, tôi đã sống và làm việc tại Singapore trong 8 năm. Trong thời gian đó, tôi nhận ra niềm đam mê mãnh liệt của người dân Singapore là bóng đá. Nhưng có rất nhiều học sinh cấp 2 không có cơ hội tham gia bộ môn này, đặc biệt là các em nữ. Trong số các em có nguyện vọng, chỉ 5% có điều kiện để tham gia.

Để cải thiện điều này, chúng tôi đã hợp tác cùng CARE Singapore — một tổ chức với sứ mệnh hỗ trợ thế hệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua bóng đá, các em có thể vừa rèn luyện thể lực, vừa trau dồi các kỹ năng mềm khác. Và 2020 đã đánh dấu chặng đường 10 năm của dự án The Free Kick của chúng tôi!

Chúng tôi đã nhận được sự tham gia của hơn 1000 em học sinh tại hơn 15 trường trung học cơ sở. Tôi vẫn nhớ mình đã đến sớm 1 tiếng rưỡi vào ngày diễn ra cuộc thi năm đầu tiên để chuẩn bị hậu cần. Các đội bóng đều đã có mặt để khởi động; dường như ai cũng mang trong mình một niềm hân hoan.

Tôi tự hỏi liệu mình có thể làm điều gì đó tương tự cho Việt Nam, bởi đất nước này cũng mang một niềm yêu mến đặc biệt cho bóng đá và đội tuyển quốc gia của họ.

Tại Việt Nam, thành quả tự hào nhất của tôi là xây dựng một đội ngũ pháp lý xuất chúng — mọi người làm việc với nhau ưng ý và hiệu quả một cách bất ngờ. Và một số cá nhân xuất sắc cũng đã được thăng tiến lên một vị trí tốt hơn. Đồng thời, chức vụ Giám đốc Điều hành tại văn phòng ở Hà Nội đã mang đến cho tôi cơ hội học hỏi rất nhiều về ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Về phía cá nhân, niềm tự hào lớn nhất của tôi là việc dẫn dắt 60 nhân viên tại Standard Chartered đến Singapore vào năm ngoái để đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi thể thao Standard Chartered Games. Đây là năm đầu tiên chúng tôi tham dự, và cũng là lần đầu tiên đến Singapore của một số người. Tham dự 12 môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bóng rổ, và bóng bàn khi khoác trên người lá cờ tổ quốc và thi đấu cùng 7 nước bạn trong khu vực là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.

Và tất nhiên, sắc cờ Việt Nam luôn vươn cao ở những nơi chúng tôi đi qua. Năm nay đến lượt chúng tôi tổ chức, nhưng vì COVID-19 nên những kế hoạch sắp tới sẽ được dời vào năm sau.

Ông có lời khuyên nào để lãnh đạo hiệu quả?

Tôi có hai lời khuyên dành cho những ai đang làm quản lý. Đầu tiên, để dẫn dắt một đội ngũ, bạn cần đưa ra một hướng đi mà mình mong muốn. Điều này vô cùng thiết yếu, bởi bạn sẽ chỉ đạt được thành công khi tất cả nguồn lực đều cùng hướng về một nơi, và tất cả mọi người đều nắm được mục tiêu sau cùng. Với đội ngũ của tôi, chúng tôi luôn tập trung vào việc hỗ trợ khách hàng và cải thiện độ hiệu quả trong bộ máy vận hành. Mục tiêu sau cùng là trở thành phòng pháp lý nội bộ (inhouse) xuất sắc nhất cả nước!

Lời khuyên thứ hai là hãy thật sự quan tâm đến các thành viên trong đội ngũ. Hãy đảm bảo rằng bạn muốn mọi thành viên đều có được thành công trong sự nghiệp của họ. Hãy lưu tâm rằng mỗi nhân viên đều có thể lựa chọn làm tốt công việc của mình hoặc không; việc có được sự hỗ trợ hiệu quả từ người lãnh đạo trong quá trình họ phát triển là yếu tố làm nên sự khác biệt.

Nếu bạn đang mong cầu một đội ngũ chuyên tâm và luôn cống hiến hết mình, bạn cần biết cách hoà nhập cùng mọi người. Điều này đồng nghĩa với việc lắng nghe và thấu hiểu những nguyện vọng về sự nghiệp của họ, những điều họ yêu thích ở công việc của mình, những khóa học họ đang muốn tham gia, những hướng đi họ cần để phát triển, và những hỗ trợ họ mong muốn khi phải làm những việc ngoài vùng an toàn của bản thân.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng nếu nhân viên có những bước chuyển mình và đang dần trở nên chuyên nghiệp, thường tinh thần của họ sẽ rất vui vẻ. Nếu họ vui vẻ, khả năng cao là họ sẽ làm tốt hơn công việc của mình, thay vì làm việc trong tâm thế đợi tháng lương tiếp theo.

Người tiêu dùng có thể trông chờ các thay đổi gì ở tương lai của ngành ngân hàng?

Ngân hàng, như bao ngành nghề khác, cũng đang trải qua cuộc cách mạng số hoá khổng lồ. Về phía khách hàng, bước tiến lớn nhất sẽ là sự linh hoạt trong dịch vụ — họ sẽ có thể giao dịch và sử dụng dịch vụ 24/7 thông qua Internet và thiết bị di động.

Không thể chối cãi rằng sự thay đổi này đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn COVID-19. Không lâu nữa, trải nghiệm số hoá sẽ được triển khai, cho phép khách hàng mở tài khoản, thực hiện giao dịch trực tuyến và được đáp ứng các yêu cầu/khiếu nại bằng các chatbot sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo AI.

Hiện tại, ở Việt Nam, hầu hết các tính năng này chỉ dừng lại trong hoạt động thanh toán và giao dịch. Nhưng trong những năm tới, sự thay đổi này cũng sẽ diễn ra trong các hoạt động như cho vay, đầu tư và cung cấp bảo hiểm.

Các thị trường trong khu vực như Hong Kong, Malaysia và Singapore đã bắt đầu được cấp giấy phép ngân hàng số. Và điều này cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam trong tương lai.

Đây là một tin đáng mừng cho cộng đồng, bởi ngân hàng số có thể dẫn đến sự toàn diện hơn về tài chính cho những ai chưa có trải nghiệm ngân hàng tối ưu hoặc chưa có tài khoản ngân hàng. Các giao dịch qua ngân hàng tại Việt Nam hiện đang ở mức 30%, vì vậy đây là một thị trường với rất nhiều cơ hội phát triển.

Nói đến tương lai của ngành ngân hàng, tôi không thể không nhắc đến những đơn vị đang cạnh tranh hoặc hợp tác với các ngân hàng truyền thống. Việt Nam đang sở hữu một lực lượng các đơn vị khởi nghiệp, và công nghệ tài chính là một phần rất quan trọng của cộng đồng này, nhất là trong việc thực hiện thanh toán.

Tương tự các thị trường khác, tôi nhận thấy những nền tảng số cho người tiêu dùng (ví dụ, xe ôm công nghệ hay sàn thương mại điện tử) cũng đang dần tìm hiểu và lồng ghép các dịch vụ tài chính vào sản phẩm nhằm thu lợi nhuận từ tệp khách hàng có sẵn. Trải nghiệm số của khách hàng có thể sẽ bao gồm tính năng cho vay khi thanh toán, bằng cách sử dụng và truy cập nhanh chóng dữ liệu tín dụng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục