Kinh nghiệm điều hành thương hiệu nội thất từ John Reeves
Tiếp nối thành công của thiết kế bàn chân quỳ Luis, John Reeves đã thành lập Reeves Design, và đây là cách anh vận hành thương hiệu nội thất này trong suốt 14 năm qua.
“Khi đang đứng giữa hai lựa chọn: hoặc ở lại Northumbria để bắt lấy cơ hội làm việc tại xưởng nội thất thủ công, hoặc đến Việt Nam đảm nhận vị trí Giám đốc phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng tại Julian Chichester Design, thì tôi lại nghe nói rằng quy trình sản xuất của họ sẽ được chuyển sang Châu Á, thế là tôi cũng quyết định sẽ chuyển đến đây,” John Reeves nhớ lại.
John nhận được lời đề nghị công việc này ngay sau khi chiếc bàn do anh thiết kế rơi vào tầm ngắm của Heal’s, một trong những thương hiệu nội thất đình đám của Anh được thành lập vào năm 1810. “Ngày ấy, ngay cả những người tôi từng làm việc dưới quyền cũng mơ ước được làm cho Heal’s, và tôi lại may mắn đạt được điều đó ở tuổi 24…” Đến tận bây giờ, khi hồi tưởng lại anh vẫn chưa hết kinh ngạc.
Ngay khi ngồi xuống trò chuyện cùng John trong không gian phòng trưng bày của Reeves Design tại Quận 2, chiếm trọn tầm nhìn của chúng tôi là tấm bảng gỗ ghi lại tất cả thành tích của chiếc bàn chân quỳ Luis – một trong 100 thiết kế biểu tượng của Heal’s, được triển lãm tại Bảo tàng Victoria & Albert, và giành được những giải thưởng danh giá như Homes and Garden Classic Award, Elle Design Award, cùng nhiều giải thưởng khác.
Suốt 14 năm qua, John Reeves đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự nòng cốt tại Việt Nam và một mạng lưới vững mạnh hỗ trợ việc sản xuất, để thương hiệu có thể tiếp tục tạo ra những mẫu nội thất mang giá trị bền vững và tinh thần cổ điển. “Mấu chốt là phải mở rộng các mối quan hệ, dù là ở Northumbria hay Thành phố Hồ Chí Minh thì đều vậy,” anh chia sẻ.
Ba từ mô tả phong cách quản lý của anh?
Một nhà giáo, một viên cảnh sát và là một người bạn – trình tự và mức độ có thể thay đổi theo từng trường hợp.
Cuốn sách hay tác giả nào đã góp phần định hướng bước đường kinh doanh của anh?
Tôi từng đọc quyển “News from Nowhere” khi vẫn còn thời hạn lưu trú sau khi tốt nghiệp. Kể cả mẹ tôi cũng đã đọc qua quyển này. Quyển sách thuộc thể loại viễn tưởng siêu thực được viết bởi tác giả William Morris, một biểu tượng lớn trong phong cách Victorian vào những năm 1880 – thời kỳ hoàng kim của các loại hình nghệ thuật và điêu khắc, lấy cảm hứng từ những dự đoán về sự thất bại của cuộc cách mạng công nghiệp đang xảy đến. Trong bối cảnh sau khi cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước Châu Âu đặt dấu chấm hết cho nền văn minh, tác giả Morris đã hình dung ra những cộng đồng và những ngôi làng nhỏ vẫn tiếp tục phát triển, qua đó tôn vinh những ngành nghề thủ công.
Có một thời gian tôi cũng từng mang quyển “SAS Survival Handbook” bên mình mọi lúc. Ngoài thiết kế hút mắt, quyển sách viết về những nhu cầu thiết yếu để tồn tại, đồng thời cũng bao hàm nhiều giá trị văn hóa.
Ngoài ra, “Green Imperative” của tác giả Victor Papanek luôn là tựa sách yêu thích của tôi. Quyển sách luôn nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của việc thừa nhận và ghi nhớ những lý tưởng và động lực thúc đẩy sự sáng tạo và năng suất, đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà thiết kế luôn mang trọng trách dẫn dắt chúng ta tiến về tương lai.
Ai là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của anh?
Người thầy lớn nhất và có ảnh hưởng nhất đối với sự nghiệp của tôi chính là những cơ hội. Đầu tiên là cơ hội làm việc trong dự án Heal’s Discovers vào năm 2005, do chính CEO của Heal’s Andrea Warden mở lời.
Ngoài ra, khoảng thời gian làm việc trong chương trình lưu trú sau đại học tại trường Đại học Northumbria cũng là một cơ hội khác. Khi ấy tôi không chỉ được học hỏi từ những giảng viên và những kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm mà còn có nhiều thời gian để khám phá những nét riêng của mình trong thiết kế. Vào thời gian đầu, bạn của tôi, Max Lamb chính là người luôn cổ vũ tôi và những người khác trong đội mang thiết kế đi triển lãm khắp nơi – từ Triển lãm Stockholm Greenhouse cho những nhà thiết kế mới, đến Tuần lễ thiết kế Salone Satellite tại Milan, và Hội chợ thiết kế Luân Đôn.
Cũng tại đó tôi gặp được sếp tương lai của mình, Julian Chichester. Anh ngỏ ý mời tôi đảm nhiệm vị trí quản lý phát triển thiết kế và kiểm soát chất lượng, đồng thời có thể tiếp tục nghiên cứu về những thiết kế riêng của mình. Sau đó tôi gặp được Richard Forwood, cộng sự của Julian ở Việt Nam, người làm việc trực tiếp với tôi và luôn khích lệ tôi. Đến tận bây giờ anh vẫn hỗ trợ và cho lời khuyên mỗi khi tôi cần đến.
Một người nữa là cô Tỵ, nhân viên lao công ở studio của chúng tôi. Hơn 10 năm làm việc, cô lúc nào cũng mang đến nguồn năng lượng tích cực và truyền cảm hứng đến mọi người – cô còn đến bệnh viện thăm hỏi khi tôi gặp tai nạn xe nữa…
Mô tả người nhân viên lý tưởng của anh?
Điều đó còn tùy thuộc vào nhiều vị trí. Tuy nhiên, tôi luôn xác định đâu là những phòng ban quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn đến việc vận hành công ty, chẳng hạn như bộ phận phát triển kỹ thuật, giám sát chất lượng, đội ngũ bán hàng, kế toán… và tìm những người giỏi nhất để đảm nhận các vị trí đó. Tôi không bao giờ thỏa hiệp với những lựa chọn an toàn, vì như vậy sẽ không thể phát triển và đi xa hơn được.
Ở góc độ cá nhân, với tôi một nhân viên lý tưởng phải là người đam mê thiết kế và thích được làm việc cùng đội nhóm để cho ra những thiết kế độc đáo, mang đậm bản sắc của họ. Thậm chí dù là người ở vị trí kế toán hay kiểm soát chất lượng thì cũng cần có niềm đam mê với lĩnh vực thiết kế.
Anh có lời khuyên nào dành cho các tân quản lý không?
Giao tiếp luôn là mắt xích quan trọng nhất. Thế nên bạn phải luôn đảm bảo rằng những phản hồi của mình đều được gửi đi trước khi kết thúc ngày làm việc. Dù là trao đổi về ý tưởng mỹ thuật, yêu cầu của khách hàng, nghiên cứu thị trường, phát triển mẫu mã, cải tiến kỹ thuật, hay thậm chí là bán hàng và marketing, thì đều cần được trao đổi rõ ràng và rành mạch.
Điều gì anh thấy khó khăn nhất trong công việc của mình?
Tôi không thể dậy sớm nhưng mọi công việc đều đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên có những thời điểm quan trọng như giai đoạn hoàn thiện sản phẩm hay triển lãm, cơ thể tôi sẽ tự động bật dậy khỏi giường.
Thách thức lớn nhất là tìm cách cân bằng giữa kinh doanh và thiết kế. Vài năm trước khi sản phẩm của chúng tôi bắt đầu bán chạy, chúng tôi dồn mọi ưu tiên vào việc kinh doanh và các chuỗi cung ứng. Nhưng khách hàng thì lại bắt đầu canh mua những sản phẩm của chúng tôi với giá hời, điều đó khiến tôi dần mất đi hứng thú với việc kinh doanh. Tôi đã phải tạm dừng và tìm lại nguồn động lực đã khiến tôi bắt đầu.
Sau tất cả những trăn trở ấy, một thiết kế mới đã được ra đời – Louis Zinc Kissing Bench, chiếc ghế dành cho những nụ hôn được lấy ý tưởng từ chiếc yên ngựa. Chúng tôi ghép hai chiếc ghế theo chiều ngược nhau như kiểu thiết kế ghế đôi vào thập kỉ 18 và 19. “Nó như một phép ẩn dụ và là lời tuyên bố về đam mê và tình yêu của tôi dành cho thiết kế.” Chúng tôi mang nó đi khắp Tokyo xuyên suốt Tuần lễ Thiết kế và chụp lại khoảnh khắc những cặp đôi thẹn thùng hôn nhau trên chiếc ghế đó.
Theo anh, trong kinh doanh, quyền lực nên được trao cho mọi người hay phân chia theo cấp bậc?
Mỗi chúng ta đều là một bộ phận cấu thành nên bộ máy công ty, dù có là động cơ Rolls Royce thì cũng trở nên vô dụng nếu không phối hợp tốt với những phần còn lại. Tôi tin rằng nếu đo lường một cách công bằng qua tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm thì sẽ xây dựng được một môi trường làm việc dựa trên sự tôn trọng, nơi tất cả mọi người đều hướng đến một mục tiêu chung.
Tuy nhiên, với cương vị là nhà sáng lập và điều hành công ty, tôi luôn là người đưa ra định hướng phát triển công ty theo đúng những giá trị cốt lõi của nó và đảm bảo được giá trị của sản phẩm.
Anh thường trao đổi với những thành viên trong công ty như thế nào?
Mỗi ngày, khi bước vào công ty tôi sẽ nói “Chúc mọi người buổi sáng vui vẻ”, dù đôi khi đã là sau giờ trưa thì tôi vẫn làm thế. Tôi muốn đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều vui vẻ và tập trung vào công việc. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi xem khách hàng, nhà sản xuất và các nhà cung cấp như những người đồng đội. Vì thế chúng tôi cũng phải cố gắng giao tiếp thường xuyên với họ. Trong những giai đoạn phát triển sản phẩm bận rộn, chúng tôi có thể đến nhà máy khoảng ba hoặc bốn ngày mỗi tuần để những người chịu trách nghiệm của cả hai bên có nhiều cơ hội làm việc với nhau, và chúng tôi cũng làm điều tương tự với khách hàng.
Trong các buổi họp, anh thường chia sẻ những thông tin gì với nhân viên của mình?
Mỗi thứ ba hàng tuần tôi đều tổ chức buổi họp kết hợp dùng bữa sáng với các giám đốc kinh doanh và marketing. Buổi họp giúp chúng tôi tập trung và chỉnh đốn lại kế hoạch chiến lược của mình. Chúng tôi giữ bộ máy làm việc ở quy mô nhỏ và phát triển chúng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chúng tôi đã có nền móng vững chắc hơn nên cũng cần xây dựng các kế hoạch chiến lược kỹ càng hơn trước.
Bước đầu tiên để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa nhiều bên khác nhau là gì?
Tôi biết mình đã lặp lại quá nhiều, nhưng đó vẫn là giao tiếp. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phân tích tình huống để tìm ra nguyên nhân, đôi khi là lỗi thuộc về thiết kế, sản xuất, hoặc vận chuyển và hậu cần.
Tuy nhiên không có gì là hoàn toàn suôn sẻ cả, nên chúng tôi cần dự đoán trước những vấn đề có thể sẽ xảy ra trong quy trình. Những vấn đề mà chúng tôi đã từng gặp phải sẽ giúp chúng tôi tích lũy được kinh nghiệm để ngăn chúng xảy ra trong tương lai.
Anh hướng đến việc phát triển bền vững như thế nào?
Đối với tôi, phát triển bền vững nên được xem như một phần thiết yếu trong sự phát triển của công ty. Điểm thú vị của việc làm chủ là bạn có thể toàn quyền quyết định về vật liệu, quy trình sản xuất, đơn vị sản xuất và thậm chí là cả khách hàng mà công ty sẽ hợp tác.
Các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững đang ngày càng bị lạm dụng như một công cụ để quảng bá. Nhưng nếu có thể tận dụng những nguyên liệu tái tạo hay tái chế trong những thiết kế của mình thì chúng tôi vẫn sẽ duy trì việc đó. Chúng tôi hạn chế tối đa sử dụng những nguyên liệu mới hay mất nhiều thời gian để tái tạo, và nếu phải sử dụng, chúng tôi luôn tìm những nguồn cung cấp thân thiện với môi trường.
Một ví dụ tượng trưng cho tinh thần bền vững của chúng tôi là chiếc bàn cẩm thạch sử dụng nguyên liệu tái tạo từ những mảnh vụn và các phần thừa của cẩm thạch và đá hoa cương. Ngoài ra, chúng tôi còn theo đuổi hướng thiết kế đi cùng thời gian vì chúng tôi không muốn những sản phẩm của mình sẽ phải vào bãi rác một ngày nào đó…
Anh có thường nghĩ đến những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn?
Tôi nghĩ đến mỗi ngày. Những mục tiêu ngắn hạn thường là việc lên kế hoạch cho các buổi triển lãm thương mại trong những năm tới hoặc tổ chức các sự kiện ra mắt sản phẩm.
Còn về mục tiêu dài hạn, chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời làm di sản để đời của thương hiệu.
Điều gì đã giữ anh ở lại Việt Nam?
Khi tôi đến đây vào năm 2004, hầu hết những cơ sở sản xuất thành công đều theo mô hình tái sản xuất dựa theo những đồ nội thất cổ, sau đó thành phẩm sẽ được xuất khẩu sang USA. Với tôi, đây chỉ đơn thuần là kinh doanh, không phải thiết kế. Tôi muốn tạo dựng một mối liên kết với những nhà sản xuất địa phương để giúp tôi truyền tải một câu chuyện mới, một câu chuyện đương thời hơn.
Với tôi, khoảng thời gian 14 năm làm việc ở đây như một phép nhiệm màu. Con người và cả mảnh đất này đã mang đến cho tôi nguồn năng lượng và cơ hội vô tận. Tuy đôi lúc cũng có những khó khăn, nhưng nếu dễ dàng quá thì ai cũng có thể làm được rồi.
Xem thêm:
[Bài viết] Catherine Denoual Maison: Dệt thêu những giá trị trường tồn với thời gian
[Bài viết] Đỗ Bá Đức – Người mang văn hóa hacker đến Nhật Bản