Kết hôn xong, hai vợ chồng quản lý tài chính như thế nào?

Quản lý tài chính sau lập gia đình - một thương vụ M&A của hai “ví tiền”.
Thái Phan
Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Bên cạnh những thay đổi về tâm lý và trách nhiệm, lập gia đình còn đánh dấu những thử thách, trải nghiệm mới ở cả lĩnh vực tài chính cá nhân. Trong đó, bài toán phổ biến nhất chính là chuyện cân bằng hài hoà những khoản tài chính riêng (của mỗi cá nhân) với khoản tài chính chung (của cả gia đình).

Lý do là vì bạn và cả bạn đời vẫn phải đáp ứng nhu cầu về chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm như hồi độc thân. Song, thử thách giờ đây được nâng thêm vài bậc vì khoản tài chính này còn phải phân bổ cho các khoản phi cá nhân khác như nhà cửa, con cái, quản lý rủi ro tương lai…

Hẳn bạn sẽ nghĩ một nguồn thu nhập lớn sẽ là lời giải hoàn hảo? Điều này có thể đúng nhưng chưa đủ. Nói cách khác, thu nhập lớn có thể giúp bạn chi tiêu thoải mái hơn hơn nhưng không đồng nghĩa với việc nhẹ đầu hơn khi quản lý tài chính gia đình đường dài.

Vậy nếu ở trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta có thể giải quyết như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin kể lại từ trải nghiệm của gia đình tôi.

Hôn nhân có thể thay đổi tư duy tài chính của bạn

Sau khi mới kết hôn, hai vợ chồng với thu nhập công chức ở mức khá nên cũng lạc quan, chưa suy nghĩ nhiều về việc thay đổi về cách phân bổ thu nhập. Lúc này, hai vợ chồng cứ “mạnh ai người nấy lo” - tức là mỗi người tự quản lý nguồn thu nhập cá nhân, có nguồn đầu tư, chi tiêu riêng và chỉ cần đóng góp một phần nhất định (theo thoả thuận) cho chi phí sinh hoạt gia đình.

Chiến lược này diễn ra êm đẹp cho đến khi gia đình đón con đầu lòng.

Hiển nhiên, hai vợ chồng luôn mong muốn dành những điều tốt nhất cho bé và bắt đầu các kế hoạch tài chính chuẩn bị cho con tới khi trưởng thành.

Lúc này nhìn lại, khoản tài chính chung dành cho gia đình bắt đầu xuất hiện một số bất cập. Dù cả hai đều có mức thu nhập khá nhưng tài sản tích lũy sau vài năm sống chung vẫn chưa nhiều so với yêu cầu mới đặt ra.

Đều là dân tài chính với nhau, tôi và vợ quyết định ngồi lại trao đổi, tham khảo nhiều nguồn tin và nghiệm ra một số điều chỉnh cần có về tư duy quản lý tài chính để cải thiện tình hình.

Cuối cùng, có 2 nội dung chính mà tôi đã đúc kết được.

Thay đổi thứ nhất: Tỷ lệ phân bổ nguồn tài chính

Trước khi kết hôn, tài chính của tôi được phân bổ chính 20% vào nhu cầu thiết yếu, 5% vào quỹ tiết kiệm, 30% vào hưởng thụ cuộc sống, 30% vào đầu tư sinh lợi và phần còn lại vào các việc phát triển bản thân, từ thiện.

Trong thời gian này có thể nói tôi dành rất nhiều cho việc trải nghiệm hay hưởng thụ cuộc sống, những bữa nhậu triền miên hay các chuyến du lịch nước ngoài với tư tưởng ‘YOLO’, nên sau 6 năm đi làm tới trước khi kết hôn, khoản tiết kiệm của tôi chỉ dừng ở mức khiêm tốn.

Sau khi có con, hai vợ chồng đã cùng ngồi lại và thống nhất lại và thay đổi về cách quản lý thu nhập. Nhận ra cách chi tiêu mạnh ai nấy lo sau 2 năm chưa thật sự hiệu quả, hai vợ chồng quyết định cùng đóng góp lương vào quỹ gia đình, cùng chi tiêu và đầu tư. Thu nhập được phân bổ giảm bớt từ hưởng thụ cuộc sống để chuyển sang đầu tư sinh lợi.

Đến thời điểm hiện tại, hàng tháng hai vợ chồng tôi tích lũy được 60% thu nhập chỉ để dành cho đầu tư.

Thay đổi thứ hai: Khẩu vị và danh mục đầu tư

Khi đã kết hôn và có con, lúc này tư duy đầu tư của tôi sẽ theo hướng lâu dài vì chúng ít rủi ro hơn và giúp tôi tiết kiệm được một khoản lớn thời gian, dành chúng cho việc chăm sóc gia đình.

Bên cạnh đó, thay vì chọn các sản phẩm tài chính có tính rủi ro cao, mạo hiểm tôi chuyển sang các sản phẩm tài chính mang tính đầu tư, tích lũy lâu dài. Điển hình như:

Đầu tư bảo hiểm

Khi còn độc thân, tôi cũng đã trích một phần lương rất nhỏ để mua bảo hiểm cho bản thân.

Tuy nhiên khi con ra đời, tôi đã ngay lập tức tham gia gói bảo hiểm cho con như một khoản tích lũy, để tới năm con 18 tuổi có một số vốn nhất định, mở rộng lựa chọn về con đường học tập. tôi cũng chọn đóng bảo hiểm theo năm để được chiết khấu năm tốt nhất.

Hằng tháng, tôi vẫn trích tiền bảo hiểm của con để vào quỹ trái phiếu như dự phòng, tránh một khoản chi tiêu lớn, bất ngờ hàng năm khi đóng bảo hiểm và vẫn sinh lời. Giờ mỗi năm khi đóng bảo hiểm, tôi lại cảm thấy hạnh phúc và thật sự an tâm với khoản tích lũy và bảo vệ dành cho con.

Đầu tư tiền mã hoá (cryptocurrency)

Tôi chủ động giảm tỷ trọng cho crypto portfolio và gần như ngừng đầu tư vào mảng này. tôi đã bán hầu hết các tài sản crypto vào giai đoạn 2018 và chuyển vào danh mục khác.

Đầu tư chứng khoán, trái phiếu

Trước đây danh mục đầu tư (portfolio) của tôi sẽ tập trung vào các cổ phiếu tăng nhanh, tăng nóng. tôi vẫn không quên được cảm giác vui mừng khi tài khoản tăng nhiều lần.

Tuy nhiên, với những cổ phiếu như vậy cũng dễ sập nên khi nhìn lại khoản lãi vốn (capital gain) cũng không đáng kể.

Từ khi hai vợ chồng quyết định sẽ thống nhất tôi bạch và phải cùng thống nhất về quyết định đầu tư, tôi cũng chuyển qua các mã cổ phiếu cơ bản, có giá trị nội tại.

Hằng tháng, một phần thu nhập của tôi vẫn được chuyển đều đặn vào tài khoản chứng khoán để mua thêm đều đặn những cổ phiếu như vậy và cả trái phiếu.

Đầu tư bất động sản

Đây là danh mục tôi đánh giá ít biến động nhất và cũng cần khoản đầu tư lâu dài. Tuy nhiên khi mới tích cóp được một số vốn nhỏ chưa đủ để tham gia ở danh mục này, tôi gợi ý có thể đầu tư cùng bạn bè và người thân. Những bất động sản tôi ưu tiên lựa chọn vẫn là phải có pháp lý, quy hoạch rõ ràng. Với những bất động sản như vậy tỉ suất sinh lời cũng chỉ khoảng 10% năm và phải giữ ít nhất 3-5 năm.

Đầu tư theo các dự án khởi nghiệp (start-ups)

Hiện tại do tính chất công việc, tôi cũng được tiếp xúc và có quan hệ với các quỹ VC nên cũng biết được các dự án khởi nghiệp từ những bước mới bắt đầu.

Đầu tư cho các dự án này tính rủi ro cao nên tôi chỉ dừng ở mức 5% trong danh mục. Tuy nhiên tôi vẫn dự tính cho mục đầu tư này bởi tỉ suất sinh lời cao, ngoài ra cũng để thỏa mãn một phần cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm. Và thật sự mỗi dự án tôi đầu tư ở trong nhiều ngành, nghề khác nhau cũng đem lại nhiều bài học giá trị.

Lời kết

Mỗi người, mỗi cặp vợ chồng hay gia đình đều có mức thu nhập, chi tiêu và mục tiêu tài chính khác nhau. Bản thân gia đình tôi thay đổi kể từ khi có con, là một động lực rất lớn để hai vợ chồng cùng ngồi lại, đặt ra mục tiêu và cùng thực hiện nó.

Không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu tiền một tháng, cũng không quan trọng một tháng bạn tiêu bao nhiêu tiền, mà quan trọng là bạn đặt mục tiêu phù hợp và cả gia đình cùng phấn đấu tới mục tiêu đã đặt ra.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục