Làm sao để các cặp đôi chung sống êm ấm qua đại dịch?
6 Lời khuyên giúp các cặp đôi chung sống tránh mâu thuẫn và trở thành người bạn đồng hành tâm lý trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch.
Thực hiện cách ly xã hội trong vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng không phải điều dễ dàng, nhất là đối với các cặp vợ chồng chung nhà. Các nhà tâm lý học dự đoán sẽ có hai kết quả hậu cách ly xã hội: tăng tỉ lệ ly hôn và tăng tỉ lệ sinh. Điều này có nghĩa là cách ly tại nhà cùng chồng/vợ hoặc sẽ gia tăng mâu thuẫn, hoặc khiến mối quan hệ gắn kết hơn.
Điều gì sẽ xảy đến nếu vợ/chồng bạn ở nhà 24/7 trong nhiều tuần, hay các cặp đôi đang chung sống phải cách ly xã hội cùng nhau? Cả hai sẽ bị bó hẹp trong một không gian nhỏ cùng nhau và cùng cảm giác bất an, điều này nhen nhóm sự căng thẳng tiềm ẩn giữa hai người. Thêm nữa, nhu cầu riêng tư và gần gũi của mỗi người là khác nhau, nên đôi lúc một bên sẽ cảm thấy mình đang chịu đựng bên còn lại, hoặc họ không hiểu mình.
Tin vui là bộ não của con người được lập trình theo cách độc đáo để phản ứng mạnh mẽ trước những mối nguy hiểm chưa biết rõ. Một khi đã biết căng thẳng là không thể tránh khỏi, chúng ta sẽ chủ động giảm thiểu tranh cãi không cần thiết. Sau đây là 6 mẹo giúp bạn trở thành người đồng hành tuyệt vời trong thời gian cách ly xã hội, được truyền cảm hứng bởi bài viết của tác giả Wendy Rose Gould trên Verywell Mind.
1. Chia sẻ trách nhiệm
Cách ly xã hội, làm việc tại nhà, thất nghiệp đột ngột, chăm sóc và dạy trẻ học ở nhà,… Tất cả những điều này làm đảo lộn lịch trình và kế hoạch trước đây của hai bạn. Vì vậy, cả hai cần sắp xếp thời gian và san sẻ trách nhiệm với nhau để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Trong lúc phân chia nhiệm vụ, quan trọng nhất là cả hai phải hiểu và nói rõ các nghĩa vụ và mong muốn của nhau. Ai nấu ăn? Ai đổ rác? Việc nhà thì sao? Nếu bạn đã có con và đây là lần đầu tiên bé học ở nhà, ai sẽ giám sát môn học nào? Ai chăm sóc và dạy con trong khi cả hai vợ chồng đang làm việc tại nhà?
Đừng nghĩ việc nhà là trách nhiệm của riêng người còn lại, hoặc trông chờ nhau sẽ “tự biết mà làm”. Bàn bạc rõ ràng và mang tính xây dựng sẽ giúp các cặp đôi phối hợp ăn ý trong việc chia sẻ việc nhà và nhiệm vụ riêng. Nếu không có sự đồng thuận và kế hoạch cụ thể thì thời gian cách ly xã hội có thể nhanh chóng trở nên căng thẳng và khủng hoảng với cả hai.
2. Tránh những cạm bẫy giao tiếp thông thường
Cãi nhau là không thể tránh khỏi giữa các cặp vợ chồng. Đặc biệt là trong mùa dịch, khi cặp đôi bị giới hạn trong một không gian nhỏ mà không có nơi nào để đi giải toả thì càng dễ xảy ra tình trạng “chuyện bé xé ra to”.
Khi xảy ra tranh cãi, hãy cố gắng tránh các cạm bẫy giao tiếp phổ biến: lên cao giọng, dành quá nhiều thời gian để phàn nàn hay cằn nhằn thay vì giải quyết vấn đề, sử dụng các từ khẳng định để đổ lỗi (anh/em luôn luôn, anh/em không bao giờ), và không lắng nghe vợ/chồng mình. Thay vào đó, hãy thấu hiểu sự khó khăn mà bạn đời đang gặp phải. Trao đổi thẳng thắn và cụ thể về vướng mắc của nhau sẽ giúp cả hai cởi mở và gần nhau hơn.
Theo Erin K. Tierno – nhà trị liệu cho các mối quan hệ, một cách hữu ích cho vấn đề này là hãy lập một danh sách riêng để cất giữ tất cả lời phàn nàn, thất vọng, tranh cãi của mình. Sau đó, cả hai dành ra một ngày cuối tuần để cùng xem danh sách của nhau. Bạn sẽ nhận ra nhiều điều trong danh sách này chẳng đáng để tranh cãi nữa, mà có khi bạn cũng đã quên luôn nó rồi.
Đây được xem là phương pháp “cứu cánh” trong thời gian cách ly. Nó giúp bạn trút cơn giận dữ của mình vào tờ giấy thay vì bạn đời, cho bạn thêm thời gian suy nghĩ và tránh các cạm bẫy giao tiếp khi tranh cãi bộc phát.
3. Cân bằng giữa “tôi” và “chúng ta”
Khi cùng ở nhà, không nhất thiết cả hai phải làm mọi việc cùng nhau. Bạn nên dành không gian riêng trong ngày để bạn được là chính mình, tạm thời tách khỏi nhiệm vụ là người vợ/người chồng, người chồng/người mẹ.
Tập thể dục, tắm nước nóng, đọc sách hoặc gọi điện cho bạn bè là những cách đơn giản và chỉ mất vài phút để bạn tìm về bình yên trong tâm. Nếu bạn có con, hãy phân chia thời gian chăm con với vợ/chồng của bạn để tôn trọng thời gian riêng tư của nhau. Đừng cảm thấy ích kỉ khi thỉnh thoảng bạn chỉ muốn một mình. Không gian riêng tư có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng và trở thành một người bạn đời tốt hơn.
Đồng thời, bạn cũng nên tôn trọng thời gian riêng tư của người còn lại. Nếu họ đang muốn dành một chút thời gian riêng tư cho mình, hãy cố gắng phối hợp chỉ bằng những hành động đơn giản. Ví dụ, hãy giảm nhỏ tiếng tivi khi người còn lại đang thiền, hay đeo tai nghe chơi game thay vì mở loa ngoài khi họ đang đọc sách chẳng hạn.
4. Tôn trọng khi vợ/chồng làm việc tại nhà
Nếu chồng/vợ của bạn hoặc cả hai đang làm việc tại nhà, điều quan trọng nhất là tôn trọng thời gian họ đang làm việc. Vợ bạn phải kiểm tra và trả lời email mỗi sáng, vậy thì hãy tự lo bữa sáng vào thời gian đó. Chồng bạn thường có cuộc họp trên Zoom vào xế chiều, hãy giúp anh ấy giữ không gian xung quanh yên tĩnh.
Hãy giúp đôi bên tập trung và cảm thấy như đang ở văn phòng. Chỉ làm phiền họ khi thật sự cần thiết. Chia sẻ những bí quyết để tránh sự trì trệ khi làm việc tại nhà hoặc giúp họ xây dựng một chiến lược ăn uống khỏe mạnh.
5. Trò chuyện về những chủ đề khác ngoài đại dịch
COVID-19 giờ đây là nguồn chủ đề vô tận trên khắp thế giới. Thế nhưng, liên tục trao đổi tin tức về đại dịch, nhất là các tin tiêu cực, chỉ gia tăng lo lắng và bất an mà thôi. Hãy thay đổi các chủ đề của cuộc trò chuyện. Hai bạn nên dành thời gian để quan tâm đến thứ khác, tìm kiếm những chủ đề tích để chia sẻ với nhau trong thời gian cách ly.
Nghiên cứu cho thấy hoài niệm về những điều tốt đẹp có thể tạo cảm giác an ủi và làm tăng sức chịu đựng của con người trước những sự kiện tiêu cực. Đó có thể là những bức ảnh và video về kỳ nghỉ, một dịp đi chơi hay lễ kỷ niệm mà cả hai cùng trải qua. Cùng nhau ôn lại khoảng thời gian hạnh phúc khi người bạn đời hào phóng, yêu thương và tử tế với bạn sẽ giúp cả hai gìn giữ mặt tích cực trong mối quan hệ.
6. Tận hưởng khoảng thời gian gần gũi cùng nhau
Thời gian cách ly xã hội này là một cơ hội để bạn có thể “tái khám phá” nửa kia của mình. Không còn các cuộc gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, không có nhiều cuộc họp cả ngày, không còn bận rộn với các hoạt động ngoài bốn bức tường nhà. Đây là thời điểm lý tưởng để các cặp đôi có những cuộc trò chuyện sâu sắc, tâm sự những mong muốn và mục tiêu của nhau.
Nhân cơ hội này, các cặp đôi có thể tiếp lửa cho mối quan hệ của mình thông qua nhiều hoạt động cùng nhau: nấu nướng và dùng bữa cùng nhau, chơi boardgame, tập thể dục, xem Netflix, hoặc tham quan bảo tàng “ảo”. Hãy chọn một buổi nào đó trong tuần để cả hai cùng chia sẻ và gần gũi, hoặc chỉ đơn giản là vài tiếng vào bữa trưa hoặc bữa tối.
Một mẹo nhỏ để tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc này, đó là đặt các thiết bị điện tử sang một bên, hoặc tắt thông báo để cả hai có thể kết nối tốt hơn.
Bài viết này được thực hiện bởi Đinh Hương.
Xem thêm:
[Bài viết] Ở nhà mùa dịch: Gợi ý 7 hoạt động vui – khoẻ – có ích