Làm thế nào bệnh cô đơn lại “qua mặt” được các nhà tâm lý học?
Được chuyển ngữ từ bài viết “How the Loneliness Epidemic Evaded Psychologists” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).
Sự cô đơn gần đây đã trở thành chủ đề nóng được bàn luận rộng rãi trên truyền thông, và được miêu tả như một “dịch bệnh”. Các trang tin lớn như New York Times hay The Wall Street Journal đăng tải nhiều bài viết về nó, đặc biệt sau bài phát biểu “gây sốt” của bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy tại Đại học California, Los Angeles. Ông đã tuyên bố rằng, “sức khỏe tinh thần là cuộc khủng hoảng mới nhất về sức khỏe cộng đồng trong thời đại của chúng ta, và sự cô đơn là trọng tâm của cuộc khủng hoảng đó”.
Bác sĩ Murthy cũng trích dẫn nhiều nghiên cứu, và khẳng định cô đơn không đơn thuần là một cảm xúc tiêu cực. Nó là một tình trạng bệnh lý có tính chất “ăn mòn”, làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo âu, bệnh tim, đột quỵ, mất trí nhớ và tự sát. Ông cũng nhấn mạnh rằng, cô đơn lâu dài gây hại cho sức khỏe của bạn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.
Đây là tín hiệu đáng mừng khi truyền thông và công chúng đã chú ý nhiều hơn đến vấn nạn cô đơn. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng hơn vẫn cần được đặt ra: Tại sao các chuyên gia lại mất lâu đến vậy để nhận ra độ nghiêm trọng của nó? Có phải tự nhiên mà nó phát sinh thành vấn nạn không được cảnh báo trước như dịch COVID-19 hay không? Chắc chắn là không rồi.
“Nguyên tử hóa” thành các đơn vị biệt lập
Trong nhiều thập kỷ, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy con người đang bị “nguyên tử hóa” thành các đơn vị biệt lập, và quá trình này gây hậu quả nghiêm trọng với hạnh phúc của cá nhân lẫn xã hội. Thuật ngữ này do triết gia Mỹ Hannah Arendt phát minh, song nó không có tác động gì đến các nhà lý thuyết nhân cách - những người luôn tôn vinh chủ nghĩa cá nhân, qua đó gián tiếp định hình văn hóa đại chúng (thể hiện qua tạp chí, âm nhạc và điện ảnh) ở nhiều nước.
Vì sao điều này lại xảy ra? Giống như các phong trào trí thức khác, tâm lý nhân văn (humanistic psychology) ra đời từ một hệ tư tưởng chứ không phải từ quy luật lịch sử. Hầu hết các bậc “cha đẻ” của phong trào này ở thập niên 50-60 đều là người Mỹ (cả gốc gác lẫn nhập cư). Tâm lý nhân văn ra đời từ cách họ phản ứng với những sự kiện và xu hướng xã hội họ chứng kiến, hoặc trải nghiệm ở châu Âu đầy biến động trước đó.
Những ví dụ tiêu biểu có thể kể đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài dưới thời Hitler và Stalin, cuộc đua hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ, và cách chủ nghĩa chống cộng cực đoan tạo nên một xã hội đậm chất tuân thủ ở Mỹ.
Các nhà tâm lý nhân văn này coi công trình nghiên cứu của họ là một quan điểm khoa học trường tồn, có thể vượt qua giới hạn của thời gian và văn hóa. Nhưng rõ ràng họ vẫn bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tiêu biểu của thời đại họ sống. Chúng quyết định khía cạnh nào của đời sống con người sẽ được họ đào sâu nghiên cứu, và khía cạnh nào sẽ bị xem nhẹ/bỏ qua.
Vì vậy, những người ủng hộ tâm lý học phát triển (growth psychology) dễ rơi vào “bẫy” nhìn bản chất con người qua lăng kính văn hóa Mỹ thế kỷ XX thay vì nhìn rộng hơn. Abraham Maslow, Rollo May hay Carl Rogers cũng có xu hướng nhấn mạnh các vấn đề nội tâm hơn là các vấn đề xã hội, như hạnh phúc gia đình, quan hệ với hàng xóm hay sự đoàn kết của các công đoàn lao động - những yếu tố góp phần lớn trong việc củng cố sức khỏe tinh thần.
Một xu hướng bệnh lý “ngấm ngầm” bị bỏ qua?
Một trong những khía cạnh bị các chuyên gia trên vô tình bỏ qua là nguyên tử hóa xã hội (societal atomization) - yếu tố gây ra sự cô đơn, lo âu và trầm cảm trên diện rộng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Điều này xảy ra có lẽ do ở thế kỷ XX, nguyên tử hóa xã hội vẫn là vấn đề mang tính chất “ngấm ngầm”. Nhưng rõ ràng ở hiện tại, nó đặt ra một mối đe dọa rất khác (và mang tính toàn cầu) so với sự tuân thủ đại chúng.
Rất nhiều ví dụ trong nghiên cứu khoa học thời đó đã chứng minh điều này. Trong cuốn The Sane Society, Erich Fromm nhận định sự cô đơn là nguyên nhân khiến con người mất đi “kết nối nguyên thủy” với thiên nhiên. Rollo May thì gắn liền sự cô đơn với cô độc (solitude) - trạng thái được đánh giá là kích hoạt khả năng sáng tạo và giác ngộ.
Chuyên gia tâm lý Clark Moustakas thì nhấn mạnh rằng, sự cô đơn “là thành phần hữu cơ đối với sự tồn tại của con người, giống như máu đối với tim”. Còn Maslow, người luôn xem sự tự chủ là lý tưởng, thì bỏ qua toàn bộ đề tài này.
Dường như không ai ở thời điểm đó hiểu rằng, các yếu tố kinh tế và xã hội đang thúc đẩy sự cô đơn ngày một phổ biến ở nhiều quốc gia. Nhà xã hội học Philip Slater là người đầu tiên thách thức quan điểm này trong cuốn The Pursuit of Loneliness xuất bản năm 1970. Dù vậy, lời cảnh báo của ông vẫn bị các nhà tâm lý phớt lờ tới hơn một thế hệ.
Chẳng hạn Carl Jung đã lập luận rằng, họa sĩ và người làm sáng tạo (những người “cô đơn”) thường là những người đầu tiên cảm nhận được các xu hướng mới lên, trước khi cả xã hội nhận ra chúng. Trong bối cảnh này, cuốn tiểu thuyết kinh điển Human Bondage xuất bản năm 1915 của Somerset Maugham cũng miêu tả một thanh niên trẻ cô đơn đến mất ngủ ở London.
Trong các thập kỷ tiếp theo, họa sĩ Mỹ Edward Hopper có nhiều tác phẩm miêu tả sống động sự cô đơn của người trung niên ở cả nông thôn lẫn thành thị. Gần với thời đại của chúng ta hơn, nhà văn Kurt Vonnegut đã nhiều lần phát biểu trong các cuốn sách và các bài diễn thuyết của mình: “Bệnh tim mạch không phải nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, mà là sự cô đơn”.
Vonnegut lớn lên ở miền trung tây nước Mỹ (midwest), bên người mẹ bị trầm cảm đã tự vẫn khi ông còn niên thiếu. Ông may mắn được họ hàng hai bên nuôi dưỡng, nhờ vậy mà có được sự tự tin để thành công với vai trò tiểu thuyết gia sau này. Trải nghiệm này có lẽ cũng truyền cảm hứng cho ông và vợ nhận nuôi thêm 3 đứa cháu mồ côi bên cạnh 3 đứa con ruột.
Ông từng viết trong tự truyện 50 năm trước rằng, “Trong một gia đình lớn với nhiều họ hàng, đứa trẻ có nhiều “ngôi nhà” để đi tìm tình yêu và sự thấu hiểu, thay vì khao khát nó trong phạm vi gia đình hạt nhân. Sự vắng mặt của những người họ hàng có thể là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự bất mãn vô hình của chúng ta, dù cuộc sống có thịnh vượng đến đâu”.
Điều thú vị là quan điểm này được củng cố bởi các nghiên cứu về “vùng xanh” (blue zone) của tác giả Dan Buettner. Khi nghiên cứu nguyên nhân người Okinawa (Nhật) sống thọ hơn nhiều khu vực khác trên Trái Đất, Buettner nhận thấy họ đều có các mối quan hệ xã hội chặt chẽ - điều giúp họ thúc đẩy và duy trì đời sống tinh thần hạnh phúc.
Trong tiếng Nhật còn có một thuật ngữ riêng miêu tả cách tiếp cận cuộc sống này là moai. Đây là các nhóm hỗ trợ xã hội được thiết lập để hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, từ sức khỏe, tài chính đến tinh thần. Không mang chút hàm ý nào về “quyền tự chủ cá nhân”, moai là khái niệm khá hữu ích giúp bạn xây dựng một mô hình phát triển bản thân mới.