Làm việc mình yêu thích không phải lúc nào cũng vui
Nhiều người nghĩ rằng tìm được công việc yêu thích đồng nghĩa với việc chạm đến hạnh phúc, nơi mọi thứ trở nên dễ dàng và luôn tràn ngập niềm vui. Nhưng chị Phoenix Hồ lại có một nhận định khác, thực tế hơn: "Làm việc mình yêu thích không phải lúc nào cũng vui".
Chị Phoenix là người Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành tại Doanh nghiệp xã hội Hướng nghiệp Sông An, đồng thời là một chuyên gia với hơn 13 năm kinh nghiệm tư vấn định hướng nghề nghiệp.
Với chị, tìm được công việc mình yêu thích đúng là cập bến một điểm đến hạnh phúc nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi nhìn rộng hơn, cả trước, trong và sau hành trình công việc yêu thích sẽ luôn có những thử thách cũng như mệt mỏi. Nhưng chính điều đó sẽ giúp chúng ta gắn kết hơn với con đường sự nghiệp mình lựa chọn, bởi nếu chỉ có cảm xúc sẽ là không đủ.
Có khi phải đi sai để tìm đúng việc mình thích
Là người hoạt động bền bỉ trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp suốt nhiều năm qua, nhưng đây không phải con đường chị Phoenix Hồ đã tìm thấy ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp. Chị chia sẻ từ năm 18 tuổi cho đến 31 tuổi, bản thân đã làm tất cả những điều không nên làm trong hành trình tìm kiếm nghề nghiệp.
Chị luôn biết rõ bạn bè, người thân nên làm gì, nhưng lại không thể xác định rõ con đường cho bản thân. Và chỉ đến năm 31 tuổi, trải qua nhiều suy ngẫm và trải nghiệm, giống như tên cuốn sách của chị Cứ đi để lối thành đường, chị Phoenix mới nhận ra: "Ồ, đây là con đường mình muốn theo suốt phần đời còn lại."
Đó là lúc chị nhận ra, chọn việc không phải là toàn bộ quá trình hướng nghiệp. Theo chị, hướng nghiệp đúng hơn phải là hành trình phát triển nghề nghiệp. Và hành trình này sẽ đi qua rất nhiều giai đoạn:
- Hiểu mình là ai?
- Hiểu về thế giới xung quanh như thế nào?
- Hiểu nhân sinh quan, giá trị quan của mình là gì?
- Đi qua tất cả những bước đó rồi mới bắt đầu xem xét tới những cái mà mình đang có khớp với thế giới bên ngoài cụ thể là thị trường lao động như thế nào. Tức là thấy mình phù hợp và nên lựa chọn công việc nào.
Vậy nên, không có nhiều người “một phát ăn ngay” tìm thấy luôn công việc mình yêu thích. Thay vào đó sẽ là cả một quá trình va vấp chẳng hề dễ dàng, bởi phải đi qua những thứ mình không thích rồi mới biết là mình thích điều gì.
Công việc yêu thích cũng có lúc "đáng ghét"
Thời gian đầu, làm một công việc mình yêu thích thường có vẻ dễ dàng vì mình chỉ tập trung vào làm những điều mình giỏi, mình có cảm xúc tích cực. Và cũng vì giai đoạn đầu sẽ chưa có nhiều thử thách đặt ra. Chị Phoenix chia sẻ hành trình mới bắt đầu của mình khi xây dựng công ty cũng vậy: "Mới đầu nó dễ lắm, tại vì mình làm với vai trò chuyên gia, mình cứ làm những điều mình làm tốt thôi".
Nhưng càng làm, chị càng nhận ra rằng để đi được lâu dài với nghề, chị sẽ phải đối diện với nhiều thử thách hơn, phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn để hiểu cả bức tranh thị trường, dẫn dắt doanh nghiệp của mình đi đúng hướng.
Thế nên đôi lúc áp lực và kỳ vọng quá lớn về bản thân khiến chị cảm thấy quá tải: "Nhiều khi mình thấy mình giống như con nít á, mình muốn khóc luôn. Những khoảnh khắc đau khổ đó là do mình đòi." Nhưng tới khi bình tâm và nhìn lại, chị vẫn thấy yêu công việc này. Vì đó là công việc mình đã chọn và tiếp tục muốn chọn nên vẫn cứ làm thôi.
Thế nên, dù có yêu thích công việc của mình đến đâu, cũng sẽ có lúc bạn thấy hoài nghi bề bản thân. Liệu mình có nên theo tiếp cái nghề này không? Mình có năng lực hành nghề không?
Sự lo lắng đó không phải lúc nào cũng là điều đáng lo ngại. Đôi khi đó là một dấu hiệu để bạn nhận biết mình đang “lớn lên”. Cái khó là làm sao để mình phân biệt được sự trăn trở nào là tích cực để mình chọn ở lại và vươn mình. Còn trăn trở nào là dấu hiệu mình nên rời đi, đổi việc, thậm chí chuyển ngành, để tìm một môi trường phát triển phù hợp hơn.
Đây là lúc, chị Phoenix khuyên chúng ta nên tham khảo mô hình tiềm năng - khả năng - kỹ năng.
Giáo dục hướng nghiệp sẽ bắt đầu bằng việc tìm hiểu về sở thích. Ẩn giấu sau sở thích chính là tiềm năng của bạn. Đó phải là một sở thích trong sáng, đúng nghĩa mà không qua bất kỳ lăng kính nào khác.
Nếu bạn thấy thích ca hát thì hãy cứ thích thôi đã. Đừng vội nghĩ đến việc làm cách nào để kiếm tiền từ âm nhạc, hay e ngại trước những định kiến ngành này bấp bênh nhiều cám dỗ. Bởi coi chừng sở thích sẽ ‘chết yểu’ trước khi được nuôi dưỡng thành thứ gì đó lớn hơn.
Lý do là vì sau khi đã xác định được sở thích, bước tiếp theo là sàng lọc qua trải nghiệm để biến tiềm năng thành khả năng. Khả năng là những năng lực bạn có thể làm được và làm tốt hơn người khác.
Bạn thích hát, thế là bạn bắt đầu nghe nhạc nhiều hơn, ngân nga theo các giai điệu, bạn thấy mình học hát, nhớ lời nhanh hơn, nghe một lần là có thể bắt chước đúng cao độ như bản gốc. Vậy thì từ sở thích ban đầu bạn dần bồi đắp và nhận ra mình có khả năng ca hát.
Nhưng để chuyển từ khả năng thành kỹ năng là cả một hành trình dài bền bỉ, học hỏi, thực hành và rồi lại trau dồi. Từ có khả năng ca hát đến sở hữu một kỹ năng hát tốt đòi hỏi nhiều giờ tập luyện thanh nhạc, hiểu về kiến thức nhạc lý, tư duy xử lý khi trình diễn và có khi là lấn sân thêm sang cả học nhạc cụ.
Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy chật vật với công việc hiện tại của mình, hãy nhìn lại liệu công việc này đó đúng với tiềm năng, khả năng của bản thân và mình có muốn đầu tư thời gian, công sức để biến nó thành kỹ năng hay không? Nếu câu trả lời là không, bạn nên cân nhắc rời đi. Nhưng nếu câu trả lời là có thì bạn cũng cần xác định tinh thần chắc chắn sẽ còn tiếp tục có những lần chật vật, khó khăn khác.
Trong quá trình phát triển nghề nghiệp, dù bạn chọn sai hay chọn đúng, đều không tránh khỏi sự đau đớn, chỉ là nỗi đau vấp ngã hay nỗi đau lớn lên mà thôi.
Sau công việc yêu thích không có vạch đích cuối cùng
Tìm được việc mình yêu thích - khó, làm việc mình yêu thích - cũng khó! Vậy sau khi trải qua rất nhiều thử thách rồi sẽ đến một ngày công việc không còn khó, và mình sẽ không còn phải chật vật phát triển sự nghiệp nữa đúng không? Câu trả lời chị Phoenix đưa ra là không.
Theo chị, dù đã tìm ra công việc mình yêu thích, phấn đấu hết mình tới ngày nghỉ hưu, hành trình nghề nghiệp cũng không dừng lại: "Nó sẽ là một dòng chảy không ngừng, và mỗi chặng đường đều có thể mang đến những bài học mới”.
Chị Phoenix kể về một người bạn ở Oakland, Mỹ. Hồi nhỏ người bạn này rất mê vẽ. Nhưng lớn lên, cô chọn theo ngành kỹ sư vi tính cũng là một lĩnh vực cô thích. Bởi vì so với một công việc liên quan đến vẽ thì ngành này có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Nhưng sau nhiều năm theo đuổi công việc, đến khi nghỉ hưu ở tuổi 50, cô chọn theo đuổi lại sở thích ngày xưa. Mỗi tháng cô vẽ một tấm thiệp, bán giá 100 đô. Dù bạn bè nói giá đó đắt quá làm sao có người mua. Nhưng cô vẫn kiên trì và nói mình sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến cuối đời, không bao giờ ngừng. Và sau nhiều năm trôi qua, người bạn đó của chị Phoenix vẫn bước đi trên hành trình đó.
Bản thân chị Phoenix cũng suy nghĩ nếu một mai mình thay đổi công việc thì sẽ ra sao? Khi ấy chị vẫn sẽ chọn làm việc tư vấn định hướng nghề nghiệp như hiện tại nhưng theo một cách khác là viết lách, cụ thể là… viết “ngôn tình”.
Bởi chị thấy trong quá trình hướng nghiệp mọi người hay sử dụng Mật mã Holland - một lý thuyết kiểm tra thiên hướng nghề nghiệp, phân loại con người theo 6 nhóm chính, nhưng dẫu sao nó cũng là kiến thức khoa học nên có phần khô khan. Bởi vậy, nếu có thể lồng ghép thông điệp đừng vội thấy khó mà nghỉ việc luôn vào một nhân vật thật ngầu thì sẽ truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ trên con đường sự nghiệp nhiều hớn.
Vậy nên phía sau một công việc yêu thích có thể là một công việc yêu thích khác. Hoặc cũng có thể vẫn là công việc đó nhưng làm theo một cách khác và khiến mình lại một lần nữa yêu nó hơn. Dù theo cách nào đều sẽ có những niềm vui mới nhưng dĩ nhiên cũng sẽ đi kèm với cả khó khăn.