Làm việc tại nhà mùa COVID-19, cách nào để không trì trệ?

Làm việc tại nhà mùa tránh dịch làm sao cho hiệu quả? Một vài cách đơn giản nhưng hiệu quả không ngờ từ 1 freelancer thâm niên sau sẽ giúp bạn đấy!

Nhi Lê
Làm việc tại nhà mùa COVID-19, cách nào để không trì trệ?

Đại dịch Corona đang lan rộng trên toàn cầu và trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Tại Mỹ, nhiều sự kiện buộc phải hủy như hội nghị Facebook F8 do Covid-19. Các công ty như Twitter và Square – theo như chia sẻ từ CEO Jack Dorsey cũng yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà.

Làm việc tại nhà? Mới nghe thôi ai cũng có thể hét lên vì thích thú. Nhưng cẩn thận, bạn có thể rơi vào cái bẫy tự cô lập và mất tập trung.

Thanks to COVID-19, I have to work from home this week. Semoga productive.

Or maybe not. pic.twitter.com/F3aiLsyLdU
— F (@frdsh_) March 16, 2020

Nếu công ty bạn bất ngờ đề nghị nhân viên làm việc tại nhà, đây là vài bí quyết từ một người đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc từ xa, giúp bạn cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong những tháng ngày tránh dịch.

Nhưng xin nói thêm, vì là kinh nghiệm cá nhân nên có thể sẽ không đúng với tất cả. Dù thế, hãy thử tham khảo:

1. Ăn mặc đẹp

Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng sự thật là vậy đấy. Tôi biết việc lăn ra khỏi giường, mở laptop lên làm việc đúng giờ như hàng ngày đã là khó khăn rồi. Nói chi đến việc thay bộ đồ ngủ thành bộ đồ chỉn chu mà mình vẫn hay mặc đến văn phòng.

Nhưng sự thực, chỉ có vậy mới tạo tín hiệu cho não bạn biết rằng: bạn cần làm việc.

Thức dậy đúng giờ, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, chải chuốt, ăn sáng… hãy làm y như lịch trình mỗi buổi sáng trước khi bạn đến công ty. Vì nếu bạn bỏ qua mọi thứ và ngồi vào bàn trong bộ đồ ngủ. Bạn sẽ có cảm giác mình chỉ kiểm tra công việc thoáng qua. Do vậy, hãy làm mọi thứ như thể bạn vẫn phải đến văn phòng như một ngày làm việc bình thường.

2. Có góc làm việc riêng

Đừng-bao-giờ-làm-việc-trên-giường! Cũng đừng làm việc trên ghế sofa. Tóm lại, đừng làm việc ở nơi khiến bạn dễ dàng ngả ngớn và nằm lăn ra bất cứ lúc nào. Nhưng nếu bạn không có nhiều sự lựa chọn, hãy để laptop trên bàn, đừng để laptop trên đùi hay vạt áo. Việc này giúp bạn tập trung hơn.

Việc bạn chọn góc làm việc ở đâu tùy thuộc vào sở thích và điều kiện mỗi người. Có thể bạn sẽ có một góc làm việc với view đẹp hết ý. Nhưng nếu không có, cũng chẳng sao cả.

Bản thân tôi hay chọn bàn gần quầy bếp để làm việc. Vấn đề là hãy dành một khu vực trong nhà chỉ riêng để làm việc, bạn sẽ tập trung và hoàn thành công việc tốt hơn. Đừng quên, khi làm việc tại nhà, bạn đang ở nhà, nhưng ở nhà để làm việc. Quan trọng không kém, dù chọn góc làm việc nào, hãy giữ không gian luôn thông thoáng và sạch sẽ. Điều này giúp tăng sự tập trung và cảm hứng khi giải quyết công việc.

3. Ra ngoài

Cứ cách vài ngày, tôi lại dành thời gian ra ngồi ở quán cà phê. Đây là cách tôi đổi gió để đỡ cảm thấy bí bách, quan trọng là thấy chút “hơi người” khi mà các cuộc video call qua Zoom hay Slack khó mà thay thế hoàn toàn.

Nếu dành 100% thời gian ở nhà, tôi cá là sẽ có lúc, bạn thấy ù lì và muốn phát điên. Nhưng với tình hình dịch bệnh thế này, điều này có vẻ bất khả thi.

Tuy nhiên, nếu có thể, hãy tản bộ quanh nhà khi có thời gian. Ngồi một chỗ cả ngày thì dễ nhưng khá hại cho sức khỏe. Việc ngồi nhìn màn hình máy tính cả ngày cũng khiến bạn mệt mỏi.

Nếu có thú cưng, hãy dẫn chúng ra ngoài đi dạo. Nếu nuôi mèo hoặc nuôi cá, thỉnh thoảng hãy thử trò chuyện với chúng (nghe hơi điên nhưng giúp giải tỏa căng thẳng phết đấy). Nếu bạn thấy stress, hãy đè lũ “boss” ở nhà, xoa bụng, gãi lưng và đùa giỡn với chúng, điều này cũng rất hữu hiệu để giải tỏa tâm trạng.

4. Biết cách sắp xếp chỗ làm

Đồng nghiệp của tôi – Adrienne So cũng làm việc tại nhà và chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm hay ho trong việc set-up chỗ làm việc cho các cuộc họp video (video conference). Nhiều thứ nghe có vẻ nhỏ nhặt như ánh sáng cho các cuộc họp Zoom và đổi chân đặt trọng tâm cũng làm thay đổi đáng kể cách mọi người nhìn nhận bạn.

5. Nhắn tin thường xuyên hơn

Sự thật là, làm việc từ xa quá nhiều đôi khi làm đồng nghiệp cảm thấy xa cách với bạn.

Tôi nghĩ, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là sử dụng Slack hiệu quả hơn. Hãy tương tác với cả những người tưởng chừng như không dính líu gì về mặt công việc với bạn, gửi cho họ những tin nhắn vui nhộn chẳng hạn.

Điều này có thể sẽ chẳng bao giờ thay thế được những phút tán gẫu bên ly cà phê hay ly bia giữa ngày. Nhưng ít nhất cũng nhắc mọi người về sự có mặt của bạn.

Tuy nhiên nếu mọi việc không được giải quyết hiệu quả qua tin nhắn, cứ bốc điện thoại lên trò chuyện trực tiếp. Bạn cũng biết việc nhắn tin đôi khi làm mọi thứ tam sao thất bản thế nào mà.

6. Không xem TV

Bạn không giỏi làm việc trong không gian ồn ào như bạn tưởng đâu. Nếu nuông chiều bản thân rằng mình chỉ xem một tí thôi, bạn sẽ bị nghiện đấy. Điều này áp dụng luôn cho cả game và sách báo – ngoại trừ âm nhạc. Nếu không làm thứ gì ở văn phòng, hãy áp dụng giống như vậy lúc ở nhà khi bạn đang làm việc.


Chọn lựa một list nhạc lúc làm việc tại nhà giúp bạn hăng hái hơn.

7. Chuẩn bị đồ ăn vặt

Đang làm việc, bạn thấy đói. Bạn lại lăng xăng vào bếp kiếm thứ gì đó ăn. Đó là lý do tuyệt vời để biện minh cho sự “lười” và “trì hoãn” khi làm việc tại nhà. Hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe và để ngay tầm tay trên bàn làm việc.

Tương tự, bạn cũng nên nấu dư cho bữa tối để có đồ ăn cho vài bữa nữa trong tuần. Nhưng nếu được, hãy thường xuyên thay đổi món hay sử dụng dịch vụ giao hàng để tránh cảm giác ngán ngẩm hay lại tiêu tốn vài tiếng đồng hồ để ra ngoài ăn.

8. Tắt máy

Điều làm tôi nhớ nhất khoảng thời gian còn làm việc tại văn phòng là lúc di chuyển đến chỗ làm (thật ra lúc còn đi làm thì lại là điều tôi không thích nhất). Kẹt xe khủng khiếp, đường phố chật như nêm và thời tiết thì thất thường. Nhưng ít nhất bạn có sự phân chia rõ ràng giữa lúc đi làm và lúc nghỉ. Ranh giới này không còn tồn tại khi bạn làm việc ở nhà.

Tôi cũng chưa nghĩ ra giải pháp hay ho nào. Tắt Slack – hoặc công cụ mà bạn hay dùng làm việc – có thể là một cách. Mọi người ít có xu hướng nhắn cho bạn nếu họ thấy bạn đang không online.

Hoặc bạn có thể tìm một phòng gym hoặc một hoạt động ngoại khóa nào để bạn rời khỏi nhà một khoảng thời gian nhất định và chọn đó là ranh giới của mình.

Bài viết được chuyển ngữ bởi Nhi Lê từ của Brian Barrett, đăng trên Wired.

Xem thêm:

[Bài viết] 5 Cơ hội kiếm tiền trong thời đại công nghệ

[Bài viết] Tóm Lại Là: Nhật ký cách ly của Châu Bùi dạy ta điều gì?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục