Lịch sử gia đình – Yêu thương đến từ quá khứ
Bạn có thật sự biết mình là ai?
Có bao giờ bạn thắc mắc cần có bao nhiêu người đã từng sống trên Trái đất này để có bạn hay không? Chúng ta có bố mẹ, chúng ta có ông bà nội ngoại. Nhưng mỗi người trong số các ông bà cũng có một gia đình của họ. Nhánh cây cứ thế xòe tán đến mức bạn cũng không thể đếm hết cần bao nhiêu người để chúng ta tồn tại hôm nay.
Nhưng buồn thay, ngày càng có nhiều người trẻ cảm thấy xa cách với bố mẹ, ông bà với những câu hỏi có phần hiện sinh “tại sao tôi lại sinh ra đời”, “tôi không biết mình ở đâu giữa thế giới”. Dẫu vậy, mỗi người chúng ta sinh ra đã luôn có những kết nối tình thân thiêng liêng. Khi càng nhìn vào lịch sử gia đình, điều này lại càng rõ ràng và sâu sắc hơn.
Việc tìm kiếm lịch sử gia đình không đơn thuần là sưu tầm thông tin ông bà tổ tiên. Nó còn là hành trình cho chúng ta biết thật sự mình là ai. Coco - bộ phim hoạt hình từng đoạt giải Oscar cho ta thấy bản thân dường như biết rất ít về cuộc đời của thế hệ trước. Và nếu chẳng may lãng quên, ta có thể lạc mất mãi mãi một người ta yêu quý. Trên phim đã sống động, ở ngoài đời thật, những cuộc tìm kiếm lịch sử gia đình cũng ly kỳ không kém.
Ngọc Bích (25t, TP.HCM) kể rằng để tìm kiếm hàng chục hồ sơ gia đình, bạn đã trải qua vô vàn khó khăn và thử thách. Đầu tiên là việc này mất thời gian và đòi hỏi kiên nhẫn cao. Đôi khi đã đến được mộ ông bà để thu thập thông tin nhưng bốn bề đồng lúa lạnh lẽo, vết tích trên bia cũng phai nhạt theo năm tháng. Nhưng đổi lại, đó là “chuyến đi kì lạ nhất trong đời mình”. Cô bạn biết rằng thói quen viết thư tay là được “di truyền” từ bà cố bên nội. Cô được nghe kể về những lần họp gia đình ngày xưa, tính cách của các cô các chú và nguồn gốc những nề nếp của bây giờ có từ đâu.
Còn Minh Thông (23t) lại có chuyến đi về quê tìm kiếm lịch sử gia đình đáng nhớ bởi lần đầu nhìn mặt ông cố trên ảnh, cậu không nghĩ mình giống ông đến vậy. Và anh bạn thành thị lần đầu tiên ngồi ăn chung với họ hàng, nghe kể về đời sống trù phú của miền Tây ngày xưa.
Đó còn là những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ để bạn biết rằng có những thói quen, suy nghĩ, hành xử của bản thân không hề đến từ thời “hiện đại”, mà nó là một “di sản” của ai đó từng có trong đại gia đình mình. Quả thật, chúng ta sẽ chẳng có cuộc sống hiện tại nếu thiếu tổ tiên của mình.
Từ gia đình đến ý thức về bản sắc và chữa lành
Những câu chuyện gia đình tác động trực tiếp đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân vì chúng cho biết mình đến từ đâu và và phù hợp với gia đình như thế nào. Hãy tưởng tượng mỗi câu chuyện như một sợi chỉ trong tấm thảm để dệt nên những hoa văn, màu sắc và kiểu dáng đẹp đẽ. Giống như tấm thảm, bản sắc của chúng ta là sự kết hợp của "sợi chỉ" văn hóa, lịch sử và truyền thống mà ta thừa hưởng từ chính gia đình mình.
Tiến sĩ tâm lý học Robyn Fivush đề cập trong bài viết Làm cách nào câu chuyện gia đình củng cố bản sắc của chúng ta rằng việc chia sẻ những câu chuyện đóng góp nhiều vào việc hình thành ý thức về bản thân của một đứa trẻ. Điều này xét ở phương diện tư cách cá nhân và thành viên của một gia đình thống nhất. Những "chuyện trong nhà" này mang lại cảm giác yêu thương, thuộc về.
Lịch sử gia đình còn là một quyển “cẩm nang” cuộc sống mà mỗi giai đoạn đều có một bài học nhất định được chép lại. Chúng ta có thể say mê đọc về gia phả Hoàng gia Anh, những mắt xích trong đại gia tộc tài phiệt Samsung. Nhưng rất có thể, lịch sử gia đình của bạn cũng độc đáo không kém. Diệp Trân khi nghiên cứu lịch sử gia đình đã nhận ra mình sinh trong một gia đình có truyền thống ẩm thực. Rất nhiều ghi chép về công thức nấu ăn ngon, những món ăn lạ đã được truyền lại nhiều đời. Thậm chí bà cố của Trân còn là "thợ nấu" ngon nức tiếng vùng đó ngày xưa.
Một lợi ích quan trọng từ lịch sử gia đình chính là những câu chuyện có khả năng tăng sự đồng cảm và chữa lành. Lắng nghe chuyện của gia đình, chúng ta biết được những khó khăn mà bố mẹ, ông bà từng trải qua. Điều này giúp ta phát triển sự hiểu biết, lòng trắc ẩn và phần nào đó đồng cảm với người thân. Ngoài ra, tìm hiểu về tổ tiên giúp ta học cách yêu thương, bất kể những sai sót và lựa chọn sai lầm của họ do những thăng trầm từ cuộc sống.
Mở rộng ra, lịch sử gia đình mang đến cho chúng ta kiến thức về sức khỏe và di truyền. Điều này rất quan trọng trong việc nhận ra các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn. Nếu bạn biết rằng bản thân sinh ra trong gia đình có truyền thống ăn ngọt ba đời, hay một gia đình có nhiều họ hàng cô chú mắc cao huyết áp thì điều này sẽ giúp chúng ta tự đánh giá nguy cơ sức khỏe chính mình.
Mỗi chúng ta đều có một câu chuyện
Chúng ta tuy sống trong biển thông tin nhưng những gì nếu không được số hóa lên mạng thì có lẽ sẽ khó tìm ra. Lịch sử gia đình cũng là dạng thông tin mà chị Google đôi khi sẽ bó tay.
Một trong những cái khó khi thu thập thông tin nằm ở khía cạnh ngôn ngữ. Thử nhìn vào lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau và sử dụng nhiều ngôn ngữ bao gồm cả chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh và giờ là tiếng Việt. Điều này đồng nghĩa với việc truy tìm lịch sử gia đình gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ. Ngoài ra, việc ghi chép ngày xưa và thậm chí hiện tại thường là tự phát và thiếu hệ thống tạo ra nhiều "mê cung" trong quá trình tìm kiếm và sắp xếp dữ liệu.
Chưa kể, lịch sử ghi nhận nhiều cuộc di cư từ nơi này sang nơi khác, hoặc qua nhiều quốc gia khác cũng khiến gia phả có nhiều “chuyến đi” không mong muốn. Ngoài ra, việc truy cập vào các kho dữ liệu dân cư còn liên quan đến luật và các quy định bảo mật khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể hi vọng rằng việc Chính phủ thực hiện số hóa thông tin dân cư sẽ góp phần giúp cho việc làm lịch sử gia đình được thuận tiện hơn trong tương lai.
Ngay lúc này, chúng ta cũng có thể tự tạo nên một lịch sử gia đình “online” một cách dễ dàng. Trong số đó, FamilySearch là nền tảng lớn nhất, miễn phí để mọi người có thể tự tạo nên một cây gia phả trên mạng. Hiện tại, nơi đây đã lưu giữ ký ức, thông tin về 1.2 tỷ tổ tiên của hàng triệu gia đình trên toàn thế giới.
Khi được hỏi ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đâu thì hầu hết mọi người đều xếp gia đình lên hàng đầu. Nhưng chúng ta cũng không biết phải làm gì để những khoảng cách có thể xích lại gần nhau sau những việc khiến ta tổn thương. Thay vì chọn một phương thức trực tiếp, ta có thể mượn những câu chuyện từ quá khứ để chữa lành hiện tại và xây dựng tương lai. Theo số liệu của Cục tham khảo dân số Hoa Kỳ (PRB) ước tính có khoảng 117 tỷ người đã sống trên Trái đất và không phải ai cũng may mắn được ghi lại câu chuyện của mình. Nhưng ngay bây giờ, bạn đã có thể ghi lại câu chuyện bản thân và bắt đầu một hành trình tìm kiếm những chuyện của quá khứ đang chờ được kể lại.