Loanh Quanh - Phường Nguyễn Thái Bình - Chốn thảnh thơi giữa Sài Gòn của Hoàng Nam Việt
Công trường Quách Thị Trang hệt như một “vòng xoay thời gian” bởi nó là giao điểm giữa cái mới và cái cũ của cả khu trung tâm Sài thành. Bên này phường Bến Thành là hằng ha sa số cao ốc, những tuyến đường bị chặn để xây metro còn dang dở và dòng xe cộ không ngừng chen lấn nhau. Đảo mắt về bên kia – phường Nguyễn Thái Bình lại nép mình khiêm tốn, tuyệt nhiên không nhuốm màu hiện đại, vẫn là những mái nhà cổ kính và những tuyến đường ít người qua lại. Bất giác chúng tôi muốn làm một vòng dạo quanh khu vực này để xem ẩn bên trong cái vẻ an yên thách thức thời gian đó, phường Nguyễn Thái Bình có gì thú vị?
Lần khám phá này, đi cùng chúng tôi là anh họa sĩ Hoàng Nam Việt, chủ quán Hoàng Thị Cafe, cũng tọa lạc tại khu vực phường Nguyễn Thái Bình. Chúng tôi muốn nhìn những địa điểm nổi bật ở đây qua đôi mắt của một người nghệ sĩ đồng thời cũng là một cư dân đã sinh sống nhiều năm tại đây.
Họa sĩ Hoàng Nam Việt10 giờ sáng: Một bữa sáng muộn tại Biker Shield Bistro
Chúng tôi đang tản bộ trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 – khu vực mà lâu nay nhiều Hoa kiều vẫn sinh sống. Hiện người dân ở đây chủ yếu làm nghề giữ xe và bán cơm cho dân văn phòng gần đó. “Nếp sống của người Hoa thường ít thay đổi, có lẽ vì thế mà bao năm nay khu vực phường Nguyễn Thái Bình này dường như vẫn vậy,” anh Việt vừa đi vừa suy ngẫm.
Anh Nguyễn Phi Linh, chủ quán Biker Shield BistroCái cổng vòm dẫn vào hẻm 158 Nguyễn Công Trứ nhìn vào vừa nhỏ lại vừa tối. Nhưng chớ thấy thế mà vội bước ngang qua, Biker Shield Bistro mà chúng ta đang nhắc tới – một không gian rộng rãi và đầy nắng – chính là nằm trong con hẻm mà bạn đang ái ngại bước vào đấy. “Vị trí này là một trong những hiệu ứng ‘wow’ đầu tiên đối với các vị khách khi đến quán. Ít ai ngờ rằng sau cánh cổng vòm, hút trong khu dân cư lộn xộn này lại tồn tại một quán cà phê mang hơi hướm đương đại như thế,” anh Nguyễn Phi Linh chia sẻ. Anh là chủ quán Biker Shield – một người vừa biết chơi đùa với sự tương phản lại khéo chiều lòng thực khách.
Hẻm 158 Nguyễn Công Trứ – đường vào Biker Shield BistroChúng tôi yên vị tại một cái bàn nằm ngay trung tâm quán. Đảo mắt dòm quanh, phong cách Industrial chiếm thế chủ đạo cả không gian Biker Shield với nội thất và đồ trang trí đa phần được tái chế từ những vật liệu cũ hoặc máy móc ngày xưa. Nhìn rộng ra hơn một chút, tôi phát hiện không gian này chính là một ngôi nhà cũ, ngay cả mái vòm và những bức tường gạch hầu như vẫn được giữ nguyên trạng. Theo anh Linh, “tinh thần của quán là tôn trọng những gì xưa cũ.” Vậy nên khi tiến hành cải tạo quán, anh đã suy nghĩ làm sao để lồng ghép cái mới vào mà vẫn giữ nguyên được cái chất xưa cũ của nơi này.
Không gian tại Biker Shield BistroTạm gác lại câu chuyện về không gian bài trí vì cũng gần đến giờ trưa rồi. Chúng tôi vừa tò mò vừa đói liếc nhìn thực đơn, vốn được tổng hòa giữa Á và Âu, gồm mì Ý, các món nướng kèm salad và cả bánh mì. Ngoài cà phê sữa đá và nước ép, tại Biker Shield còn phục vụ cả rượu vang nên thiết nghĩ thực khách ghé vào thời điểm nào cũng hợp. Sáng không vội thì ghé vào ăn ổ bánh mì, nhâm nhi tách cà phê. Những dịp đặc biệt cũng có thể ngồi đây thưởng rượu, chuyện trò.
11 giờ trưa: Dạo quanh con đường đồ cổ Lê Công Kiều
Rời khỏi Biker Shield Bistro, bỏ lại một tổ hợp toàn cao ốc hiện đại sau lưng, chúng tôi rảo bước về phía con đường đồ cổ nức tiếng Sài Gòn, Lê Công Kiều – con đường có bề dày lịch sử nhất nhì đất Sài Gòn. Vào những năm 1920, con đường này vốn chỉ là một cái hẻm nhỏ, sau được đặt tên là Reims. Năm 1955, đường Reims được đổi theo tên của Đốc binh Lê Công Kiều để tưởng nhớ người chiến sĩ yêu nước trong phòng trào chống thực dân Pháp.
Anh Việt tại một tiệm đồ cổKhông huyên náo như chợ Bến Thành, tấp nập xe cộ qua lại như đường Nguyễn Thái Bình hay đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Con đường đồ cổ Lê Công Kiều yên tĩnh một cách lạ thường giữa lòng Sài Gòn. Người qua lại khu vực này cũng thưa thớt hẳn. Cả khu phố mặc nhiên không một tiếng còi xe hay lời chèo kéo khách hàng, chỉ thoang thoảng mùi trầm hương, yên bình và thanh tịnh.
Chúng tôi dừng chân tại tiệm sửa máy ảnh Phạm Thê tại 11 Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình – nổi tiếng từ thời trước giải phóng. Ngày xưa, nơi này chỉ bán đồ mỹ nghệ và gia dụng. Còn bây giờ, cả con đường chỉ còn đồ cổ, từ các vật dụng như tiền xu, chân đèn, lư hương đồng, bình gốm sứ, tượng Phật cho đến điện thoại, tivi đời đầu. Ngoài ra, con đường chỉ dài gần 200m này còn có nhiều cửa hàng đồ cổ khác, mỗi cửa hàng bán lại chuyên về một món khác nhau. Mẹo để tìm được đúng thứ cần tìm là nhẩm theo số nhà. Nếu như số 19, 21, 23 có nhiều mặt hàng gốm sứ, đồ gỗ, thì những cửa hàng cuối đường lại chuyên về tranh ảnh, các bức phi hoành, câu đối.
Một tiệm điện máy cũNói như vậy không có nghĩa là con đường đồ cổ Lê Công Kiều không mang hơi thở đương đại. Bởi chính chúng tôi cũng thích thú khi phát hiện ra một vài tiệm đồ cổ và gốm sứ với phong cách trưng bày khá chỉnh chu và hiện đại. Tuy nhiên, những người chủ ở đây cũng rất biết tiết chế để nét hiện đại đó không át đi cái tinh tế cổ xưa của cả con đường này.
11 giờ 30: Nghỉ trưa tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Sau ba mươi phút tại phố đồ cổ Lê Công Kiều, chúng tôi quyết định nhắm thẳng hướng ngã tư Lê Thị Hồng Gấm giao Phó Đức Chính mà đi. Chưa đầy ba phút đi bộ, chúng tôi đã đứng trước cổng Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tại số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình.
Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí MinhTrước kia khu nhà này thuộc sở hữu của một thương nhân người Hoa sinh sống tại Sài Gòn mà người dân nơi đây quen gọi là “Chú Hỏa“, một trong “tứ đại hào phú” tại khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thời bấy giờ. Các giai thoại về chú Hỏa được lưu truyền khắp khu vực quận 1 và quận 5, cũng như để lại nhiều dấu ấn nhất tại phường Nguyễn Thái Bình – nơi chú Hỏa bắt đầu gây dựng sự nghiệp và xây dựng những căn nhà đầu tiên. Tòa nhà được xây dựng chủ yếu dựa trên lối kiến trúc Pháp vốn được ưa chuộng vào thời đó với một số nhấn nhá theo kiến trúc phương Đông, ví dụ như phần mái ngói và cột ốp gốm.
Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của các dân tộc Việt Nam với hơn 20,000 tác phẩm và hiện vật, từ thời tiền sử đến hiện đại, đa dạng từ loại hình đến chất liệu.
Khu trưng bày mỹ thuật cổ và cận đạiKhuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật gồm 3 tòa nhà, tòa nhà đầu tiên trưng bày mỹ thuật hiện đại, tòa nhà thứ hai trưng bày các bộ sưu tập hiện vật và chuyên đề các tác giả cùng tác phẩm, còn tòa nhà cuối cùng dành riêng cho mỹ thuật cổ và cận đại, gồm các chất liệu tiêu biểu là đá, gốm, gỗ và đồng. Mãi mê tham quan, chúng tôi đã bỏ qua cả giờ nghỉ trưa. Đến khi nhìn lại, đồng hồ đã điểm qua giấc chiều.
1 giờ chiều: Ghé ngang chợ Dân Sinh
Rời khỏi Bảo tàng Mỹ thuật, chúng tôi xuôi theo con đường Nguyễn Thái Bình để ghé vào chợ Dân Sinh, mà theo anh Việt giải thích, cái tên đó bắt nguồn từ cách đọc trại đi của từ “Yersin”. Chợ Dân Sinh có bốn mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Thái Bình, Yersin, Nguyễn Công Trứ và Ký Con.
Anh Việt tại chợ Dân SinhTiền thân của chợ Dân Sinh là khu cờ bạc Kim Chung, cái tên Dân Sinh được bắt đầu sử dụng vào năm 1945 – giai đoạn đất nước còn chưa mở cửa chính là thời kỳ hoàng kim của chợ Dân Sinh. Ở đây nổi tiếng về các sản phẩm dùng trong sản xuất và tiêu dùng như hàng gia dụng, điện và điện tử, phụ tùng máy móc và các thiết bị bảo hành. Bên cạnh đó, ở chợ Dân Sinh còn bày bán các mặt hàng độc nhất vô nhị có từ thời chiến tranh và quân trang, ví dụ như bi-đông đựng nước, giày bốt, mũ cối, thắt lưng, bật lửa, la bàn, đến cả những kỷ vật như hình trắng đen, thư tay và huy hiệu.
Một gian hàng tại chợ Dân SinhTại chợ Dân Sinh, các gian hàng được sắp xếp theo trật tự lề lối, đề bảng tên ghi rõ số quầy, tên và mặt hàng bày bán. Nhờ đó mà khách hàng cũng không mất nhiều công sức để tìm được thứ mình cần mua. Anh Việt rủ chúng tôi ghé vào một gian hàng để tìm mua nam châm. Khác hẳn những miếng nam châm trang trí kiểu cách bày bán tại siêu thị, ở đây sự hữu dụng được đưa lên hàng đầu, minh chứng là vài thỏi nam châm bé xíu thôi nhưng tách mãi vẫn không ra.
2 giờ chiều: Dừng chân tại Hoàng Thị Cafe
Điểm dừng chân cuối cùng của trong chuyến tản bộ quanh phường Nguyễn Thái Bình chính là Hoàng Thị Cafe của anh Việt tại chung cư 14 Tôn Thất Đạm. Từ những bậc thang đầu tiên để lên lầu 1 khu chung cư mà cà phê Hoàng Thị Cafe tọa lạc, chúng tôi đã cảm giác như mình sắp bước vào một cuốn phim Việt trước thời kỳ Đổi Mới. Bên tay trái là một khoảng không gian đầy nắng, chiếu xuống bộ sô-pha bằng da cũ trong góc, trên đó là mấy chú mèo đang lười biếng nằm lim dim.
Một góc Hoàng Thị Cafe“Hoàng Thị Cafe ra đời bởi sở thích tụ tập bạn bè của anh. Anh nghĩ nếu có một nơi để mình tiếp khách, uống cà phê mỗi ngày thì cũng hay.” – Anh Việt cắt nghĩa vì sao mà không gian quán của anh nhìn lại đơn giản và gần gũi đến vậy. Cả không gian ở đây mang đậm chất Việt Nam thời xưa với tường cũ, sàn nửa đá nửa lát gạch hoa, mấy bộ bàn ghế gỗ kiểu xưa cùng những bình thủy tinh lớn ngâm chanh muối, tắc muối xếp thành hàng. “Anh không cho rằng Hoàng Thị mang phong cách retro (phong cách hoài cổ). Khi thiết kế, anh không tuân theo quy tắc kiến trúc hay trang trí nội thất nào cả. Cứ hễ tình cờ bắt gặp món đồ nào hay ho là anh mang về đo đặt rồi ướm thử, thấy hợp là trưng luôn,” anh Việt chia sẻ.
“Trong anh có chút gì đó hoang tàn, lộn xộn, nhưng cũng thoải mái, yên tĩnh. Người sao, quán như vậy. Những vị khách tìm đến đây một phần cũng vì phong cách này hợp với cá tính của họ – không ồn áo, náo nhiệt mà nhẹ nhàng, thư thái,” anh Việt giải thích vì sao anh không quảng bá rộng rãi mà chỉ tiếp khách được bạn bè giới thiệu cho. Anh tâm sự rằng anh muốn giữ cái sự yên tĩnh, cân bằng cho những người yêu mến không khí nơi này.
Anh Việt trong lúc đang sáng tácThấy tôi chú ý đến dòng chữ “phân đà Mùa Hè Tan Nát” bên cạnh tên quán, anh Việt giải thích: “Anh đặt cái tên đó một phần là vì chất thơ trong nó, một phần là để kỷ niệm một giai đoạn trong quá khứ. Khi đó, anh đã sống và rèn giũa để bản thân trưởng thành như ngày hôm nay. Đó là những ngày mùa hè nóng thiêu đốt nhưng đẹp. Cũng như quá khứ, dù đau đớn ra sao thì vẫn là một phần kỷ niệm…”
Chúng tôi chia tay anh Việt và khép lại cuộc dạo chơi quanh phường Nguyễn Thái Bình tại đây. Hôm đó cũng là một ngày mùa hè nắng như thiêu đốt. Nhưng đổi lại, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp về Sài Gòn – vẫn đang trong những tháng năm chuyển mình mạnh mẽ.
Xem thêm:
[Bài viết] Top 5 địa chỉ xăm uy tín nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh
[Bài viết] The Coffee House – Nơi hội tụ của người yêu cà phê