Lòng bao dung không phải lúc nào cũng tốt
Được chuyển ngữ từ bài viết “The Paradox of Tolerance” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Vào thập niên 1940, nhà triết học Karl Popper cho ra đời một học thuyết mà ông gọi là “Nghịch lý của sự bao dung” (The Paradox of Tolerance). Nghịch lý này có thể phát biểu như sau:
Nếu ai cũng bao dung với mọi ý tưởng được phát biểu, thì những ý tưởng quái gở sẽ xuất hiện. Ai bao dung sẽ chấp nhận việc này, còn người không bao dung thì không đội trời chung với họ. Cuối cùng, team không bao dung sẽ thắng thế và tạo ra một xã hội toàn ý tưởng quái gở.
Vì vậy theo Popper, để duy trì một xã hội biết bao dung, chúng ta không được dung túng những điều quái gở, đi ngược với luân thường đạo lý. Nghịch lý này giải thích vì sao nhân dân Đức - một xã hội không thiếu người tốt - lại để trùm phát xít Hitler lên nắm quyền và làm nhiều điều tàn bạo đến vậy: họ bao dung với những ý tưởng quái gở của hắn.
Nghịch lý này cũng được bàn tán rộng rãi trong các cuộc thảo luận về công bằng xã hội. Hiểu theo một cách khác, đôi khi bạn có thể đối xử tệ với một ai đó, vì chính họ cũng chẳng ra gì.
Nhưng vấn đề ở đây là, ranh giới giữa những điều bình thường và những điều quái gở không hề rõ ràng. Như thế nào mới là thiếu bao dung?
Một diễn viên hài pha trò về người đồng tính 20 năm về trước có bị coi là đùa ác không? Một nghiên cứu khoa học phát hiện những khác biệt lớn giữa đàn ông và phụ nữ liệu có đi ngược lại quan niệm “nam nữ bình đẳng”? Một người sùng đạo không muốn kết bạn với người vô thần có bị coi là cực đoan hay không?
Tương tự như Hitler, nếu suy nghĩ theo cách này chúng ta sẽ chẳng tìm ra “kẻ ác” nào để cùng nhau chống lại. Hệ quả là định nghĩa về người thiếu bao dung trở nên thật mờ nhạt, khiến bạn nghĩ rằng bất cứ ai tin vào điều gì khiến bạn khó chịu đều là kẻ quái gở, là kẻ thù không đội trời chung của bạn. Và rõ ràng định nghĩa này không phải lúc nào cũng đúng.
Để có sự bao dung, bạn phải biết chấp nhận điều khó chịu
Lập luận của Popper có vấn đề ở chỗ, nó dễ bị bóp méo thành những suy nghĩ và hành vi tự cho mình là đúng.
Lấy ví dụ, B cho rằng hành vi của A là mối đe dọa cho xã hội. Do đó B tẩy chay A, vì nó đúng về mặt đạo đức. Nhưng C lại cho rằng B đang quá thiếu bao dung với A, vì vậy C quyết định tẩy chay B. Rồi D lại đến và thấy C đang đối xử với B không ra gì…
Đến đây chắc bạn đã đoán được diễn biến tiếp theo thế nào. Nghe thì có vẻ khó tin, nhưng bạn cứ lên X mấy tiếng là thấy ngay một vài ví dụ sống động cho câu chuyện tôi vừa kể.
Trớ trêu thay, để thực hành lòng bao dung, bạn buộc phải đối mặt với những điều làm bạn khó chịu. Nhưng nếu bạn cho rằng không ai nên khó chịu điều gì, thì bạn khiến việc thực hành lòng bao dung trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” luôn rồi.