Mask Girl - Kẻ thù của phụ nữ là... một phụ nữ khác?
“Điều Kim Mo-mi mong muốn trong cuộc đời này là trở thành tâm điểm chú ý. Sống cùng lúc hai cuộc đời Mo-mi và mask girl giúp cô đạt được điều đó. Liệu nó kéo dài bao lâu cho đến khi bí mật được sáng tỏ?”
Đó là lời giới thiệu tập đầu tiên của Mask Girl (tựa tiếng Việt: Cô gái mang mặt nạ) đang đứng Top 1 Netflix tại Việt Nam. Đơn giản nhưng có phần hợm hĩnh, lời dẫn nhập đi thẳng vào thế giới của một và người phụ nữ khác, khám phá những mối quan hệ hệ bất hoà ẩn sâu giữa họ thông qua ngôn ngữ điện ảnh.
Lưu ý: Phần sau đây có thể tiết lộ nội dung phim.
Khởi đầu bằng ước mơ, kết thúc trong bi kịch
Mask Girl khởi đầu bằng lời tự thuật của cô bé Kim Mo-mi. Đúng hơn, bộ phim bắt đầu bằng ước mơ của một bé gái. Từ nhỏ Mo-mi đã yêu thích biểu diễn, xem sân khấu là "nhà", lời tán thưởng là quà và khát khao được mọi người chú ý. Tài năng và thiên hướng nghệ thuật của Mo-mi cũng được bộc lộ từ rất sớm.
Nhưng đời không như mơ ước của em bé Mo-mi. Lớn lên, Mo-mi không được xinh đẹp như các bạn nữ khác. Cô bị bạn bè chọc ghẹo, nam sinh ghét bỏ, mẹ ruột xa lánh, ước mơ vì thế mà trở nên viển vông.
Với Kim Mo-mi, nhận thức được mình xấu là nỗi đau đầu tiên. Nhưng cô vẫn phải lớn lên. Và nhiều nỗi đau khác liên tục ập đến.
Nếu Mo-mi an phận sống như một người thường, mọi chuyện có thể đã khác đi. Nhưng cô chọn sống cùng lúc hai cuộc đời, ngày làm nhân viên văn phòng bình thường, đêm về làm cô gái mang mặt nạ nổi tiếng được nhiều đàn ông trên mạng hâm mộ.
Mọi chuyện chỉ tệ hại khi Mo-mi vướng vào tình yêu đơn phương sai trái với đồng nghiệp, rồi không thể cân bằng được hai con người khác biệt trong mình. Một chuỗi những diễn biến điên rồ và bạo lực diễn ra sau đó. Nó được tô vẽ bởi máu và nước mắt; của sự phẫn nộ và thù hận.
Không gì có thể cản lại người phụ nữ có tên Mo-mi hay "cô gái mang mặt nạ" này. Cô điên rồ và điên rồ hơn. Nếu cái chết đầu tiên Mo-mi vô tình gây ra là một “tai nạn" thì những hành động giết người sau đó đều có chủ đích.
Liệu Mo-mi là một nhân vật nữ phản anh hùng (anti-hero) hay chỉ đơn giản là một người phụ nữ đầy bi kịch, luôn cố gắng thể hiện giá trị của bản thân nhưng luôn bị xã hội ruồng bỏ?
Thế giới đàn bà không có đàn ông
Mask Girl là một bộ phim được xây quanh những nhân vật nữ và những "cuộc chiến" giữa họ. Hệ thống nhân vật chính và phụ của Mask Girl đều là nữ, phản ánh những khía cạnh rất phụ nữ: cô độc, yếu thế, muốn được thấu hiểu và yêu thương, sẵn sàng hy sinh vì người khác nhưng cũng có thể vô cùng bạo lực và ác độc.
Những người phụ nữ này nhận ra bạn bè và kẻ thù trong thế giới của mình. Họ sẵn sàng yêu thương vô điều kiện nhưng cũng có thể tổn thương người phụ nữ khác một cách sâu sắc. Họ cho thấy bản năng mạnh mẽ của những người đàn bà/người mẹ nhưng đồng thời cũng là những con người dễ lầm lạc nhất.
Những mối quan hệ nữ-nữ trong Mask Girl được khắc sâu một cách triệt để: gia đình (mẹ-con; bà-cháu), xã hội (đồng nghiệp; hội chị em;) môi trường xã hội khép kín như nhà tù với phạm nhân - phạm nhân; cai tù - phạm nhân. Những mối quan hệ này vô cùng đặc biệt, thường có sự chênh lệch quyền lực nhất định, vì thế mà càng khắc sâu mối bất hoà giữa các cá nhân (phụ nữ) một cách tự nhiên nhất.
Hai tác giả gốc của webstoon Mask Girl (Hae-mi và Hee-se) từng chia sẻ một thực tế khó chấp nhận về thế giới phụ nữ: Kẻ thù của phụ nữ là… một người phụ nữ khác. Những xung đột và bi kịch chính của Mask Girl cũng tập trung chính vào những mối quan hệ kiểu nữ - nữ này.
Mask Girl không phải là những cuộc catfight tầm thường mà là những "cuộc chiến" sâu sắc hơn thế: Mo-mi và mẹ cô (Shim Young-hee); Mo-mi và mẹ của Joo Oh-nam (Kim Kyung-ja.) Họ đều có những động cơ rõ ràng để gây ra điều tồi tệ nhất lên một người phụ nữ khác. Đó là cuộc báo thù không có hồi kết; và chỉ có cái chết mới có thể chấm dứt mâu thuẫn và bất hoà giữa họ.
Trên cái nền hỗn loạn và điên rồ của bộ phim, tất cả những nhân vật nữ đều bám đuổi những mục đích sống của riêng họ. Mo-mi từng cố gắng sống vì muốn trở thành tâm điểm; và rồi cô cố gắng sống để bảo vệ con gái mình. Mẹ của Joo Oh-nam cố gắng sống để trả thù người phụ nữ gây ra cái chết của con trai mình. Mẹ của Mo-mi cố gắng sống để trả nợ con gái vì nhận ra, bà là một người mẹ tồi tệ.
Ngoài ra, thứ tình cảm trong sáng và chân thành giữa Mo-mi và Kim Chun-ae; hay giữa Mi-mo và Ye-chun vẫn cho thấy khả năng thấu hiểu giữa những cô gái, những người phụ nữ. Nhưng những khắc hoạ này khá nhỏ bé, đôi khi hời hợt và đứt gãy như càng củng cố về những mối quan hệ căng thẳng và khó giải quyết trong thế giới của phụ nữ.
Phải nói rõ rằng, thế giới của Mask Girl không hoàn toàn thiếu vắng đàn ông. Họ thỉnh thoảng xuất hiện và được hầu như được miêu tả rất bệ rạc, mờ nhạt.
Đó là những người sếp nam tự luyến và có xu hướng quấy rối tình dục nơi công sở; họ là những tay trai trẻ chuyên lừa tình và lừa tiền, những mama boy và man-child…
Tuy vậy, những người đàn ông trong Mask Girl dường như chỉ là chất xúc tác cho những bi kịch đã được dọn sẵn giữa những người phụ nữ. Đàn ông có thể là mồi lửa, nhưng người châm "quả bom" phát nổ lại là phụ nữ.
Trải nghiệm điện ảnh hấp dẫn dù khá quen thuộc
Khồng thể phủ nhận Mask Girl là một bộ phim hài đen có yếu tố tội phạm và giết người khá hấp dẫn của Hàn Quốc gần đây. Cách xây dựng các nhân vật nữ có phần điên rồ và bạo lực, cùng hình ảnh ấn tượng, âm nhạc và cảnh quay sáng tạo đã khiến cho không khí ám muội của bộ phim được duy trì rất tốt trong suốt cả mùa phim.
Tuy hai tập cuối khá yếu về mặt kịch bản và đôi chút vội vàng, nhưng bù lại, Mask Girl có dàn diễn viên ấn tượng, từ tốt đến xuất sắc. 7 tập phim mang lại một trải nghiệm khá trọn vẹn và thoả mãn cho người xem.
Sự hấp dẫn của Mask girl gợi nhớ đến thứ không khí điện ảnh độc đáo từ những đạo diễn tài năng thuộc làn sóng "điện ảnh mới" của Hàn Quốc như Park Chan Wook, Kim Ki Duk, Bong Joon Ho.
Chủ đề, cốt truyện, đến ngôn ngữ hình ảnh của Mask Girl khiến ta cảm thấy vừa hấp dẫn vừa quen thuộc. Góc nhìn về thân phận phụ nữ và cuộc truy tìm cái đẹp trong Mask Girl dễ khiến người xem nhớ đến tác phẩm điện ảnh Time (Thời gian, 2006) của cố đạo diễn Kim Ki Duk.
Time kể về một người phụ nữ quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để "làm mới" mối quan hệ tình cảm với bạn trai sau 2 năm gắn bó. Nhưng ý chí và ước mơ dường như không nằm ở người phụ nữ này; lẩn khuất trong phim là sự "vô thường," về tính bản thể, căn tính bị đánh mất của một con người.
Động lực của hành vi phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi gương mặt của những người phụ nữ (trong Mask Girl và Time) tuy khác nhau nhưng đều đến từ góc nhìn riêng biệt của từng nhân vật nữ. Thay đổi nhân dạng cũng giống như thay đổi căn cước, mang đến một cuộc đời mới nhưng lại dẫn họ đến một kết cục không thể đoán định.
Nhưng thứ kết cục chờ đợi Mo-mi trong Mask Girl và Seh Hee trong Time dường như chỉ có những nỗi buồn vĩnh cửu, của thất vọng và bi kịch trong kiếp người.
Trong Mask Girl, Mo-mi (khi đã làm mẹ) và mẹ của Mo-mi, mẹ của nhân vật Oh-nam lại khiến ta nhớ đến những hình tượng người mẹ độc đáo trong tác phẩm kinh điển khác của điện ảnh Hàn Quốc là Pieta (Kim Ki Duk) và Mother (Bong Joon Ho.) Đây là những nhân vật nữ, những người mẹ yêu thương con một cách cực đoan, tàn nhẫn với kẻ làm hại con mình đến mức tột cùng.
Có quá nhiều nét tương đồng trong việc miêu tả hình tượng người mẹ trong Mask Girl và các tác phẩm của Kim Ki Duk, Bong Joon Ho.
Với Pieta (Đức mẹ sầu bi) chúng ta thấy một cuộc báo thù đầy kịch tính của một người mẹ lên người đòi nợ thuê, kẻ đã giết hại con trai mình. Bà tìm cách lấy lòng kẻ sát nhân và từ từ dùng tình mẫu tử để đưa cậu ta vào bi kịch, mồ chôn của chính mình.
Đây cũng là cách thức mà nhân vật Kim Kyu-ja (mẹ của Joo Oh-nam) dùng để trả thù Kim Mo-mi trong Mask Girl. Bà dùng yêu thương làm vũ khí trong việc gây ra tội ác với cô bé Mi-mo, con gái của Kim Mo-mi.
Với Mother (Mẹ) của Bong Joon Ho, ta thấy một động cơ rõ ràng của người phụ nữ, người mẹ trên con đường bảo vệ người con trai khù khờ mà gây ra biết bao tội ác. Nhưng nhân danh mẫu tử đôi khi khiến chúng ta rợn sống lưng bởi sự điên rồ, và bất chấp của những bà mẹ (trong thế giới điện ảnh.)
Mask Girl đầy bạo lực và máu me, với ngôn ngữ kể chuyện đậm phong cách Park Chan Wook. Mask Girl cũng là những cuộc báo thù của những người phụ nữ? Dường như trong thế giới đó, tình thương đói khát và chỉ có máu là sự thật.
Bên cạnh đó, những dàn dựng công phu của Mask Girl khiến người xem rơi vào một thế giới điện ảnh của Park Chan Wook, nơi các nhân vật vô tình hay cố ý đều tìm cách giải quyết vấn đề bằng những bạo lực.
Ngay từ đầu bộ phim đã cho thấy một thế giới giả lập, nơi mọi thứ đều được đẩy lên ở mức kịch tính nhất. Đã xấu là phải xấu đau, xấu đớn. Đã bị coi thường, là phải cùng cực của hèn mạt. Đã bạo lực, thì phải điên rồ và dã man nhất. Đã rùng rợn thì phải làm cho người ta khiếp sợ mà run rẩy. Và vì thế, trải nghiệm của Mask Girl vì thế mà "lên gân" một cách đầy hợp lý, và thú vị.
Tạm kết
Nhưng điều khiến cho Mask Girl đọng lại trong tâm trí khán giả, không phải bạo lực máu me kinh dị, hay phá án giết người, cái xấu bị trừng trị thích đáng mà là… nỗi buồn.
Ngay từ đầu bộ phim đã là nỗi buồn. Vì không đẹp nên buồn. Vì không được yêu mà buồn. Vì không được đón nhận mà buồn. Vì không được thoả mãn nên buồn hơn. Vì không thấy cuộc đời ý nghĩa mà buồn. Đó là nỗi buồn rất thực, ai cũng có thể cảm nhận được, và ai cũng có thể sống chung với nó.
Những đứa con không được cha mẹ yêu quý, chúng buồn và xa lánh. Những đứa trẻ không được bạn bè yêu quý, chúng buồn và co mình lại. Những nhân viên không được tôn trọng, họ buồn và trở nên vô hình. Những bậc cha mẹ không được con cái yêu quý, họ buồn vì tình mẹ con không thể kéo lại gần.
Mask Girl là một bộ phim buồn, thu hút bằng bạo lực, dựa trên mối bất hoà trong quan hệ giữa con người, đặc biệt là giữa phụ nữ và phụ nữ.