Park Chan-wook và thế giới điện ảnh của bạo phát - bạo tàn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 09, 2021
Điện ẢnhDVD

Park Chan-wook và thế giới điện ảnh của bạo phát - bạo tàn

Cùng tìm hiểu những tác phẩm kinh điển của đạo diễn Hàn Quốc xuất chúng Park Chan-wook.
Park Chan-wook và thế giới điện ảnh của bạo phát - bạo tàn

Cảnh phim "Sympathy for Lady Vengeance" của đạo diễn Park Chan-wook | Nguồn: CJ Entertainment.

Trong nhóm “Làn sóng mới” của điện ảnh Hàn Quốc, Park Chan-wook là một trong ba cái tên sáng giá nhất, bên cạnh Bong Joon Ho và Lee Chang Dong. Thường xuyên khai thác những chủ đề nhạy cảm như báo thù và những điều cấm kỵ bị phá vỡ, Mr. Vengeance (Quý ông báo thù) – nickname của Park Chan-wook - thường khiến người xem bị “sốc phản vệ” với những cảnh bạo lực khét tiếng. Thế giới điện ảnh của Park tràn ngập những cảnh bạo phát bạo tàn và đẩy những nhân vật vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân vào ranh giới cuối cùng, khiến họ không còn đường lùi, không thể cứu rỗi…


Ít ai ngờ rằng Park Chan-wook đã từng khởi nghiệp thất bại đến mức suýt bỏ nghề. Năm 1992, lúc mới 29 tuổi, Park thực hiện bộ phim đầu tay mang tên The Moon is… the Sun’s Dream, một bộ phim pha trộn giữa các thể loại hình sự tội phạm và tâm lý lãng mạn, kể về một tay gangster trẻ tuổi ở Busan ngoại tình với cô nhân tình của ông chủ.

Bộ phim, phần nào cho thấy cảm quan điện ảnh của Park về những đề tài “nặng đô” trở thành một “dấu chỉ” cho con đường điện ảnh rực rỡ sau này của ông. Nhưng đáng tiếc nó được thực hiện chưa tới tầm, dẫn đến một cái kết thảm hại tại phòng vé.

5 năm sau, ông tiếp tục thử sức với một bộ phim kể về câu chuyện tình tay ba với cái kết thảm khốc khác có tên là Trio (1997). Và nó tiếp tục thất bại thảm hại tại phòng vé. Đó cũng là hai bộ phim mà Park không bao giờ muốn nhắc đến sau này.

it1
The New York Times có nhận định: Park Chan-wook là vị đạo diễn đặt Hàn Quốc lên bản đồ điện ảnh thế giới. | Nguồn: The New York Times Style Magazine.

5 năm với hai bộ phim thất bại, Park Chan-wook đã tính đến chuyện bỏ nghề đạo diễn và chuyển sang làm nhà phê bình phim để kiếm sống. Có thể đó cũng là thời gian để ông tích lũy năng lượng để chờ ngày trở lại.

Và như người ta nói, quá tam ba bận, lần tái xuất thứ 3 mang lại một thành công vang dội và mở đường cho một sự nghiệp điện ảnh vang danh quốc tế của Park.

Thành công phòng vé đầu tiên với Joint Security Area

Năm 2000, thời điểm điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu bùng phát nhờ chính sách cởi mở và bảo hộ điện ảnh nội địa của chính phủ, cộng với sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn vào ngành công nghiệp giải trí, điện ảnh Hàn bắt đầu cất cánh.

Tiếp nối Shiri, bộ phim lập kỷ lục phòng vé một năm trước đó, Joint Security Area (JSA) dẫn đầu phòng vé Hàn năm 2000, thậm chí trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử phim Hàn (tất nhiên nhanh chóng bị phá vỡ sau đó). Và người đứng sau cột mốc mới đó là một đạo diễn thất bại hai lần trước đây – Park Chan-wook. Đến nay, JSA vẫn là bộ phim thành công nhất về doanh thu của Park.

it1
JSA là bộ phim đầy tình người về khu vực DMZ giữa Nam và Bắc Triều Tiên. | Nguồn: CJ Entertainment.

JSA (Khu vực an ninh chung) là một bộ phim hình sự-chính trị nhức nhối về những người lính ở khu vực biên giới Nam Bắc Triều Tiên được thực hiện hấp dẫn như một bộ phim “chuẩn mực” của Hollywood nhưng vẫn đặt ra những giá trị mới mang tính bản địa của Hàn Quốc. Và càng đi sâu vào vụ án mạng với những lời khai lắt léo như một Rashomon (bộ phim kinh điển của Akira Kurosawa) phiên bản hiện đại này, người xem càng khám phá ra những bí mật đau lòng giữa thân phận cá nhân và thể chế chính trị, hay là cái giá quá đắt cho sự ngây thơ của con người.

it2
Dù thuộc hệ tư tưởng nào, thẳm sâu chúng ta vẫn là những người cùng chiến tuyến. | Nguồn: CJ Entertainment.

Cho dù là bộ phim khai thác một thảm kịch chính trị, JSA lại là bộ phim trong sáng và nhân văn nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Park Chan-wook. Những khoảnh khắc của sự tươi vui, hồn nhiên giữa những người lính hai miền Nam Bắc, hay cái giá phải trả quá đắt cho tình bạn của họ mang lại những cảm xúc trái ngược cho khán giả. Nhưng khi màn hình khép lại, khúc vĩ thanh vẫn để lại một cảm giác dễ chịu.

Cá nhân tôi khi xem bộ phim này, vẫn nhớ đến những khoảnh khắc tươi sáng về tình người của những nhân vật chính, hơn là những thảm kịch chính trị mà họ phải gánh chịu. Nhưng JSA có lẽ là bộ phim trong sáng và được kể với phong cách kể chuyện giản dị nhất của Park Chan-wook. Bởi với bộ ba tiếp theo, ta không còn nhận ra dấu vết của những bộ phim trước nữa.

Bộ ba Báo Thù: Bạo phát bạo tàn

The Vengeance Trilogy (Bộ ba Báo thù) như Park Chan-wook từng chia sẻ trong một cuộc họp báo, là cách ông khám phá về chủ đề trả thù như một động cơ vô nghĩa của con người và thường dẫn tới những kết quả mang tính hủy hoại, với cả hai đối tượng là thủ phạm và nạn nhân.

Hoặc cũng có thể không có ai là nạn nhân trong những cuộc báo thù tàn khốc ấy cả. Họ chỉ là những con người gây ra lỗi lầm một cách vô tình hoặc với động cơ đơn giản, nhưng không ngờ lại gây ra những hậu quả không thể ngờ tới được. Và cuối cùng, họ phải trả giá quá đắt cho những “tội lỗi hồn nhiên” của mình.

Poster
Poster tuyển tập Vengeance Trilogy của đạo diễn Park Chan-wook - một bộ ba phim cực đoan kinh điển của điện ảnh Hàn. | Nguồn: Arrow Video.

Như Park từng nói, tất cả các nhân vật trong phim của ông đều có một điểm chung: không quan trọng là họ tốt hay xấu, họ thông minh hay ngu ngốc, nhưng họ đều phải tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.

Hay nói cách khác, trong bộ ba phim báo thù của Park, công lý đứng ngoài cuộc, chỉ còn những cuộc đối đầu khốc liệt giữa kẻ đi săn và con mồi. Và mỗi khi đã bật chế độ “báo thù”, không kẻ nào còn được sống yên ổn cả, hoặc nói cách khác, sống không bằng chết!

Sympathy for Mr. Vengeance (2002) là bộ phim mở đầu cho bộ ba phim báo thù, và đáng tiếc là nó không thành công về doanh thu và bị đánh giá thấp nhất trong bộ ba. Nhưng với tôi, nó vẫn là bộ phim xuất sắc và tạo ra những cảm giác chấn động về mặt cảm xúc, đặc biệt là ở tính nguyên bản, chất bạo lực “thô” và những hiện thực trần trụi của xã hội Hàn Quốc hiện đại mà nó phơi bày trước mắt người xem.

Trong Mr. Vengeance, Park Chan-wook lột tả những mặt tối và sự xấu xí của xã hội Hàn Quốc hiện đại: sự phân hóa giàu nghèo, nạn buôn bán nội tạng lậu, bắt cóc trẻ em và các tổ chức khủng bố cực đoan chống đối lại thể chế chính trị đương thời.

it4
Ryu và bạn gái Yeong-mi. Ryu là một anh chàng câm điếc hiền lành nhưng nhanh chóng bước vào vùng tối tăm của xã hội. | Nguồn: CJ Entertainment.

Cuộc báo thù đẫm máu trong bộ phim này khởi đi từ một hành động tội lỗi ngây thơ và sai lầm. Ryu (Shin Ha-kyun đóng) là một anh chàng câm điếc bẩm sinh đang nỗ lực tuyệt vọng để kiếm tiền thực hiện ca giải phẫu thận cho chị gái của mình.

Bị nhà máy cho thôi việc và không thể kiếm ra tiền, trong khi thận của anh không phù hợp với chị gái, Ryu quyết định bán thận cho một tổ chức buôn bán nội tạng để đổi lấy một quả thận khác phù hợp với chị của mình. Nhưng bọn buôn bán nội tạng đánh cắp thận của anh và bỏ trốn.

Tuyệt vọng, Ryu cùng Yeong-mi (Bae Doona), cô bạn gái theo chủ nghĩa vô chính phủ cực đoan lên kế hoạch bắt cóc cô con gái nhỏ của Dong-jin (Song Kang-ho), ông chủ của nhà máy đã cho Ryu thôi việc để đòi tiền chuộc cho việc phẫu thuật.

Hành động tuyệt vọng và có phần ngây thơ của Ryu đã dẫn đến những thảm kịch không lường trước được. Và khi mọi thứ phá vỡ giới hạn, những cuộc báo thù luẩn quẩn bắt đầu và dường như không thể kết thúc, nếu máu chưa ngừng chảy.

it5
Những sai lầm có thể xây dựng một con người, nhưng cũng có thể chấm dứt cuộc đời họ. | Nguồn: CJ Entertainment.

Có tới ba cuộc báo thù chồng lên nhau trong Mr. Vengeance, và cuộc báo thù nào cũng xuất phát từ sự giận dữ đến tuyệt vọng của con người khi bàn tay của họ đã vấy máu. Đây có lẽ là bộ phim có cường độ bạo lực dữ dội và thô bạo nhất trong bộ ba, cho dù ta vẫn thấy được đạo diễn có những nguyên tắc và quy tắc riêng trong việc xử lý các hành vi bạo lực của nhân vật.

Oldboy (2003) không còn nghi ngờ gì nữa, là một kiệt tác của điện ảnh đương đại, bộ phim đưa danh tiếng của Park Chan-wook vươn tầm quốc tế với Giải thưởng Lớn (Grand Prix) tại LHP Cannes cùng năm. Nếu Mr. Vengeance là bộ phim phơi bày hiện thực trần trụi của xã hội Hàn đương thời thì Oldboy là bộ phim mang hơi hướng phi lý và thậm chí siêu thực với nhiều dấu vết của một tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi những bi kịch cổ điển điển hình.

Ta có thể thấy trong bộ phim này những ảnh hưởng của mặc cảm Oedipal trong bi kịch Hy Lạp, tình yêu bị khước từ dẫn tới báo thù trong bi kịch của Shakespeare cho đến những dấu vết siêu thực kiểu Kafka, một nhà văn mà Park Chan-wook vô cùng yêu thích.

it6
Nhân vật chính Oh Dae-su. | Nguồn: CJ Entertainment.

Đây có lẽ là bộ phim đậm chất “extreme” (cực đoan) nhất của điện ảnh Hàn đương đại, nơi đạo diễn không ngần ngại đụng chạm đến những chủ đề mang tính cấm kị trong xã hội Á Đông như tình dục loạn luân.

Khác với chất bạo lực trần trụi và thô bạo trong phim trước, bạo lực trong Oldboy mang tính ý niệm và nhiều ẩn dụ hơn, cho dù chúng vẫn gây ra những cảm giác choáng váng về mặt vật lý, như phân cảnh hành động dài 4 phút diễn ra trong bối cảnh một hành lang hẹp đã trở thành kinh điển về nghệ thuật dàn cảnh, quay phim hay cảnh Oh Dae-su nhai một con bạch tuộc sống hoặc dùng kéo tự cắt lưỡi của mình.

it7
Những cảnh quay khiến Oldboy trở thành một biểu tượng điện ảnh. | Nguồn: CJ Entertainment.

Diễn xuất của Choi Min-sik với vai Oh Dae-su có lẽ là màn trình diễn xuất chúng nhất của điện ảnh Hàn 2 thập kỷ qua bởi ông đã khai thác đến tận cùng bản chất tội lỗi và nỗi đau của con người, đặc biệt là thế lưỡng nan của nhân vật khi phải sống với một sự thật kinh hoàng mà ông ta phải tự thôi miên để quên nó đi. Sống, với Oh Dae-sue không bằng chết là vậy.

Cái kết này đã bị thỏa hiệp dễ dãi trong phiên bản làm lại của Hollywood, cho dù do một đạo diễn tên tuổi như Spike Lee đạo diễn – và dẫn đến thất bại không thể chối cãi của nó. Trong nhiều trường hợp, tôi phải thừa nhận điện ảnh Hàn đã vượt lên điện ảnh Mỹ ở một số điểm, đặc biệt là khai thác chất cực đoan đến tận cùng của họ!

it7
Oldboy của Park Chan-wook đã trở thành một cái bóng quá lớn, đến mức một đạo diễn lẫy lừng như Spike Lee cũng không thể vượt qua. | Nguồn: CJ Entertainment.

Phần cuối trong bộ ba, vốn là phần phim không có trong kế hoạch ban đầu mà nhờ sự “thúc ép” của báo giới trong một cuộc họp báo, đã giúp Park Chan-wook hoàn thành một bộ ba phim báo thù hoàn chỉnh. Sympathy for Lady Vengeance cũng trở thành bộ phim thành công nhất về doanh thu trong bộ ba, bộ phim đưa khái niệm “siêu thực” đi xa hơn và cũng là bộ phim nữ quyền ớn lạnh của Park, sau đó được ông đẩy xa hơn trong The Handmaiden (2016) sau này.

it8
Diễn viên Lee Yeoung Ae, một biểu tượng của tài năng và sắc đẹp trong nền điện ảnh Hàn Quốc. | Nguồn: CJ Entertainment.

Cuộc báo thù của Geum-ja (Lee Yeoung-ae) trong Lady Vengeance có vẻ không trần trụi khốc liệt như Mr. Vengeance, không gây sốc về mặt cảm giác vật lý như Oldboy mà nặng tính siêu thực với nghệ thuật dàn cảnh đạt đến đỉnh cao của đạo diễn. Có lẽ vì vậy mà trong nhiều phân cảnh, ta có cảm giác như Lady Vengeance như được bước ra từ một tiểu thuyết tranh, hay từ một trò chơi video game vậy.

Để thực hiện được những bộ phim đạt tính thẩm mỹ cao về hình ảnh, Park Chan-wook là đạo diễn thuộc trường phái cầu toàn và ông luôn lên kế hoạch tỉ mỉ cho từng khung hình trong phim của mình, từ điểm bắt đầu cho đến kết thúc.

it9
Những khung hình xuất sắc của đạo diễn Park Chan-wook trong Sympathy for Lady Vengeance. | Nguồn: CJ Entertainment.

Với tôi, đây cũng là bộ phim mà Park muốn nhấn mạnh một chủ đề nhạy cảm khác trong việc khai thác bạo lực cực đoan trong điện ảnh Hàn: trả thù có thể biến ngay một con người bình thường, thậm chí “thánh thiện” trở thành một kẻ giết người máu lạnh và tàn độc nhất. Trong The Vengeance Trilogy và một vài phim bạo lực khác của Hàn như I Saw the Devil, The Chaser… ta thấy được cách các đạo diễn khai thác chủ đề bạo lực ở mức cực đoan nhất của nó: bắt những kẻ thủ ác phải chịu đựng lại những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần như cách hắn ta đã từng gây ra cho những nạn nhân của mình.

Khi ta báo thù quỷ dữ, ta cũng dần biến thành quỷ dữ. Đó là vòng lặp bất tận của cái ác, đó là sự luẩn quẩn không hồi kết của bạo lực. Trong phạm vi bài viết này không thể phân tích sâu hơn, xin hẹn bạn đọc đề tài này cho một bài viết khác.

Bạo lực không phải là chủ đề xa lạ của điện ảnh. Hollywood, Nhật Bản, Hongkong và nhiều nền điện ảnh khác cũng từng khai thác chủ đề bạo lực trên màn ảnh với nhiều bộ phim kinh điển. Tuy nhiên, phong vị bạo lực trong các bộ phim Hàn giai đoạn Làn sóng mới từ đầu 2000 đến nay vẫn tạo ra những tác phẩm tạo được sức hấp dẫn và gây tranh cãi.

Bởi cách xử lý đề tài này cực đoan và không nhân nhượng, không thỏa hiệp, mà bộ ba Báo thù của Park Chan-wook là một ví dụ điển hình. Những bộ phim này thường khai thác bạo lực gắn liền với tội lỗi nguyên thủy của con người. Bạo lực trong những bộ phim của Park là bạo lực không thể cứu rỗi, và điểm kết thúc của chúng thường là địa ngục.

it10
Những người mưu cầu báo oán, không thể được cứu rỗi. | Nguồn: CJ Entertainment.

Khi được hỏi về chất bạo lực tăm tối trong phim liệu có thể dẫn đến những bạo lực trong đời thực, Park từng phát biểu rằng: “Tôi không tin rằng bạo lực được mô tả trên màn ảnh sẽ khiến con người hành động bạo lực. Đó là cái nhìn đơn giản hóa vấn đề. Nếu ai đó thực hiện hành vi bạo lực sau khi xem cảnh bạo lực trong một bộ phim, tôi nghĩ câu hỏi cần được đặt ra là, liệu họ có thực hiện hành vi bạo lực không nếu anh ta chưa xem qua một bộ phim bạo lực?”

Ngoài các bộ phim kể trên, Park Chan-wook còn thành công với một vài tác phẩm đa thể loại khác, như bộ phim lãng mạn hài pha chút siêu thực I’m a Cyborg but That’s Ok (2006); phim chính kịch mang hơi hướng kinh dị Thirst (2009), phim hình sự, kinh dị Stoker (2016) với dàn sao Hollywood như Nicole Kidman, Matthew Goode, Mia Wasikowska lấy cảm hứng từ phong cách dàn dựng của Alfred Hitchcock và thành công nhất là The Handmaiden (2016), một tác phẩm mẫu mực về tính thẩm mỹ trong dàn cảnh và nghệ thuật kể chuyện.

Hiện nay, Park Chan-wook đang hoàn thành bộ phim hình sự bí ẩn mới Decision to Leave (2022) với sự góp mặt của Thang Duy và đang chuẩn bị tiền kỳ cho series hợp tác với A24 có tên The Sympathizer, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết từng đoạt giải Pulitzer của nhà văn gốc Việt Nguyễn Thanh Việt và sự góp mặt của ngôi sao hàng đầu Robert Downey Jr.