Catfight - Không phải mèo đánh nhau, mà là phụ nữ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Catfight - Không phải mèo đánh nhau, mà là phụ nữ

Truyền thông lá cải lợi dụng catfight để "kiếm views" như thế nào?
Catfight - Không phải mèo đánh nhau, mà là phụ nữ

Màn đấu đá giữa hai hot girl bán hàng online Trang Nemo và Trần My những ngày qua cũng là điển hình của một catfight. | Nguồn: Bride Wars

1. Catfight là gì?

Catfight là thuật ngữ được dùng để diễn tả những người phụ nữ (thường là 2) đánh nhau hoặc cãi nhau. Nhắc đến catfight, ta có thể liên tưởng đến cảnh họ cào cấu, đấm đá, bứt tóc, thậm chí là xé quần áo của người kia.

Nếu hai người phụ nữ muốn “choảng” nhau nhưng không động tay động chân, thuật ngữ này được chuyển thành psychic catfight (đánh nhau bằng tâm lý). Psychic catfight xảy ra khi 2 cô gái “kèn cựa” nhau thông qua cách diễn đạt, nói chuyện với người thứ ba hoặc lườm nhau khi không bị chú ý.

2. Nguồn gốc của catfight?

Thuật ngữ catfight được nhắc đến lần đầu vào năm 1824 trong một bài thơ của tác giả người Anh Ebenezer Mack. Tuy vậy, tại thời điểm đó catfight được dùng cho một bài thơ theo chủ đề mỉa mai anh hùng (mock heroic).

Đến năm 1854 tại Mỹ, catfight mới lần đầu tiên được dùng để mô tả sự giao tranh giữa những người phụ nữ. Trong một cuốn sách của mình, tác giả Benjamin G. Ferris đã dùng thuật ngữ catfight để mô tả về những người phụ nữ Mormon tranh giành người chồng chung của họ.

Ban đầu, từ “cat” trong catfight mang hàm ý khinh thường, và được dùng cho cả hai giới. Tuy vậy, “cat” sau này thường chỉ được dùng cho phụ nữ. Những người bị gọi là “cat” thường được coi là có lối sống tình dục buông thả, xấu tính, hậu đậu và độc hại.

3. Vì sao catfight phổ biến?

Thuật ngữ catfight bắt đầu phổ biến từ những năm 1940s, khi các phương tiện truyền thông tại Mỹ bắt đầu sử dụng catfight trong văn hóa đại chúng. Các phim ảnh cũng bắt đầu khai thác chủ đề catfight, dẫn đến việc các bộ phim ở thời này thường có cảnh hai người phụ nữ đánh nhau, trong đó có một người tóc vàng và một người tóc nâu.

Ngày nay, phong trào nữ quyền (đặc biệt là phong trào #MeToo) bùng nổ khiến thuật ngữ catfight bị hạn chế sử dụng trên truyền thông, do lo ngại hiểu lầm phân biệt giới tính. Dù vậy, với các trang báo lá cải, catfight vẫn là một trong những chủ đề để “kiếm views” quen thuộc. Ta có thể thấy điều này qua việc truyền thông lá cải “đổ dầu vào lửa”, tạo ra mối thù tưởng tượng giữa hai công nương Anh Kate Middleton và Meghan Markle.

Màn đấu đá giữa hai hot girl bán hàng online Trang Nemo và Trần My những ngày qua cũng là điển hình của một catfight. Không chỉ đấu khẩu trên mạng xã hội, hai cô gái còn hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn. Và dù cuối cùng cả hai không đánh nhau, nhưng chính những “fans” của họ lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngay trên sóng livestream, khiến công an phải đến để vãn hồi trật tự.

Phong trào nữ quyền bùng nổ khiến thuật ngữ catfight bị hạn chế sử dụng trên truyền thông, do lo ngại hiểu lầm phân biệt giới tính. | Nguồn: Reuters.

4. Dùng catfight như thế nào?

Tiếng Anh

A: Hey, look at the girls over there. They are scratching, hair-pulling and shirt-shredding each other.

B: Again, another catfight.

Tiếng Việt

A: Ê, nhìn mấy cô gái ở đằng kia đi. Họ đang cào cấu, bứt tóc và xé áo nhau luôn kìa.

B: Rồi xong, lại thêm một cuộc catfight.