Mẹ nghĩ mình hư sớm vì mình… đi khám phụ khoa
Ở giữa mình và mẹ luôn có 1 bức tường ngăn cách
Từ bé, mình đã luôn đấu khẩu với mẹ. Cuộc nói chuyện của hai mẹ con luôn bắt đầu bằng 1 câu phàn nàn của mẹ, và kết thúc với tiếng đóng cửa rầm của mình. Nhiều lần, mình ghen tị với bạn bè lắm, vì họ được cùng mẹ đi ăn nhà hàng, mua quần áo, những điều mình nghĩ mẹ sẽ chẳng bao giờ chịu làm.
Mẹ luôn cấm mình không được làm thế này, làm thế nọ với lý do: “Đừng để người ngoài nhìn vào nói mẹ không biết dạy con”. Điều này khiến mình phát cáu. Mình luôn nghĩ mọi sự cằn nhằn của mẹ xuất phát từ việc mẹ sợ mất thể diện với đồng nghiệp, họ hàng.
Chưa bao giờ nói được một vấn đề gì trọn vẹn với mẹ, vì khi gặp vấn đề, mình chưa kịp giải thích thì y như rằng, mẹ đã phản ứng gay gắt và cắt ngang câu chuyện. Dần dà, mình hình thành luôn thói quen im lặng, tự giải quyết mỗi khi có vấn đề để tránh những cuộc cãi vã không đáng có với mẹ.
“Giọt nước tràn ly” khi mẹ phát hiện mình đi khám phụ khoa
Đó là vào năm cuối đại học, mình và một vài người bạn sáng lập nên dự án “Cởi, mở để cởi mở” - phần thực hành trong môn học cuối khoá nhằm cung cấp thông tin về giáo dục giới tính cho các bạn trẻ. Mỗi người trong nhóm chúng mình được vận động đi khám phụ khoa để có thêm hiểu biết để hoàn thành tốt dự án.
Ban đầu, mình vẫn nghĩ khám phụ khoa chỉ dành cho phụ nữ mang thai và những người đã quan hệ tình dục. Sau khi nghiên cứu, mình mới biết ai cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe.
Mình đặt lịch khám tại một cơ sở uy tín. Lúc đến nơi, bác sĩ có hỏi cặn kẽ rằng mình đã quan hệ chưa để có phương pháp khám phù hợp. Buổi khám diễn ra khá thuận lợi và suôn sẻ, bác sĩ bảo mình chỉ cần chú ý giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh để viêm nhiễm.
Mình cũng được tư vấn dự phòng vi rút HPV - nguyên nhân dẫn tới hơn 99% ca ung thư cổ tử cung cùng nhiều ung thư sinh dục nguy hiểm [1]. Đó là một buổi khám rất bổ ích với mình.
Nhưng, mọi chuyện không dừng lại ở đó…
Về đến nhà, mình tranh thủ làm một giấc vì có tiết học buổi chiều, nhưng đang ngủ thì mẹ lay mình rất mạnh. Mẹ hét lên: “Con bị gì mà đi khám phụ khoa? Con quan hệ với ai rồi hả? Sao con hư thế con ơi?”
Mình bình tĩnh tường thuật lại những chuyện đã xảy ra, bằng chứng về dự án mà mình đang làm và kết quả của buổi khám. Nhưng mẹ chưa vội tin ngay, mẹ buông những lời giáo huấn về chuyện người lớn, rằng là con gái phải biết giữ mình, đi khám không nói với mẹ thì chắc chắn là mình đang giấu chuyện gì đó.
Lúc này, mình cảm thấy tự ái vô cùng, thế nhưng mẹ vẫn tiếp tục phán xét. Mình vừa khóc vừa hét lên: “Mẹ có bao giờ nghe con nói hết câu không? Mẹ có bao giờ hỏi con đang cảm thấy thế nào không? Con mệt mỏi với mẹ lắm rồi!”
Trong suốt 1 tuần tiếp theo, mình đã tổn thương và giận mẹ vô cùng. Mình ở lì trong phòng và khoá chặt cửa, nếu cần đi ra ngoài thì canh lúc mẹ không có nhà để không chạm mặt mẹ.
Lá thư của mẹ
“Gửi Su của mẹ,
Mấy hôm nay mẹ không ngủ được, vì mẹ rất buồn. Một phần vì mẹ thấy có lỗi vì đã không tin và hiểu lầm con, một phần mẹ buồn vì phản ứng của con lúc đó. Trong mắt mẹ, con là đứa con gái ngoan, hiểu chuyện và luôn nghe lời mẹ. Mẹ yêu con hơn những gì con nghĩ, và luôn mong muốn con gái của mẹ có 1 cuộc sống tốt đẹp nhất. Có lẽ vì vậy mà mẹ hay cằn nhằn, la mắng con, sợ con bị bạn bè, xã hội lôi kéo và trở thành người không tử tế.
Chính vì vậy, lúc thấy con giấu mẹ đi khám phụ khoa dù không cố ý, mẹ đã rất ngạc nhiên và hoảng loạn, mẹ tưởng tượng ra hàng ngàn hình ảnh con ăn chơi, đua đòi và hư hỏng, để rồi mang bệnh trong người. Có lẽ vì vậy mẹ đã phản ứng hơi thái quá.
Và mẹ nghĩ mình nên chủ động làm hoà với con, vì mẹ nhớ con gái của mẹ nhiều lắm. Mẹ luôn mong mình có thể vừa là người mẹ, vừa là người bạn thân để đồng hành cùng con. Sau khi đọc xong lá thư này, con đừng giận mẹ nữa nhé. Tối nay ba đi công tác, hai mẹ con mình ra ngoài kiếm gì đó ngon ngon ăn nha. Mẹ yêu con!
Mẹ của con.”
Mẹ gói cho mình một cuốn sách làm quà cùng bức thư nhỏ trên bàn. Mấy dòng của mẹ làm mình cảm thấy được an ủi như một cái ôm. Bức tường ngăn cách giữa 2 mẹ con đang đổ ngay trước mắt mình.
Nghĩ lại thì mình cũng đã có một phần đáng trách khi phản ứng gay gắt và giận mẹ lâu như vậy. Mình chỉ luôn suy nghĩ làm thế nào để mẹ thấy có lỗi, trong khi mẹ luôn lo lắng cho mình.
Hiện giờ, mối quan hệ giữa hai mẹ con đã tốt lên rất nhiều. Mình nhận ra rằng, khoảng cách giữa 2 thế hệ sẽ mãi vẫn luôn còn đó, nếu chúng ta không mở lòng và thấu hiểu đối phương. Đặc biệt là với những vấn đề sức khỏe tâm sinh lý, cả bố mẹ lẫn con cái đều nên chia sẻ, trao đổi với nhau, để tránh những hiểu lầm không đáng có về sau.
Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình.
HPV là vi rút gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, xét nghiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.
Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại hpv.vn.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục). VN-GSL-00578 12012026
[1] Braaten, K. P., & Laufer, M. R. (2008). Human Papillomavirus (HPV), HPV-Related Disease, and the HPV Vaccine. Reviews in obstetrics & gynecology, 1(1), 2–10.