Mình là Designer và mình từng học 4 năm Công nghệ Sinh học
Mình đã từng rất muốn làm bác sĩ để cứu người.
Ngày hôm đó rời khỏi phòng bệnh của bà để về lại quê được khoảng nửa tiếng, thì mình nghe tin bà ngoại mất. Ngồi trên xe nhìn ra ngoài, thấy mười mấy năm bên bà từ khi còn nhỏ chạy qua như một thước phim. Bất lực, hụt hẫng, đau đớn,... Mình không biết phải diễn tả thế nào cái cảm giác khi đứng ở bên giường bệnh nhìn người thân của mình sắp rời đi, nhưng không biết chính xác là khi nào. Rồi cuối cùng khi thời khắc đó đến thì mình không có mặt.
Mình không nói được lời cuối với ngoại, nhưng lời hứa với ngoại đã đi theo mình suốt những năm sau đó. “Làm gì thì làm cũng phải học hết đại học.”
Nếu kịch bản cuộc đời suôn sẻ thì mình đã thi đậu ngành Y và bây giờ có thể vẫn đang tiếp tục học để được hành nghề. Nhưng cuộc đời làm gì có “giá như”. Mình chỉ biết lúc này đây mình không nuối tiếc điều gì.
Và mình biết ơn lời nhắc nhở của bà.
Dù không được học đúng ngành mình mong muốn theo đuổi từ đầu, nhưng mình tự hào đã hoàn thành được thử thách. Dù công việc UX/UI Design hiện tại có vẻ không liên quan gì với những thứ mình đã học, nhưng nhờ kiên trì đi hết 4 năm đại học mà mình đã thu nhặt được nhiều bài học quan trọng khác.
Sức mạnh của sự chủ động
Trong chương trình Công nghệ Sinh học tụi mình có học phần Tin Sinh học, phải đụng tới xử lý dữ liệu rất nhiều. Mà mình thì lại “dốt” môn này.
Kỳ đó bị điểm trung bình, mình quyết tâm phải “phục thù”, lẻn vào học ké một lớp về Data của các bạn ngành Công nghệ thông tin trong trường.
Rồi không biết từ khi nào “lửa bén rơm”, mình thích luôn bộ môn này. Càng đào sâu, càng say mê. Thậm chí mình còn bán lại cho các bạn cùng khoa các bảng tính tự động để xử lý dữ liệu.
Sau này công việc đầu tiên mình có được trong ngành IT cũng là nhờ kiến thức tự học về môn này. Rồi khi dấn thân vào Data Analytics mình lại dần thấy có đam mê và khả năng trong việc thiết kế nên mới quyết định chọn UX/UI Design là con đường phát triển chính.
Nghe 2 thứ này có vẻ không liên quan đúng không?
Thật ra điểm hay của UX/UI Design là nó không chỉ toàn là vẽ như ấn tượng của nhiều người. Một UX/UI Designer cần có kỹ năng phân tích dữ liệu về hành vi người dùng cùng nhiều thứ liên quan khác để thiết kế ra được sản phẩm phù hợp. Mà phân tích dữ liệu lại là điểm mình tự tin, và cũng là khác biệt của mình so với các bạn UX/UI Designer khác.
Mình có còn giữ mong ước “cứu người” không à? Cũng còn đó, nhưng nó không ám ảnh mình như hồi xưa nữa. Bây giờ với mình, miễn là mang cái tâm và sự chủ động vào trong mọi thứ mình làm, thì chuyện “cứu người” là thứ có thể xảy ra ở bất kỳ công việc nào.
Đừng xem thường chi tiết nhỏ
Làm việc trong phòng thí nghiệm, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học phải “tôn thờ” sự chính xác. Mẫu thử phải đúng đến từng mili mol. Môi trường phải được khử trùng tuyệt đối.
Nếu để lọt vi khuẩn, thì có thể bạn sẽ không thấy gì bất thường trong ngày một ngày hai, nhưng sau vài tuần là sẽ rõ. Bao nhiêu công sức trước đó sẽ đổ sông đổ bể hết vì mẫu thử bị hỏng. Thậm chí nếu xảy ra sơ xuất trong kiểm nghiệm, bạn tự đưa mầm bệnh nào đó vào người là chuyện thường.
Mình từng là đứa duy nhất trong khoá có thể chiết mẫu thử chính xác với xác suất gần như tuyệt đối. Để làm được điều đó chỉ có cách là thực hành thật nhiều. Thậm chí lúc bạn bè “làm biếng”, thì mình “làm nhờ” để có cơ hội thực hành thêm.
Bây giờ khi mình làm thiết kế, sự tỉ mỉ đó cũng được “di truyền” lại. Mình luôn cố gắng đảm bảo sản phẩm mình tạo ra phải gọn gàng và hoàn thiện nhất có thể. Vì mình biết một lỗi sai nhỏ ở bước đầu có thể kéo theo hàng tá vấn đề “khủng long bạo chúa” sau đó.
Quản lý thời gian là quản lý năng lượng
Chương trình đại học hồi đó của tụi mình phải học liên tục từ sáng đến chiều, từ thứ 2 đến thứ 7. Học được khoảng một hai tháng là có bài kiểm tra, đôi khi là 4, 5 môn cùng một lúc. Mà sách thì cuốn nào cuốn nấy dày cộp, nếu cứ để dành tới lúc gần thi mới học thì chỉ có học, học nữa, học mãi, học không thấy ngày tốt nghiệp thôi.
Thành ra mỗi ngày tụi mình lại gom lại thành nhóm, thay phiên giảng lại bài rồi dò bài cho nhau. Học xong cái nào “rào” luôn cái đó.
Giờ đi làm thì tất nhiên không còn phải thi cử nữa, nhưng deadline thì đâu có thiếu. Thế nên mình vẫn áp dụng công thức cũ: chia nhỏ để trị. Không chỉ là chia nhỏ nhiệm vụ, mà còn là biết phân bổ năng lượng nữa. Muốn làm được nhiều thì làm cái nào tập trung xong cái đó.
Tất nhiên mình cũng không phải là cái máy, cứ muốn tập trung là tập trung. Nhưng mình hiểu được sức mạnh của việc quản lý được năng lượng. Có thời mình vừa đi học, vừa đi làm, nhưng cũng nghiêm túc với việc tập gym tới mức muốn trở thành PT. Bây giờ thi thoảng mình cũng làm nhạc thêm với bạn bè cho vui!
Chấp bút từ lời kể của bạn Duy Khôi.