Mở rộng vào Việt Nam trong giai đoạn COVID-19, vì sao nhiều doanh nghiệp có quyết định này?
ShopBack, MUJI, Gojek cùng nhiều thương hiệu nước ngoài đã lựa chọn mở rộng phát triển tại Việt Nam. Nguyên nhân do đâu?
ShopBack, nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu châu Á, đã chính thức khai trương website và ứng dụng di động tại thị trường Việt Nam vào ngày 8/8/2020. Mở ra cơ hội hoàn tiền lên đến 25% cho người dùng khi mua sắm từ 150 thương hiệu, trong đó có những cái tên quen thuộc như Lazada, Watson, Booking.com, Tiki, Juno, Fahasa…
Thay vì hạn chế đầu tư và mở rộng, việc một thương hiệu quyết định phát triển tại thị trường mới trong thời điểm bùng phát COVID-19 là điều khá bất ngờ. Tuy nhiên, ShopBack không phải cái tên duy nhất. Từ đầu năm tới nay, UNIQLO, MUJI hay Gojek là những thương hiệu nổi bật đã có bước đi tương tự tại thị trường Việt Nam.
Lý do gì Việt Nam lại trở thành đích đến màu mỡ để đầu tư trong hiện tại của nhiều doanh nghiệp ngoại quốc?
1. Việt Nam - Điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ đã kiểm soát tốt dịch bệnh
Một báo cáo của HSBC đã nhận định: Khả năng kiểm soát ấn tượng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và nỗ lực đầu tư, cải cách chính sách, tăng giới hạn sở hữu nước ngoài… và cổ phiếu rẻ là những nguyên nhân khiến họ đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam trong giai đoạn này.
Rõ ràng, việc rất nhiều quốc gia còn đang khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh và phải phong tỏa hoạt động của các thành phố, đã gây ra trở ngại đáng kể cho vô số thương hiệu.
MUJI đã phải xin phá sản tại Mỹ và đóng cửa 18 cửa hàng từ giữa tháng 3/2020. Thậm chí việc kinh doanh tại thị trường chính là Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn khi doanh thu giảm mạnh và phải báo lỗ 27,2 triệu USD trong quý II.
Đối với Gojek, tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Đông Nam Á, đặc biệt là thị trường gốc Indonesia đã làm tỉ lệ đặt xe ở đây sụt giảm rõ rệt. Ngoài ra, lệnh phong tỏa cùng sự thay đổi về thói quen ăn uống cũng khiến nhiều tài xế thiếu hụt đơn hàng vận chuyển.
Bên cạnh việc bắt buộc tạm ngừng một vài dịch vụ liên quan đến các hoạt động đông người, Gojek còn phải thường xuyên “tung tiền” để hỗ trợ các đối tác tài xế, khiến tình hình kinh doanh đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.
Việc nhanh chóng khoanh vùng dịch và sớm kết thúc giãn cách xã hội đã biến Việt Nam thành một trong những điểm sáng hiếm hoi, thu hút đầu tư trong hiện tại. Thực tế, vốn FDI (đầu tư nước ngoài) trong 4 tháng đầu năm nay tại Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016 - 2018 (tăng 52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016).
2. Việt Nam - Thị trường năng động và tăng trưởng nhanh chóng
Trong ấn bản cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN + 3 được công bố ngày 6/8/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc mức cao nhất trong số các nền kinh tế thuộc ASEAN + 3. Cụ thể, mức tăng trưởng được dự báo ở mức 3,1% trong năm 2020 và 7% trong năm 2021.
Chỉ mới thâm nhập vào Việt Nam vào cuối năm 2019 với phiên bản thử nghiệm nhưng ShopBack đã thu hút được 800,000 người dùng tới thời điểm hiện tại. Tốc độ tăng trưởng hàng tháng rất ổn định và đã tăng gấp 1.5 lần về doanh số cũng như đơn hàng trong năm nay - Theo chia sẻ của bà Josephine Chow, Trưởng bộ phận Mở rộng thị trường của ShopBack.
GoViet (bây giờ là Gojek) cũng chứng kiến sự tăng trưởng bất ngờ kể từ khi vào Việt Nam vào tháng 8/2018. Cụ thể: “GoViet đã đạt được những thành tựu tăng trưởng theo cấp số nhân, thiết lập một hệ sinh thái đông đảo người dùng và tạo ra tác động xã hội tích cực đáng kể cho các đối tác tài xế và nhà hàng.
Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã đạt mốc 100 triệu đơn hàng – con số này nhanh chóng tăng gấp đôi thành 200 triệu chỉ sau đó sáu tháng” - theo chia sẻ của ông Phùng Tuấn Đức, CEO của Gojek Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 4 nước có tốc độ tăng trưởng về số người giàu có nhanh nhất thế giới với tỉ lệ tăng 12.7% hàng năm, theo báo cáo của Wealth-X. Điều này cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của làn sóng tiêu dùng tại Việt Nam.
3. Người dùng Việt Nam thích nghi tốt với sự thay đổi về công nghệ và xu hướng
Bà Josephine Chow, đồng sáng lập ShopBack, nhận định: “Sự kết hợp giữa tiềm năng của lĩnh vực kỹ thuật số cùng khả năng ứng dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến từ các công ty và người tiêu dùng bản địa đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường đầy thu hút cho nhiều công ty, kể cả ShopBack”.
Bên cạnh đó, không chỉ xác định là thị trường tiêu dùng triển vọng mà ShopBack còn đặt trung tâm R&D (nghiên cứu phát triển) của mình tại Việt Nam vì nhận ra: “Đây là nơi hội tụ một lực lượng lớn tài năng về công nghệ, với các cá nhân có tư duy tiến bộ và tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng về thương mại điện tử” - Ông Jacky Ha, Giám đốc Thương mại của ShopBack Việt Nam tiếp lời.
Kết
Rõ ràng, với những ưu điểm kể trên, không bất ngờ khi Việt Nam trở thành đích đến chắc chắn của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch. Dù vậy, việc thâm nhập vẫn cần xem xét kỹ lưỡng mới đảm bảo được tính hiệu quả.
Lời cuối, xin trích lời của James Vương, Giám đốc điều hành tại quỹ đầu tư tekAngels, về những lưu ý để các doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn đại dịch:
“Hãy đảm bảo rằng sản phẩm của bạn luôn là điều mọi người mong muốn, ngay cả trong thời kỳ suy thoái. Nếu những điều đó không còn phù hợp, nếu các giá trị vốn dĩ không thể đáp ứng xu thế, thay đổi chính là quyết định cần thiết. Trong trường hợp không tìm thấy được bất kỳ điểm phù hợp giữa thị trường và sản phẩm, đó là lúc bạn nên chuyển hướng”.