Năm-hai-mươi-mấy, nhảy việc nghe cũng không tệ lắm!

Nhảy việc là điều hết sức tự nhiên khi mà kiến... cũng nhảy việc!
Minh Anh
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Kiến cũng nhảy việc. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, kiến thường xuyên thay đổi công việc của mình từ chăm sóc, sang dọn dẹp và cuối cùng là kiếm ăn.

Nữ hoàng kiến rõ ràng là chẳng bao giờ can dự vào những việc này. Mọi sự thay đổi đều xuất phát từ những con kiến, một cách tự nhiên khi chúng già đi và cần tìm một công việc phù hợp.

Có thể nói là chuyện nhảy việc là hết sức tự nhiên và bình thường!

Thế hệ Millennial và Gen Z nghĩ gì về nhảy việc?

Thế hệ Millennial và Gen Z thường được đặt cho cái tên “thế hệ nhảy việc". Tuy nhiên nói như thế này có phần hơi oan ức khi mà một vài số liệu đã chỉ ra rằng thật ra thế hệ X nhảy việc còn nhiều hơn!

Khác với những thế hệ trước khi những gì họ cần là một công việc ổn định, Millennial và Genz có nhiều tiêu chí hơn khi chọn công việc: môi trường công ty, cơ hội học tập, triết lý của công việc,...

Khi nói đến mục tiêu sự nghiệp, 41% Gen Z tin rằng việc phát triển bản thân mới là quan trọng nhất. 57% cho rằng không còn được phát triển là lý do học cân nhắc đổi công việc.

Chị Thiên Thanh - CEO của Edelman Việt Nam - đã chia sẻ rằng “Thời chị bắt đầu đi làm, người ta không có khái niệm “lên kế hoạch” cho con đường sự nghiệp.”

Có một sự khác biệt lớn giữa các thế hệ trong cách họ “thiết kế” sự nghiệp của mình. Theo hình mẫu cũ, chúng ta thường thấy bố/mẹ mình gắn bó hơn 15 năm trời thậm chí cả đời ở một công việc, còn hiện tại thì Millennial và Gen Z có khi đi làm 3 năm - 3 công việc!

Có thể thấy đã có một sự chuyển giao trong cái cách mà những thế hệ sau này nhảy việc. Họ không coi đó là một điểm xấu trong hồ sơ mà nó chỉ là một phần trong hành trình học tập và trưởng thành.

Vậy “nhân sự” có còn nghĩ xấu về nhảy việc?

Trước khi đi làm chắc hẳn chúng ta đều nghe đủ lời khuyên về sự nghiệp, điển hình là những câu sau:

“Nhảy việc làm xấu hồ sơ"; “Làm gì thì cũng ráng làm 2 năm rồi hẳn nhảy"; “Nhảy việc rồi sẽ không có ai thuê đâu!”

Tuy nhiên định kiến này đang dần được thay đổi. Một khảo sát gần đây cho thấy 71% nhà tuyển dụng rất vui và hài lòng khi tuyển những người nhảy việc.

Sự thay đổi và phát triển của các ngành nghề của xã hội cũng tạo cơ hội cho những người nhảy việc, đặc biệt là trong ngành truyền thông và quảng cáo. Bản chất công việc của ngành này là sự thay đổi nhanh chóng để phù hợp với xu hướng. Điều này hoá ra lại là lợi thế cho những người nhảy việc, khi họ có kinh nghiệm đa dạng trong các vị trí và dự án.

Có thể thấy, khái niệm “làm một việc cả đời" đã không còn tồn tại. Nhiều nhà tuyển dụng nhận ra rằng, những nhân viên làm việc lâu năm ở công ty dần trở nên buông thả và xao nhãng với công việc của họ hơn so với những nhân viên “mới”.

Nhảy việc thật ra lại tốt cho não bộ

Cột mốc bước sang 20 tuổi là sự bắt đầu cho hàng loạt sự đổi thay: tạm biệt trường học, có công việc đầu tiên, dọn ra ở riêng,... Đây là lúc chúng ta chính thức bước vào vùng trưởng thành cùng với sự khủng hoảng ¼ của cuộc đời. Hàng loạt các vấn đề cần câu trả lời, những quyết định về sự nghiệp cần có được đặt ra.

Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường vì lúc này bộ não vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Phần vỏ não trước trán là vùng não cuối cùng trưởng thành. Đây là khu vực chịu trách nhiệm cho việc lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên và kiểm soát ham muốn.

Điều này tuyệt vời ở chỗ nó phép ta thích ứng với những thay đổi của môi trường mới. Nói tóm lại, những năm 20-mươi-mấy là lúc ta học hỏi và khám phá về bản thân mình và điều đó tốt cho não bộ.

Nhảy việc không đáng sợ!

Sợ hãi tồn tại như một bản năng nguyên thủy, nhưng chính nó lại giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Đôi khi hãy tin vào bản năng của mình để đưa ra những lựa chọn vì tiếng nói của cảm xúc nhiều khi mạnh hơn lý luận và logic phức tạp.

Giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko, người từng là nhà thiết kế đồ họa trước khi đến với thời trang đã nói rằng: “Hãy bắt tay vào làm bất kỳ công việc nào bản thân có khả năng. […] Sau một thời gian va chạm với nghề, va chạm với đời, các bạn sẽ nhận ra đâu là ngành nghề phù hợp với mình. ”

Hãy cân nhắc giữa việc khám phá và tìm thứ phù hợp với bản thân thay vì chọn ở lại một nơi bạn không thuộc về. Chọn nơi mà mỗi ngày bạn cân bằng được giữa việc học và làm. Đó là cách ta tìm ra giá trị của bản thân, cũng như sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Năm-hai-mươi-mấy, bạn đừng sợ nhảy việc. Cứ sống đúng với kỳ vọng của mình thay vì kỳ vọng của người khác. Đừng cố gắng nhét mình vào đôi giày mang không vừa. Vì rõ ràng thời gian thì hữu hạn còn những đôi-giày-công-việc thì vô hạn. Và quan trọng hơn cả, chỉ khi bạn mang một đôi giày thoải mái, bạn mới có thể tiến xa.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục