Ngại kể về bản thân? Câu nói này đã khiến mình thay đổi
Self-advocacy là một hoạt động không dễ dàng với mình. Từ này có thể được hiểu là “sự tự thân vận động”, đứng lên đấu tranh cho mục tiêu hoặc lý tưởng của bản thân. Vì mình chưa nghĩ ra một từ tiếng Việt nào thể hiện trọn vẹn nét nghĩa của self-advocacy nên mình sẽ giữ nguyên cụm từ này trong bài viết.
Thực tế, self-advocacy hiện diện trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Muốn có việc? Tự vác mông đến Job Fair, rải CV, nói cho nhà tuyển dụng về các kỹ năng và thành tựu của mình. Sẽ không ai khác giúp bạn kiếm việc hết (trừ khi bạn rơi vào top 0.1% nhân tài xuất sắc nhất hoặc top 0.1% gia đình bề thế không cần xin việc).
Riêng đối với hoàn cảnh của mình, self-advocacy là phải chủ động nói về những hoài bão mình đang theo đuổi, những dự án mình đang làm, và nếu có, thì nói mình cần người nghe trợ giúp gì? Có thể nói bản chất của self-advocacy là “phải” kể về bản thân nhưng vấn đề của mình, và mình tin rất nhiều bạn khác cũng gặp phải, là chúng ta thấy… ngại.
Khi khiêm tốn trở thành vỏ bọc cho do dự
Self-advocacy trong rất nhiều bối cảnh có thể bị đánh giá là “khoe mẽ”, và lằn ranh giữa sĩ diện với self-advocacy cũng rất mong manh. Mình ngại, và thậm chí là sợ, khi bước trên lằn ranh này, nên nhiều khi, mình chọn thế bị động và không nói về mình (trừ khi có người hỏi).
Việc này có thể cho mình cảm giác an toàn vì “khiêm tốn” luôn là 1 giá trị được mọi xã hội coi trọng. Nhưng nó cũng có thể tước đi rất nhiều cơ hội để đến gần hơn với mục tiêu của mình. Người khiến cho mình nhận thức rõ ràng nhất về vấn đề này là bác Frank - mentor của mình, cố vấn viên truyền thông nổi tiếng cho các chính trị gia ở Mỹ.
Mình gặp bác Frank lần đầu tiên khi tham gia Semester At Sea năm 2019. Bọn mình làm bạn kể từ đó. Mỗi lần mình tới Los Angeles, bác đều sắp xếp những buổi gặp mặt giới thiệu mình với nhiều người thành công trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống để cho mình học hỏi. Và trước khi đi vào nhà hàng hay phòng họp mặt, bác sẽ luôn dặn mình: “Cháu PHẢI kể cho họ về dự án cháu đang làm!”
Mình cũng bền bỉ y như bác nhưng là tìm mọi cách để không phải kể về bản thân. Mình đủ khôn khéo trong giao tiếp để lèo lái chủ đề cuộc nói chuyện hướng về cuộc sống của đối phương, hoặc một chủ đề thời sự nào đó. Còn bác Frank cũng thừa sức để kéo câu chuyện về lại phía mình để cho học trò tỏa sáng. Thầy thì cố chĩa ‘spotlight’ về phía trò. Trò thì chăm chăm trốn ‘spotlight’.
Suy nghĩ lúc đó của mình đơn giản là: “Cuộc đời của người ta thú vị như thế, sự nghiệp của người ta đồ sộ như vậy, mình tới đây để học hỏi chứ kể về dự án bé tin hin của mình làm gì?”
Mình phải nói cho mọi người nghe
Nhưng cũng có đôi lần mình thấy có lỗi với bác, nên mình đã rón rén hỏi trong một chuyến xe dài: “Cháu rất sợ kể lể về bản thân mình. Bác bắt đầu làm quen với việc self-advocacy như thế nào, và có lúc nào bác cảm thấy mình đang nói quá nhiều về bản thân không?”
Câu trả lời của bác Frank đã thay đổi hoàn toàn cách mình nghĩ về “Thể hiện bản thân” (và rất nhiều điều khác trong cuộc sống):
I never view what I do as self-advocacy. I’m always advocating for a cause I believe in that is much bigger than me. Whatever it is that I have to do to advance that cause, I’ll do it.
(Bác chưa bao giờ nhìn những thứ mình làm là ‘thể hiện bản thân’ cả. Bác luôn luôn tin vào và phục vụ 1 lý tưởng lớn hơn mình rất nhiều. Nếu có bất cứ điều gì cần phải làm để tiến gần hơn tới lý tưởng đó, bác sẽ làm hết.)
Theo bác Frank, self-advocacy là một công cụ, và nó cũng giống như bao công cụ khác là khả năng điều phối cuộc nói chuyện, đặt câu hỏi, khai thác câu chuyện của đối phương, lựa chọn nên “nói về mình” hay “nghe thêm từ người ta”.
Không một ai có thể đạt được những mục tiêu lớn, nếu họ chỉ biết sử dụng một loại công cụ, và từ chối học cách sử dụng các công cụ khác. Bởi vì không có một công cụ nào giải quyết mọi vấn đề. Tùy vào từng hoàn cảnh mà bạn phải biết lựa chọn công cụ phù hợp. Và nếu có thêm sự lựa chọn thì cũng tốt đúng không.
Cho nên bác Frank muốn mình phải giỏi hơn trong việc giải thích những gì mình làm với thế giới. Trong chuyến xe từ nhà bác tới Disneyland, mình và bác đã dành ra 30 phút để tập dượt bài thuyết trình của mình về MỞ. Bác Frank nhận xét từng từ một và không cho mình lấy lý do lý trấu để có thể tạm nghỉ.
Nghĩ về những người trả hàng trăm ngàn đô la để được bác cung cấp những lời nhận xét như thế này, từ chính trị gia như David Cameron, George Bush đến CEO của Disney, Apple, CNN, mình thấy biết ơn vô cùng vì bác Frank thực sự quan tâm đến sự phát triển của mình, và làm mọi cách để thúc đẩy mình vượt qua những giới hạn của bản thân.
Buổi tối hôm đó, mình được hỏi về MỞ (một dự án cá nhân của mình) trong bữa ăn gia đình, và mình đã thể hiện tốt hơn cả kịch bản đã chuẩn bị với bác. Vì vậy, không bao giờ nói về bản thân, kể cả khi người khác rất quan tâm, là không nên, bạn đang lãng phí một công cụ trong tay. Nhưng nói quá nhiều về bản thân mình, chiếm lấy không gian và thời gian của người khác, cũng là không nên.
Điều quan trọng không phải là bạn có thích nói về bản thân mình không mà là liệu mục tiêu của bạn có đủ thôi thúc bạn làm cả những việc mà mình không thích không. Nếu lý tưởng (cái Why) đủ lớn sẽ biến thành động lực và bạn sẽ biết làm gì và làm như thế nào (How và What) thôi. Còn nếu không thì đó chưa phải là mục tiêu bạn thật sự muốn.
Đọc bài viết gốc của Akwaaba Tùng tại đây.