Hướng dẫn viên ẩm thực và sứ mệnh truyền bá văn hóa Việt

Hướng dẫn viên ẩm thực là công việc gì? Cùng tìm hiểu qua góc nhìn của anh Tuấn và anh Bình, hai hướng dẫn viên nấu ăn đang làm việc tại GRAIN Cooking Studio.
Vietcetera
Nguồn: GRAIN Cooking Studio

Nguồn: GRAIN Cooking Studio

Khi nhắc đến niềm đam mê ẩm thực, có người chỉ đơn thuần xem đó là mong muốn trải nghiệm những món ngon trên đời, nhưng có người lại muốn sống với đam mê ấy như một công việc thường ngày. Lúc này, câu hỏi được đặt ra là, niềm đam mê với ẩm thực ấy mang đến cho bạn những cơ hội nghề nghiệp nào?

Câu trả lời đầu tiên, và có lẽ là duy nhất, đó là đầu bếp, bởi thực tế nghề nghiệp liên quan đến ẩm thực ở Việt Nam hiện tại còn khá hạn hẹp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vẫn còn một hướng đi khác cũng thú vị chằng kém, đó là nghề hướng dẫn nấu ăn.

Nối tiếp chuỗi bài viết ‘Nghề lạ’, tìm kiếm những chia sẻ của người trong cuộc về các ngành nghề còn khá non trẻ tại Việt Nam, Vietcetera đã tìm đến anh Tuấn và anh Bình, hai hướng dẫn viên nấu ăn đang làm việc tại GRAIN Cooking Studio để tìm hiểu về tính chất công việc và những điểm thú vị của nghề này.

Tại GRAIN, những khóa học nấu ăn không đơn thuần chỉ xoay quanh công thức. Anh Tuấn và anh Bình sẽ cùng các học viên chọn lựa nguyên liệu và chia sẻ cho họ những kiến thức bổ ích đằng sau các công thức nấu ăn. “Để cuối cùng, điều mọi người học được không phải là công thức mà kiến thức để họ có thể tự tin tạo nên những món ăn mới cho riêng mình,” anh Bình mở lời bắt đầu buổi trò chuyện.

Hai anh đã đến với nghề hướng dẫn nấu ăn như thế nào?

Tuấn: Sau 4 năm sang Mỹ học cấp 3 và Đại học, tôi quyết định trở về Việt Nam làm việc và trang bị thêm kinh nghiệm. Trong ba năm đầu tiên tôi làm tại Nike, từ vị trí bán hàng, quản lý cửa hàng, đến Ekin (người nắm rõ những thông tin về sản phẩm để làm việc với tất cả bộ phận khác). Nhưng tôi vẫn có một niềm đam mê đặc biệt với nấu ăn và muốn tìm kiếm một tương lai nghề nghiệp vững chắc hơn trong ngành này. Thế là tôi bắt đầu học thêm những khóa nấu ăn, và hiện tại đang phát triển nghề nghiệp của mình tại GRAIN.

Bình: Tôi theo đuổi nghề bếp ngay từ đầu. Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo đầu bếp tại trường Saigontourist, tôi làm tại một nhà hàng phở trong 6 tháng. Tới khi tôi biết về những khóa dạy học nấu ăn tại GRAIN, tôi đã đến đây để ứng tuyển cho vị trí người hướng dẫn và gắn bó với công việc đến thời điểm hiện tại.

Tính chất công việc của người hướng dẫn nấu ăn khác với đầu bếp như thế nào?

Tuấn: Đầu bếp thường chỉ tập trung vào nấu ăn. Môi trường làm việc của họ sẽ gắn với nhà bếp nên không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Và đặc biệt, công việc của họ luôn rất ‘nhiệt’, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (cười). Các đầu bếp luôn phải chịu nhiều áp lực những khi nhà hàng đông khách.

Hướng dẫn nấu ăn thì lại không như thế. Công việc này đòi hỏi nhiều về kỹ năng giao tiếp và một số kỹ năng mềm khác như biết cách quản lý và dẫn dắt đám đông. Dĩ nhiên bạn cũng phải thuần thục những kỹ thuật nấu nướng nữa.

Bình: Đầu bếp không nói nhiều, chỉ hành động thôi. Nhưng nếu là người hướng dẫn thì đòi hỏi bạn phải giao tiếp nhiều để truyền tải những kiến thức ẩm thực của mình đến người học. Nếu bạn không thích đứng trước đám đông thì công việc này không dành cho bạn rồi.

Hãy kể về một ngày làm việc điển hình của hai anh.

Bình: Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc đi chợ. Tôi đến để gặp những du khách đã đăng ký buổi học nấu ăn và giới thiệu đến họ những nét độc đáo của chợ truyền thống Việt Nam. Sau đó, chúng tôi trở về studio và bắt đầu buổi học chế biến những món ăn Việt. Ngoài giờ học, tôi sẽ tập trung tìm công thức mới cho những món ăn truyền thống để làm đa dạng nội dung các khóa học.

Tuấn: Không những thế chúng tôi còn liên tục cập nhật kiến thức ẩm thực mới, trau dồi kiến thức từ những nền ẩm thực khác để dễ dàng so sánh và giải thích điểm khác biệt của món ăn Việt Nam cho học viên.

Để ngày một giỏi hơn trong lĩnh vực này anh cập nhật những gì? Ai là người dẫn dắt anh trong những buổi đầu?

Tuấn: Luôn trao dồi và rèn luyện kỹ thuật nấu nướng của bản thân là điều tất yếu. Bên cạnh đó, tôi không ngừng nâng cao kỹ năng giao tiếp để tạo bầu không khí thoải mái và mang đến trải nghiệm khó quên cho buổi học. Thường thì tôi sẽ luyện tập trước gương hoặc máy quay để tự quan sát chính mình.

Bình: Những ngày đầu hướng dẫn nấu ăn tại GRAIN, Luke Nguyễn chính là người chỉ tôi cách giao tiếp, hướng dẫn mọi người nấu ăn và cách giữ được bình tĩnh để nói chậm rãi, rõ ràng trước đám đông. Phải mất đến hơn một tháng luyện tập tôi mới có thể thuần thục những kỹ năng này.

Điều thú vị nhất của nghề này là gì? Đâu là nguồn động lực thúc đẩy anh trao dồi và cải thiện bản thân trong nghề?

Bình: Nguồn động lực của tôi là những học viên. Họ thường biết rất ít về ẩm thực Việt, nhưng sau mỗi buổi học họ đều chia sẻ rằng đó là khoảng thời gian tuyệt vời và họ đã học được rất nhiều thứ. Nghe những lời khen như vậy ai mà chẳng muốn trở nên giỏi lên chứ. (cười)

Tuấn: Hơn nữa, những người tham gia khóa học không chỉ là khách du lịch đơn thuần, mà họ còn là những người mong muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Đôi khi một trong số đó còn là những đầu bếp, đến đây để khám phá ẩm thực Việt. Tôi thấy mình như một đại sứ văn hóa vậy, nên phải biết nhiều hơn để có thể chia sẻ nhiều hơn.

Tôi từng có một trải nghiệm khó quên khi hướng dẫn cho một lớp toàn là trẻ em. Lúc mới vào các em không biết gì về bếp núc cả, nhưng sau đó cả lớp đều nói rằng: “Em chưa bao giờ nghĩ nấu ăn lại vui đến vậy!” Vài em còn định sau này sẽ trở thành đầu bếp. Vì thế tôi luôn tự nhủ bản thân phải tốt lên từng ngày vì biết đâu chừng mình sẽ là nguồn cảm hứng của một ai đó.

Thử thách lớn nhất của nghề hướng dẫn nấu ăn là gì?

Tuấn: Bạn phải luôn giữ thái độ tích cực và tinh thần vui vẻ, vì đây cũng là một ngành dịch vụ, phải tiếp xúc với nhiều người. Nhưng cảm xúc lại là thứ bất ổn, sẽ có lúc bạn ốm đau, áp lực, mệt mỏi hay sáng thức dậy đã thấy buồn (cười lớn). Thế nên bạn phải học cách kiểm soát cảm xúc để luôn niềm nở với mọi người.

Là người trong ngành, anh thấy tiềm năng của nghề này trong tương lai như thế nào?

Bình: Nghề này tiềm năng chứ! Vì hiện tại Việt Nam đang là một điểm đến lý tưởng của châu Á, thu hút rất nhiều khách du lịch, mà họ lại rất yêu thích ẩm thực Việt nên nhu cầu của nghề này sẽ rất cao.

Tuấn: Làm trong lĩnh vực này hơn 4 năm, tôi nhận thấy nhu cầu của nghề này ngày một tăng. Ẩm thực Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng bởi sự phong phú về hương vị trong mỗi món ăn, cộng thêm việc du lịch trải nghiệm đang là xu hướng, nên trong vài năm tới, tôi nghĩ sẽ có càng có nhiều người chọn nghề nghiệp này.

Hướng dẫn nấu ăn cho người nước ngoài và những sinh viên quốc tế cũng đồng nghĩa với việc anh đang giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới? Vậy anh sẽ dạy điều gì đầu tiên và vì sao điều đó lại quan trọng đến thế?

Bình: Tôi luôn cho họ nếm và phân biệt nước mắm rồi hướng dẫn họ cách làm nước chấm lẫn cách nêm nếm trước. Vì ẩm thực Việt Nam luôn xoay quanh hương vị. Kể cả với những nguyên liệu đơn sơ nhất nhưng nếu bạn biết cách nêm nếm thì món ăn cũng trở nên tuyệt vời.

Tuấn: Vẫn là nước mắm. Chúng tôi làm chung một nơi mà (cười lớn).

Từng ở Mỹ một thời gian nên tôi biết người phương Tây nhận định ra sao về nước mắm. Đây không phải là loại gia vị họ sẽ thích ngay vì nó có mùi khá khó chịu với họ. Tuy nhiên khi dùng trong nêm nếm, nước mắm sẽ mang lại hương vị đậm đà cho món ăn.

Nước mắm như linh hồn của ẩm thực Việt vậy, dường như chúng có mặt trong mọi món ăn Việt, làm nước chấm hoặc gia vị đều được. Cho nên nhất định phải giới thiệu nước mắm cho những người vừa mới tiếp xúc với ẩm thực Việt, để họ hiểu sự phong phú và đặc biệt trong hương vị của các món ăn Việt được bắt nguồn từ đâu.

Đâu là điều thú vị nhất mà những học viên của bạn (những người ngoại quốc) chia sẻ về ẩm thực Việt?

Tuấn: Rất nhiều người chia sẻ rằng họ cực ghét nước mắm, nhưng sau buổi học họ lại nói sẽ đi mua ngay một chai nước mắm và dùng chúng trong nấu ăn thường xuyên hơn.

Xem thêm:

[Bài viết] Nghề Lạ: Kiquy Phạm cắt nghĩa minh họa thời trang

[Bài viết] Nghề Lạ – Food photographer và food stylist: Học lỏm từ Deto Concept


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục