Nguyễn Minh Vũ và “sự thật siêu tưởng” của nghề Reproduction photography
Nguyễn Minh Vũ là một nhiếp ảnh gia trẻ đang sống và làm việc tại New York, Mỹ. Nhưng không phải “tuýp” nhiếp ảnh gia mà chúng ta vẫn hay biết. Anh ấy không chụp sự nhộn nhịp của phố phường hay sự nên thơ của thiên nhiên, không chụp người mẫu, vận động viên, muông thú hoang dã hay những tĩnh vật thông thường.
Làm việc cho Sotheby's - một trong những nhà đấu giá hàng đầu thế giới, chủ thể trong những bức ảnh của Nguyễn Minh Vũ là những chiếc bình gốm sứ có tuổi đời hàng thế kỷ, những bức họa thời Phục hưng chỉ tồn tại duy nhất một nguyên bản trên thế giới, những chiếc túi xách với mức giá nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Công việc này có tên là Reproduction photography.
Reproduction photography là gì, Vũ có thể giải thích về công việc của bạn được không?
Cái tên tiếng Việt gần nhất tôi nghĩ đến là “nhiếp ảnh tái tạo hiện vật”.
Các loại hình nhiếp ảnh khác, theo tôi, mang tính duy mỹ và chủ quan nhiều hơn. Chúng liên quan tới bố cục, màu sắc, và đặc biệt là cách biểu đạt của nhiếp ảnh gia. Còn đối với Reproduction photography, mục tiêu sau cùng không phải làm đẹp một hiện vật, mà làm vật đó thật nhất có thể.
Để đạt được điều này, tôi phải để tâm nhiều tới chất liệu của hiện vật, sau đó thiết kế và tái tạo ánh sáng sao cho hợp lý nhất, vì mỗi chất liệu phản ứng với ánh sáng một cách khác nhau.
Vũ định nghĩa “thật nhất có thể” như thế nào?
Tôi lấy ví dụ về những chiếc đồng hồ. Đó là thứ chúng ta nhìn thấy nhiều trên ảnh nhưng hiếm khi nghĩ về cách chúng được chụp. Những chiếc đồng hồ được làm bằng kim loại, đặc biệt là titanium hoặc vàng 18K sở hữu độ bóng ngang các tấm gương. Vì vậy chúng sẽ phản chiếu ánh đèn trong set chụp, cũng như hình ảnh của chiếc máy ảnh.
Đó là sự thật của hiện vật, nhưng không phải sự thật mà chúng ta vẫn tưởng tượng khi nghĩ về ảnh chụp đồng hồ. Để khắc phục sự phản chiếu của mặt đồng hồ, tôi phải chụp nhiều ảnh với nhiều độ sáng và vị trí khác nhau, sau đó ghép chúng lại. Bức ảnh cuối cùng là sự tái tạo của một thực tế không tồn tại trong thế giới thật, nhưng là thực tế trong nhận thức của chúng ta.
Điều gì đã đưa Vũ đến với nghề Reproduction photography?
Tôi luôn nghĩ rằng nghề chọn người hơn người chọn nghề. Tôi đam mê với phim ảnh và lựa chọn ngành học để trở thành đạo diễn hình ảnh (director of photography). Nhưng sự thật là để tiếp tục sinh sống và làm việc ở đây thì bản thân cần một công việc ổn định hơn, thứ mà làm phim ở thời điểm hiện tại chưa thể đem lại.
Tình cờ rằng ở thời điểm đó, Sotheby’s đang mở rộng quy mô hoạt động và tìm kiếm các ứng viên. Tôi cảm thấy công việc đó phù hợp, vì tôi vẫn có thể duy trì những kiến thức về quay phim, vẫn làm việc với đèn và máy ảnh. Và thiết thực nhất, công việc này có thể cho tôi sự ổn định về tài chính.
Quá trình thực hiện một buổi chụp hình tái tạo hiện vật thường diễn ra như thế nào?
Thông thường các gallery lớn như Sotheby’s hay Christie’s sẽ có nhiều bộ sưu tập cổ vật khác nhau. Họ sẽ trao cho tôi một catalog những hiện vật cần chụp, cùng với một bản tóm tắt (brief) những yêu cầu về mặt hình ảnh.
Những bản brief này bao gồm các quy chuẩn thẩm mỹ về Reproduction photography đã tồn tại từ nhiều thập kỷ (ví dụ như khi chụp bình gốm sứ Trung Hoa, miệng bình luôn phải nằm ngang và được đặt ở góc 90 độ so với máy ảnh).
Trước khi chụp ảnh là công đoạn styling. Trong túi đồ của tôi luôn có những chiếc nhíp và chổi phủi bụi. Đôi khi tôi sẽ dùng chiếc nhíp để khẽ điều chỉnh sợi dây của một chiếc dây chuyền sao cho tròn trịa nhất có thể. Đôi khi tôi sẽ dùng chiếc chổi để phủi vài hạt bụi khỏi mặt đồng hồ. Bạn có tin là tôi đã từng có những bức ảnh bị từ chối chỉ vì một hạt bụi duy nhất không?
Công việc này yêu cầu những điều gì ở người làm nghề?
Sự cẩn thận và nắn nót. Làm nghề đến thời điểm này, tôi thừa nhận rằng chỉ cần chụp đúng góc, dùng đúng đèn là đã đạt được 80% đến 90% yêu cầu. Phần còn lại là nơi tôi vận dụng sự nắn nót và khả năng nghệ thuật để cạnh tranh với những nhiếp ảnh gia khác. Nắn nót để tìm được độ sáng hoàn hảo nhất, hay tái tạo lại một màu sắc giống với nguyên bản nhất.
Một bức ảnh được chấp nhận hay không phụ thuộc vào những chi tiết rất bé. Thế nên tôi phải quan tâm đến từng li từng tí, như thể đang làm việc qua ống kính của một chiếc kính hiển vi. Có lẽ vì thế nên dù thị lực 20/20, tôi đang phải đeo kính lão.
Trước khi vào nghề, tôi đã quen với việc chiếc máy ảnh hay ống kính của mình là thứ đắt tiền nhất ở set chụp. Suy nghĩ này biến mất hoàn toàn khi tôi bắt đầu được tiếp cận những cổ vật có tuổi đời hàng thế kỷ, và chỉ tồn tại một nguyên bản trên thế giới.
Áp lực của việc không làm hỏng những hiện vật này lớn đến mức thót tim. Vì tôi biết rằng chỉ một chiếc đèn không được treo cẩn thận có thể rơi xuống và phá hỏng mọi thứ. Đành rằng những cổ vật này đều được bảo hiểm, nhưng trách nhiệm của một nhiếp ảnh gia Reproduction photography là ghi chép lại những chứng nhân của lịch sử. Và nếu mình là người phá hủy lịch sử đó thì còn gì tệ hơn.
Trong số những cổ vật Vũ từng chụp hình, món đồ thú vị nhất là gì?
Đây có thể là câu trả lời khiến bạn thất vọng, nhưng sau bao lâu làm việc với những món cổ vật độc đáo tới vậy, tôi nghĩ tôi đã phần nào bị chai sạn. Nghe hơi khoe khoang, tôi biết, nhưng khi được sống trong một thế giới mà mọi món đồ đều đặc biệt, tôi bắt đầu tiếp cận chúng theo góc độ thuần công việc. Tôi coi nó như một sự kháng thuốc để có thể thực hiện công việc một cách tốt nhất.
Nhưng ngay lúc này, trong đầu tôi đang hiện lên một vài sự lựa chọn. Tôi đã từng có cơ hội được chụp ảnh một bản sao gốc của Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ, một trong những ấn bản đầu tiên của tiểu thuyết The Lord of the Rings, hay chiếc túi Himalayan Birkin bằng da cá sấu - một trong những chiếc túi đắt tiền nhất của Hermès. Chiếc túi đó đi kèm bảo vệ riêng, và anh ta nhìn tôi chằm chằm trong suốt buổi chụp hình.
Vũ đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức để phát triển nghề Reproduction photography tại Việt Nam trong tương lai?
Tôi nghĩ ở Việt Nam nhu cầu cho Reproduction photography đang bắt đầu tăng dần khi thị trường mỹ thuật ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Tôi đã được thấy rất nhiều dự án và sản phẩm ấn tượng từ giới nghệ sĩ trẻ, và tôi nghĩ khi mọi người bắt đầu nghĩ đến việc bán những artwork của mình, nhu cầu cho Reproduction photography sẽ sinh ra nhanh.
Tôi nghĩ thách thức duy nhất của Việt Nam là chúng ta không có sẵn một nền móng cho ngành Reproduction photography nói riêng. Đặc thù của Reproduction photography là lợi thế cạnh tranh về kỹ thuật và tay nghề cá nhân. Khi chưa tồn tại một môi trường để nuôi dưỡng những kỹ thuật này, sự cạnh tranh đó chưa thể tồn tại.
Nếu một độc giả trẻ tuổi muốn theo đuổi nghề Reproduction photography giống bạn, Vũ sẽ đưa ra lời khuyên gì?
Tôi không biết bản thân có đủ sâu sắc để đưa ra lời khuyên cho ai không. Nhưng cá nhân tôi cảm thấy để thực sự hiểu về Reproduction photography nói riêng và nhiếp ảnh nói chung, ta cần đi tìm những bài học từ quá khứ.
Ví dụ như chụp ảnh phim. Đành rằng tôi tác nghiệp với những chiếc máy hiện đại, nhưng tôi cảm thấy mọi người nên bắt đầu với ảnh phim. Những giới hạn của ảnh phim có thể giúp chúng ta loại bỏ hoàn toàn sự trợ giúp của công nghệ và trau dồi tay nghề, trở nên tỉ mỉ và nắn nót hơn với từng bức ảnh.
Khi mới bắt đầu học nhiếp ảnh, tôi từng rất choáng ngợp với Photoshop vì có quá nhiều tính năng. Nhưng sau khi được hướng dẫn cách rửa và chỉnh ảnh trong một phòng tối thực thụ và áp dụng lý thuyết đó vào khâu kỹ thuật số, thì nó lại trở thành một thứ rất hữu ích.
Tôi nghĩ rằng khi mình nên tận dụng tối đa sự tối thiểu, thì sự tối thiểu của bản thân mình sẽ càng được nâng lên.