Nguyễn Thị Thiên Thanh - CEO Edelman Việt Nam: Hãy lấy con người làm kim chỉ nam
A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.
Nhạc nghe cùng: The Lake Isle (on repeat)
Bước vào phòng làm việc của chị Thiên Thanh, những điều đầu tiên làm tôi ấn tượng là ánh nắng, mùi thơm thoang thoảng và góc trưng bày nghệ thuật be bé đối diện bàn làm việc của chị.
Chị Thiên Thanh, CEO của Edelman Việt Nam là một người phụ nữ vừa dịu dàng lại vừa quyết liệt, với những đường nét cuộc đời đã ghi dấu trên khuôn mặt phúc hậu. Trong văn phòng đầy nắng, hoa và tranh ảnh của mình, chị cười rất nhiều.
Theo truyền thông - quảng cáo từ những ngày đầu ngành này du nhập vào Việt Nam, chị là account manager đầu tiên của ngành, được gửi đi đào tạo trong những khóa học quốc tế về chuyên môn truyền thông, và chứng kiến những biến động lớn của ngành kể từ thuở “khai thiên lập địa”.
Sau 26 năm chinh chiến trong một ngành đầy sáng tạo và sức ép, bước đi của chị vẫn mạnh mẽ; giọng nói của chị vẫn trong, vang, tràn tự tin và năng lượng tích cực. Chị đọc nhiều nghiên cứu xã hội - thị trường và khi nói chuyện, chị cũng thường tự phản biện quan điểm của mình.
Khi được hỏi vì sao, chị nói với tôi rằng: “Chị tin rằng mình rất thông minh, lời nói có vẻ rất thuyết phục, nhưng nói chuyện với chị, hãy nhớ mở lòng và biết rằng chị không biết đủ.”
Những cột mốc nào đã thay đổi ngành truyền thông quảng cáo tại Việt Nam? Chị cảm thấy thế nào khi trải qua chúng?
Theo ngành quảng cáo từ những ngày đầu tiên, chị nhận thấy có 3 cột mốc.
Giai đoạn đầu của quảng cáo là “adaptation” (nôm na là “chuyển ngữ”). Trong giai đoạn này, ngành quảng cáo tại Việt Nam không tự tạo ra gì cả, chỉ “chuyển ngữ” các sản phẩm TVC, quảng cáo in (print ad) của thế giới sao cho phù hợp với thị trường Việt Nam.
Dù không sáng tạo nhiều, giai đoạn này cũng có cái hay, vì đây là lúc lớp người đầu tiên trong ngành có cơ hội học hỏi từ thế giới. Giai đoạn này kéo dài khoảng 5 năm.
Giai đoạn thứ hai là “original creativity” - sự sáng tạo nguyên bản. Nghĩa là khi các tập đoàn, doanh nghiệp ở Việt Nam bắt đầu có kinh phí cho những dự án quảng cáo của riêng họ. Từ đây ngành quảng cáo được mở rộng và chuyên môn hóa từng ban bệ để phục vụ cho quy trình tạo ra một sản phẩm quảng cáo chuyên nghiệp với nguồn ngân sách rất lớn.
Chị đã từng làm việc với những ngân sách 1 triệu USD cho một TVC hay 500.000 USD cho 1 quảng cáo báo in. Có khi chỉ một buổi photoshoot thôi nhưng gửi báo giá 150.000 USD, khách hàng ký luôn. Vì buổi photoshoot đó cần cả 1 đội, đi lên núi hoặc xuống biển, và còn mời nhiếp ảnh gia từ Ý về để có được tấm hình mình muốn.
Dân trong ngành thường gọi đây là thời hoàng kim của ngành quảng cáo.
Giai đoạn thứ ba là thời digital - số hóa. Digital cùng với những lợi thế của nó đã thách thức lối tư duy cũ của những người từng một thời ngồi trên đống ngân sách khổng lồ, khiến mọi người phải chật vật thích nghi. Tới bây giờ quá trình thích nghi đó vẫn đang tiếp diễn. Digital cũng đem tới một thứ vừa là áp lực, vừa là động lực giúp ngành quảng cáo tốt lên là data.
Được biết ba chị là một nhà thơ và chị cũng rất thích nghệ thuật, thơ ca. Có phải chị đến với ngành quảng cáo vì sự sáng tạo của nó?
Thật ra chị không có chủ đích gì khi đến với ngành quảng cáo cả. Thời chị bắt đầu đi làm, người ta không có khái niệm “lên kế hoạch” cho con đường sự nghiệp.
Ba chị, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn được nhiều người nhận định là “không phải cuộc đời”, không có chút khái niệm gì về tiền bạc và nghề nghiệp. Và chị đã lớn lên trong một môi trường đầy tự do, nơi gần như không có khái niệm “đừng”, ai muốn làm gì cứ việc làm, miễn là động cơ không đi ra từ sự ích kỷ, và kết quả đừng phương hại tới người khác.
Thế nên trong quá trình đưa ra quyết định, chị cũng luôn suy xét về sự ích kỷ (vì đôi khi mình không thấy được sự ích kỷ của mình).
Khi quyết định một điều gì đó thì thường sẽ có hai kiểu động cơ: một là động cơ cực kỳ rõ ràng, hai là những động cơ xuất phát từ sự ích kỷ được ẩn giấu trong quá trình quyết định, rất khó nhìn thấy rõ.
Chị có lời khuyên nào cho những bạn trẻ sẽ và đang lãnh đạo?
Hãy luôn đặt yếu tố con người lên đầu.
Điều này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng thật ra có nhiều người ra rả câu này nhưng họ không làm, chỉ nói cho “văn hoa bay bướm” thôi. Thay vì chỉ nói lời đầu môi, hãy luôn giữ thông điệp này làm kim chỉ nam trong lãnh đạo. Lý do đơn giản là vì chị tin rằng không ai có thể làm được việc gì một mình cả.
Với vị trí lãnh đạo, để đưa ra được quyết định cần có sự đóng góp ý kiến của rất nhiều người. Chính sự đa dạng trong quan điểm là thứ giúp người lãnh đạo không bị vướng vào những góc nhìn phiến diện, từ đó dẫn đến những quyết định hợp tình, hợp lý hơn.
Và khi có những quyết định đặt con người lên đầu tiên, chị sẽ không có gì phải hối hận. Nói như vậy không có nghĩa là chị không quyết định sai. Chị quyết định sai THƯỜNG XUYÊN (cười). Nhưng chị hiểu mình sẽ luôn mắc sai lầm, miễn sao mình phân tích, học tập từ sai lầm cho thấu đáo để lần sau không mắc phải nữa là được.
Chị thấy phong cách lãnh đạo của sếp nam thì khác gì sếp nữ?
Đối với chị, không có khái niệm sếp nam hay sếp nữ, chỉ có sếp giỏi và sếp dở. Nhưng nếu “bắt” chị phải đưa quan điểm, thì có lẽ phái nữ luôn có một sự nhạy cảm nhất định trong công việc.
Điều này tốt hay xấu thì cũng tùy vào ý kiến từng người, nhưng với chị, đây là một điều tốt. Sự nhạy cảm của phụ nữ giúp họ suy xét được tầm ảnh hưởng trong quyết định của mình với cảm xúc của người khác. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi phong cách lãnh đạo của phần lớn đang dần trở nên quá máy móc, thì sự nhạy cảm này lại là một điểm sáng.
Một lời khuyên đến những nhân viên có sếp là nữ: nếu các bạn đang cảm thấy một khoảng cách giữa mình và sếp, hãy tìm hiểu tính cách của sếp mình và tiếp cận họ một cách chân thành, nhưng có chiến lược.
Nếu phải nêu ra một nhược điểm của sếp nữ, thì đó là họ có thể nói rất nhiều. Nếu các bạn cảm thấy ý kiến của mình bị lấn lướt, hoặc chưa được lắng nghe: đừng bỏ cuộc. Hãy kiên trì “thúc” sếp với những ý kiến trái chiều của mình. Vì nếu sếp của các bạn là một người giỏi, mỗi lần bạn “thúc” như vậy, họ sẽ luôn có sự suy xét, tự đánh giá, dù ngay lúc đó họ có thể bác bỏ hoặc khó chịu.
Thế nhưng bạn cũng phải hiểu tính cách của sếp mình để “thúc” sao cho khôn ngoan nhé!
Có tư duy nào về phụ nữ, hay của phụ nữ mà chị muốn thấy sự thay đổi?
Chị có thể sai, nhưng chị không thích cách người ta nhìn nhận về sự hi sinh của phụ nữ. “Sự hi sinh” nghe thì có thể đầy văn hóa, truyền thống. Nhưng xã hội đã đi đến một mức mà sự hi sinh bị hiểu sai.
Bạn đừng nên làm gì vì nghĩ là mình đang hi sinh, không ai cần sự hi sinh của bạn cả. Nếu một người cứ mãi hi sinh và mang tâm thế của một “nạn nhân” như vậy thì tất cả mọi người xung quanh đều phải chịu đựng. Hãy xóa hoàn toàn tư duy “hi sinh”, mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Không hẳn là sự hi sinh, nhưng hãy nói về sự từ bỏ, thỏa hiệp. Chị sẽ luôn tự đặt câu hỏi gì cho mình khi đưa ra một lựa chọn?
Khi đưa ra một quyết định, người ta thường kẹt ở câu hỏi “Mình sẽ được gì?”, vì thấy những thứ mình “được” thì dễ, nhưng thấy thứ mình mất thì khó hơn. Đó là lý do chị luôn bắt đầu quá trình quyết định với những câu hỏi: “Mình sẽ mất gì? Những người xung quanh mất gì? Công ty mất gì?”
Nhận xét của chị về những lãnh đạo nữ chị từng làm việc cùng? Theo chị, vì sao ngành truyền thông - quảng cáo có nhiều lãnh đạo nữ?
Chị thấy nữ giới Việt Nam có rất nhiều người thông minh và đầy khả năng, và đặc biệt nhiều trong ngành truyền thông quảng cáo.
Theo nhận định chủ quan của chị, truyền thông - quảng cáo đâu đó là một ngành dịch vụ. Có nhiều thứ khá nhạy cảm và phức tạp về ngành này, nhưng nói một cách ngắn gọn thì mình đang “bán” những thứ nhiều cảm tính, chứ không bán những thứ “1+1=2”, vì thế mỗi người lại nghĩ một kiểu. Thêm vào đó, sản phẩm cuối của ngành lại đòi hỏi nhiều tiểu tiết và công sức trong việc kết hợp nhiều người từ các chuyên môn khác nhau, với cách tư duy khác nhau.
Suy xét hai đặc thù này của ngành sẽ thấy được lý do mà phụ nữ có nhiều lợi thế. Vì cách truyền tải thông điệp của phái nữ có một sự duyên dáng và thuyết phục nhất định.
Có lẽ đó là một điểm sáng của ngành quảng cáo, nhưng điều đó không có nghĩa là phái nam không tỏa sáng được nhé.
Chị có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ, đối mặt với nhiều sự bất an và bấp bênh về bản thân và tương lai?
Hãy trang bị cho mình sự chân thành và kỹ năng thất bại. Và hai điều này có liên quan mật thiết tới nhau.
Chị nhận thấy có một lỗ hổng rất lớn của thế hệ nuôi dạy: họ chuẩn bị cho con mình để thành công, nhưng không chuẩn bị cho chúng thất bại. Họ luôn thúc đẩy thế hệ mới phải thành đạt, phải làm tốt, phải thắng. Điều này khiến người trẻ không chấp nhận được những vấp ngã và phải che giấu nhiều thứ về mình. Khi thiếu sự chân thành, họ dễ diễn giải sự việc một cách méo mó. Đây là gốc rễ của sự bất an và bấp bênh.
Vì vậy, để chuẩn bị cho sự thất bại, người trẻ hãy trang bị cho mình sự chân thành - chân thành với quyết định, cảm xúc của mình, chân thành với kỳ vọng về bản thân và những người xung quanh. Khi đó, các bạn mới thấy thoải mái với chính mình.