Nhiệt tình mà chẳng được lòng người? 5 Lỗi giao tiếp gây mất điểm

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu đồng nghiệp có vẻ “lấn cấn” khi bạn tò te bắt chuyện thì đây là 5 nguyên nhân bạn có thể tự hỏi mình trước khi hỏi người.
Trân Trân
Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera.

Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera.

Giờ nghỉ trưa đã điểm!

Bạn thấy đồng nghiệp bắt đầu ăn uống rôm rả, nhưng hễ bạn nhập cuộc tán gẫu được 1-2 câu mọi người lại… tắt đài không muốn nói tiếp. Dường như, mọi người luôn từ chối khéo hoặc né tránh bạn trong các cuộc chuyện phiếm nơi công sở dù vẫn xởi lởi với người khác.

Tại sao đồng nghiệp nào cũng “lấn cấn” khi trò chuyện cùng mình? Những lúc thế này, liệu vấn đề đến từ mình hay từ họ?

Ông bà ta có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đây là lúc bạn cần rà soát lại chính mình xem “liệu cách mình giao tiếp có gì sai?”. Có thể trong một lúc nào đó, bạn đã vô tình gây ấn tượng không tốt cho đồng nghiệp khiến họ cụt hứng và muốn rút lui ngay khi bạn mở lời.

Cùng điểm qua 5 biểu hiện giao tiếp kém khiến bạn vô tình đẩy đồng nghiệp ra xa khỏi mình nhé.

1. Chỉ kể về bản thân trong mọi cuộc trò chuyện

Cả team đang bàn về một dự án khó nhằn với khách hàng khó tính, bạn vô tình nhớ lại dự án cũ ở công ty cũ mình và nhảy vào “Hồi ở công ty X em cũng bị y chang, nhưng em biết cách xử lý nhanh gọn lắm, vì em được học…” vân vân và mây mây.

Bạn kể về bản thân vì muốn tìm kiếm sự đồng cảm, nhưng người khác chỉ thấy bạn kém duyên vì những gì bạn nói ra họ không hiểu và cũng không thực sự quan tâm.

Cũng như bạn an ủi một người thất tình “Ngày ấy tao còn đau khổ gấp 10 lần mày”, những gì áp dụng được với chúng ta chưa chắc đã đúng với người khác. Đôi lúc bạn sa đà vào những câu chuyện và cảm giác của bản thân mà vô tình quên mất phản ứng của người đối diện khi tiếp cận những thông tin ấy.

Hãy thử tự hỏi:

  • Liệu người khác có thấy thông tin mình đưa ra có giá trị?
  • Người kia có phiền không khi bị cắt ngang?
  • Chuyện bạn kể ra có gợi câu trả lời không hay chỉ đưa cuộc hội thoại vào ngõ cụt?

Dù là kể về bản thân, hãy chọn lọc thông tin vừa đủ và hữu ích để khiến lời bạn nói ra có giá trị hơn trong mắt người khác.

2. Khiến người khác lúng túng khi trò chuyện cùng bạn

Bạn đã bao giờ thấy 2 cánh tay mình thừa thãi khi giao tiếp?

Một đồng nghiệp tiến lại muốn rủ bạn bàn chuyện phiếm xả stress. Trò chuyện càng lâu, bạn càng bí ý để trả lời và mất kiểm soát với cử động cơ thể chính mình. Các “động tác thừa” bắt đầu xuất hiện như chống cằm, ôm mặt, đẩy kiếng, vuốt tóc...

Tinh tế sẽ nhận ra rằng bạn đang không thoải mái, bị “khớp” và lúng túng vì cuộc trò chuyện diễn ra quá lâu so với giới hạn trung bình của bạn. Xét về khoa học, đây là lúc chứng căng thẳng xã hội (social anxiety) được kích hoạt và nó thể hiện trên mọi cử chỉ vô thức ta làm.

Những động tác thừa cũng vô tình khiến người đối diện cảm thấy không thoải mái vì họ sẽ ngầm cảm giác rằng ta đang thiếu tự tin, không thả lỏng và chỉ đang “cố” để tiếp tục hội thoại. Kết quả là cả 2 không bao giờ trò chuyện được câu nào đủ sâu.

Nếu không biết “điều khiển” 2 cánh tay của mình thế nào khi gặp gỡ, bạn có thể thử:

  • Đút 1 tay vào túi quần để dáng đứng chắc chắn và bình tĩnh.
  • Cầm 1 ly nước hay điện thoại để không bị “cảm giác thừa”.
  • Hít thở đều để tạo độ uyển chuyển thư thái cho toàn bộ cơ thể.
  • Mang thêm túi xách, tote,... tùy mức độ trang trọng của sự kiện có thể giúp bạn có “chỗ đặt tay” tự nhiên hơn.

Trường hợp 2, nếu đã hết ý để nói và muốn rút lui trước khi cuộc trò chuyện trở nên khó xử, bạn có thể:

  • Đưa lý do hợp lý: Nếu bạn đã “lỡ” nghe đồng nghiệp nói được 1 lúc, hãy lịch sự “Xin lỗi nhưng tôi còn deadline cần xử lý gấp, lúc khác mình bàn tiếp nhé”.
  • Hẹn lúc khác: Cũng như lời hứa hẹn bên trên, bạn có thể mạnh dạn đưa ra cái hẹn “khi khác lại bàn” ngay khi đồng nghiệp vừa tiếp cận, hẹn một cách lịch sự để chứng tỏ bạn vẫn hứng thú với những cuộc xã giao như thế ở mức độ vừa đủ.

3. Kiểm tra điện thoại khi người khác đang nói

Nghiên cứu của Deloitte cho thấy trung bình một người Mỹ kiểm tra điện thoại họ 46 lần một ngày. Việt Nam cũng không hề kém cạnh khi cứ 1 trong 5 người Việt sẽ dành ra hẳn 9 tiếng mỗi ngày để online trên smartphone (Theo báo cáo Vietnam Ecommerce 2022).

Hành động “nhìn điện thoại” có thể là lá chắn cho những người bị “socially awkward” (bối rối trong giao tiếp xã hội) giúp ta giả vờ như mình bận rộn để né phải bắt chuyện. Ta cũng vô thức cúi nhìn smartphone khi đã hết hứng với câu chuyện của ai đó.

Đôi khi ta kiểm tra điện thoại không phải cố ý để người kia tổn thương, hay ngầm chê họ nhạt (ví dụ những người bán hàng online hay có thói quen trả lời tin khách ngay lập tức). Nhưng dù cố ý hay không, ta cũng sẽ khiến người kia suy nghĩ.

Vì vậy, thông báo trước cho người đối diện mình cần kiểm tra điện thoại, là một cử chỉ đơn giản nhưng lại văn minh. Nó giúp ta xử lý tình huống để đôi bên đều cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên giao tiếp hiệu quả nhất vẫn đến từ thái độ lắng nghe chân thành. Hãy hạn chế tối đa việc lướt điện thoại để tôn trọng người khác và tôn trọng cả hình ảnh bản thân mình.

4. Chỉ tay vào mặt người khác

Tưởng tượng bạn đang ngồi ăn bàn tròn cùng đồng nghiệp, bất giác một anh chị quay sang chỉ tay vào mặt bạn “Nhỏ này nãy giờ im im vậy chắc biết nhiều lắm. Nói gì đi em?” Lần 1 lần 2 có thể cho qua, nhưng bạn sẽ dần cảm thấy như một trò hề nếu ai cũng thoải mái chỉ tay vào mặt bạn vô tội vạ.

Theo Science Focus, chỉ vào mặt người khác mang hàm ý về sự buộc tội, hoặc xem người khác như một “vật thể” tình nghi nào đó. Người bị chỉ tay vào mặt có thể cảm thấy như bị đặt lên “giàn giáo”, hỏi cung, lặp lại nhiều lần sẽ khiến họ thấy bị xúc phạm hoặc tấn công.

Chỉ tay được xem là hành động thô lỗ ở hầu hết mọi nền văn hóa trên thế giới. Ta có thể bắt gặp một số tình huống sếp chỉ tay vào mặt nhân viên, khách chỉ tay vào phục vụ nhà hàng, ở mọi thời điểm trong ngày.

5. Nghe “cho có”

Bạn đã bao giờ lùng bùng lỗ tai khi nghe ai đó bàn công việc, để rồi phải hỏi lại những câu ngớ ngẩn?

Việc lắng nghe đúng và đủ ở môi trường đi làm quan trọng hơn chúng ta nghĩ, song lại thuộc top những kỹ năng yếu nhất của con người khi đi làm. Harvard Business Review đã thực hiện một cuộc khảo sát ở Đại học Minnesota xem khả năng ghi nhớ thông tin trên 1000 sinh viên, và kết quả cho thấy trung bình con người chỉ đọng lại 1 nửa những gì họ nghe được bất kể họ cố gắng căng tai lắng nghe kỹ đến đâu.

Ta có thể vô thức bật chế độ “nghe cho có” nếu đang trong tình trạng mệt mỏi lại phải tiếp nhận thêm thông tin, những lúc như thế bạn có thể xin người nói dừng lại để ra ngoài hít thở. “Nghe cho có” cũng có thể là thói quen khó bỏ với những kiểu người thích nói hơn nghe. Nếu bạn chỉ nghe người khác để “chờ” được đáp lại, thì đây là dấu hiệu bạn cần điều chỉnh cách giao tiếp của mình.

Vì sao ta nên lắng nghe để thực sự “nghe”?

  • Tôn trọng là tôn chỉ: Lắng nghe để thể hiện bạn tôn trọng đồng nghiệp, giúp bạn gây được ấn tượng và networking tối ưu hơn.
  • “Học” không từ sách vở: Nghe để học các tips từ người đi trước, giúp bạn “nhảy cóc” qua nhiều chương vấp ngã và tự học sau này của cuộc đời. Ví dụ: lắng nghe lời 1 senior chỉ cách phân chia công việc để không rơi vào burn-out.
  • Từ cảm tình đến networking: Việc lắng nghe vừa là cái văn minh lịch sự ở con người, vừa giúp bạn gây được thiện cảm để gìn giữ các mối quan hệ chất lượng xung quanh, phát triển cơ hội cho bản thân trong tương lai.

Kết

Kỹ năng và chuyên môn công việc có thể được rèn luyện, duy chỉ có sự tử tế, văn minh và lối cư xử lịch thiệp là cả một quá trình tu dưỡng không phải ai cũng có. Cân bằng được cả chuyên môn lẫn giao tiếp, bạn sẽ là một ngôi sao triển vọng để nhận được sự tôn trọng và quý mến, được đánh giá cao để sau này làm gì cũng dễ dàng hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục