Những con số nói gì về tình hình F&B Việt mùa COVID-19?
Là một trong những ngành phải điêu đứng trước ảnh hưởng của đại dịch, F&B Việt đã và đang đối mặt với ‘cơn sóng’ này như thế nào?
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến nền kinh tế toàn cầu phải lao đao. Điển hình là tại Mỹ, lần lượt nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đứng trên bờ vực ‘lụn bại’. Tỉ lệ thất nghiệp tại cường quốc này tăng lên đạt mức kỷ lục.
Ở Việt Nam, khung cảnh đại dịch có phần khả quan hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt đang chịu nhiều sự ‘chấn động’ là điều đương nhiên không thể tránh khỏi.
Là một trong những ngành phải điêu đứng trước ảnh hưởng của đại dịch, F&B Việt đã và đang đối mặt với ‘cơn sóng’ này như thế nào?
Khi ‘cách ly xã hội’ đang là ưu tiên hàng đầu
Ngay tại thời điểm dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, lệnh ‘cách ly xã hội’, đóng cửa các hàng quán đương nhiên là quyết định hoàn toàn thiết thực. Nỗ lực triệt để này là giải pháp tốt nhất nhằm chặn đứng dịch bệnh và cho phép đất nước chào đón nhiều chuyến biển tích cực.
Tuy nhiên, ở hiện tại, ngành F&B vẫn đang cố ‘gồng mình’ chống đỡ vì lợi ích chung này.
Tới nay, Việt Nam vẫn chưa có thông tin về ước tính thiệt hại cụ thể của ngành F&B. Nhưng, một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế vào tháng 3 được thực hiện trên hơn 1.200 đơn vị cho biết ngành ăn uống thuộc nhóm chịu tác động tức thì của COVID-19.
Trước khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra mạnh mẽ trong nước cũng như trước khi các công văn và chỉ thị được chính phủ đưa ra, người dân Việt Nam đã tự tiến hành biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
88% người tham gia khảo sát cho biết họ hạn chế lui tới các địa điểm công cộng. Số lượng thực khách tới các hàng quán giảm 30-50%. Thay vào đó, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các mặt hàng tăng cường dinh dưỡng (69%) và thực phẩm chức năng (51%).
Một vài con số biết nói khác gồm:
- Tăng trưởng hai tháng đầu năm của dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ đạt 1.7 %. Trong khi, cùng kỳ năm ngoái, hai dịch vụ này có mức tăng trưởng là trên 10%.
- Trong tháng 2, 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô.
- Trong quý I/2020, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nỗ lực ‘sống chung với lũ’ của các mô hình F&B Việt
Trong giai đoạn chủ trương ‘cách ly xã hội’ đang được áp dụng. Bên cạnh những quyết định tạm nghỉ hay giải thể buộc phải đưa ra, các doanh nghiệp ăn uống còn lại tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì hoạt động bằng nhiều cách xoay chuyển.
Hàng loạt thương hiệu, chủ sở hữu kinh doanh ăn uống đẩy mạnh mô hình giao hàng tận nơi kèm theo các chương trình khuyến mãi và kết hợp cùng các biện pháp đồng bộ: phục vụ tại nhà, chuyển đổi thành mô hình lấy bếp làm trung tâm,…
Bước chuyển đổi được đánh giá là dễ dàng. Thói quen ăn uống của người dân có xu hướng thay đổi nhanh nhằm thích nghi với tình hình mùa dịch. Thậm chí hành vi tiêu dùng này được dự đoán là sẽ trở thành lề thói mới trong giai đoạn hậu COVID-19.
Các trang thương mại điện tử và ứng dụng đặt hàng vốn dĩ đã dần trở nên quen thuộc với người. Nhưng vào đầu tháng 3/2020, những trang mạng mua sắm ghi nhận mức tăng trưởng ít nhất là 20% so với giai đoạn cuối năm 2019.
Mặc dù lượng đơn hàng đặt giao tăng lên, các thương hiệu lẫn các cửa hàng lớn nhỏ vẫn đang chịu nhiều tổn thất. Vì bao nhiêu đó vẫn không thể bù được chi phí mặt bằng cũng như doanh số thiếu hụt khi không có khách đến quán.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, một số đơn vị cho thuê đang xem xét giảm 20-40% chi phí. 60% chủ mặt bằng của The Coffee House đã quyết định hỗ trợ 20-50% giá thuê cho chuỗi quán cà phê này. Cuối tháng 3/2020, Vincom công bố quỹ 13 triệu USD nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp thuê mặt bằng trong trung tâm.
Thêm vào đó, chính phủ còn cung cấp gói 280 nghìn tỷ đồng – bao gồm 30 nghìn tỷ cho miễn giảm thuế phí và 250 nghìn tỷ hỗ trợ tín dụng – để giúp đỡ các doanh nghiệp.
Dự báo một viễn cảnh ‘có hậu’ cho ngành F&B Việt
GDP quý I/2020 tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 (3,8%). Nhưng với hai kịch bản đưa ra, Tổng cục Thống kê dự báo tăng trưởng GDP năm ở mức trên 5% – khả quan hơn so với các quốc gia được dự báo có mức tăng trưởng bằng 0, hoặc âm.
Tương lai dài hạn của F&B Việt Nam được đánh giá là ‘sáng sủa’, với các con số tăng trưởng dương ấn tượng. Với văn hoá ăn uống đặc trưng của người Việt, thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển.
‘Tái tạo’ là điều các doanh nghiệp F&B cần làm ngay từ bây giờ. Thời điểm khó khăn như hiện tại là lúc để các chủ thương hiệu ‘rà soát’ lại chiến lược, cho phép bản thân trở nên ‘dẻo dai’ hơn để luôn sẵn sàng thích nghi với các xu hướng.
Kết
Bản chất F&B là ngành dịch vụ không ngừng biến chuyển. Thay đổi giúp các thương hiệu liên tục bắt kịp thị hiếu cũng như tạo nên những trào lưu trải nghiệm ẩm thực mới. Hiện tại, giao hàng là biện pháp dịch vụ phi mặt bằng ‘hợp thời’.
Nhưng nó đồng thời mang đến cho các chủ doanh nghiệp nhiều thách thức. Buộc họ phải chủ động kiểm soát chặt chẽ thêm các khâu: chất lượng sản phẩm phải phù hợp với điều kiện vận chuyển, bao bì, cung cách phục vụ của nhân viên nhận và giao hàng, thời gian giao hàng cũng như đổi mới các chiến lược truyền thông…
Đồng thời, việc củng cố, lập các khoản phòng bị và xem xét lại các chế độ cũng như lợi tức cho người lao động đang trở thành việc làm cần thiết của các doanh nghiệp sau khi mùa dịch qua đi.
Bài viết được thực hiện bởi Việt Trần.
Xem thêm:
[Bài viết] Tương lai dài hạn của thị trường F&B Việt Nam vẫn sẽ tươi sáng
[Bài viết] Làm sao để sống sót qua COVID-19? Lời khuyên của các nhà đầu tư dành cho giới khởi nghiệp