Những điều tôi học được từ các mùa bích báo

Không chỉ là hoạt động ngoại khóa mỗi dịp 20/11, bích báo còn mang lại cho chúng tôi nhiều bài học quý giá.
Hiền Lê
Nguồn: Infonet

Nguồn: Infonet

Ngày 20/11 từ lâu đã trở thành một truyền thống quan trọng của người Việt. Đây là ngày mà cả nước bày tỏ lòng tri ân với các thầy cô giáo - những người dành cả một đời chèo lái những chuyến đò đưa từng thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

Đối với đám học trò chúng ta, 20/11 còn gắn với một hoạt động đặc biệt khác là làm bích báo - tác phẩm quan trọng nhất trong cả một năm học. Không chỉ là một hoạt động ngoại khóa, bích báo đối với tôi còn mang lại nhiều bài học quý giá.

Bích báo mang lại những bài học đầu tiên về kỹ năng teamwork

Thời 9x chúng tôi đi học, đọc-chép vẫn là cách học chủ yếu trên lớp. Những dự án làm việc theo nhóm thực sự không nhiều. Và bích báo chính là một dự án hiếm hoi mà cả lớp phải hợp sức để hoàn thành.

Dù là sưu tầm, tự viết hay tự vẽ, ai cũng cố gắng trình bày tác phẩm của mình đẹp nhất, chỉn chu nhất có thể. Và chính bản thân tôi, bình thường nổi tiếng viết chữ như “gà bới” cũng cố gắng hoàn thành bài của mình thật nắn nót.

Về mặt tâm lý, có thể việc tôi cố gắng viết đẹp là ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa. Nếu tôi viết nguệch ngoạc, tôi sẽ không bị điểm kém, nhưng chắc chắn bích báo lớp tôi sẽ bị trừ điểm.

Chính điều đó đã khiến tôi hiểu rằng: Trong một nhiệm vụ chung, vai trò của mọi người đều quan trọng, và ai cũng phải hoàn thành nó một cách tốt nhất có thể. Bài học này luôn đúng trong các dự án nhóm ở trường đại học và khi đi làm sau này. Chỉ cần một thành viên làm không tốt, kết quả của cả nhóm sẽ bị ảnh hưởng.

Một cách làm bích báo phổ biến là dán những bài báo nhỏ lên một tờ A0 lớn được trang trí đẹp mắt. Vì vậy, có thể nói trang trí tờ A0 là khâu quan trọng nhất.

Việc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nên một tập thể phải cùng nhau phối hợp mới có thể hoàn thành. Người phác thảo, người tô màu, người viết chữ, người cắt dán họa tiết, người sắp xếp các bài báo nhỏ. Những đứa trẻ thường ngày chỉ đọc, chép và làm bài một mình giờ phải làm quen với việc xác định thế mạnh của bản thân để phân chia công việc cho phù hợp.

Tất cả những bài học trên đều theo tôi suốt nhiều năm về sau. Trong thời kỳ mà hoạt động nhóm trên lớp còn khan hiếm, bích báo thực sự đã mang lại cho lứa chúng tôi những bài học đầu đời về kỹ năng quan trọng này.

Bích báo có những “đặc quyền” sáng tạo mà sau này khó có thể tìm lại

Không quá khi nói rằng, làm bích báo là trải nghiệm sáng tạo quý giá cho lứa tuổi học trò. Nó có những “đặc quyền” mà càng lớn, tôi càng khó tìm lại trong cuộc đời làm sáng tạo của mình.

Bích báo là cơ hội sáng tạo một cách tự do đúng nghĩa. chúng tôi được thoải mái lựa chọn hình thức cho từng bài viết, tông giọng cho từng câu thơ và sắc màu cho từng hình vẽ. Chúng tôi được vừa làm vừa chơi mà không lo bị điểm thấp, được để trí tưởng tượng bay xa mà không phải theo một quy chuẩn nào.

Bích báo là nơi mọi tài năng được “bung lụa”, bao gồm cả làm thơ, thủ công hay vẽ tranh - những sở trường ít có đất dụng võ trong các môn chính khóa. Nó như một lời động viên cho những đứa trẻ không học giỏi những môn “quan trọng”, và rộng ra là những người trưởng thành vẫn đang tìm cho mình chỗ đứng trên đường đời. Chỉ cần bạn kiên trì và tâm huyết, tài năng của bạn chắc chắn sẽ tìm được cơ hội tỏa sáng.

Bích báo là ví dụ điển hình cho tinh thần “vui là chính, giải thưởng là phụ”. Khi tờ bích báo hoàn chỉnh được treo lên gốc cây ở sân trường, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc đến khó tả. Nó giống như một kiệt tác được đóng khung, lồng kính và trưng bày trong viện bảo tàng vậy. Dù bích báo có được giải hay không, chúng tôi đều có quyền tự hào về sản phẩm tâm huyết mà tất cả đã nỗ lực làm ra.

Bích báo tự làm luôn mang một nét đẹp riêng biệt

Ngày nay có nhiều mẫu báo tường được thiết kế và in ấn hiện đại, tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với bích báo vẽ tay. Nhiều nơi còn xuất hiện dịch vụ vẽ thuê báo tường, mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho người vẽ trong mỗi dịp 20/11. Dịch vụ này được các giáo viên lớp nhỏ đặc biệt ưa chuộng khi học sinh tuổi này thường chưa tự trang trí được khung báo lớn. Dẫu vậy đối với tôi, bích báo tự vẽ vẫn có một cái hồn mà bích báo in ấn hay vẽ thuê không có được.

Về góc độ tâm lý, hiệu ứng IKEA giải thích lý do ta luôn ưu ái những sản phẩm chính mình tạo ra. Nhưng về góc độ mỹ thuật, không có cái template hay bộ font sẵn có nào có thể truyền tải tốt ý tưởng như khi tự vẽ, tự viết. Cũng không ai có thể hiểu và dành tình cảm cho các thầy cô giáo như chính học trò của họ. Vì vậy mà nét vẽ, nét chữ của học trò chúng tôi luôn mang lại nét đẹp riêng biệt, không “đụng hàng” cho bích báo lớp mình.

Kết

“Sáng tạo không giới hạn” dường như là điều bất khả thi. Nhưng với đám “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” ngày ấy, sáng tạo là vô biên, đặc biệt qua những mùa bích báo.

Hơn cả một giải thưởng, bích báo mang lại những giá trị lớn lao về tinh thần. Chúng tôi lần đầu hiểu thế nào là tinh thần teamwork, là nỗ lực hết mình cho một tác phẩm, là kiên trì tìm cơ hội thể hiện tài năng của mình. Và quan trọng hơn cả, bích báo lưu giữ những kỷ niệm quý giá về thầy cô, về trường lớp, về một thời học trò vô tư mà cuộc sống người trưởng thành khó có thể tìm lại.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục