Không ôn thi để lấy thành tích, tôi nhận ra 4 bài học bất ngờ từ IELTS
Khi học IELTS không tập trung vào mục đích thi cử, tôi phát hiện ra những điều sau.
Vài năm trước, tôi chọn thi IELTS (Hệ thống khảo thí ngôn ngữ Anh quốc tế) để theo kịp xu hướng chung lúc đó.
Tôi cho rằng sự hãnh diện của kết quả thi cao sẽ xoa dịu nỗi sợ bị bỏ lỡ trong tôi. Tâm lý ấy dẫn tôi rơi vào một trải nghiệm ôn thi cực kỳ chóng vánh và không đọng lại được gì ngoài áp lực.
Sau này vì vài lý do nên tôi có dịp tái ngộ bài thi này. Nhưng với lần thi sau, tôi đã mang tâm thế hoàn toàn khác. Nhờ thế tôi nhận ra: IELTS không chỉ giúp rèn luyện tiếng Anh học thuật, mà còn đem đến nhiều bài học quan trọng hơn thế.
1. Nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nói chung
Bài thi IELTS bao quát bộ tứ kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết mà ai cũng phải trang bị để sử dụng một ngôn ngữ thành thạo. Theo tôi, tiêu chuẩn của IELTS cho từng kỹ năng là khá toàn diện (đề cao tính chính xác, logic và sự phong phú) để nâng cao kỹ năng giao tiếp. Cụ thể:
Tốc độ đọc của tôi được cải thiện đáng kể do đã biết cách tìm ra ý chính nhanh chóng nhờ kết hợp phương pháp đọc lướt và đọc kỹ trong IELTS. Từ chỗ “bơi” trong lượng tài liệu nghiên cứu khổng lồ và không còn thời gian để làm việc khác, giờ đây tôi thậm chí còn có thể đọc thêm sách báo và tin tức khác trong ngày.
Tôi không còn bỏ lỡ hay giảm bớt việc hỏi đi hỏi lại những thông tin quan trọng về số liệu, ngày giờ, địa chỉ khi lắng nghe những trình bày, phổ biến từ đồng nghiệp, cấp trên… nhờ rút kinh nghiệm từ những lỗi sai đáng tiếc khi luyện nghe IELTS.
Tôi khắc phục được lối nói dông dài khi tường thuật một sự việc nhờ kinh nghiệm ôn luyện cho đề thi nói. Cụ thể là tôi đã biết được cách hệ thống nội dung sao cho đầy đủ ý nhưng vẫn ngắn gọn.
Đề xuất ý tưởng của tôi được đồng tình nhiều hơn bởi sự trình bày rõ ràng và logic theo lối nghị luận xã hội. Đặc biệt, tôi còn học được suy nghĩ rằng: mọi ý kiến đều được chấp nhận nếu bạn trình bày chúng thuyết phục với dẫn chứng cụ thể. Và chính điều này đã giúp tôi gạt đi nỗi lo sợ sai và dạn dĩ hơn khi đưa ra ý kiến.
2. Hình thành tư duy phản biện
Tôi lớn lên với kiểu nuôi dạy mẹ hổ (cha mẹ đặt ra yêu cầu khắt khe với con cái) và văn hóa tư duy tập thể của người Việt. Thế nên, tư duy phản biện của tôi trước đây gần như không có.
Bài thi IELTS có lẽ là nét bút đầu tiên trong bức tranh tư duy phản biện của tôi. Tư duy phản biện là sự suy nghĩ sâu sắc hơn, trong đó chúng ta không coi mọi thứ là hiển nhiên. Tất cả thông tin chúng ta tiếp nhận đều phải được đặt câu hỏi, phân tích và đánh giá.
Lối tư duy này rất quan trọng trong công việc vì sẽ giúp chính kiến của bạn có sức nặng. Đồng thời, tư duy phản biện còn tối đa hóa lượng kiến thức học được và bảo vệ bạn khỏi ngụy biện, tin giả.
Ví dụ có lần tôi nhận được lời mời tham gia bán hàng đa cấp của một người quen. Dù người này đưa ra những lời lẽ chào mời rất lai láng, tôi vẫn nghi vấn:
- Nếu không can thiệp nhiều thủ đoạn, liệu kiếm tiền có nhanh và đơn giản như vậy?
- Nếu sản phẩm có chất lượng cao và công ty có lịch sử lâu đời như vậy thì tại sao không bán công khai?
- Việc bán hàng đội giá dựa trên những mối quan hệ cá nhân có phải là hành vi lợi dụng?
- Thu nhập kiểu này có đóng góp giá trị gì cho bản thân, xã hội về lâu dài không?
- Liệu khi có nhiều tiền trong tay rồi, tôi có thực sự hạnh phúc và hài lòng với bản thân mình?
Nếu tham gia, tôi phải đánh đổi quá nhiều giá trị cốt lõi (niềm tin, thời gian, lương tâm) và thậm chí còn tiếp tay cho cạnh tranh không lành mạnh. Dù lúc ấy có đang kẹt tiền, “Không” vẫn là câu trả lời cuối cùng của tôi.
3. Quản lý thời gian công việc hiệu quả
Để theo kịp thời gian thi hạn chế của IELTS, tôi nhận thấy mình phải tập trung làm từng yêu cầu theo thứ tự từ dễ đến khó để não bộ dần quen. Quan trọng nhất là hạn chế xao nhãng tối đa từ các yếu tố bên ngoài.
Ngoài ra, để kết thúc lại buổi ôn căng não, tôi luôn dành ra 5-10 phút nghỉ nhưng không bấm điện thoại. Cách này giúp tôi không bị quá tải dù có dồn toàn bộ sự tập trung để hoàn thành bài thi trước đó.
Các công việc khác trong cuộc sống cũng được tôi giải quyết tương tự. Khi được sếp giao một lượng việc, tôi không lao vào làm ngay. Trước hết tôi sắp xếp thứ tự ưu tiên theo hạn nộp rồi đến độ khó. Cuối cùng là cố gắng hết sức để tập trung hoàn thành từng việc nhỏ.
Cách phân bố thời gian ở trên vô tình lại khá giống phương pháp Pomodoro và tôi thật sự đã nhận ra những thay đổi tích cực lên cuộc sống của mình.
4. Mở rộng kiến thức thường thức
Nếu học IELTS đơn thuần để thi, bạn chỉ cần hoàn thành câu hỏi cuối là kết thúc. Nhưng với tôi, IELTS còn mở ra một thế giới kiến thức thường thức phong phú trên nhiều lĩnh vực nhờ:
Nội dung được trích dẫn làm đề thi thực tế, thú vị. Nếu có hứng thú với đề nào, khi luyện thi xong tôi liền tìm bài gốc trên Google để xem thêm. Các bài đọc và nghe tổng hợp kiến thức từ khắp nơi trên thế giới giúp đa dạng hóa góc nhìn của tôi về cuộc sống hiện hành. Điều này rất hữu ích cho các cuộc thảo luận với bạn bè, đồng nghiệp hay liên hệ áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.
Từ vựng đa dạng, thực tiễn. Nhờ đọc và nghe thêm nhiều tài liệu nên vốn từ vựng Anh - Việt của tôi cũng được mở mang hơn trước. Tôi học được thêm cách dùng từ ngữ linh động cho hợp ngữ cảnh và cảm xúc của người đọc, người nghe. Tôi cũng học hỏi được nhiều điều về văn hóa, xã hội của nhiều dân tộc và quốc gia khác. Điều này giúp tôi dễ dàng hòa nhập trong môi trường đa văn hóa và việc giao tiếp trở nên lôi cuốn hơn.
Kết
Việc ôn luyện để đạt thành tích cao quan trọng, nhưng nền tảng kiến thức giàu có bên trong mới là điều đắt giá nhất. Chúng ta đừng “dục tốc bất đạt”, chỉ chăm chăm vào kết quả trước mắt mà bỏ lỡ những giá trị cốt lõi quan trọng.
IELTS cũng chỉ là một kỳ thi ngôn ngữ học thuật, không phải là thước đo đánh giá tất cả. Vốn dĩ kỳ thi đã căng thẳng, bạn hãy làm cho quá trình này thú vị hơn bằng việc phát triển bản thân song hành với việc ôn thi.
Kể cả không đăng ký thi mà chỉ đơn giản quan tâm đến việc học ngôn ngữ, bạn vẫn nên thử tham khảo cách học IELTS để tự kiểm tra, nâng cao trình độ tiếng Anh của mình.